Thế là ông cụ tôi mất đã được 100 ngày. Dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh vừa qua, và nay là Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, những đại lễ làm dịp sum họp cho gia đình chúng tôi lần đầu tiên vắng bóng cụ. Tưởng là không ảnh hưởng gì mấy, bởi chỉ vắng đi có một người. Thế mà trái lại, vắng cụ, tự nhiên ai cũng cảm thấy thiêu thiếu, hụt hẫng thế nào ấy. Thì ra, lúc nào cụ cũng vẫn là một chỗ dựa tinh thần không thể thay thế cho cả gia đình chúng tôi. Một trăm ngày, khoảng thời gian đủ chín muồi để những dòng này được viết ra không quá trĩu nặng những cảm xúc như những ngày cụ mới ra đi.

Suốt ba năm dòng dã, tôi thấm thía đậm đà nỗi buồn của Trịnh Công Sơn qua bài “Chiều Chúa Nhật Buồn,” tuy tâm trạng của tôi không hề giống tâm trạng của nhạc sĩ chút nào, có chăng là giọt buồn ấy lặng lẽ nhỏ xuống trùng vào mỗi buổi chiều Chúa Nhật. Đó là lúc tôi đưa ông cụ từ nhà trở lại viện an dưỡng Manor Care tại thành phố Sunnyvale, theo đúng lịch trình tôi tự đặt ra cho mình, sau một thời gian thử nghiệm để cho cuộc sống thường ngày của cụ trở thành nề nếp tại nơi ở mới. Tất cả khởi đi từ một cú tai biến mạch máu não khiến cụ gục xuống trên bàn ăn trong lúc đang dùng bữa trưa tại nhà hàng gần nhà để mừng đứa cháu vừa lập gia đình. Khi chiếc xe cứu thương chở cụ đi bệnh viện Stanford thì nó cũng đưa cụ vĩnh viễn giã từ cuộc sống chung với gia đình mà cụ đã trải qua từng ngày suốt gần 90 năm cuộc đời. Chính cái nếp sống lâu bền và đặc quánh chất gia đình đã hành hạ cụ từ đó cho đến khi nhắm mắt. Nó cũng cùng lúc dằn vặt tôi suốt hơn ba năm trời thăm viếng, đưa đón cụ đi đi về về mỗi dịp cuối tuần. Và cũng từ đó chiều Chúa Nhật nào cũng đều là những buổi chiều Chúa Nhật buồn. Đẩy cụ vào trong phòng, giúp cụ nằm xuống giường, đắp mền, tắt điện xong xuôi, miệng thì lí nhí: “Thôi ba nằm nghỉ, con về đây, tuần tới con vào,” là tôi đi thẳng ra ngoài, mặc cho cụ nói với theo câu: “Nhớ vào đây sớm, càng sớm càng tốt,” nghe như một điệp khúc u uẩn và chán chường, y hệt gương mặt của tuyệt đại đa số những cư dân nơi này, cho dù mỗi người mỗi vẻ. Từ khi cụ qua đời đến nay, “chiều Chúa Nhật buồn,” với tôi, được thay thế bằng “Chúa Nhật Buồn,” một bài hát của Hung Gia Lợi được Phạm Duy viết lời Việt: “Chúa Nhật buồn đi lê thê, cầm một vòng hoa đê mê: bước chân về với gian nhà, với trái tim còn nặng nề…”

Cụ tôi ra đi sau ba lần bị chứng tai biến mạch máu hành hạ, lần sau cùng nó làm cho cụ bán thân bất toại. Giờ cụ ra đi được xác nhận là vào lúc 4:25 sáng sớm hôm 9 tháng 11 năm 2017. Có thể là trước đó nữa không chừng, nhưng đó là theo ghi nhận của cô điều dưỡng viên trong nhà an dưỡng. Điều chúng tôi vẫn lấy làm tiếc là không ai có mặt trong phút giây cuối cùng cuộc đời cụ, cho dù niềm an ủi còn lại là việc cụ ra đi êm ái, như là chỉ thiếp đi trong một giấc ngủ thật sâu.

Tuy tuổi đời trải dài gần 90 năm, nhưng nếu viết tiểu sử về cụ, không biết có thể gom được đủ một trang giấy hay không. Tại sao? Lý do dễ hiểu là đời sống của cụ quá đơn giản, nhịp sống của cụ khá đều đặn, và dòng đời của cụ khá phẳng lặng. Nói một cách nôm na, cuộc sống của cụ chẳng lên voi mà cũng chẳng xuống chó. Hay nói theo lối quảng cáo ngày nay thì “Cụ Vincentê là người Việt Nam, sinh ra là để làm giáo chức, và chỉ làm giáo chức mà thôi!”

