Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một thông điệp video được phổ biến vào hôm Thứ Năm 03 tháng Năm, năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ý chỉ cầu nguyện của ngài trong tháng Năm là “Sứ vụ của người tín hữu.” Ngài nói rằng “Người tín hữu đứng ở tuyến đầu trong đời sống của Giáo Hội và chúng ta cần lời chứng của họ về chân lý của Tin Mừng và những gương sáng phản ánh đời sống đức tin của họ qua việc thực thi tình liên đới.”
Đức Thánh Cha Phanxicô có thói quen phổ biến một thông điệp video cho biết chi tiết ý chỉ cầu nguyện của ngài vào mỗi tháng.
Sau đây là nguyên văn thông điệp:
Người tín hữu đứng ở tuyến đầu trong đời sống của Giáo Hội.
Chúng ta cần những lời chứng của họ về chân lý của Tin Mừng và những gương sáng phản ánh đức tin của họ qua việc thực thi tình liên đới.
Chúng ta cám ơn những tín hữu đã chấp nhận rủi ro, những người không sợ hãi và những người mang đến niềm hy vọng cho bao người cùng khổ, bị loại trừ và bị thiệt thòi.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện trong tháng này cho người tín hữu trung thành thực thi sứ vụ đặc thù của họ, sứ vụ mà họ đã nhận được trong Bí Tích Rửa Tội, là biết dùng sáng kiến của họ vào việc phục vụ những thách đố của thế giới ngày nay.
Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Thánh Cha về ý chỉ cầu nguyện đã lập ra “The Pope Video” để giúp phổ biến rộng rãi ý chỉ cầu nguyện trong tháng của Đức Thánh Cha liên quan đến những thách đố mà nhân loại đang gặp phải.
2. Hãy cảnh giác trước những tò mò trong thế giới ảo
Trong thánh lễ sáng thứ Hai ngày 30 tháng Tư, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các Kitô hữu hãy cầu nguyện để xin ơn biết phân định giữa sự hiếu kỳ tốt và tính tò mò xấu, và biết mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sự chắc chắn trong cuộc sống.
Trình bày các suy tư liên quan đến bài Phúc Âm trong ngày, Đức Thánh Cha nói rằng những đối đáp giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài là một ví dụ về “một cuộc đối thoại lành mạnh giữa tính hiếu kỳ và sự chắc chắn.”
Khi ấy, Ông Giuđa, không phải Giuđa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
Cuộc sống của chúng ta gồm rất nhiều thứ đáng kinh ngạc, điều quan trọng là biết phân định giữa điều tốt và điều xấu. Ngài nói rằng tính hiếu kỳ hay tìm tòi của trẻ em là lành mạnh, bởi vì khi lớn lên có những điều các em không hiểu và tìm cách giải thích. Điều này giúp phát triển nơi các em tự tin và là một thói quen “hiếu kỳ suy gẫm”, khi các em quan sát, suy nghĩ, và đặt câu hỏi khi không hiểu.”
Mặt khác, Đức Thánh Cha phê bình thói nhiều chuyện như là một thói tò mò xấu thích chĩa mũi, tọc mạch vào đời sống của những người khác rồi sau đó dệt chuyện, nói xấu họ, phơi bày ra những chuyện mà người ta không có quyền được biết. Ngài cảnh báo rằng cái loại tò mò xấu này “bám theo tất cả chúng ta suốt đời và nó là một loại cám dỗ mà chúng ta luôn gặp phải.”
Đức Thánh Cha nói rằng tuy không phải tất cả mọi thứ hiếu kỳ đều đáng sợ nhưng chúng ta phải rất cẩn thận. Có nhiều loại tò mò, chẳng hạn như trong thế giới ảo trên máy tính, trong điện thoại và những phương tiện truyền thông khác…Trẻ em có thể truy cập vào những trang Web vì tò mò và nhìn thấy bao điều xấu xa, bẩn thỉu. Đức Thánh Cha cảnh báo và khuyến khích phụ huynh giúp con em làm sao sống trong thế giới này, để ao ước muốn biết, không trở nên một thứ tò mò mà chung cuộc biến các em thành tù nhân của thói tò mò ấy.
Mặt khác, Đức Thánh Cha cũang nói đến sự hiếu kỳ của các môn đệ như được nêu trong Phúc Âm là lành mạnh bởi vì họ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra và Chúa Giêsu đã cho họ một sự chắc chắn, “không bao giờ lừa dối”, hứa với họ là Chúa Thánh Thần sẽ dạy họ mọi điều và làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa đã nói với họ.
