Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 13 tháng Tư năm 2018, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tự do Kitô Giáo đích thật là có một lòng trí trong sáng, rộng mở để có chỗ Thiên Chúa ngự vào cuộc đời mình và đi theo Ngài.
Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài trên ba ví dụ về tự do - người Pharisiêu tên là Gamaliel; hai thánh Tông Đồ Phêrô và Gioan; và Chúa Giêsu.
Tự do mà chúng ta nghe trong mùa Phục Sinh là tự do của con cái Thiên Chúa. Đức Kitô đã ban cho chúng ta sự tự do này “qua hành động cứu chuộc của Người” trên Thánh Giá.
Trường hợp người Pharisiêu tên là Gamaliel
Đức Giáo Hoàng nói rằng Ông Gamaliel là ví dụ đầu tiên về tự do trong bài đọc hôm nay. Ông là một nhà thông luật và là một người Pharisiêu, là người đã thuyết phục Thượng Hội Đồng phóng thích hai vị tông đồ Phêrô và Gioan.
Ông Gamaliel, theo Đức Thánh Cha là một người tự do, ông lý luận với một đầu óc trong sáng và ông đã thuyết phục được những đồng sự rằng “thời gian sẽ trả lời” về phong trào Kitô giáo trong thời đại của ông.
“Người tự do không sợ thời gian. Người ấy để Thiên Chúa thực thi công việc của Người. Người ấy biết chờ đợi. Người tự do là người kiên nhẫn. Gamaliel là một người Do Thái, chứ không phải là một Kitô hữu và ông chưa nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Nhưng ông là một người tự do. Ông nghĩ ra và trình bày ý kiến của mình cho những người khác chấp nhận. Tự do không được thiếu kiên nhẫn.”
Đức Giáo Hoàng thêm rằng quan Philatô cũng lý luận rất khá bằng một đầu óc sáng suốt khi nhận biết Chúa Giêsu vô tội. Nhưng ông không có tự do vì ông không thể vượt qua ý muốn được thăng quan tiến chức. “Quan Philatô thiếu can đảm để có tự do vì ông ta là nô lệ cho sự nghiệp, tham vọng và sự thành đạt.”
Hai Tông Đồ Phêrô và Gioan
Đức Giáo Hoàng đưa ra ví dụ thứ hai về tự do là trường hợp hai Thánh Phêrô và Gioan. Các ngài đã chữa lành cho người bại liệt, trước khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, và chỉ được thả ra sau khi đã bị đánh đòn, mặc dù các ngài vô tội.
“Các ngài ra khỏi Thượng Hội Đồng với lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.” Đức Giáo Hoàng nói rằng đây là “niềm vui được bắt chước Chúa Giêsu. Đó là loại tự do lớn hơn, rộng hơn và mang tính Kitô hơn.”
“Đây là sự tự do của những ai yêu mến Chúa Giêsu Kitô. Họ được đóng ấn của Chúa Thánh Thần qua niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. ‘Chúa đã làm việc đó vì con, nên con cũng làm việc này vì Chúa’. Ngay trong thời đại của chúng ta, có rất nhiều Kitô hữu bị tù đày, bị tra tấn nhưng họ có tự do để tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô.”
Chúa Giêsu: Một ví dụ tuyệt vời nhất về tự do.
Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói về ví dụ thứ ba và là ví dụ tuyệt vời nhất cũng như đích thực nhất về tự do là chính Chúa Giêsu.
Khi Chúa hóa bánh ra nhiều trong sa mạc, dân chúng tiến đến để tôn Ngài làm vua. Nhưng Chúa đã trốn lên núi để tránh cái phần số ấy. “Chúa đã tránh khỏi cái vinh quang và không bị mê hoặc bởi cái vinh quang ấy. Ngài tự do, vì sự tự do của Ngài là làm theo thánh ý Chúa Cha để cuối cùng kết thúc bằng cái chết trên Thập Giá. Chúa Giêsu là một ví dụ tuyệt vời nhất về tự do.”
