Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 28 tháng 2, 2018 tại Sảnh Đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa của việc Dâng Của Lễ: “Trong bánh và rượu, chúng ta hiến dâng Ngài của lễ cuộc đời chúng ta, để nó được Chúa Thánh Thần biến đổi thành hy lễ của Đức Kitô và với Người trở nên một của lễ thiêng liêng duy nhất đẹp lòng Chúa Cha”.
Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Tiếp theo phần Phụng Vụ Lời Chúa - mà tôi đã suy niệm trong bài giáo lý trước – là phần cấu thành phần khác của Thánh Lễ, đó là Phụng Vụ Thánh Thể. Trong đó, qua các dấu chỉ thánh, Hội Thánh không ngừng làm cho Hy Tế của Giao Ước Mới được Chúa Giêsu đóng ấn trên bàn thờ của Thập Giá được hiện diện (x hiến chế Sacrosanctum Concilium, 47). Đó là bàn thờ đầu tiên của Kitô giáo, bàn thờ của Thập Giá, và khi chúng ta đến gần bàn thờ để cử hành Thánh Lễ, ký ức của chúng ta đi đến bàn thờ Thập Giá, nơi hy tế đầu tiên đã được thực hiện. Linh mục, thay cho Đức Kitô trong Thánh Lễ, thực hiện điều Chúa đã làm và đã trao phó cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh và chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy mà ăn ... mà uống: này là Mình Thầy... này là chén Máu Thầy. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Vâng lệnh Chúa Giêsu, Hội Thánh đã sắp xếp Phụng Vụ Thánh Thể theo những lúc tương ứng với các lời nói và cử chỉ Người đã làm buổi chiều trước Cuộc Khổ Nạn của Người. Do đó, trong việc chuẩn bị lễ vật, bánh và rượu được mang lên bàn thờ, nghĩa là các yếu tố mà Đức Kitô đã cầm trong tay. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc và các lễ vật trở thành Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô. Tiếp theo là việc bẻ bánh và rước lễ, mà qua đó chúng ta sống lại kinh nghiệm của các Tông Đồ đã nhận món quà Thánh Thể từ tay của chính Đức Kitô (x. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 72).
Như thế, cử chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu: “Người cầm lấy bánh và chén rượu” tương ứng với việc chuẩn bị lễ vật. Đây là phần thứ nhất của Phụng vụ Thánh Thể. Việc các tín hữu dâng bánh và rượu cho linh mục là điều thật tốt, bởi vì chúng biểu thị của lễ thiêng liêng của Hội Thánh được gom lại ở đó cho Bí Tích Thánh Thể. Thật là đẹp khi các tín hữu mang bánh và rượu lên bàn thờ. Mặc dù ngày nay “các tín hữu không còn mang bánh và rượu mà chính họ làm cho Phụng Vụ, như trước đây, nhưng nghi thức dâng các lễ vật này vẫn duy trì giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó” (ibid., 73). Và liên quan đến việc này, có một việc thật ý nghĩa là, khi truyền chức một tân linh mục, Đức Giám Mục nói lúc ban cho vị này bánh và rượu: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh cho hy tế Thánh Thể” (Nghi thức truyền chức cho các giám mục, linh mục và của các phó tế). Dân Thiên Chúa là những người mang các lễ vật, bánh và rượu, lễ vật cao cả cho Thánh Lễ! Vì thế, qua dấu chỉ bánh và rượu, các tín hữu đặt lễ vật của chính họ trong tay linh mục, là người đặt nó trên bàn thờ hoặc bàn của Chúa. “đó là trung tâm của toàn thể Phụng Vụ Thánh Thể” (x. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 73). Nghĩa là, trung tâm của Thánh Lễ là bàn thờ, và bàn thờ là Đức Kitô; chúng ta phải luôn luôn nhìn lên bàn thờ là trung tâm của Thánh Lễ. Do đó, tuân phục Lời của Thiên Chúa, trong “hoa mầu của ruộng đất và lao công của con người”, cam kết dấn thân của các tín hữu được dâng lên để biến chính họ thành một “của lễ đẹp lòng Thiên Chúa là Cha Toàn Năng hầu mưu ích cho toàn thể Hội Thánh”. Vì vậy, “đời sống của các tín hữu, đau khổ của họ, kinh nguyện của họ, công việc của họ, được kết hợp với những điều ấy (đời sống, đau khổ, kinh nguyện và công việc) của Đức Kitô và với toàn thể hy lễ của Người, và như thế có được một giá trị mới” (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1368).
