Tai tiếng bao che lạm dụng tình dục ở Chile đang làm uy tín của Đức Phanxicô bị thiệt hại nặng nề. Theo ngài, cuộc khủng hoảng đau lòng này là do tin tức không chân thực và quân bình. Mà tin tức này chắc chắn ngài không chịu trách nhiệm. Ai chịu trách nhiệm? Đó là câu hỏi đặt ra từ lâu, từ những ngày chưa có tuyên bố của Đức Phanxicô. Vị sứ thần Tòa Thánh tại Chile thì hoàn toàn im lặng. Còn người đứng đầu giáo hội Chile thì quả quyết rằng không phải ngài cũng như bất cứ vị giám mục Chile nào. Và ngài tha thiết mong những người chịu trách nhiệm hãy xuất hiện và thừa nhận với mọi người, một điều không phải riêng ngài mong đợi mà là toàn thể Giáo Hội, những người không muốn Đức Giáo Hoàng của họ bị một tai tiếng quá lớn về uy tín như thế này.

Nữ Ký giả Inés San Martin của tờ Crux, nhân dịp này, duyệt lại một số những người có thể chịu trách nhiệm đối với thứ tin tức không hẳn Fake News như Ông Trump thường tố cáo, mà là không chân thực và quân bình như Đức Phanxicô rất đúng khi nói vậy.

Theo San Martin, một số vị giám mục, trong đó, có các Hồng Y Francisco Javier Errázuriz và Ricardo Ezzati, cựu và đương kim Tổng Giám Mục Santiago, Chile, đã lên tiếng bác bỏ việc thông tin sai cho Đức Phanxicô. Nhưng theo San Martin, các nạn nhân và một số giáo sĩ không tin như thế.



Năm nay đã 84, Đức Hồng Y Errázuriz đã nghỉ hưu, nhưng ngài lãnh đạo Giáo Hội tại Santiago từ 1998 tới 2010. Dù tuổi cao, ngài vẫn có một ảnh hưởng lớn đối với Giáo Hội Chile vì vai trò là một trong 9 vị trong Hội Đồng 9 Hồng Y của Đức Phanxicô.

Tuần rồi, ngài cho hay trong vai trò cố vấn cho Đức Giáo Hoàng, ngài không có nhiệm vụ “thông tri cho Đức Giáo Hoàng về những khó khăn, các sai lầm và tội ác có thể có xẩy ra trong Giáo Hội”.

Còn Đức Hồng Y Ezzati thì trong cuộc họp báo tuần qua, ngài quả quyết rằng cả ngài lẫn Giáo Hội Chile không lừa dối Đức Giáo Hoàng, và kêu gọi ai đó chịu trách nhiệm hãy xuất đầu lộ diện. Ngài nói: “Những ai phạm sai lầm này nên nhìn nhận chúng, hối lỗi và sửa những sai lầm này”.

Theo San Martin, một số linh mục nhấn mạnh rằng sau khi Đức Hồng Y Ezzati đưa ra những nhận xét trên, không ai hoan nghênh ngài cả. Họ cho rằng khi nói đến lạm dụng tình dục "ngài hoàn toàn phủ nhận thực tại".



Đức Hồng Y Ezzati đã 76 tuổi, có nghĩa là ngài đã đệ đơn từ chức vì đây là điều bắt buộc đối với mỗi giám mục khi đã 75 tuổi. Ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Santiago vào tháng 12 năm 2010, hai tháng trước khi Vatican kết án Cha Karadima.

Một vị khác có thể có trách nhiệm là vị sứ thần Tòa Thánh tại Chile, Đức Tổng Giám Mục Ivo Scalpolo, người đã ở Chile từ tháng 7 năm 2011. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chuyển đến đó bốn tháng sau khi Cha Karadima bị Tòa thánh Vatican kết tội.

Trong tư cách sứ thần, Đức Cha Scalpolo đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm Đức Cha Barros cho Giáo Phận Osorno, vì một phần trong công việc của ngài là gửi về Vatican một danh sách gồm ba ứng viên khi bất cứ giáo phận nào cần một giám mục. Ngài giả thiết cũng phải cố vấn cho Toà Thánh trong việc bổ nhiệm sáu giám mục khác được bổ nhiệm bởi Đức Phanxicô, và một số trong bảy vị được bổ nhiệm bởi Bênêđíctô XVI trong thời kỳ ngài làm giáo hoàng.