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về sự tự do của chúng ta. Chúng ta có ba ví dụ về tự do: người Pharisiêu Gamaliel, hai Tông Đồ Phêrô và Gioan; và Chúa Giêsu. Chúng ta có sự tự do của người Kitô không? Tôi tự do hay tôi là nô lệ cho những đam mê, tham vọng, giàu sang hay những ảo vọng chóng qua? Tưởng là nói đùa, nhưng thực ra có nhiều người đã là nô lệ cho thời trang! Chúng ta hãy thử suy nghĩ về sự tự do của chúng ta trong một thế giới “tâm thần phân liệt”. Nó la lên “Tự do, tự do, tự do” nhưng thực ra nó là nô lệ. Chúng ta hãy suy ngẫm về sự tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu.”
2. Câu chuyện Đừng sợ bóng đêm
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày 23 tháng Ba năm ngoái, Đức Hồng Y Robert Sarah đã cho ra mắt một cuốn sách về nghệ thuật cầu nguyện có tựa đề là “The Power of Silence” – nghĩa là Sức mạnh của Sự Yên Lặng với tiểu tựa là “Against the Dictatorship of Noise” – Chống lại nền độc tài của tiếng ồn.
Cha Mark Goring, giám đốc Catholic Charismatic Center tại Houston, Texas, và là một nhà giảng thuyết trong chương trình ‘Food for Life’ của Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài rất đồng ý với Đức Hồng Y. Trong câu chuyện Đừng sợ bóng đêm, ngài khích lệ chúng ta tận dụng thời gian thanh vắng lúc về đêm để cầu nguyện cùng với Chúa. Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Như Ý.
Mở đầu Cha Mark Goring nói:
Trong chương 3, sách tiên tri Đanien, A-da-ri-a khi sắp bị quăng vào trong lò lửa, đã nói: Chúc tụng Chúa đi, hỡi đêm ngày đắp đổi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. Chúc tụng Chúa đi, ánh sáng và bóng tối, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Trong Kinh Thánh có một số từ có hai nghĩa. Đêm và bóng tối thường có ý nghĩa biểu tượng cho cái ác, nhưng mặt khác, đêm và bóng tối là những thứ mà Thiên Chúa tạo ra và do đó chúng phải là tốt.
Và trong quyển sách của Đức Hồng Y Sarah, “Sức mạnh của Sự Yên Lặng”, ngài nói ban đêm và trong bóng tối có một sự rõ ràng nào đó mà chúng ta không thể có được trong một bối cảnh khác. Khi chúng ta cầu nguyện vào ban đêm mọi thứ đều bình tĩnh. Trong màn đêm, tất cả những sự xáo trộn mà chúng ta thấy ban ngày có thể thấy biến mất và có sự rõ ràng, có một sự tĩnh lặng, và do đó có một khả năng, để chúng ta nhìn rõ hơn trong lòng mình nơi Chúa Ba Ngôi đang ngự.
Vì thế chúng ta đừng sợ màn đêm, đừng sợ bóng tối. Chúng ta hãy xem đó là những ân sủng của Thiên Chúa trong kỳ công sáng tạo của Ngài. Thiên Chúa đã thiết lập như thế để chúng ta có thể có một sự rõ ràng khi những sự phân tâm biến mất. Hãy cầu nguyện trong tĩnh lặng của đêm trường để chúng ta có thể khám phá vương quốc Thiên Chúa bên trong chúng ta.
3. Niềm vui Phục Sinh mang đến cho chúng ta sự vâng phục, chứng tá và hiện thực
Niềm vui Phục Sinh mang đến cho chúng ta sự vâng phục, chứng tá và hiện thực, là những điều dẫn đến những cuộc bách hại các tín hữu Kitô vì chứng tá của họ cho Chúa Giêsu gây ra khó chịu cho nhiều người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 12 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta
Trong Thánh Lễ sáng Thứ Năm Đức Thánh Cha đã nhớ đến các tín hữu Kitô chịu bách hại trên thế giới, và nhận xét rằng chứng tá của họ có thể gây khó chịu cho những kẻ phủ nhận sự thật. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến ba đặc tính phát sinh từ niềm vui Phục sinh.