Dĩ nhiên là lễ vật của chúng ta thật ít ỏi, nhưng Đức Kitô cần sự ít ỏi này. Chúa đòi chúng ta rất ít, và Người ban cho chúng ta rất nhiều. Người đòi chúng ta rất ít. Người đòi chúng ta, trong cuộc sống thường nhật, có thiện tâm; Người đòi chúng ta một tâm hồn rộng mở; Người đòi chúng ta ý muốn được trở nên tốt hơn để chào đón Người là Đấng hiến mình cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể; Người đòi chúng ta những lễ vật biểu tượng này và sau đó sẽ trở nên Mình và Máu Người. Một hình ảnh của chuyển động cầu nguyện tự hiến này được tiêu biểu bằng trầm hương, khi bị đốt trong lửa, toả ra một làn khói thơm bay lên cao: việc xông hương các của lễ, như được làm trong các ngày lễ, việc xông hương Thánh Giá, bàn thờ, linh mục và dân tư tế biểu lộ cách hữu hình mối dây dâng hiến kết hợp tất cả các thực tại này với hy lễ của Đức Kitô (x. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 75). Và đừng quên: có bàn thờ là Đức Kitô, nhưng luôn luôn quy chiếu về bàn thờ đầu tiên là Thánh Giá, và trên bàn thờ là Đức Kitô, chúng ta mang lên món quà ít ỏi của mình, bánh và rượu là những gì sẽ trở thành nhiều hơn: là Chính Chúa Giêsu, Đấng tự hiến cho chúng ta.
Và tất cả điều này là điều mà lời nguyện trên lễ vật cũng diễn tả. Trong đó, linh mục xin Thiên Chúa chấp nhận các lễ vật mà Hội Thánh dâng lê Ngài, qua việc khẩn xin hoa trái của việc trao đổi tuyệt vời giữa sự nghèo nàn của chúng ta và sự giàu sang của Ngài. Trong bánh và rượu, chúng ta hiến dâng Ngài của lễ cuộc đời chúng ta, để nó được Chúa Thánh Thần biến đổi thành hy lễ của Đức Kitô và với Người trở nên một của lễ thiêng liêng duy nhất đẹp lòng Chúa Cha. Và như thế việc chuẩn bị của lễ kết thúc, và dọn lòng chúng ta cho Kinh Nguyện Thánh Thể (x. ibid., 77).
Linh đạo về việc tự hiến, mà giây phút này của Thánh Lễ dạy chúng ta, có thể soi sáng những ngày sống của chúng ta, những mối liên hệ của chúng ta với tha nhân, những việc chúng ta làm, những đau khổ mà chúng ta gặp phải, giúp chúng ta xây dựng thành phố thế trần dưới ánh sáng Tin Mừng.
2. Tờ Quan Sát Viên Rôma phàn nàn nhiều nữ tu phải phục dịch không công cho các Hồng Y và Giám Mục
Trong một diễn biến khá ngỡ ngàng ấn bản hàng tháng “Donne Chiesa Mondo” của tờ Quan Sát Viên Rôma (L'Osservatore Romano), số ra ngày 1 tháng Ba, than thở rằng nhiều nữ tu thường bị đối xử như những người hầu không có khế ước lao động bởi các Hồng Y và các Giám Mục, là những người mà họ phải nấu ăn, giặt giũ, lau nhà cho mà gần như là không công.
Ấn bản tháng ba của nguyệt san “Donne Chiesa Mondo” – “Thế giới phụ nữ trong Giáo Hội”, cho biết “Một số chị phục vụ trong nhà của các Giám Mục và Hồng Y, một số khác làm việc trong nhà bếp của các cơ sở của Giáo Hội hoặc dạy học. Một số chị phục dịch cho các chức sắc nam giới của Giáo Hội phải thức dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng, và chỉ đi ngủ sau khi phục vụ bữa ăn tối, nhà cửa được dọn dẹp đàng hoàng, quần áo được giặt giũ và ủi tươm tất”
Một nữ tu chỉ được nêu là Chị Marie than thở là các nữ tu phục dịch hàng giáo sĩ nhưng “chẳng mấy khi được mời ngồi vào bàn ăn mà họ phục vụ”.
Nguyệt san “Donne Chiesa Mondo” của tờ Quan Sát Viên Rôma đã ra mắt số đầu tiên cách đây sáu năm như một phụ bản của tờ Quan Sát Viên Rôma. Bây giờ nguyệt san này là một tạp chí độc lập, được phân phối miễn phí trên mạng và được chèn vào các tờ báo in bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Pháp và tiếng Anh của tờ Quan Sát Viên Rôma.
Chủ biên của tạp chí này là Lucetta Scaraffia, một người trong nhiều dịp khác nhau đã cho thấy xu hướng nữ quyền cực đoan.
3. Các nữ tu giúp việc cho các linh mục và giám mục là sai hay sao?
Ấn bản hàng tháng “Donne Chiesa Mondo” của tờ Quan Sát Viên Rôma (L'Osservatore Romano), số ra ngày 1 tháng Ba, đã công kích hiện trạng nhiều nữ tu giúp việc nhà cho các Hồng Y và Giám Mục như một hình thức “bóc lột” trong Giáo Hội. Bài báo đã gây ra một tai tiếng trầm trọng cho Giáo Hội và là căn cớ cho các phương tiện truyền thông thế tục chê cười Hội Thánh. Bên cạnh tai tiếng lạm dụng tính dục, giờ đây chúng ta lại phải gánh thêm một cách oan uổng tai tiếng “bóc lột phụ nữ”.