Vị sứ thần này nay đã gần 65 tuổi, vì vậy về mặt giáo luật, ngài chưa buộc phải từ chức. Ngài cương quyết giữ im lặng, không bình luận gì trước công chúng về lá thư của Đức Giáo Hoàng.

Mặc dù tin rằng cả hai vị trên nên bị tước bỏ chức vụ, một giáo dân có kiến thức bên trong của Giáo Hội Chile nói với Crux: ông có đủ bằng chứng để tin rằng cả Hồng Y Ezzati lẫn Đức Tổng Giám Mục Scalpolo đã làm mọi thứ có thể để cung cấp thông tin cần thiết cho Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn khác nhau và thậm chí trên phương tiện truyền thông xã hội, một số nạn nhân của Cha Karadima đã nhấn mạnh rằng cả ba vị trên phải chịu trách nhiệm đối với việc thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Sean P. O'Malley của Boston, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên, đã trao tận tay Đức Giáo Hoàng một lá thư của Cruz, một trong các nạn nhân, trong đó, anh ta kể chi tiết các hành vi lạm dụng mà anh từng chịu đựng và vai trò của Đức Cha Barros.

Đức Hồng Y O’Malley là người, sau khi Đức Phanxicô nói các cáo buộc chống lại Đức Cha Barros là một "vu khống", đã ra một tuyên bố nói rằng ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng gây cho các nạn nhân "nỗi đau lớn" là điều dễ hiểu.

Lá thư của Cruz đã được bốn thành viên của ủy ban giáo hoàng trao cho Đức Hồng Y O’Malley vào đầu năm 2015; họ là những người đã gặp các nạn nhân của Cha Karadima.

Thư từ giữa Đức Hồng Y Errázuriz và Đức Hồng Y Ezzati, bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông Chile năm ngoái, cho thấy rõ hai vị này đã quyết tâm ngăn chặn việc nêu tên nạn nhân bị lạm dụng Cruz cho ủy ban giáo hoàng.

Người cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là linh mục dòng Tên ngườiTây Ban Nha, tên là Germán Arana. Các báo cáo về vai trò của vị này trong việc bổ nhiệm Đức Cha Barros đã có từ năm 2015, khi có tiết lộ cho rằng vị giám mục này đã có một tĩnh tâm kéo dài một tháng vào tháng Giêng do Cha Arana hướng dẫn. Ngay sau đó, có báo cáo cho rằng linh mục này đã đến Rôma, nơi ngài gặp Đức Phanxicô và đưa ra nhận xét tích cực về Đức Cha Barros.

Sau đó người ta thấy vị linh mục này ở Osorno, trong Thánh lễ tấn phong Đức Cha Barros, một buổi lễ đã bị cắt ngắn vì những cuộc biểu tình bên trong và bên ngoài nhà thờ địa phương.

Phúc trình Colazzi năm 2012

Chuyến thăm Chile và New York của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, nơi ngài gặp 64 người, nhiều người là nạn nhân, và không phải tất cả đều liên quan đến vụ Karadima, đã được miêu tả là đánh dấu một sự thay đổi thái độ nơi Đức Phanxicô.

Mặc dù vẫn chưa rõ, nhưng nội dung bản tường trình của Đức Tổng Giám Mục Scicluna rõ ràng đã ảnh hưởng nhiều đến Đức Giáo Hoàng đến nỗi đã dẫn ngài tới chỗ viết lá thư đến Chile và tiếp cận với nạn nhân sau một tuần nhận được các tài liệu cuối cùng.

Nhưng đó không phải là tường trình đầu tiên mà một vị giáo hoàng đã yêu cầu phải thực hiện đối với một cựu thành viên của nhóm thân cận với cha Karadima.

Trong khoảng thời gian từ ngày 4 tới ngày 8 tháng 12 năm 2011 và từ ngày 25 tới ngày 28 tháng 1 năm 2012, Vị giám mục người Uruguay là Carlos Colazzi đã tới Chile để phỏng vấn gần 45 linh mục - trong đó có bốn giám mục - lúc đó là thành viên của “Hiệp Hội Linh Mục Thánh Tâm” được thành lập vào những năm 1920 và cuối cùng đã nằm dưới sự kiểm soát của Cha Karadima.