Chính Chúa Thánh Thần sẽ mang lại điều chắc chắn cho cuộc đời của chúng ta, nhưng không phải là một bó những sự chắc chắn. Trong cuộc sống dương thế này, khi chúng ta xin Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta thì Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sự chắn chắn vào ngay thời điểm ấy, câu trả lời vào ngay thời khắc ấy. Chúa Thánh Thần là người đồng hành trên hành trình đức tin của người Kitô hữu.
Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài là “một cuộc đối thoại giữa sự hiếu kỳ của con người và sự chắc chắn của Chúa Thánh Thần vì Chúa Thánh Thần là “bạn đồng hành trong ký ức” để mang lại cho chúng ta “niềm hạnh phúc đích thực”, không lay chuyển.
Vì thế Đức Thánh Cha khuyên các Kitô hữu hãy bước đi trong an vui thực sự với Chúa Thánh Thần, là Đấng giúp chúng ta tránh khỏi sai lầm.
3. Câu chuyện của một cô gái Công Giáo Mỹ bỏ nhà, bỏ đạo theo tà giáo
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong thư thứ hai gởi Timôthêô, thánh Phaolô viết:
“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường”. (2 Tim 4:3-4).
Lời Thánh Kinh này đang được thể hiện trong một cách thế mới lạ và đầy ấn tượng trong thời đại chúng ta. Đài Truyền Hình NBC News cho biết tại Hoa Kỳ và Âu Châu ngày nay có tới hơn 3,000 tà giáo đang hoạt động. Không nói bên trời Tây xa xôi, đó cũng là một hiện thực và là một vấn đề thời sự tại Việt Nam hiện nay. Chúng ta cần phải cảnh giác.
Do đó, trong chương trình này Như Ý xin trình bày với quý vị và anh chị em một phóng sự đặc biệt của chương trình Today Show được phát sóng trên Đài Truyền Hình NBC News tại Hoa Kỳ.
Phóng sự này, do phóng viên Ronan Farrow thực hiện, được thu hình trong 6 tháng, trình bày thảm cảnh của một gia đình Công Giáo. Hai ông bà Charles và Candy Gardner có đứa con gái tên là Rebecca Gardner bỏ nhà, bỏ đạo để đi theo tà giáo. Những đau khổ và mệt mỏi trên hành trình lang thang đi tìm con của hai ông bà và thái độ của Rebecca ra sao khi hai ông bà tìm được cô. Vì đây là một phóng sự truyền hình nên tất cả những nhân vật và tên tuổi được nêu trong phóng sự này đều là những tên thật của những nhân vật thật tại Hoa Kỳ. Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Như Ý.
Phóng viên điều tra của NBC News, Ronan Farrow cho biết:
Các chuyên gia nói rằng có hơn 3,000 nhóm tôn giáo không chính thống trên khắp Hoa Kỳ và Châu Âu bao gồm cả những nhóm một số người cho rằng rất là nguy hiểm. Điều gì xảy ra khi một gia đình nghĩ rằng con gái họ bị lôi kéo vào một tà giáo nguy hiểm.
Vào ngày sinh nhật lần thứ 33 của Rebecca, bố mẹ cô ấy, họ đang gọi điện cho cô ấy nhưng họ biết họ sẽ không được hồi đáp.
“Ba má thương con rất nhiều. Ba má mong con ở nhà với ba má. Ba má nhớ con lắm”
Charles và Candy nói rằng người ta đã hớp hồn con gái mình và không biết tại sao họ lại phải gánh chịu cơn ác mộng này.
Gia đình nói họ không biết tại sao ra đến nông nỗi này vì thời thơ ấu của Rebecca có vẻ như chiếc bánh táo hoàn hảo. Cô ở trong đội tuyển thi toán quốc gia, trong đội kèn danh dự của nhà trường, và cô muốn khi lớn lên để trở thành một giáo viên.
Người em trai của cô nói:
“Tôi rất gần gũi với chị tôi, chị ấy thực sự rất hạnh phúc”
Sau đó khoảng 9 năm trước, một người quen đã mời Rebecca tham gia một nhóm học Kinh Thánh và gia đình nói rằng cô ấy bắt đầu tách biệt với họ.
“Chị ấy không về nhà vào dịp Giáng sinh và cả trong đám cưới của tôi.”