Một số phương tiện truyền thông Công Giáo đã phản ứng lại bài báo này. Dưới đây là một bài có tính chất “ôn tồn” nhất trên Catholic Word News có tựa đề Is it wrong for women religious to serve priests and bishops? - Các nữ tu giúp việc cho các linh mục và giám mục là sai hay sao?
Tôi không biết bạn nghĩ như thế nào, nhưng tôi thấy dở khóc dở cười với bài báo lên án hiện trạng các nữ tu giúp việc nhà cho các linh mục và giám mục trong phụ bản mới ra gần đây của tờ Quan Sát Viên Rôma. Phụ bản này là một sáng tạo dự đoán được của triều đại giáo hoàng hiện tại, do một giáo sư phò nữ quyền của Đại Học La Sapienza ở Rôma làm chủ biên. Thế là giờ đây chúng ta có một tiếng hét phản đối mới chống lại việc các nữ tu giúp việc như những người lau nhà, nấu ăn và quản gia cho những vị trong Phẩm Trật Hội Thánh.
Với sự nhạy cảm đã được cẩn thận mài dũa sắc bén của phương Tây hiện đại, tôi hiểu được sự phẫn nộ đang bùng phát. Trong bài báo trên, vấn đề có vẻ như là một hình thức buôn người mới.
Nhưng thực sự là gì?
Có gì là sai trái khi các cộng đồng nữ tu tận tụy thi hành các công việc lặt vặt cho những ai có lý do chính đáng phải cần đến các dịch vụ ấy? Có lý do nào để các cộng đồng như thế không muốn giúp việc nhà cho các linh mục, giám mục, Hồng Y và thậm chí cả Đức Giáo Hoàng vì khi làm như thế họ sẽ giúp làm giảm chi phí cho cộng đồng Công Giáo có liên quan và làm cho các yếu tố cần thiết của sứ vụ linh mục có thể thực hiện dễ dàng hơn? Có gì là sai trong việc điều động những khóa sinh, bất kể đặc sủng nhà dòng của họ là gì, thực hiện các dịch vụ như vậy trong giai đoạn tập sinh? Chẳng lẽ điều này chẳng mang lại ơn ích gì trong việc rèn luyện đức khiêm nhường hay sao?
Nói rộng hơn, có bất kỳ lý do chính đáng nào không để giả định rằng tất cả những ai được mời gọi vào cuộc sống thánh hiến đều là những người có khả năng tri thức phù hợp với những nghề nghiệp chuyên môn trong những ngành như y khoa, và giáo dục (tôi nhắc đến những nghề này vì chắc chắn là những nghề nghiệp cao quý), và những nghề nghiệp khác có thể được chính phủ tài trợ. Hay, nói lại một lần nữa, có điều gì là thấp hèn khi phục vụ như một quản gia hay một người nấu ăn? Vì đây là những công việc khá nhẹ nhàng, liệu chúng ta có nên kỳ vọng những việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều về thể chất như thế nên dành riêng cho cánh đàn ông không?
Tôi có lẽ cũng nên đề cập rằng phụ nữ thường có trực giác về dinh dưỡng mạnh hơn nam giới và bất kể có những ngoại lệ nhất định, phụ nữ thường thích nấu ăn hơn nam giới, và tôi thậm chí dám nói rằng tất cả các bạn có thể đồng ý với tôi rằng phụ nữ thường thích dọn dẹp và làm việc nhà hơn nam giới. Có những dòng chuyên giúp việc cho hàng giáo sĩ như thế há chẳng phải có khả năng là nhiều phụ nữ thực sự bị thu hút bởi ý hướng muốn giúp đỡ trực tiếp cho hàng giáo sĩ hay sao?
Có vấn đề gì ở đây không?
Tôi không biết chi tiết về nghiên cứu (nếu có) mà câu chuyện này dựa trên. Nhưng tôi nghi ngờ chuyện cho rằng cả các nữ tu bác sĩ, y tá và giáo viên cũng thường xuyên bị buộc phải giúp việc cho các giám mục. Tôi không biết liệu các phụ nữ tài năng khi gia nhập vào các cộng đoàn tu trì có chịu làm những công việc họ không muốn hay không, có bị ngăn cản không được đảm nhận những trách vụ xứng với khả năng của họ hay không. Nhưng tôi nghi ngờ những chuyện như thế không có đâu.