Phạm vi của chuyến viếng thăm trên là đánh giá quá trình đào tạo các thành viên của Hiệp Hội và tính minh bạch tài chính của nhóm.

Năm 2010, khi các cáo buộc chống lại vị linh mục lạm dụng lần đầu tiên trở thành công khai (một trong những nạn nhân đã báo cáo cho giáo phận năm 2003), mười linh mục quyết định bỏ Hiệp Hội, lúc đó đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha Andrés Arteaga, một trong bốn bị bị cáo buộc tội che đậy.

Bản tường trình của Đức Cha Colazzi được mô tả với Crux, nhẹ nhất, cũng là "hời hợt". Trong cuộc viếng thăm, vị giám mục đã nói chuyện với từng thành viên của Hiệp Hội trong khoảng “30, 40 phút”.

Bản tường trình, được gửi đến Vatican, chưa bao giờ được công bố. Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Crux: nó chứa một số khuyến cáo. Có tường trình cho rằng một trong số khuyến cáo này gợi ý với Đức Hồng Y Ezzati rằng ngài không nên triệt hạ hiệp hội, để, nếu có những cáo buộc từ các nạn nhân của Cha Karadima, họ sẽ kiện hiệp hội chứ không phải giáo phận.

"Đó là một nỗ lực để bảo vệ Giáo Hội như một định chế, thay vì đứng về phía các nạn nhân," một trong những linh mục vốn được Cha Karadima hướng dẫn tinh thần nói với Crux hôm thứ Năm. "Tận thẳm sâu, các giám mục coi các nạn nhân như kẻ thù của Giáo Hội và đối xử với họ như thế".

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ezzati đã quyết định bãi bỏ hiệp hội trước khi có tường trình của Đức Cha Colazzi. Các nhân chứng cho rằng ngài không tự ý làm điều trên.

"Tổng giáo phận không có khả năng chào đón các nạn nhân", một linh mục thứ hai, một cựu thành viên của hiệp hội nói với Crux hôm thứ Hai. “Tôi biết rõ hai nạn nhân. Họ là những người rất tốt. Nếu họ tìm được sự hỗ trợ của Giáo Hội mà họ cần sau khi việc kết án đã được công bố, thì chúng ta đã có thể làm việc với họ một cách chặt chẽ chống lại việc giáo sĩ lạm dụng trong tám năm qua rồi”. Vị linh mục thứ hai nói rằng hàng giáo phẩm đã chọn "bảo vệ định chế chứ không phải người dân của nó".

Giáo dân Alejandro Álvarez, một luật sư và phát ngôn viên của Tiếng Nói Công Giáo Chile, nói với Crux rằng Giáo Hội Công Giáo ở nước ông cần "thay đổi mô hình" để đảm bảo rằng con người chứ "không phải định chế" phải luôn ở trung tâm mọi sự, đặc biệt khi nói đến các nạn nhân của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Álvarez nói rằng nếu có sự thay đổi mô hình, thì "sẽ có nhiều thay đổi, [kể cả] các vụ từ chức." Các nỗ lực của Crux nhằm tiếp cận với Đức Cha Colazzi bằng email và điện thoại đã không được trả lời.

Dù sao, Cha Karadima là ai, và ý thức hệ có liên hệ gì với cuộc khủng hoảng?

Bị Tòa Thánh kết tội vào năm 2011 và kết án phải sống một cuộc sống “thống hối và cầu nguyện”, Cha Karadima chưa bao giờ bị tòa án nào của Chilê kết án do các giới hạn về thời hiệu của quốc gia này.

Cho đến nay, người ta không biết có bao nhiêu người bị Cha Karadima lạm dụng tình dục. Có người cho rằng số người bị lạm dụng về tâm lý, nạn nhân của việc vị này lạm dụng quyền lực, hoặc những người bị thao túng lương tâm bởi linh mục này có khi còn lớn hơn nữa.

