TIN NAM CALI - Để đánh dấu 30 năm Phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, người Công Giáo Việt Nam sẽ tặng 2 món quà quí là Tượng Đức Mẹ La Vang Bia đá Phúc Thật Tám Mối cho Thánh Địa, quê hương của gia đình thánh gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse.

Theo chương trình của Ban tổ chức “Cùng Mẹ La Vang Hành Hương Đất Thánh” thì vào lúc 9 giờ sáng ngày 18 tháng 10 năm 2018, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam và là Giám mục TGP Huế sẽ làm phép thánh hiến tượng Đức Mẹ La Vang được đặt trên đỉnh đồi thôn Abu Gosh trong khuôn viên nhà thờ Hòm Giao Ước Thánh thuộc Kyriat Yearim, ở Jerusalem, Do thái.

(Đọc thêm về tin: Tiến trình hình thành Bia đá Tám Mối Phúc thật tại núi Beatitudes)

Trong cả hai biến cố trọng đại này, sẽ có các giám mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân thuộc các phái đoàn hành hương từ Việt Nam cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới đến Đất Thánh, quây quần bên vị Chủ chăn Việt Nam, cùng đồng tế, hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và tham dự tiệc mừng với Giáo hội địa phương gồm Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Israel, các linh mục và các nữ tu quản thủ thánh đường Hòm Giao Ước Thánh và Nhà thờ Bát Phúc.

Đây là niềm mơ ước và hãnh diện của người Công Giáo Việt Nam vì từ đây Đức Mẹ La Vang sẽ hiện diện tại "nhà thờ Đức Bà của Hòm Bia Giao Ước Thánh", quê hương của Chúa Giêsu. Sự kiện này rất ý nghĩa vì trong kính cầu chúng ta đọc: "Đức Bà là Hòm Bia Thánh".

Cung hiến Tượng Đức Mẹ La Vang tại Đất Thánh

Tượng Đức Mẹ La Vang và Bàn thờ sẽ được dựng lên xây cất tại khung viên Thánh đường Hòm Giao Ước Thánh ở gần thành thánh Jerusalem. Là người Công Giáo, ai ai cũng biết rằng: 10 Điều Răn tức là 10 lề luật căn bản Thiên Chúa trao ban cho Moisen là giao ước giữa Thiên Chúa trước tiên với dân được tuyển chọn Israel và tiếp đến là cho tất cả mọi người tin vào Chúa Giêsu Kitô như lề luật căn bản cho niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất, cho đời sống luân lý, đạo đức, và xã hội của loài người. Đức Mẹ La Vang từ đây cũng sẽ hiện diện với địa danh quan trọng Hòm Giao Ước Thánh trong Cựu Ước.

Tượng Đức Mẹ La Vang đang được thực hiện tại Việt Nam bằng loại đá cẩm thạch Yên Bái, loại đá cẩm thạch trắng mịn và tốt nhất tại Việt Nam. Tượng mới này cao 1.9 mét gồm cả bệ chân. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã hội ý với Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh để được chỉ dẫn và Cha Thư ký Ủy Ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh cho biết: “Tượng Đức Mẹ La Vang mới đã được chỉnh sửa cho có tính thần học hơn và bộc lộ tinh thần Việt hơn, tuy nhiên không thay đổi kiểu dáng như đang có”. Do đó, Tượng Đức Mẹ La Vang tại Do Thái sẽ theo mẫu mà Hội đồng GMVN đã đề ra những tiêu chuẩn.

Trong tiến trình thi công tạc tượng Đức Mẹ La Vang tại Việt Nam, Đức Cha Hoàng Đức Oanh đã vui lòng giám sát việc tạc tượng và theo dõi các diễn tiến để tượng Mẹ La Vang được hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra.

Cuối tháng 4 năm 2018, cha giáo Nguyễn Công Đoan, SJ., đã đến họp bàn với Sr. Valerie của nhà thờ Ark of Covenant về vị trí tượng Đức Mẹ La Vang đứng: Sr. Valerie đã đồng ý chỗ đặt tượng như chúng tôi đã phác họa trong hình theo dự án – nghĩa là sẽ không dùng block đá mới, mà dùng chính cột trụ bên dưới mặt bàn thờ hiện nay là đầu một cây cột của nhà thờ thời thế kỷ thứ V rất quý – Đức Mẹ La Vang đứng trực tiếp tại bàn đá trên đầu trụ thế kỷ V thật là ý nghĩa, vì nối kết Mẹ La Vang với di tích trực tiếp của nhà thờ Đức Mẹ Hòm Giao Ước cổ xưa. Các thợ xây khi dựng tượng sẽ phải rửa cho trắng đẹp hợp với màu đá của tuợng Mẹ La Vang.