Như vậy, xét về thành tích, thì với hơn 30 năm sống đời giáo chức, từ trước khi di cư 1954 cho đến tháng 4 năm 1975, cũng giống như quý vị sống đời giáo chức khác, đóng góp lớn nhất của cụ là giúp đào tạo các mầm non cho thế hệ tương lai của nước nhà. Trường Tiểu Học Công Lập Nghĩa Hòa là ngôi trường mà nhiều người sống ở vùng Sao Mai, Nghĩa Hoà, Lộc Hưng, Nam Hòa, Chí Hoà, vùng Ngã Ba Ông Tạ đều biết. Hiện tại, học trò của Thầy Xuyến cũng có mặt đây đó tại California, cả Bắc lẫn Nam.

Nhưng nếu xét về mặt vật chất thì ai cũng biết: làm giáo chức thì chỉ có nước “dức cháo” mà thôi. Hình như ai làm nghề giáo cũng đều nghèo cả. Trong xứ Sao Mai có một số quý vị đồng nghiệp với cụ, như Ông giáo Toàn, Ông giáo Thủy, Ông giáo Tuân. Ngoại trừ trường hợp ông giáo Cảnh, nhà ở ngay tháp chuông cuối nhà thờ Sao Mai là người giầu có. Hỏi ra thì mới biết thầy Cảnh giầu không phải vì làm giáo chức, mà là vì thầy trúng số độc đắc (bạc triệu thời Cụ Ngô--nền Đệ Nhất Cộng Hoà—rất là lớn!) Tóm lại các vị giáo chức thì nghèo bền cả vậy. Cho dù thiên hạ có thương tình sử dụng các mỹ từ như “thanh bạch,” “đạm bạc,” thì cũng chỉ là để giữ chút ít thanh cao cho nghề giáo, và làm giảm nhẹ cái thực tế phũ phàng của cái nghèo trong đời giáo chức mà thôi.

Cái oái oăm là gia đình chúng tôi thuộc diện đông con. Nhà nghèo con đông, đông con nhà nghèo, đúng là một cái vòng lẩn quẩn. Chỉ lo ăn thôi cũng đủ bở hơi tai. Tháng nào bà cụ tôi cũng kéo về cả tạ gạo thì mới đủ “nhiên liệu” cho một đoàn gồm 11 chiếc “tầu há mồm” tiếp tục ra khơi. May mà có bà thím, tức Bà Bài, (thân mẫu của Chú Anh Dũng võ bị Đà Lạt), là đại lý gạo. Thế nên nếu chẳng may gạo khan hiếm hay lên giá vì các ông nằm vùng đắp mô chặn đường tiếp tế từ miền Tây về Sài Gòn, thì bà cụ tôi vẫn có chỗ để xoay sở, vay mượn tạm chút ít gạo về để cứu…đói.

Đó là mới nói tới chuyện ăn uống. Chưa nói gì đến ăn mặc, sắm sửa, giải trí, nhất là đào đâu ra tiền cho lũ con ăn học? Cực kỳ khó khăn, cực kỳ vất vả! Ấy thế mà Chúa vẫn lo liệu một cách hết sức kỳ diệu. Ông cụ cứ sáng nhà thờ, chiều nhà thánh (đi chầu), tối thì đọc kinh. Đời sống như một cái máy, đều đặn, không thay đổi. Đôi khi thấy bết bát quá, mấy đứa lớn trong nhà chỉ nghe cụ nói: “Thôi thì cứ vững tin cầu xin, rồi Chúa sẽ lo liệu.” Mà Chúa lo liệu thật! Anh chị em chúng tôi may mắn, ai cũng khỏe mạnh, lại được ăn học đầy đủ. Quả đúng là đến chim trời, cây cỏ ngoài đồng mà Chúa còn dưỡng nuôi chăm sóc, huống chi con người? Đoạn kinh thánh từ Tin Mừng Luca (12:22-31) chính là đoạn mà cụ suốt đời tâm đắc.