Trong số những người bị Cha Karadima lạm dụng quyền lực có Cha Samuel Fernández, người đã nói chuyện với Crux trên điện thoại hôm thứ Sáu. Ngài thừa nhận rằng khi các cáo buộc lạm dụng tình dục xuất hiện lần đầu tiên, ngài nghi ngờ, "không phải vì Cha Karadima là một vị thánh", mà vì người lạm dụng là linh hướng của ngài trong nhiều năm, và ngài bị đắm chìm trong bầu không khí, rất khó nhận ra sự lạm dụng”.

Theo ngài, các chuyên gia về lạm dụng chứng minh rằng những người gần gũi nhất với một tình huống đôi khi khó có thể chấp nhận được các cáo buộc khi chúng xuất hiện lần đầu tiên. Tuy nhiên, tới lúc bản án của Vatican được đưa ra, Cha Fernández đích thân tin rằng vị linh hướng của ngài quả mang tội lạm dụng tình dục, một kết luận ngài đạt được sau khi thấy không những tính trầm trọng của vụ án mà cả sự thật trong các cáo buộc nữa.

Ngài nói: "Hôm nay, tôi không thể hiểu tại sao phải mất quá lâu như thế tôi mới tin [Cha Karadima phạm tội]. Khi ai đó hỏi tôi, tôi nói với họ sự thật: Tôi không hiểu chính bản thân mình".

Cha Karadima là một người cực kỳ có quyền lực. Giáo xứ mà ngài điều hành luôn đầy những người, với Thánh lễ hàng đêm lúc 8 giờ chỉ còn chỗ đứng. Có hàng tá ơn gọi làm linh mục phát xuất từ đó, và các giám mục Santiago thường đến El Bosque để người ta thấy mình được hiện diện với ngài.

Một nguồn tin nói với Crux hôm thứ Hai: "Tất cả mọi thứ cho thấy những gì xảy ra ở đó đều tốt cả. Bạn đến El Bosque, và một quá trình lừa đảo thiêng liêng sẽ bắt đầu. Cuối cùng ngài sẽ đặt bạn dưới sức lôi cuốn của ngài qua việc linh hướng, sử dụng các trích dẫn [ngoài ngữ cảnh] từ huấn quyền của Giáo Hội và nhiều vị thánh về các vấn đề như vâng lời, khiêm nhường và tội kiêu ngạo”.

Mô tả trên xuất phát từ một linh mục thứ ba từng thuộc về hiệp hội linh mục của Cha Karadima.

Linh mục này nói "Một số người sống ‘con đường dẫn đến thánh thiện’của Cha Karadima một cách hạnh phúc, trong khi những người khác nổi loạn rất mạnh ở bên trong, nhưng chúng tôi chấp nhận những gì đang xảy ra lúc ấy vì nghĩ rằng đó là thánh ý của Thiên Chúa".

Trong thời điểm này, hầu như không thể biết ai đã nói với Đức Giáo Hoàng điều gì về Cha Karadima và các đồng minh giám mục của ngài, trừ khi chính Đức Phanxicô quyết định lên tiếng.

Một linh mục được Cha Karadima linh hướng trong bốn năm, và là một trong những người đầu tiên tin các cáo buộc chống lại vị này vào năm 2010, nói rằng một phần lỗi trong việc thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng là sự kiện: Cha Karadima luôn là một "nhân vật gây chia rẽ lớn" trong Giáo hội ở Santiago.

Vị này nói rằng: "Khó có thể tin được, có nhiều người ghét ngài vì lý do ý thức hệ hơn là vì những tội ác mà ngài đã phạm".

Những lý do ý thức hệ này bắt nguồn từ sự kiện này: Cha Karadima là một linh mục khuynh hữu, và thừa tác vụ mà ngài lãnh đạo từ giáo xứ giàu có El Bosque bị nhiều người coi như là một phản ứng bảo thủ chống lại các thay đổi do Công đồng Vatican II đề xuất trong thập niên 1960.

Không phải để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, nhưng để cố gắng giải thích ngài phát xuất từ đâu, nguồn tin nói rằng rất có thể các "thông tin có tính ý thức hệ" đã dẫn Đức Phanxicô, năm 2015, nói rằng những người ở Giáo phận Osorno phản đối Đức Cha Barros đã được "những người theo chủ nghĩa cánh tả sỏ mũi".