Tại khung viên nhà thờ Hòm Giao Ước Thánh nơi dựng tượng Mẹ La Vang cũng sẽ xây dựng một Bàn Thờ và ghế ngồi cho các đoàn hành hương thăm viếng địa danh này muốn cử hành thánh lễ. Những công tác này hiện đang được Cha Nguyễn Công Đoan, SJ, hiện là giáo sư Học Viện Thánh Kinh Jerusalem thực hiện.

Tấm đá trắng hiện đang sử dụng làm mặt bàn thờ cũng là di tích của ngôi nhà thờ cổ, hiện ở gần chỗ tượng Đức Mẹ đứng nên sẽ di chuyển tới gần tượng Đức Mẹ và nâng cao thêm thành 0m75, dùng làm bàn thờ. Phía trước, chỗ mấy tảng đá dùng làm ghế ngồi, cũng có một khúc cột nhà thờ cũ, sẽ di chuyển tới giữa tượng Đức Mẹ và bàn thờ, dùng làm bàn để chén lễ, rượu, bánh... lúc khác cũng có thể chưng bông.

Ghế ngồi cho chủ tế và đồng tế: sửa đổi mặt tường hai bên tượng Đức Mẹ, nâng cao và đặt đá cẩm thạch của địa phương lên mặt làm ghế ngồi cho chủ tế và các vị đồng tế. Thêm một thanh inox phía sau lưng để bào đảm an toàn. Theo trong hình phác họa nơi đặt tượng Đức Mẹ La Vang là trong công viên Nhà thờ, ngay điểm cao nhất của Nhà thờ ở bờ khe vách núi nhìn về nhà thờ Ark of the Covenant.

Các phiến đá dùng làm chỗ ngồi hiện nay cũng là đá còn lại từ ngôi nhà thờ cổ, nên không di chuyển. Đặt thêm vài hàng ghế đá phía sau cho khách hành hương ngồi. Và chúng ta sẽ mua thêm một số ghế cất trong kho, khi đông người thì nhà Dòng sẽ khuân ra cho khách hành hương ngồi tham dự thánh lễ.

Bia khắc lịch sử Mẹ La Vang Bia khắc tên Ân Nhân sẽ là bờ tường sau lưng Đức Mẹ, 2 bia này có 2 mét bề dài mỗi bên để trống. Đồng tế không ngồi lên đó.

***

Đức Cha Hoàng Đức Oanh mới đây đã đề nghị với chúng tôi là nên xin phép làm thêm Màn hình hướng dẫn hi-tech giống như khi khách du lịch thăm các bảo tàng viện thì có sẵn các màn hình cạnh đó để chỉ cần nhấn nút thì có thể nghe, đọc tiểu sử, và xem các videos bằng các thứ ngôn ngữ khác nhau: về lịch sử Mẹ La Vang, về Giáo hội Việt Nam, và những chi tiết hữu ích khác.

Để thực hiện được Màn hình hướng dẫn thứ nhất phải được phép của Nhà Dòng, sau đó phải tính đến việc thiết kế điện, máy điện toán, màn hình, thảo chương nhu liệu, dữ kiện… và nhất là chi phí tiền điện và internet mỗi tháng. Thêm vào đó còn trả tiền để các Sơ thuê người bảo trì, và ước tính chương trình dài hạn phải có số tiền bảo trì ít nhất cho 10-20 năm… Do vậy nếu đủ ngân quỹ sẽ thực hiện màn hình.

Tuy nhiên nếu làm được màn hình chỉ dẫn thì ta có thể cập nhật những tin tức về Giáo hội Việt Nam, hình ảnh và videos về các biến cố xẩy ra ở Việt Nam để giới thiệu cho những ai muốn tìm hiểu về Giáo hội và con người Việt Nam.

***

Như Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói với chúng tôi ngày 24/10/2017 như sau:

“Đây là một công trình lâu dài, cho nên phải làm thế nào cho vừa ý mọi tầng lớp, cần tham khảo rộng rãi để mọi người có ý kiến, và thậm chí là mọi người có thể đóng góp cách nọ cách kia, để cảm thấy rằng mình cũng có mặt trong biến cố này… Tôi cũng nghĩ rằng nếu như tổ chức được một chuyến hành hương lớn quy tụ được cả những người trong nước và những người Việt Nam ở khắp năm châu có mặt trong ngày này thì thật là tuyệt vời”.

Hiện nay chính chúng tôi những người trong ban tổ chức và các thân hữu đã đóng góp hoặc đã hứa tặng tổng cộng số tiền là $20.000 mỹ kim cho dự án này. Số tiền còn thiếu chúng tôi sẽ kêu gọi toàn thể linh mục tu sĩ và quí vị hảo tâm đóng góp trong một thư kêu gọi kế tiếp. Sẽ có Bảng tên Ân Nhân bằng đá cẩm thạch một đặt tại tượng Mẹ La Vang và một đặt tại Bia Bát Phúc.