Mọi thứ trở nên rất kỳ lạ. Đột nhiên Rebecca thông báo đã kết hôn với một thành viên khác trong một giáo phái
“Đó là một cuộc hôn nhân bị sắp xếp.”
“Điều gì khiến hai bác nghĩ rằng đó là một cuộc hôn nhân bị sắp xếp?”
“Nó xảy đến thật bất ngờ”
“và người đó đến từ Hàn Quốc. Anh ta nói rất tiếng Anh rất bập bẹ.”
Trong một video ghi lại đám cưới này và gởi về nhà sau đó, Rebecca nói:
“Con là Rebecca đây và chúng con rất vui vì mọi người đã tham gia cùng chúng con hôm nay.”
Hóa ra nhóm này được gọi là Hội Truyền giáo Thế giới của Hội thánh Đức Chúa Trời.
Giáo phái này tin rằng Thiên Chúa đã hóa thân nơi người phụ nữ này hiện đang sống ở Hàn Quốc.
Nhóm này cho biết họ có hai triệu thành viên ở 175 quốc gia với các chi nhánh trên khắp Hoa Kỳ.
Nhóm này được đăng ký tại Mỹ như là một tổ chức từ thiện được miễn thuế. Họ đã thực hiện nhiều dịch vụ cộng đồng nhưng trong vòng hơn 5 tháng qua các báo cáo NBC News thu được từ các phóng viên, các chuyên gia và cựu thành viên đều nói lên một câu chuyện khác. Cả năm thành viên cũ, tất cả đều sử dụng cùng một từ.
“Tôi coi họ là một giáo phái”, cựu thành viên Michele Colon nói
Cô tuyên bố rằng nhóm đang tẩy não mọi người, thuyết phục họ trao hết tiền tiết kiệm cho họ vì thế giới sắp tận thế rối.
“Mọi người phải tách ra khỏi gia đình của họ. Đang học thì bỏ học. Họ đổ hết tiền lương hưu của họ để quyên góp tiền cho giáo phái vì họ nói tại sao bạn cần lương hưu nếu như thế giới này sắp kết thúc?”
“Cô có nghĩ rằng bất cứ ai cũng bị buộc phải làm như thế không?”
“Chắc chắn như thế”
Michelle là một y tá. Cô và chồng bán hết tất cả nhà cửa giao cho nhóm này. Giờ đây Michelle phải ở nhà mướn còn chồng cô đã ly dị với cô để lấy một người phụ nữ Hàn quốc và đưa người đàn bà này sang Mỹ.
Charles và Candy nói họ lo sợ con gái của họ. Họ muốn cô ấy thoát ly khỏi nhóm này như Michelle đã làm. Vì thế, họ lặn lội từ nhà mình ở Michigan sang New Jersey đến một địa chỉ mà Michelle trao cho họ. Đó là một văn phòng ở New Jersey.
Ông bà nói: “Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi chúng tôi giành được con trở lại”
Họ nghĩ rằng công khai những gì họ thấy và phơi bày nhóm này trước các phương tiện truyền thông có thể là cơ hội cuối cùng của họ họ nên họ lén đeo một camera thu hình.
Khi họ tìm được Rebecca, thay vì mừng rỡ cô ta giận dữ hét
“Đừng kể công với tôi. Mấy người lái xe có bao nhiêu đâu mà xa. Trái đất này rất nhỏ so với vũ trụ lớn mà Thiên Chúa tạo ra và Đức Chúa Trời đã ngự đến và ở trong thân xác bây giờ là Mẹ Thiên Thượng”.
“Mẹ Thiên Thượng ở đây. Mẹ nghĩ con xấu hổ khi nói Đức Chúa Trời ngự đến trong thân xác con người à? Không. Mẹ phải biết rằng Chúa Kitô đã đến 2000 năm trước và Ngài đến lần thứ hai vào năm 1918, đó là Chúa Kitô Ahn Sahng-hong”
“Không, không đúng đâu con!”
“Mẹ không tin à? Như thế, chúng ta không thể có quan hệ với nhau.”
“Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng không được. Thế thì từ nay tôi với bà không có một mối quan hệ nào hết. Đó là quyết định của tôi”
“Becky mở cửa ra, mở cửa ra con. Mẹ muốn ôm con và hôn con”
“Chẳng ôm iếc gì hết. Tôi cần phải đi”
“Tôi phải đi đây”
“Bất kể nó nói gì với chúng tôi, chúng tôi vẫn yêu thương nó”.
Chúng tôi muốn nghe từ chính nhóm vì vậy chúng tôi hướng đến nhà thờ nơi Michelle và Rebecca thờ phượng.