Ngày nay, có một số giám mục trong Giáo Hội tại Chile là các Giám Mục Phụ Tá của Santiago trong thời kỳ cao điểm của Cha Karadima. Cũng có nhiều linh mục được đào tạo bởi Cha Karadima, và còn nhiều hơn nữa đã nhập chủng viện ở Santiago khi, trong gần một thập niên, nó được điều hành bởi một trong những đồng minh thân cận nhất của Cha Karadima.

Cũng có lời khai có tuyên thệ rằng trong thập niên 1980, hai giám đốc chủng viện đã đến với Đức Tổng Giám Mục Santiago để nói về sự lạm dụng quyền lực của Cha Karadima. Theo lời khai được công bố năm 2015 bởi hãng tin The Clinic ở Chile, một trong 2 vị đã gửi đi một bản tường trình trình bầy chi tiết các cáo buộc này.

Theo linh mục thứ ba đã nói chuyện với Crux, người tự mô tả như là nạn nhân của việc Cha Karadima thao túng cảm xúc và tâm lý, nhưng không phải là nạn nhân của lạm dụng tình dục, tác động của kẻ lạm dụng đối với những người ngài vốn chỉ dạy cho rất khác nhau tùy thuộc vào tình trạng xúc cảm của họ và sự hỗ trợ họ có được ở bên ngoài giáo xứ, hoặc từ gia đình, bạn bè, các linh mục khác hoặc thậm chí các nhà tâm lý học.

Vị linh mục này nói: "Họ càng yếu đuối, ngài càng gây hại cho họ nhiều hơn”.

Cha Karadima chỉ là đỉnh của tảng băng sơn?

Vì chính Đức Phanxicô yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Scicluna điều tra sâu xa hơn vụ Đức Cha Barros, một cuộc điều tra đã dẫn đến việc ngài gửi 1 lá thư cho các giám mục Chile, nên đương nhiên lá thư này tập chú gần như hoàn toàn vào Cha Karadima và các giám mục mà vị linh mục này dìu dắt.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết, điều trên có thể gây hiểu lầm. Nhất trí với nhiều người được Crux phỏng vấn, Cha Fernadez cho rằng vấn đề ở giáo xứ El Bosque là một vấn đề thực sự quan trọng, và theo quan điểm truyền thông, nó mang tính biểu tượng. Có người gọi Cha Karadima là "một con quái vật".

Tuy nhiên, theo Cha Fernández, đây không phải là một vụ duy nhất, thậm chí không phải là vụ nghiêm trọng nhất. Vì “Những người khiếu nại vụ án Karadima đã thực sự trở thành tiếng nói của nhiều người”.

Ngài cho rằng cần phải lưu ý tới phạm vi và chiều sâu của cuộc khủng hoảng, và về vấn đề này, việc từ chức của Đức Cha Barros gần như chỉ có tính phụ thuộc.

Bốn giám mục được Cha Karadima đào tạo có thể từ chức nay mai, như năm giám mục Chile khác, những vị đã trên 75 tuổi. Tuy nhiên, vì sự kiện Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã nói chuyện với 64 người, trình bày một bản tường trình dài 2.300 trang và Đức Phanxicô triệu 32 giám mục đang hoạt động mục vụ đến Rôma chứ không phải chỉ có Đức Cha Barros và Đức Hồng Y Ezzati, nên vấn đề hiển nhiên có tính sâu xa hơn nhiều.

Cha Fernandez vì thế cho rằng: "Đối với tôi, có lẽ sẽ là một tin tức lớn nhất từ trước đến nay nếu mọi thứ tập trung vào một trường hợp, nhưng thật không may, nó không phải như vậy". Ngài nói thêm: việc giáo sĩ lạm dụng tình dục xuất phát từ cả những người tiến bộ lẫn những người bảo thủ, vì vậy nó cũng không phải là một vấn đề có tính ý thức hệ.

Một vị khác trong số các linh mục được Cha Karadima chỉ dạy cũng đồng ý như thế. Vị này cho rằng phạm vi của cuộc khủng hoảng vượt ra ngoài giáo xứ El Bosque. Theo vị này, trong các vị giáo phẩm, có một số vị muốn sự chú ý tiếp tục nhắm vào Cha Karadima để các trường hợp khác tiếp tục không bị lưu ý.