***

Vài nét về Nhà thờ Hòm Giao Ước Thánh của Giao Ước bên Thánh Địa

Nhà thờ Đức Bà của Hòm Giao Ước (tiếng Anh gọi là Our Lady of the Ark of the Covenant Church và tiếng Pháp gọi là Notre-Dame-de-l'Arche-d'Alliance) ở Kyriath Yearim, trên đỉnh đồi ở điểm cao nhất của làng Abu Gosh, cao 756 mét so với mực nước biển - được bao quanh bởi rừng cây olives và rừng thông Jerusalem. Đây là nơi đáng kính viếng, phong cảnh đẹp, vườn rộng, nhìn về Jerusalem (cách 15 cây số, cũng là trên đường từ phi trường đến Jerusalem).

(Xin nhấn video dưới đây để xem phong cảnh Kyriat Yearim)

Từ xa có thể thấy Nhà thờ với tượng Mẹ Maria bồng Chúa hài đồng Giêsu trong vòng tay, được dựng trên đỉnh tháp cao. Các bức tường bên trong nhà thờ được sơn màu trắng và trang trí đơn giản, lòng Nhà thờ theo hình chữ thập, không gian tuyệt vời là nơi thường tổ chức các cuộc hòa nhạc quốc tế.

Nhà thờ Đức Bà của Hòm Giao Ước theo truyền thống Kitô giáo là nơi xưa kia Hòm Giao Ước của Thiên Chúa nghỉ tạm từ thời quân Philistines trả lại Hòm Giao Ước cho người Do thái (1 Samuel 6) cho tới khi vua David rước hòm về Jerusalem (2 Samuel 6). Nhà thờ chiếm vị trí của ngôi nhà của Avinadav, nơi Hòm Giao Ước đã hiện diện ở đó 20 năm cho đến khi Vua David mang Hòm này đến Jerusalem.

Có một nhà thờ ở đây trong thời kỳ Byzantine từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5 đã bị phá hủy trong thời gian người Ba Tư chiếm đóng vào năm 614.

Vào năm 1141, gần khu vực có làng Abu Ghosh, các Hiệp Sĩ Thánh Địa (Knights Hospitaller) đã thành lập một nhà thờ khác, cách Nhà thờ Đức Bà Hòm Giao Ước 400 m về phía đông.

Nhà thờ và tu viện Công Giáo hiện tại được xây dựng vào năm 1924 trên nền móng của nhà thờ Byzantine cổ đại có niên đại từ thế kỷ IV. Các nữ tu Dòng St. Joseph of the Apparition xây dựng thánh đường này để tôn vinh Đức Maria. Cũng vậy, bàn thờ và tượng Mẹ La Vang sẽ được dựng lên trên một trục cột đá lớn trong các cột đá và các tảng đá lớn ở một góc công viên thuộc di tích của nhà thờ cổ đại vào thế kỷ thứ IV nêu trên.

Dòng St. Joseph of the Apparition được thành lập tại Pháp, là Dòng Nữ Công Giáo đầu tiên đến Đất Thánh và đã có mặt tại đây gần 200 năm nay. Có 15 Tu viện ở khắp Israel. Các chị em làm việc trong các trường học, vườn nuôi trẻ và phòng khám bệnh trẻ em.

Làng Abu Ghosh

Ngôi làng được xây dựng trong thời đế quốc Ottoman bởi gia đình Abu Gosh, có con cháu chiếm phần lớn dân số địa phương. Thời Trung Cổ, họ kiểm soát tuyến đường hành hương từ Jaffa đến Jerusalem, và áp dụng phí qua đường cho tất cả những người hành hương, cho đến cuối thế kỷ 19. Dân số nơi đây gồm cả người Hồi giáo và Kitô hữu. Abu Ghosh được biết đến với mối quan hệ tốt đẹp với Nhà nước Israel và sự hiếu khách đối với người Do thái.

Vào thời điểm Thập Tự quân, người ta nghĩ rằng Abu Gosh là nơi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với khách lữ hành đi Emmaus trong Tân Ước (Lu-ca 24). Cũng vào thời điểm này, Tu viện Đức Bà của Chúa Phục Sinh của các Cha Dòng Biển Đức đã được xây dựng lên.

Kiryat Ye’arim và Hòm Giao ước:

Địa điểm Nhà thờ Đức Bà của Hòm Giao Ước được dựa trên lịch sử Do Thái. Trong Kinh Thánh, ngôi làng này được gọi là Kiryat Ye'arim (Kiryat Yaarim). Hòm cư trú tại Shilo từ 300 tới 400 năm. Sau đó, Hòm đã quân Philistines chiếm đi trong trận chiến Ebenezer (1 Sam. 5: 1-11). Quân Philistines sau đó đã trả lại Hòm sau khi giữ trong bảy tháng (1 Sam. 5: 7, 8) vì những sự bất hạnh xẩy ra cho họ khi họ giữ lấy Hòm này (1 Sam. 5: 1-6). Người Philistines trả lại Hòm cho dân Beit Shemesh. Người dân Beit Shemesh gửi Hòm đến Kiryat Ye’arim tới nhà Avinadav. (1 Sa-mu-ên 6:21) Hòm Giao Ước vẫn nghỉ ở vị trí này trong khoảng 20 năm hoặc có thể là 50 năm (1 Sam 6; 2 Sam 6).