Trước Công đồng Vatican II, các dòng tu thường phản ảnh những ước lệ ở Âu Châu theo đó có nhiều thứ bậc trong một nhà dòng. Điều này là dễ hiểu, vì cấu trúc bên trong phát sinh từ sự phân tầng của nền văn hoá. Một trong những cải cách của Công Đồng Chung Vatican II là Sắc Lệnh Thích ứng và Đổi mới Đời sống Tu trì (Perfectae Caritatis), trong đó cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt những phân cấp như thế, đặc biệt đối với các dòng tu nữ, vì trong các dòng tu nam không có sự phân biệt được quy định tương tự như thế giữa linh mục và các thầy.
Có thể có những lạm dụng. Có thể có các giáo sĩ cao cấp coi các nữ tu như những người giúp việc tự nhiên của mình và cho rằng mình có quyền sai khiến bất kỳ các cộng đồng nữ tu nào gởi đến cho mình bất cứ ai vào bất cứ lúc nào cần đến, hay có lẽ thường là với một thái độ ít trịch thường hơn như thế. Nhưng tôi nghi ngờ những gì bị đánh mất trong bài báo gây chấn động này là luận lý bình thường, là lòng khiêm tốn và quan điểm Kitô giáo nhìn nhận rằng các công việc tầm thường tự bản chất không hạ thấp phẩm giá của bất cứ ai, và các nữ tu phải được quyền cống hiến các công việc của mình cho Giáo Hội mà không bị áp lực bởi các nhà chủ biên nữ quyền cực đoan để cảm thấy mình “bị ngược đãi”.
Một điều có lẽ là liên quan, đó là gần đây tôi đã được đọc một cuốn tiểu sử về Thánh Faustina Kowalska, là nhà thần bí của thế kỷ XX đã được Thiên Chúa mạc khải Lòng Thương Xót của ngài. Biết bao nhiêu lần thánh nữ đã phục vụ như một quản gia hay làm việc trong nhà bếp hay trong một khu vườn! Nhưng ý nghĩ đơn thuần của Chị Faustina và lòng thương xót của Thiên Chúa, trong đó hàm ý khiêm nhường, phải làm mềm lòng những người nữ quyền quá khích chứ.
Tất nhiên ý thức hệ nữ quyền quá khích bôi nhọ cả những bà mẹ, vì phần lớn công việc của họ bao gồm nuôi dưỡng trẻ em và giúp đỡ lẫn nhau với người chồng (tôi hy vọng như thế) trong số những công việc đó có lau chùi, nấu nướng và xếp đặt ngăn nắp mái ấm gia đình. Dẫu sao, một chân lý cơ bản của sự tồn tại của con người là không phải mọi hình thức đào tạo nào cũng nhất thiết phải liên quan đến những khóa huấn luyện nghiêm ngặt về tri thức. Trong thực tế, hầu hết đều không phải.
Không có công việc phục vụ nào được trông đợi sẽ làm tăng vị thế của chúng ta trong thế giới này. Mọi loại phục vụ đều là nhằm hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô. Phải quen với điều đó thôi.
4. Caritas Ấn độ và tổ chức Misereor khai mạc chiến dịch Mùa Chay.
Lần đầu tiên tổ chức Caritas Ấn độ và tổ chức Misereor của Ðức cùng khai mạc chiến dịch Mùa Chay, chú trọng đến giáo huấn về sinh thái của thông điệp Laudato sì - thông điệp của Ðức Thánh cha Phanxicô về bảo vệ môi trường và cộng đồng nhân loại khỏi các nguy hại của sự biến đổi khí hậu.
Cha Frederick D'Souza, giám đốc điều hành của Hiệp hội Công Giáo, nói với hãng tin Á châu: “Caritas Ấn độ và Misereor cộng tác với nhau từ lâu và dấn thấn từ hơn 50 năm nay trong lãnh vực phát triển. Sự thành công của việc tổ chức chiến dịch Mùa Chay năm nay giúp phát phát triển các lợi ích của việc cộng tác chung.”
Chủ đề của chiến dịch là sự biến đổi khí hâụ với chủ đề “Bạn đã thay đổi thế giới hôm nay?” Chương trình gồm các buổi họp chuẩn bị với sự tham dự của giới trẻ của tổ chức phát triển của Hội đồng Giám mục Ðức. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào tháng 05 năm 2017, tiếp đó vào tháng 6 cùng năm 2017 và tháng 2 năm 2018. Hôm 17 tháng 02 năm 2018, cha D'Souza đã cử hành Thánh lễ trọng thể tại nhà thờ thánh Lantpert ở Munich, chính thức khai mạc các chương trình tại Ðức và được kéo dài đến thứ Sáu tuần Thánh 30 tháng 3 năm 2018.
Cha D'Souza đã kêu gọi các bạn thanh thiếu niên trở thành các thành viên có trách nhiệm của Giáo hội bằng cách ủng hộ các giá trị của tình liên đới. Cha đề nghị với các bạn trẻ Ðức một số việc làm cụ thể để cứu lấy hành tinh của chúng ta như tránh phung phí nước, chỉ sử dụng điện khi cần thiết, sử dụng các phương tiện công cộng, ăn thực phẩm chay bao nhiêu có thể, giảm sử dụng đường hàng không.