Tuy nhiên, tính đến tháng 1 năm 2018, đã có tổng cộng 80 linh mục, từng làm việc tại Chile, một số vị là các nhà truyền giáo từ nước ngoài, nhiều vị là người địa phương, đã bị cáo buộc có những hành vi sai trái về tình dục trong 15 năm qua. Theo tờ La Tercera, một trong những cơ quan thông tin lớn ở Chile, 45 vị bị lên án bởi tòa án dân sự hoặc tòa án giáo hội, 34 vị vì lạm dụng trẻ vị thành niên.

Bởi thế, theo Cha Fernabdez, Đức Cha Barros, Cha Karadima và tất cả những vị nói trên là chủ đề “quan trọng” trong các cuộc gặp gỡ tháng Năm. Vì trong khoảng thời gian quá dài vừa qua, các giáo sĩ địa phương khắp Châu Mỹ Latinh đã quen với việc không đưa ra các lời giải thích cho bất cứ ai, và nay là lúc phải tính sổ.

Cha cho rằng có một cảm thức miễn nhiễm (immunity) nào đó, và đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, liên quan đến cung cách Giáo Hội Công Giáo được nhận định. Theo Cha,"Chúng ta cần phải nhìn nhận các sai lầm mà chúng ta đã phạm phải, và nếu cần các biện pháp trừng phạt, thì các biện pháp này cần được áp đặt."

Nhiều người trong hàng ngũ giáo dân đồng ý.

Một giáo dân làm việc chặt chẽ với các giám mục cũng đã nói chuyện với Crux hôm thứ Năm. Ông nói rằng cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Chile có thể so sánh với cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ và Ái Nhĩ Lan.

Theo ông, không phải chỉ vì các linh mục lạm dụng đã được chuyển từ giáo xứ này sang giáo xứ khác, mà bởi vì có một bộ máy đã được xây dựng để che đậy cho họ. Ông cho rằng cần có các biện pháp để Giáo Hội thừa nhận rằng thứ văn hóa nhằm bảo vệ định chế này có tính tự hủy hoại.

Tiền lệ cho những gì sẽ xảy ra ở Rôma

Mặc dù Đức Phanxicô đã gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trước đây, kể cả ở Chile, cuộc gặp gỡ tuần này có tính độc đáo theo nghĩa đây là lần đầu tiên một giáo hoàng gặp một nhóm nạn nhân mà ngài từng cho là “vu khống”. Ngài đã thừa nhận sai lầm của mình, và có lẽ sẽ xin lỗi một lần nữa không chỉ vì sự sai trái của Giáo hội mà là của riêng ngài nữa.



Vào sáng thứ Tư, phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, đã ra một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng cảm ơn ba nạn nhân đã chấp nhận lời mời của ngài.

Ông Burke nói rằng "Trong những ngày có các cuộc gặp gỡ bản thân và huynh đệ này, ngài muốn xin lỗi, chia sẻ nỗi đau và sự xấu hổ của họ về những gì họ đã phải chịu đựng và, trên hết, để lắng nghe mọi đề nghị họ có thể đạo đạt để tránh việc lặp lại những hành vi đáng trách này”.

Ông Burke cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng xin cầu nguyện cho Giáo hội ở Chile, hy vọng rằng những cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra trong "bầu khí tin tưởng đầy thanh thản" và chúng sẽ trở thành một "bước chủ yếu để sửa chữa và tránh mãi mãi các cuộc lạm dụng lương tâm, quyền lực và đặc biệt là những cuộc lạm dụng có tính chất tình dục ”trong Giáo Hội.

Khi nói đến việc các giám mục của cả một quốc gia được mời tới Rôma ngoài chuyến thăm Mộ Hai Thánh Phêrô và Phaolô (ad limina) 5 năm một lần theo lệ thường ra, điều này hiếm hoi nhưng không hẳn là chưa từng có.

Hồi tháng 4 năm 2002, mười hai Hồng Y và vị chủ tịch cùng phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gặp nhau ở Rôma để đặt nền cho cuộc gặp gỡ toàn thể các giám mục Hoa Kỳ, diễn ra vào cuối năm đó tại Dallas. Cuộc gặp gỡ này đã bàn tới việc phải soạn thảo ra sao các chính sách để giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em chống lại các linh mục.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có mặt tại cuộc họp ở Rôma, nhưng chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã giúp cứu chính sách "tuyệt đối không khoan nhượng", một chính sách được các giám mục ủng hộ tại Dallas, và trước đó bị kháng cự bởi ba trong bốn bộ sở có liên hệ ở Vatican.