Niềm vui Phục Sinh
Đức Giáo Hoàng nói 50 ngày Phục Sinh trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một “thời gian vui mừng” đối với các Tông Đồ vì sự Sống Lại của Đức Kitô. Đó là niềm vui thực sự, nhưng nó cũng bao gồm những vẩn đục của nghi ngờ và sợ hãi. Chỉ sau Lễ Hiện Xuống với ơn Chúa Thánh Thần thì niềm vui của các Tông Đồ mới trở nên mạnh mẽ, bởi vì lúc đó các ngài mới thấu hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua.
Vâng phục là thực thi Thánh Ý Chúa.
Thượng Hội Đồng Do Thái đã cấm các Tông Đồ không được giảng dạy về Chúa Giêsu, nhưng các ngài đã vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm, đã trở lại trong Đền Thờ để rao giảng bất kể những đe dọa tù tội. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “đời sống vâng phục” là ý chính trong bài đọc thứ nhất của Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 5:27-33) và trong Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga 3:31-36).
Vâng phục là thực thi Thánh Ý Chúa, là con đường Chúa Giêsu “mở ra cho chúng ta”. Vì thế người Kitô hữu phải vâng phục Thiên Chúa.
Những Kitô hữu bị bách hại.
Đức Giáo Hoàng nói rằng đặc tính thứ hai của các Tông Đồ là “chứng tá”. Chứng tá của các Tông Đồ gây khó chịu cho những người đương thời với các ngài như chứng tá của người Kitô hữu hôm nay cũng khiến một số người tức tối. Điều này có thể xảy ra vì chúng ta tìm kiếm một sự thỏa hiệp “giữa thế gian này và chính chúng ta”. Nhưng “chứng tá Kitô không có con đường thỏa hiệp”. Đức Giáo Hoàng nói rằng chứng tá Kitô “kiên nhẫn khi hướng dẫn tha nhân là những người không nghĩ như chúng ta hay không chia sẻ niềm tin của chúng ta; chứng tá Kitô bao dung và tháp tùng, nhưng không bao giờ bán đứng chân lý.”
“Đầu tiên là sự vâng phục và thứ hai là chứng tá là điều gây bực mình một số người. Đã có rất nhiều cuộc bách hại từ thời đó. Hãy nhớ đến những Kitô hữu bị bách hại ở Châu Phi và ở Trung Đông. Ngày nay có nhiều cuộc bách hại hơn những ngày đầu của Kitô giáo: Nhiều người chịu bị cầm tù, bị giết và bị treo cổ… để làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ là những chứng nhân cho tới ngày tận thế.”
Hãy sống thực - Đừng là những Kitô phôi pha.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng khía cạnh thứ ba của Niềm Vui Phục Sinh là hiện thực. Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng các Tông Đồ nói về những điều cụ thể, chứ không “là những chuyện cổ tích”. Như các ngài đã từng “nhìn thấy và đụng chạm vào” Chúa Giêsu, cũng vậy, “mỗi người chúng ta cũng trải nghiệm Chúa Giêsu trong đời sống của mình”.
“Quá thường khi tội lỗi, thỏa hiệp và sự sợ hãi làm cho chúng ta quên đi cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa, một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Chúng ta mang theo một ký ức mai một dần biến chúng ta thành các Kitô hữu ‘nổi lềnh bềnh trên mặt nước’, nhạt nhòa và nông cạn. Chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần để sống thực sự. Chúa Giêsu đã đi vào đời tôi và trái tim tôi. Chúa Thánh Thần cũng thế.Tôi có thể đã quên, nhưng ân sủng của cuộc gặp gỡ ban đầu ấy vẫn sống trong tôi.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện để niềm vui sẽ đến với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sau lễ Phục Sinh.
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau: xin cho chúng ta đầy tràn niềm vui đến từ Chúa Thánh Thần là niềm vui vâng phục trong mầu nhiệm Phục sinh, niềm vui của chứng tá Phục sinh và niềm vui hiện thực của Phục Sinh”