Tại Ấn độ, chiến dịch Mùa Chay được bắt đầu ngày 18 tháng 02 năm 2018 tại nhà thờ Thánh Tâm ở New Delhi. Giáo hội Ấn độ đáp lại lời kêu gọi của Giáo hội hoàn vũ trong việc tôn trọng môi trường, ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hoạt động theo cách thế cá nhân và tập thể trong việc sản xuất, sử dụng và tiêu dùng bền vững.
5. Cha Jean Dujardin - Chứng nhân cuộc đối thoại giữa Do thái và Kitô giáo.
Ðêm mùng 2 sáng mùng 3 tháng 3 năm 2018, cha Jean Dujardin, một nhân vật nổi tiếng trong hoạt động đối thoại giữa Do thái và Kitô giáo, đã qua đời tại Boulogne-Billancourt, hưởng thọ 82 tuổi. Dù cho sức khỏe thể lý không được mạnh mẽ, cha Dujardin đã là chứng tá cho cuộc đối thoại cho đến cùng.
Cha Jean Dujardin sinh năm 1936; năm 1955 cha gia nhập dòng Giảng thuyết của thánh Philipphê Nêri và được thụ phong linh mục vào năm 1962. Cha đã cống hiến phần lớn cuộc đời cho cuộc đối thoại giữa Do thái và Kitô giáo. Sau khi được chọn làm giám đốc trường thánh Martin de France, là ngôi trường của dòng Giảng thuyết, nơi cha dạy môn lịch sử, năm 1987, cha được chọn là Thư ký Ủy ban quan hệ với Do thái giáo của Hội đồng Giám mục Pháp, cùng lúc nhận lãnh trách nhiệm bề trên tổng quyền dòng Giảng thuyết ở Pháp.
Ngày 20 tháng 1 năm 2018, cha Dujardin vẫn hiện diện tại Collège des Bernadins nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập hiêp hội “Chuyến xe lửa ký ức” do ngài đồng sáng lập cùng với các nữ tu Sion. Hai năm một lần, hiệp hội này đưa một nhóm học sinh trung học đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở Ba lan để nhắc nhớ, suy tư về nạn diệt chủng người Do thái của Ðức quốc xã.
Jacqueline Cuche, chủ tịch hội Thân hữu Do thái Kitô của Pháp, nói với nhật báo “La Croix” của Pháp: “Cha Dujardin đã giữ vai trò trung tâm và đã phát triển các mối quan hệ giữa người Do thái và các Kitô hữu... Cha nổi bật về hiểu biết lịch sử, trên hết là lịch sử Giáo hội, sự quan tâm đến người khác và lo lắng về việc sử dụng từ ngữ chính xác.”
Cha không mệt mỏi kiến tạo cuộc đối thoại về sự thật, cha cũng tham gia tích cực vào việc soạn thảo Tuyên ngôn thống hối của các Giám mục Pháp được đọc tại Drancy ngày 30 tháng 09 năm 1997. Trong tài liệu quan trọng này, dưới sự thúc đẩy đặc biệt của Ðức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, Giáo hội Pháp nhận ra “sự im lặng” của mình trước “cố gắng tiêu diệt người Do thái”, khẩn cầu “sự tha thứ của Chúa” và xin dân tộc Do thái “lắng nghe lời thống hối đó.”
Cha Dujardin quan tâm nhiều đến việc thông truyền đức tin. Cha đã dạy học tại École Cathédrale và tại Collège des Bernardins ở Paris, cũng như ở chủng viện Xuân bích ở Issy-les-Moulineaux. Trong vai trò cố vấn của Ủy ban giáo hoàng về liên lạc với Do thái giáo, cha đã tổ chức nhiều hội nghị nhắm đào tạo các Kitô hữu trong việc đối thoại. Cha cũng thường xuyên được mời đến các hội đường Do thái để giải thích về Kitô giáo cho người Do thái. Gia sản của cha sẽ còn lưu lại nhờ những bản văn mà cha đã để lại, ví dụ như “Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do thái, một cái nhìn khác”, hay “Tín hữu Công Giáo và người Do thái - 50 năm sau Công đồng Vatican II”.
6. Ðức Thánh Cha Phanxicô viết lời tựa cho cuốn sách “Tin mừng má kề má”.
Một cuốn sách “mỏng nhưng có nhiều chuyện từ cuộc sống, một câu truyện “được viết từ những gương mặt, sự cống hiến, các cử chỉ bác ái”. Ðó là những lời của Ðức Thánh Cha trong lời tựa ngài viết cho cuốn sách “Tin mừng má kề má” của nhà báo Paola Bergamini, thuật lại cuộc đời của cha Stefano Pernet, đấng sáng lập hội dòng Các Nữ tu bé nhỏ của Ðức Mẹ lên trời.