Tiếp chúng tôi là anh chàng John Power, một nhà truyền giáo của giáo phái này.
“Ai có quyền định đọat một giáo phái là tà giáo hay không phải là tà giáo? Há bạn không biết là mọi hội thánh muốn thực hành đức tin của mình và chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa đều đã từng bị bách hại sao?”
John phủ nhận tất cả những cáo buộc: “Chúng tôi không tẩy não bất cứ ai. Chúng tôi không dạy một ngày về tận thế giới”
Và anh ta nói không ai bị buộc phải đưa tiền cho giáo phái. Nếu ai không còn tiền tiết kiệm trong tài khoản thì điều đó không phải vì giáo phái yêu cầu họ, mà họ làm điều đó vì họ cảm thấy họ muốn làm như thế.
Trong tư cách một phóng viên, tôi đã yêu cầu được gặp Rebecca.
Một trong những điều cha mẹ cô nói là cô đã bị ép vào những gì họ gọi là một cuộc hôn nhân được sắp xếp?
“Hoàn toàn sai. Tôi yêu James, và người ta yêu nhau rồi bỏ nhau là chuyện thường thôi mà. Vì vậy, nó không phải là một cuộc hôn nhân cưỡng bức dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi đã yêu nhau; chúng tôi gặp nhau và rồi quyết định không tiếp tục mối quan hệ của chúng tôi nữa. Thế thôi”
Trả lời về thái độ hằn học của cô đối với cha mẹ cô là những người lo lắng cho cô nên đã phải lặn lội đi tìm cô, Rebecca nói:
“Tôi tức họ vì họ đã nói chuyện với những người bên ngoài có quan điểm tiêu cực về hội thánh của tôi. Và họ đã chọn để tin những người đó chứ không phải là con gái của chính họ, là máu và thịt của chính họ.”
“Hãy nói cho tôi biết có dễ tin tưởng gia đình bạn sau khi họ đã làm những điều với bạn .... Họ đã phân biệt đối xử với tôi ngay từ đầu .... Mỗi lời từ miệng của tôi họ đều coi đó là một lời nói dối .... Làm thế nào bạn có thể có một mối quan hệ với một người nghĩ rằng bạn đã bị tẩy não? ... Sự bất khoan dung của họ đối với những gì tôi muốn tin là những gì đã khiến tôi bỏ đi.”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, hai ông bà Charles và Candy Gardner vẫn chưa giành lại được con.
Ngày 09/04/2013, cô y tá Michele Colón đã nộp đơn kiện chống lại tà giáo này tại New Jersey nhưng thất bại trước dàn luật sư hùng hậu của họ. Ngược lại, họ còn đâm đơn kiện ngược lại cô về tội phỉ báng và đòi bồi thường cho họ hàng triệu Mỹ Kim.
May mắn cho cô ý tá Michele Colón, vào ngày 17 tháng 3 năm 2015, Tòa Thượng Thẩm New Jersey đã bác bỏ đơn kiện Colón của họ vì theo hồ sơ thuế vụ thu nhập của nhóm này đã tăng hơn 3,6 triệu vào khoảng thời gian mà họ tuyên bố đã mất 5 triệu Mỹ Kim doanh thu.
4. Giám Mục tốt lành là người tỉnh thức, dấn thân và gần gũi với đoàn chiên
Trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 4 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về những gì hình thành nên một giám mục chân thật, và nhấn mạnh đến những phẩm chất như tỉnh thức, gần gũi và dấn thân trong đời sống của đoàn chiên.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra các suy tư của ngài dựa trên Bài đọc Một trích từ Sách Công Đồ Công Vụ, nói về việc Thánh Phêrô và các thánh tông đồ vì mong muốn các Kitô hữu tại Antiôkia được bình an, nên đã gởi thánh Phaolô và Banaba đến đó cùng hai người khác nữa. Những người có trách nhiệm coi sóc Giáo Hội ở Antiôkia đã tự tin cho rằng họ là những nhà thần học chính thống của đức tin, mà thực ra là họ đã làm cho người tín hữu mất phương hướng. Ngược lại, các tông đồ, tức là các giám mục ngày nay, củng cố họ trong đức tin.
Đức Thánh Cha nói:
Giám mục là “một người trông nom, người bảo vệ - một tuần canh biết cách canh chừng để bảo vệ đoàn chiên khỏi những bày sói tấn công.”
Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Giêsu phân biệt giữa người mục tử thật và người chăn thuê, là người làm công ăn lương và không quan tâm nếu bày sói đến và ăn thịt con chiên.
Ngài nói rằng người mục tử chân thật là người tỉnh thức, dấn thân trong cuộc sống của đoàn chiên, không chỉ bảo vệ từng con chiên một, mà còn củng cố đức tin cho cả đoàn chiên. Nếu một con đi xa hay lạc đàn, người mục tử đi tìm để mang nó về. Người đó cùng đồng hành với đoàn chiên để không một con nào bị lạc.
Đức Thánh Cha khơi lên hình ảnh giám mục nhân lành noi theo hình ảnh thánh tâm Chúa Kitô. Giám mục là người chăn dắt đoàn chiên, biết tên từng con, nghĩa là gần gũi với các con chiên.
Ngài nói rằng người tín hữu biết ai là giám mục không quan tâm lo lắng cho họ: đó là một giám mục luôn luôn bận rộn, rối tinh lên trong công việc, một doanh nhân, một người luôn tất bật với mọi thứ không tương hợp với sứ mạng của mình, đi đến đâu cũng xách vali hay đồ nghề trong tay và đại loại như thế.
dân Chúa biết rõ ai là mục tử khi người ấy gần gũi với họ, khi người ấy có thể canh chừng cho họ và trao ban cuộc sống mình cho họ. Ngài nhấn mạnh đến chữ “gần gũi”.
Đức Thánh Cha nêu ra mẫu gương của Thánh Turibius thành Mogrovejo để nói lên một giám mục chân thật phải như thế nào. Vị thánh Tây Ban Nha này đã chết trong một làng nhỏ của người dân bản địa trong vòng tay yêu thương của những tín hữu của ngài. Họ chơi nhạc “chirimia” một nhạc cụ gió để tiễn ngài an nghỉ ngàn thu.
Để kết luận, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người cầu nguyện để Giáo Hội đừng thiếu những mục tử tốt lành, những mục tử biết làm việc, cầu nguyện, gần gũi với dân Chúa và biết cách trông nom đàn chiên.
5. Thông truyền đức tin là một tiến trình sinh sản
Trong thánh lễ kính hai thánh Tông Đồ Philíphê và Giacôbê, hôm 03 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã nói về những đặc tính cần thiết phải được tháp tùng với việc thông truyền đức tin, dựa vào Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu thành Corinto (1Cr 15:1-8).
Đức Thánh Cha nói không nên ngộ nhận việc thông truyền đức tin với việc chiêu dụ tín đồ. Giáo hội không nhắm đến việc làm vui lòng những người hâm mộ, cũng chẳng phải chỉ đơn giản là đọc kinh Tin kính để biểu lộ lòng tin. Thông truyền đức tin cũng không phải là lưu truyền kiến thức dễ dàng như thể “Đây, sách đây, hãy nghiên cứu đi và rồi tôi sẽ rửa tội cho bạn.”
Trái lại, thông truyền đức tin là “cấy rễ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn”. Thách đố của Giáo Hội là: “trở thành một người mẹ sinh nhiều đứa con trong đức tin.”
Đức Thánh Cha nói:
Ông bà và cha mẹ là nhân tố đặc biệt thích hợp để thông truyền đức tin bởi vì họ “làm cho đức tin ngát hương bằng tình yêu”. Những người chăm sóc cho người khác, dù là người lạ đi chăng nữa, cũng vẫn có thể thông truyền đức tin một cách có hiệu quả cho người được họ chăm sóc.
Trích dẫn Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng đức tin được truyền bá khi người ta bị thu hút bởi những các chứng tá đức tin của chúng ta. Đôi khi các chứng tá ấy kết thúc bằng sự tử đạo. Đức Thánh Cha nói: “Chứng tá đức tin khơi dậy sự hiếu kỳ”. Chính khi những người khác nhìn thấy một sự nhất quán trong cuộc sống của một người nào đó, thì điều này sẽ dẫn họ đến việc đặt câu hỏi: Tại sao họ sống như thế, như thế? Tại sao lại có người dành cả đời mình để phục vụ tha nhân? Chúa Thánh Thần tận dụng sự hiếu kỳ này và bắt đầu hoạt động bên trong” người ấy.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Việc thông truyền đức tin làm cho chúng ta trở nên công chính, điều đó công chính hóa chúng ta. Đức tin công chính hóa chúng ta và qua việc rao giảng đức tin chúng ta trao ban cho người khác sự công chính đích thực.”