Sáng ngày 13/3, trong niềm tiếc thương vô hạn đối với Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, Thánh lễ đồng tế cầu hồn cho Ngài đã được cử hành trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam với chừng 100 linh mục, tu sĩ nam nữ các Hội Dòng và đông đảo giáo dân.
Xem Hình
Mở đầu Thánh lễ, linh mục chủ tế Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế đã thay mặt Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng gửi lời chia buồn đến Tổng Giáo phận Sài Gòn, gia đình linh tông huyết tộc và thân bằng quyến thuộc của Đức Cha Phaolô trước sự ra đi đột ngột của Ngài. Cha Antôn nhấn mạnh đây không chỉ là mất mát của Tổng Giáo phận Sài Gòn, mà còn là của toàn thể Giáo hội Việt Nam. Ngài cũng là người con xuất thân từ Giáo xứ An Lộng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thuộc Tổng Giáo phận Huế. Ngài cũng đã từng nhiều năm là Giáo sư môn Kitô học tại Đại Chủng viện Huế.
Chia sẻ trong bài giảng lễ, cha Giuse Hồ Thứ, giám đốc Đại chủng viện Huế đã dùng dụ ngôn Mười trinh nữ của Chúa Giêsu để nhắc nhở toàn thể cộng đoàn phải luôn luôn tỉnh thức chờ ngày Chúa đến. Cái chết có thể đến một cách bất ngờ vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Sự ra đi đột ngột của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô là một minh chứng sống động về cái chết bất ngờ. Ngài qua đời trong lúc cùng với các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện chuyến hành hương Ad Limina viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Khi nghe tin, ai cũng bàng hoàng, rúng động. Họ cảm thấy thân phận con người ở dưới trần gian thật mỏng manh, yếu đuối. Thông qua cái chết của Đức Cha Phaolô, Chúa muốn chúng ta hiểu được không ai trong chúng ta tránh khỏi được ngày tận thế, cái ngày mà tất cả mọi người đều phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa.
Về chi tiết bình dầu trong dụ ngôn Mười trinh nữ, cha Giuse đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của nó đến mức định đoạt số phận của năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Theo Ngài, cái bình dầu tượng trưng cho tình yêu, đức ái của mỗi con người. Chúng ta không thể đợi đến lúc ra trước tòa phán xét mới dùng bình dầu đó, mà chúng ta phải dùng trong suốt cuộc đời trên trần thế, giống như năm cô khôn ngoan luôn mang dầu bên mình để chờ đợi chàng rể, còn năm cô khờ dại khi chàng rể sắp đến mới vội vã đi mua dầu, thế là cánh cửa của buổi tiệc khép lại với năm cô khờ dại.Có thể nhiều người trách năm cô khôn ngoan lúc tối lửa tắt đèn tại sao không chia sẻ chút dầu cho năm cô khờ dại, nhưng điều mà Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu đó là cái chết và sự phán xét là của bản thân mỗi người, chúng ta phải tự gánh lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình vì khi ra trước tòa không ai có thể nhờ ai được bất cứ điều gì.
Dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, chúng ta tưởng nhớ về một vị mục tử nhân lành, trung tín và là một giáo sư thần học danh tiếng. Chắc chắn không ai trong chúng ta có quyền phong thánh cho Đức Cha Phaolô cũng như không thể ca ngợi Ngài một cách quá đà, nhưng qua những chứng từ, qua những người học trò cũng như những người bạn của Ngài, chúng ta biết được điều nổi bật nhất của Đức Cha Phaolô đó là niềm vui. Ngay cả trong những ngày cuối đời, cùng với anh em Giám mục đang hiện diện tại Roma, Ngài vẫn thoáng lên một niềm vui sâu xa. Ngài đổ cái bình dầu yêu thương của Ngài cho mọi người xung quanh, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Nói về người bạn thân của mình vừa mới qua đời, chia sẻ trong bài giảng lễ đưa chân tại Roma ngày 10 tháng 3 vừa qua, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang cho rằng: “Đức Tổng Phaolô luôn đến với mọi người, bất kể người đó là ai, trong tâm hồn của Ngài không có ai là kẻ thù”, vì Thiên Chúa của Ngài là Thiên Chúa của tình yêu.Chúng ta cảm tạ Chúa vì biết bao muôn ơn lành Chúa đã ban xuống trên Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô, một tôi tớ trung thành của Ngài, và như lời của Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh: “Đối với một Giám mục, được chết tại Roma, tại phần mộ của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô thật là một hồng ân cao cả hiếm khi Chúa ban tặng cho ai”. Mà Ngài đã dành hồng ân đó cho Đức Cha Phaolô, điều đó chứng tỏ tình yêu của Chúa dành cho Đức Cha lớn lao đến dường nào. Chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm và thiếu sót cho Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc khi còn ở dưới thế, để Ngài sớm được về với Chúa trên quê trời.
Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc sinh năm 1944 tại Đà Lạt, quê quán thuộc giáo xứ An Lộng, Quảng Trị, Tổng Giáo phận Huế. Từ năm 1956 – 1964 theo học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, sau đó du học tại Roma. Năm 1970 thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Năm 1999 được bổ nhiệm làm Giám mục Mỹ Tho, lễ thụ phong do Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong. Năm 2013 Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, đồng thời bổ nhiệm Tổng Giám mục Phó Phaolô làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Từ 2013 – 2016, Ngài giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Trương Cao Minh Trí
Xem Hình
Mở đầu Thánh lễ, linh mục chủ tế Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế đã thay mặt Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng gửi lời chia buồn đến Tổng Giáo phận Sài Gòn, gia đình linh tông huyết tộc và thân bằng quyến thuộc của Đức Cha Phaolô trước sự ra đi đột ngột của Ngài. Cha Antôn nhấn mạnh đây không chỉ là mất mát của Tổng Giáo phận Sài Gòn, mà còn là của toàn thể Giáo hội Việt Nam. Ngài cũng là người con xuất thân từ Giáo xứ An Lộng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thuộc Tổng Giáo phận Huế. Ngài cũng đã từng nhiều năm là Giáo sư môn Kitô học tại Đại Chủng viện Huế.
Chia sẻ trong bài giảng lễ, cha Giuse Hồ Thứ, giám đốc Đại chủng viện Huế đã dùng dụ ngôn Mười trinh nữ của Chúa Giêsu để nhắc nhở toàn thể cộng đoàn phải luôn luôn tỉnh thức chờ ngày Chúa đến. Cái chết có thể đến một cách bất ngờ vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Sự ra đi đột ngột của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô là một minh chứng sống động về cái chết bất ngờ. Ngài qua đời trong lúc cùng với các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện chuyến hành hương Ad Limina viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Khi nghe tin, ai cũng bàng hoàng, rúng động. Họ cảm thấy thân phận con người ở dưới trần gian thật mỏng manh, yếu đuối. Thông qua cái chết của Đức Cha Phaolô, Chúa muốn chúng ta hiểu được không ai trong chúng ta tránh khỏi được ngày tận thế, cái ngày mà tất cả mọi người đều phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa.
Về chi tiết bình dầu trong dụ ngôn Mười trinh nữ, cha Giuse đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của nó đến mức định đoạt số phận của năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Theo Ngài, cái bình dầu tượng trưng cho tình yêu, đức ái của mỗi con người. Chúng ta không thể đợi đến lúc ra trước tòa phán xét mới dùng bình dầu đó, mà chúng ta phải dùng trong suốt cuộc đời trên trần thế, giống như năm cô khôn ngoan luôn mang dầu bên mình để chờ đợi chàng rể, còn năm cô khờ dại khi chàng rể sắp đến mới vội vã đi mua dầu, thế là cánh cửa của buổi tiệc khép lại với năm cô khờ dại.Có thể nhiều người trách năm cô khôn ngoan lúc tối lửa tắt đèn tại sao không chia sẻ chút dầu cho năm cô khờ dại, nhưng điều mà Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu đó là cái chết và sự phán xét là của bản thân mỗi người, chúng ta phải tự gánh lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình vì khi ra trước tòa không ai có thể nhờ ai được bất cứ điều gì.
Dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, chúng ta tưởng nhớ về một vị mục tử nhân lành, trung tín và là một giáo sư thần học danh tiếng. Chắc chắn không ai trong chúng ta có quyền phong thánh cho Đức Cha Phaolô cũng như không thể ca ngợi Ngài một cách quá đà, nhưng qua những chứng từ, qua những người học trò cũng như những người bạn của Ngài, chúng ta biết được điều nổi bật nhất của Đức Cha Phaolô đó là niềm vui. Ngay cả trong những ngày cuối đời, cùng với anh em Giám mục đang hiện diện tại Roma, Ngài vẫn thoáng lên một niềm vui sâu xa. Ngài đổ cái bình dầu yêu thương của Ngài cho mọi người xung quanh, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Nói về người bạn thân của mình vừa mới qua đời, chia sẻ trong bài giảng lễ đưa chân tại Roma ngày 10 tháng 3 vừa qua, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang cho rằng: “Đức Tổng Phaolô luôn đến với mọi người, bất kể người đó là ai, trong tâm hồn của Ngài không có ai là kẻ thù”, vì Thiên Chúa của Ngài là Thiên Chúa của tình yêu.Chúng ta cảm tạ Chúa vì biết bao muôn ơn lành Chúa đã ban xuống trên Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô, một tôi tớ trung thành của Ngài, và như lời của Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh: “Đối với một Giám mục, được chết tại Roma, tại phần mộ của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô thật là một hồng ân cao cả hiếm khi Chúa ban tặng cho ai”. Mà Ngài đã dành hồng ân đó cho Đức Cha Phaolô, điều đó chứng tỏ tình yêu của Chúa dành cho Đức Cha lớn lao đến dường nào. Chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm và thiếu sót cho Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc khi còn ở dưới thế, để Ngài sớm được về với Chúa trên quê trời.
Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc sinh năm 1944 tại Đà Lạt, quê quán thuộc giáo xứ An Lộng, Quảng Trị, Tổng Giáo phận Huế. Từ năm 1956 – 1964 theo học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, sau đó du học tại Roma. Năm 1970 thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Năm 1999 được bổ nhiệm làm Giám mục Mỹ Tho, lễ thụ phong do Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong. Năm 2013 Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, đồng thời bổ nhiệm Tổng Giám mục Phó Phaolô làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Từ 2013 – 2016, Ngài giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Trương Cao Minh Trí