Trong cuốn sách sẽ được nhà xuất bản Piemme phát hành ngày 06 tháng 03 năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngày nay “việc loan báo Tin mừng được thực hiện qua các chứng tá của sự gần gũi và bác ái” và loan báo Tin mừng “cũng khiến chúng ta má kề má, áp má chúng ta lên má của những người đau khổ.”
Nữ tu đã bồng tôi trên đôi tay khi tôi mới chào đời được một ngày
Trong bản văn, Ðức Giáo hoàng Bergoglio cũng kể những kinh nghiệm cá nhân của ngài về hội dòng Các Nữ tu bé nhỏ của Ðức Mẹ lên trời. Ðó là các nữ tu “như những thiên thần thầm lặng đến nhà của những người nghèo khổ, làm việc với sự kiên nhẫn, chăm sóc quan tâm và rồi lại âm thầm trở về nhà dòng.” Ðức Thánh Cha viết: “Khi tôi mới chào đời chưa được một ngày, sơ Anna, một nữ tu trẻ đang ở nhà tập, đến nhà chúng tôi, tại khu phố Flores của thành phố Buenos Aires. Sơ đã bế tôi trên tay sơ.” Mối liên hệ này đã được tiếp tục suốt sau đó cho đến khi sơ Antonia trở về nhà Cha trên trời. Ðức Thánh Cha cũng kể lại sự kiện về một người đàn ông được cho là chống giáo sĩ, bạn đồng nghiệp với bố của ngài. Người này đã biết được gương mặt mẫu tử của Giáo hội và bắt đầu bảo vệ các nữ tu và Ðức Mẹ sau khi được mẹ bề trên của dòng Các Nữ tu bé nhỏ của Ðức Mẹ lên trời chăm sóc.
Hoạt động của cha Stefano Pernet
Cha Stefano Pernet sinh ra ở Pháp sau thời cách mạng Pháp vào giữa những năm 1800, đã dâng hiến cuộc đời để giúp đỡ các gia đình trong những khu phố xuống cấp của Paris. Cha đã để lại một di sản cho Các Nữ tu bé nhỏ của Ðức Mẹ lên trời và đến ngày nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, các chị vẫn theo tinh thần của cha và loan truyền sự ngọt ngào và lòng thương xót đó. Cha Stefano Pernet đã được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô nhìn nhận là đấng đáng kính vào năm 1983.
Sức mạnh không thể chống lại của lòng thương xót
Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc rằng các cử chỉ “rao giảng Chúa Giêsu Kitô tốt hơn bất cứ bài giảng nào,” chúng “chạm đến con tim của ngay cả những người ở xa.” “Sức mạnh duy nhất” “mở ra và làm tan chảy các xiềng xích”, thật sự, “không phải là sức mạnh của vũ khí hay sự cứng nhắc của luật lệ, nhưng là sự yếu đuối toàn năng của tình yêu Thiên Chúa: sức mạnh không thể cưỡng lại được của sự ngọt ngào và lời hứa không thể đảo ngược của lòng thương xót.”
7. Phụ nữ, trụ cột của Giáo hội và xã hội
“Phụ nữ, trụ cột trong việc xây dựng Giáo hội và của xã hội ở châu Mỹ Latinh” là chủ đề được Ðức thánh cha Phanxicô chọn cho hội nghị lần tới của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3 năm 2018.
Ngoài các thành viên và cố vấn của ủy ban là Hồng Y và Giám mục, trong cuộc họp này, một nhóm phụ nữ được tuyển chọn đặc biệt từ các châu lục sẽ đến tham dự; họ là những phụ nữ có vai trò quan trọng trong xã hội và Giáo hội địa phương. Sự hiện diện, năng lực và kinh nghiệm của họ sẽ là nền tảng làm phong phú thêm các suy tư và trao đổi ý tưởng trong quá trình làm việc.
Chương trình bao gồm bốn phần: Ana María Bidegaín sẽ nhấn mạnh “những trở ngại và những điểm mạnh cho việc thăng tiến phụ nữ trong thực tế Châu Mỹ Latinh”; Guzmán Carriquiry Lecour sẽ nói về “những phụ nữ đã đánh dấu bước ngoặt của một sự chuyển đổi văn hoá”; Ðức Hồng Y Marc Ouellet, Chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng sẽ nói về “Người phụ nữ trong ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và của Giáo Hội”.
Tiếp theo là một loạt các cuộc hội thảo về thực trạng của phụ nữ, “trụ cột của gia đình và của việc chăm sóc đời sống”, như là “nhà giáo dục và giáo lý viên”, trong “việc làm và chính trị”, trong bổn phận “liên đới với người nghèo, chăm sóc của ngôi nhà chung và xây dựng Giáo Hội”.