Nói đến việc học, tôi cảm thấy như có được một ưu ái đặc biệt từ ông cụ tôi. Trong khi còn đang đi học tiểu học tại trường Nghĩa Hòa—năm tôi lên 8, và là con trai lớn--ông cụ tôi đã gửi tôi theo học trường Khải Minh, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, khu Tân Định, là một trường chuyên dậy Anh Ngữ hiếm hoi vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, với tiền học phí khá cao, không phải gia đình nào cũng có thể kham nổi vào thời buổi ấy. Rất có thể đây là do sáng kiến, hay đúng hơn, là viễn kiến của Ông Nội tôi, tức Ông Cửu Xuyên, do đó tiền học được Ông đài thọ, một phần hay tất cả. Hoặc cũng có thể vào thời gian ấy, gia đình tôi vì còn ít người và ít nhu cầu, nên ông cụ tôi có thể dùng chút ít tiền dành dụm để dốc vào việc đầu tư kiến thức cho tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấy biết ơn cả hai vị này.

Rồi biến cố 1975 xẩy đến: không lon, không lá, không sở Mỹ, không quan chức chính quyền, chỉ là “nhà giáo quèn” (ông cụ tôi hay nói vậy), thế mà cụ tôi đã đem được toàn thể gia đình đến phần đất quê hương thứ hai một cách an toàn. Cứ y như là phép lạ! Tât cả đều là hồng ân Chúa. Chúa Quan Phòng đã an bài: nhờ ông chú tôi là cấp chỉ huy Hải Quân trong vùng Nhà Bè, Cát Lái vào thời điểm đó. Thế là trên chuyến hải hành cuối cùng, toàn thể gia đình chúng tôi ở trong số những người đầu tiên đến được bến bờ tự do sau khi Sàigòn thất thủ. Nếu kẹt lại, không biết gia đình chúng tôi lúc này ra sao? Bao nhiêu chuyến vượt biên mới xuể? Nhưng “đầu tiên” mới là vấn đề: đào đâu ra vàng mà đi?

Tiễn đưa cụ về với lòng đất lạnh giữa mùa lễ Tạ Ơn, ngày lễ tuyệt vời nhất của đất nước Hoa Kỳ, tưởng không còn thời điểm nào tốt đẹp hơn. Đây là mùa để đếm từng mỗi ơn lành hồn xác mà Thượng Đế đã ban cho mỗi người và cho cả đất nước này. Hơn ai hết, gia đình chúng tôi phải muôn đời cảm tạ tri ân Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban xuống cho gia đình chúng tôi một cách đặc biệt: đông con, nhưng ai nấy đều mạnh khỏe, không bị khuyết tật thể xác hay trì chậm về mặt tâm thần; và tuy cuộc đời dẫu đầy dẫy những bước thăng trầm, “ba chìm bẩy nổi, chín cái lênh đênh,” nhưng nói chung vẫn được bình an cho tới hôm nay.

Từ khi còn trẻ cho đến những ngày tháng cuối đời, cụ tôi rất chăm đi lễ, bất chấp thời tiết nắng mưa, kể cả ngập lội, là cảnh tượng rất thường xẩy ra ở trại Sao Mai trong mùa mưa bão. Nếu định nghĩa người Công Giáo là người hay đi lễ, thì cái định nghĩa ấy có thể áp dụng đúng cho cụ tôi. Thế nhưng trong tổng cộng khoảng hơn kém 30 ngàn Thánh Lễ mà cụ đã tham dự trong 90 năm cuộc đời, tưởng không có buổi lễ nào long trọng và sốt sắng cho bằng Thánh Lễ An Táng, Thánh Lễ cuối cùng của cụ trên nơi dương thế. Những bài hát Latinh vang lên như làm sống lại trước mắt những Thánh Lễ cụ đã tham dự trong tư cách của một ca viên Ca Đoàn Thiên Ca tại nhà thờ Sao Mai, Chí Hòa, dưới sự cai quản của Linh Mục Chánh Xứ Phaolô Lê Nguyên Kỷ ngày nào.

Phúc Âm hôm ấy nói đến Tám Mối Phúc Thật, mở đầu bằng câu: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:1-12). Tôi bỗng thấy lời này áp dụng không sai cho trường hợp ông cụ. Ông đúng là một người nghèo, không chỉ nghèo vật chất, mà quan trọng hơn, nghèo trong tinh thần, nghĩa là chỉ biết phó thác và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa. Nếu vì lòng thương xót Chúa mà cụ được ơn cứu độ, thì quả đúng là “lòng tin của cụ đã cứu cụ.” Nghe như phảng phất câu Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ bị chứng rong huyết mà Ngài chữa lành (xem Lc 8:48).