Năm 2010, Đức Bênêđíctô đã triệu tập tất cả các giám mục Ái Nhĩ Lan đến Rôma để thảo luận về các tường trình của Ryan và của Murphy về tình trạng lạm dụng trẻ em rất phổ biến.

Tường trình đầu tiên đã gây nên một cuộc tranh cãi sâu rộng đối với các phát hiện cho rằng việc lạm dụng tình dục và tâm lý có tính “địa phương” trong các trường công nghiệp và viện mồ côi do Giáo Hội điều khiển ở Ái Nhĩ Lan trong hầu hết thế kỷ 20.

Tường trình thứ hai là kết quả của một cuộc điều tra được thiết lập vào năm 2006 để xem xét cách Giáo hội và các cơ quan nhà nước xử lý các cáo buộc lạm dụng trẻ em chống lại 46 linh mục trong giai đoạn từ năm 1975 đến 2004. Được công bố vào năm 2009, tường trình này thấy rằng Giáo hội đã đặt danh tiếng của mình lên trên việc bảo vệ trẻ em dưới sự chăm sóc của mình và các cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc che đậy bằng cách cho phép Giáo Hội hành động ngoài pháp luật.

Sau buổi họp mặt đó, Đức Bênêđíctô đã ban hành một bức thư mục vụ quan trọng, trong đó ngài xin lỗi các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục lúc còn vị thành niên vì các "lỗi lầm nghiêm trọng" của các nhà chức trách Giáo hội Ái Nhĩ Lan. Ngài cũng công bố một cuộc điều tra chính thức của Vatican đối với các giáo phận, các chủng viện và các hội dòng tại Ái Nhĩ Lan, từng bị ảnh hưởng bởi vụ tai tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh, lúc đó là tổng thư ký của hội đồng giám mục Ái Nhĩ Lan, đã đưa ra một lời khuyên cho cuộc họp sắp tới, không nhằm nói với các giám mục Chile mà nhằm nói với Vatican, và sau cùng nói với Đức Giáo Hoàng: “Hãy lắng nghe”.

Thừa nhận rằng ngài không "thực sự biết nhiều chi tiết" về trường hợp ở Chile, nhưng ngài cho Crux biết: cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđictô XVI là "một thời điểm rất quan trọng đối với Tòa Thánh, để nghe từ những người ở hiện trường về thực tại của những cuộc vật lộn với vấn đề này”.

Vào thời điểm đó, ngài cho hay: "đôi khi các phương tiện truyền thông trình bầy rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã triệu các giám mục Ái Nhĩ Lan để khiển trách" và theo Đức Tổng Giám Mục Martin, các giải thích tương tự đối với cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và các giám mục Chile cũng sẽ sai lầm như thế.

Ngài nói với Crux ngày 17 tháng Tư vừa qua rằng "Điều thực sự quan trọng đối với Giáo hội ở Rôma là lắng nghe, lắng nghe đủ loại lo lắng, cách vấn đề này đã gây chấn thương cho các nạn nhân và người sống sót ra sao, nó gây chấn thương cho các gia đình, cho giáo xứ của họ ra sao”.

Đức Tổng Giám Mục Martin nói rằng việc lạm dụng tình dục có một "tác động khủng khiếp", phá hủy mọi thứ nó chạm vào trong nhiều thế hệ, do đó ngài tin rằng điều rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng và các thánh bộ của Vatican là nghe "một Giáo hội ở một nơi như Chile hay Ái Nhĩ Lan" xem họ "vật lộn ra sao với thực tại khủng khiếp này. Một thực tại đã xé nát mọi thứ. Một thực tại đã phản bội lòng tin mà Giáo hội vốn dựa vào”.

Ngài nói thêm “Những sai lầm và những điều khủng khiếp đã xảy ra ở tất cả các cấp trong Giáo Hội, và điều rất quan trọng là điều này phải được nghe ở chính trung tâm Giáo Hội”.