8. Hành trình từ một đầu bếp trở thành Linh mục của cha Stéphane Esclef.
Cha Stéphane Esclef hiện đang là cha xứ của giáo xứ thánh Gioan Tẩy giả ở Belleville, thuộc quận 19 của thành phố Paris. Nhưng trước khi trở thành Linh mục, cha đã là một đầu bếp trong gần 10 năm trời. Mãi đến năm 27 tuổi, cha mới quyết định vào chủng viện để theo đuổi ơn gọi Linh mục, phục vụ trong “nhà hàng các linh hồn”, như cha chia sẻ cách hài hước. Cha Stéphane kể về hành trình trở thành Linh mục của mình như sau:
“Tôi sinh ra trong một gia đình bình dân; cha tôi là một thợ sơn xe, còn mẹ tôi là thợ may quần áo. Cha mẹ tôi phải làm việc rất bận rộn, do đó chính bà của tôi là người đã nuôi dạy tôi. Tôi có một tuổi thơ đơn giản nhưng rất hạnh phúc. Bà tôi muốn tôi được rửa tội và cha mẹ tôi, cũng đã được rửa tội theo truyền thống Công Giáo, đã không phản đối điều đó. Bà tôi không siêng năng thực hành đạo lắm nhưng bà lại có lòng bác ái; bà làm điều đó mỗi ngày khi phục vụ Giáo hội và những người khác. Tôi luôn nhìn thấy điều bà làm và nó gây ấn tượng với tôi rất nhiều. Bà tôi huấn luyện tôi, vào lúc 7 giờ, trước khi đi đến trường thì theo bà, lần lượt giúp những người nghèo. Bà tôi là một phụ nữ nhà quê, không biết đọc, không biết viết, nhưng làm việc nhà, chăm sóc cho người dân. Bà không biết làm gì nhưng lại làm hết lòng với tình yêu thương. Ðời sống Kitô hữu đối với tôi chỉ như thế. Sau đó tôi đã học giáo lý và rước lễ lần đầu... Không lâu sau khi học giáo lý, rước lễ lần đầu và thêm sức, tôi đã dừng thực hành đạo vì nó không hứng thú với tôi tí nào. Tôi chỉ tiếp tục đi theo bà tôi làm việc bác ái.”
Từ khi còn nhỏ, tôi đã giúp bà tôi chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình. Tôi đã học nấu ăn với bà. Chính từ đó mà đam mê nấu ăn đến với tôi khi nhận thấy việc nấu ăn là cách để vui chơi, tụ họp và hiệp thông với nhau. Khi đọc lại cuộc sống của mình bây giờ, tôi nói rằng Chúa đã sắp đặt sẵn chương trình. Lúc 7 tuổi tôi đã biết rằng mình muốn trở thành một đầu bếp. Tôi bắt đầu làm việc từ 14 tuổi và tôi đã theo một con đường chuyên nghiệp, làm việc trong các nhà hàng nổi tiếng. Nhưng Thiên Chúa với tôi vẫn là số không. Không Thánh lễ, không lễ Giáng sinh, không Phục sinh. Ðối với tôi, Giáng sinh chỉ là con gà tây mà người ta mua về, cắt cổ và nhổ lông.
Do việc học và làm việc, tôi đã xin hoãn nghĩa vụ quân sự và tôi thi hành vào năm 22 tuổi. Tôi đã tổ chức một nhà hàng cho các quân nhân: tôi không thường cầm súng trừ “súng” của nhà bếp. (Cha cười khi nói thế). Tôi đã kết bạn với một người sống không xa nhà tôi lắm. Một ngày kia, cậu Xavier này nói với tôi: “Nghe này Stephan, tôi muốn đề nghị anh đi Lộ đức. Tôi trả lời: “Không, không, nó không dành cho tôi. Nhưng bạn tôi nài nỉ, tôi tìm hiểu và biết rằng nếu tôi đi Lộ đức với quân đội, tôi sẽ được trừ 4 ngày trong quân ngũ. Tôi tự nhủ: “Tuyệt vời! Ðây là động lực thiêng liêng để đi Lộ đức.” Tôi đã đi Lộ đức với động lực này và ở đó mọi thứ đã đảo lộn.
Ðây là lần đầu tiên tôi đi chung với các Kitô hữu, các linh mục, và điều này làm tôi ngạc nhiên - vì tôi đã có thành kiến về Giáo Hội, về các linh mục vv - khi tôi thấy những con người bình thường, cười đùa vui vẻ và đặc biệt là họ rất chu đáo quan tâm lẫn nhau, hỗ trợ giúp đỡ người bệnh. Người ta nói với tôi: “Stephan, anh nên đi đến hang đá.” Tôi không cảm thấy mình xứng đáng đi đến đó nên tôi đi sang phía bên kia bờ sông, đối diện với hang đá. Và thời gian dừng lại ở đó.