Đành rằng chẳng ai trong anh chị em chúng tôi “bố bảo cũng không dám” bắt chước cụ về cái khoản sản xuất ra gần một tiểu đội vừa trai, vừa gái. Mà làm gì có đủ khả năng để dám với chẳng dám! Nhưng kỷ vật cụ để lại còn quý giá hơn nhiều, đó là: “Cứ tin cậy ở Chúa, Ngài sẽ lo liệu hết.” Kỷ vật này, hay cái di sản tinh thần này, xem ra thật đơn sơ, nhưng cũng đầy thách đố: liệu chúng tôi có đủ lòng tin và niềm phó thác trọn vẹn nơi Chúa như cụ hay không? Liệu chúng tôi có được tâm tình cảm tạ tri ân Chúa một cách sâu xa như cụ đã có trong suốt cuộc đời hay chăng? “Lậy Chúa, xin gia tăng đức tin vốn còn quá yếu nơi chúng con” (xem Lc 17:5).

Viết những dòng này trong bối cảnh Thứ Tư Lễ Tro, mở đầu mùa Chay Thánh, bất giác trong tôi chợt vang lên lời kinh êm ái, có ý nghĩa rất đẹp, viết bởi một con người đại đảm, từng “đánh đông dẹp bắc”, nhưng lại mang trong mình một tâm hồn hết sức hiền hậu và khiêm nhu, ý thức sâu xa về sự bé nhỏ và tầm thường của mình trước mặt Chúa: đó chính là (Tướng Công) General de Sonis (1825—1887) mà tôi đã một lần vay mượn dệt thành ca khúc. Quả vậy, mỗi người chúng ta đây chỉ là một hạt cát trước mặt Chúa, có được chút gì, làm được điều chi, thì cũng đều nhờ ở Ngài. Điều kỳ diệu là hạt cát vô giá trị ấy lại được chính Tạo Hóa thương yêu, tác thành, nâng lên hàng nghĩa tử, và nhất là được Ngài cứu chuộc bằng chính giá máu mình, để rồi sẽ còn được chung hưởng hạnh phúc trường sinh với Ngài.

Vâng, lậy Chúa, cũng như cụ ông Vincentê, thân con chỉ là hạt cát, và đây là lời kinh con xin dâng lên Chúa, xin Ngài lắng nghe LỜI NGUYỆN CỦA HẠT CÁT:

1) Lậy Chúa, con đây trước mặt Ngài: nghèo hèn, bé nhỏ, trụi trơ.

Con không là chi, con không có gì, con ở đây trước nhan Ngài, mịt mù hư vô…

Con muốn có điều gì đó dâng lên Ngài, nhưng con chỉ là (con chỉ là) cát bụi thôi.

Chúa (Chúa) là tất cả đời con; Chúa (Chúa) là mạch suối muôn hồng ân.

Lậy Chúa, nhưng từ hư không…Ngài cất tiếng gọi kêu con, để mạch sống đầy trong con

được ứ tràn. Ngài tác sinh ra con, cho trở thành tạo vật dễ thương.

Trong toà nhà xây, đừng kể con là viên đá quý, láng sạch trong tay thợ nề

Mà cho con chỉ như hạt cát vãi vương, khuất lấp ven đường…

2) Lậy Chúa hôm nay con ở đây: một niềm tin tưởng cậy trông

Thân con bụi tro, tung bay khuất mờ, như phù du sớm nở rộ, chiều về hoang vu…

Con xin đến để tận hiến trót xác hồn. Chúa hãy thương nhận như một lần tác thành con.

Ôi thân phận tội lỗi ngàn muôn, con chẳng hề xứng đáng Chúa dủ thương.

Lậy Chúa, xin cảm tạ Chúa: Dù khốn khó, dù âu lo, dù nhục nhã, dù đau thương, dù thất vọng,

Bởi chính trong tai ương, con thấy được tình Chúa mến thương.

Chính từ hạt cát, từ bụi tro, từ trong hư vô, chính từ yếu đuối buông tuồng

Mà con mới ngẫm ra tình Chúa vẫn luôn tha thiết khôn lường.

Nhân lễ Giỗ 100 ngày cụ Ông Vincentê Nguyễn Ngọc Xuyến.

Mùng 1 Tết Nguyên Đán Mậu Tuất

02/16/2018

Nguyễn Kim Ngân