Vài nét về Hòm Giao Ước:

Hòm Giao Ước, còn được gọi là Hòm Chứng Ngôn (Ark of Testimony), là một chiếc rương bằng gỗ phủ vàng có nắp đậy được mô tả trong Sách Xuất hành có chứa Hai viên đá Mười Điều Răn. Theo nhiều bản văn khác nhau trong Kinh thánh Do Thái, hòm cũng chứa đựng cây gậy của Aaron và một nồi manna. Sách Hebrew 9: 4 mô tả: "Hòm giao ước được bao phủ trên tất cả các mặt bằng vàng, trong đó có chiếc nồi vàng giữ manna, và cây gậy của Aaron đầu nở hoa, và các bảng đá Giao Ước. "

Trong Cựu Ước có đoạn diễn tả rằng khoảng một năm sau khi người Do Thái xuất hành từ Ai Cập, Hòm được tạo ra theo khuôn mẫu mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Mai-Sen khi dân Do Thái đóng trại tại chân núi Sinai. Hòm thiết vàng còn có các đòn dọc được khiêng trên vai các Tư tế Levites, Hòm được khiêng đi cách khoảng 2,000 cubits (khoảng 800 mét) trước đoàn người diễu hành hoặc trước quân đội hay những chiến binh Do thái.

Khi mang theo, Hòm luôn ẩn dưới tấm màn che lớn bằng da và vải màu xanh, luôn luôn được che giấu kín cẩn thận, ngay cả đối với các tư tế và người Lê-vi khiêng hòm. Thiên Chúa cho là đã nói chuyện với ông Mai-Sen "từ giữa hai thiên thần cherubim" trên màn che Hòm Giao Ước.

Khi dừng lại nghỉ ngơi, nhà tạm được dựng lên và Hòm Giao Ước Thánh được đặt dưới tấm màn che phủ, những cột dựng qua các thanh ngang ở giữa để giữ Hòm cao lên khỏi mặt đất.

Các Phái Đoàn Hành Hương sang khánh thành Tượng và Bia bên Do thái:

Hiện đã có các phái đoàn sau đây:

• Phái đoàn do Đức TGM Giuse chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam sang Do thái chủ sự làm phép khánh thành.

• Phái đoàn các Linh mục, Tu sĩ và Nữ tu tại Hoa Kỳ do Đức ông Trịnh Minh Trí và Cha Nguyễn Xuân Hương hướng dẫn.

• Phái đoàn VietCatholic Hoa Kỳ do Cha Lê Quang Hiền, cha Trần Công Nghị và Cha Nguyễn Công Đoan hướng dẫn.

• Phái đoàn VietCatholic Úc châu do Cha Văn Chi hướng dẫn.

• Ngoài ra còn các Phái đoàn khác từ Việt Nam và các quốc gia khác sẽ được loan báo sau.

Lễ Khánh thành Tượng Mẹ La Vang và Kinh Tám Mối Phúc Thật tại Thánh Địa.

Để phối trí và tổ chức Nghi thức làm phép, Thánh Lễ Khánh Thành Tượng Mẹ La Vang và Bia Bát Phúc, tổ chức Tiệc Mừng cho các Phái đoàn đến tham dự biến cố trọng đại vào 2 ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2018 tại Thánh Địa. Chúng tôi thành lập Ban Tổ Chức như sau:

Ban Cố Vấn:

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, CT Hội Đồng GMVN

Đức ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ tịch Liên Đoàn CGVN/HK

Ban Tổ Chức:

LM John Trần Công Nghị

LM Joseph Nguyễn Công Đoan, SJ

LM Paul Chu Văn Chi

LM Gioakim Lê Quang Hiền

LM Peter Nguyễn Xuân Quýnh

LM Giuse Nguyễn Xuân Hương

Sr. Têrêxa Quy

Anh Nguyễn Hóa

Chị Kim Dung

Anh Lưu Huy Phong.

Ghi chú: Những phái đoàn Hành Hương nào đến Do Thái trong dịp này muốn tham dự hai biến cố nêu trên xin vietcatholic@gmail.com cho chúng tôi biết để xếp chỗ và phối trí Tiệc Mừng sau Thánh Lễ.

LM. John Trần Công Nghị

VietCatholic, Mother’s Day 13/5/2018