Tôi đã nhận được sự mặc khải của Ðức Trinh nữ Maria. Ðức Mẹ nói với lòng tôi. Mẹ không nháy mắt với tôi ở trong hang đá nhưng nói chuyện với tôi. Ðức Mẹ nói: “Stephan, xắn tay áo lên và làm việc trong Giáo hội và là con của mẹ.” Sau đó, khi tôi trở về lại quân đội, tôi đã thay đổi: Tôi luôn nói về Chúa và người ta không hiểu. Tôi bắt đầu cầu nguyện lần đầu tiên trong cuộc đời và điều này âm vang trong tôi, tận trong sâu thẳm lòng tôi.
Sau 3 tháng ở Áo, tôi trở về Paris để làm việc. Và đó là lần đầu tiên tôi làm chứng về đức tin của tôi ở nơi làm việc. Ðức tin của tôi quá mạnh mẽ, biến đổi tôi, người ta đặt câu hỏi với tôi và tôi đã nhìn thấy những cuộc trở lại từ chứng từ của tôi. Vào ngày Chúa Nhật, vì chúng tôi không thể đi tham dự Thánh lễ, trước khi ăn khai vị, tôi tập họp các bạn lại và chúng tôi đọc kinh Lạy Cha. Và chúng tôi đã lập nên một nhóm cầu nguyện.
Vào một thời điểm rất quan trọng, tôi thưa với Chúa: “Ngài muốn con làm gì?” Và tôi đã nghỉ phép một tháng để suy nghĩ về câu hỏi “Chúa muốn điều gì cho tôi?” Tôi đã có kế hoạch mở một nhà hàng, có nhà riêng và lập gia đình. Lúc đó tôi làm 3 điều: gặp lại vị linh mục đã đồng hành với tôi trước đó ở Áo và hiện đang ở Anh quốc, thực hiện một cuộc hành hương khác đến Lộ đức và làm một cuộc tĩnh tâm.
Tất cả xảy ra ở Anh. Những người trẻ đề nghị tôi tham dự một tối cầu nguyện. Tôi ở ngoại ô Luân đôn, trước Thánh Thể. Tôi chưa bao giờ làm điều này trong đời mình. Người ta nói với tôi: “Bạn nói với Người, Người lắng nghe bạn, bạn lắng nghe Người.” Tôi đã cầu nguyện nhưng sau nửa giờ vẫn không có gì. Khi tôi quyết định dừng chầu Chúa, như ở Lộ đức, thì thời gian như ngừng lại. Lần này không phải Ðức Mẹ nhưng chính Chúa Giêsu nói với tôi: “Stephane, bỏ con dao xuống, bỏ lò bếp, hãy theo Ta và trở thành Linh mục.” Tôi xin Chúa 3 dấu chỉ: 3 lần tôi sẽ mở sách Thánh kinh và tôi muốn rằng nó được rõ ràng. Ðoạn thứ nhất là sách ngôn sứ Edekien 3,17: 'Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết'. Ðoạn này không thuyết phục lắm. Ðoạn thứ hai: 'Trong bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Ta.' Ah, lời này chính xác đối với tôi. Ðoạn thứ 3: 'Xin cho ý Chúa được thể hiện.' Lúc đó tôi thưa đồng ý. Tôi đã 27 tuổi.
Tôi đã đẩy cánh cửa của chủng viện: đó là một thế giới khác. Một thế giới mà tôi chưa từng biết. Tôi đã biết đến thế giới nấu ăn, những người đàn ông, sự mạnh mẽ, còn ở chủng viện người ta nhẹ nhàng lịch sự, rồi những bài giảng, vv. Ðó không phải là phong cách của tôi! Tôi nói thẳng. Vì vậy, từ tháng thứ hai, tôi bị suy sụp và chịu hết nổi la lên: 'Chúng tôi không hiểu gì về những từ vô nghĩa của các giáo sư!'. Tôi được gọi lên văn phòng giám đốc và người đã chọn cho tôi một giáo sư hướng dẫn, và đó là cách tôi dần dần từng bước học tập. Tôi không hề hối hận về thời chủng viện của tôi, mặc dù lúc đầu rất khó khăn. Tôi đã được thụ phong linh mục bởi Ðức cha Lustiger vào năm 1996, sau này là Hồng Y Lustiger.
Cha Stephane chia sẻ thêm rằng thời gian làm đầu bếp là trường đời giúp cha có những trải nghiệm thực để cha hiểu được người dân và có thể đồng hành với họ. Cha đã vào chủng viện với hành trang là kinh nghiệm của những năm làm đầu bếp. Thỉnh thoảng cha cũng dùng các bữa ăn để tạo nên tình huynh đệ, xây dựng tình hiêp thông. Ðối với cha, đầu bếp và Linh mục đều là những người cho đi, không quan tâm đến lợi ích bản thân và chỉ khi phục vụ thì mới có thể xuất sắc trong công việc của mình. Cha Stephane không hối tiếc đã bỏ nghề đầu bếp. Cha nói cách hài hước rằng cha đã ở trong nhà hàng của thân xác, giờ đây cha chuyển sang nhà hàng các linh hồn.