Gần 80 tuổi đời, tôi có thật nhiều người thầy. Tôi không nhớ rõ mình đã học vỡ lòng với ai, chỉ biết hồi ấy, quê tôi vẫn còn những vị giáo già dạy chữ Hán, chữ được chữ không, nhưng tôi chưa bao giờ tham dự một lớp học “nằm xoài” trên chiếu như thế.

Chỉ đến khi tôi đã biết đọc biết viết, khoảng trình độ lớp 3, tôi mới nhớ rõ mình học với ai. Người dạy tôi chính là một người cậu họ. Ông sẽ dẫn dắt tôi nhẩy hai ba lớp, để đi thi tiểu học ở Kiến An năm 1950. Nhưng mãi 3 năm sau, tôi mới lấy được tấm bằng tiểu học!

Ở quê tôi, bằng tiểu học là cao quá rồi, người đậu bằng này, trong làng ai cũng biết và tỏ ra không tin vì “làm gì mà đậu cao thế được”. Khác hẳn với làng bên cạnh thuộc cùng một xã Tam Cường là làng Cổ Am, quê hương Khái Hưng. Ở đấy, người có bằng tiểu học như khoai ngoài đồng.

Thầy tôi, gia đình tôi gọi bố là thầy, thuộc giai cấp “bần cố nông”, vì không có lấy một sào ruộng, dù ông không bao giờ biết cầm cây quốc, cán liềm, chỉ quanh quẩn với việc “bầy binh bố trận” bên cạnh tổ tôm, tài bàn, xóc đĩa, không biết xoay xở sao để thằng con có bằng tiểu học tiếp tục học cao hơn, bèn nghĩ cách viết một lá thư “à la paroisse de HaiPhong” cầu cứu người em họ, lúc đó, vừa du học ở Manila về và đang làm “phòng bộ” gì đó cho Đức Vít-vồ ở đấy.

Người anh em họ của thầy tôi bằng lòng giúp tôi vào chủng viện. Tôi rất vui không phải vì viễn tượng vào chủng viện cho bằng được ra Hải Phòng học, không thua mấy thằng con nhà giầu cùng làng đậu tiểu học.

Thế là cuộc sống tu trì của tôi bắt đầu. Nhà xứ Hải Phòng hồi ấy chìm đắm trong một bầu khí ảm đạm, tối tăm làm sao. Tôi chỉ ở đó chừng hai hay ba tháng để dọn thi vào tiểu chủng viện.

Nói cho ngay, nếu người anh em họ của thầy tôi không được cử làm giám đốc của tiểu chủng viện, nơi tôi đang dự thi để được vào học, thì chắc tôi đã phải khăn gói quả mướp trở về làng rồi, vì bài thi Pháp Văn, tôi gần như bỏ trống. Người ngồi thi bên cạnh, là Nguyễn Hữu Tài, thấy tôi giấy trắng, thương hại, mách giúp một vài chữ. Tất cả vốn liếng tiếng Pháp của tôi trên tờ giấy thi năm ấy đều do Nguyễn Hữu Tài cả. Vậy mà tôi đã đậu để nhập học lớp “đệ thất” của “Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm”.

Tôi học ở Hải Phòng được một năm thì xẩy ra việc chia đôi Đất Nước. Không biết do ý thầy hay do ý mẹ tôi, đứa em gái tôi ra Hải Phòng bảo tôi trở về làng, đừng có “đi Nam”. Nó đâu có biết hai tiếng “đi Nam” gợi lên trong trí tôi biết bao viễn tượng tươi đẹp. Tôi làm gì biết được sự thâm độc của Cộng Sản để mà hãi sợ đến phải “đi Nam”. Tôi chỉ muốn “đi Nam” như đi đến một chân trời mới có những điều mới và con người mới để tiếp xúc, gặp gỡ, đơn giản có thế. Nên tôi đành để nó về quê cùng với người mợ.

Vào Mỹ Tho, tôi tiếp tục học ở Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm, tọa lạc ở làng Bình Đức, thuộc huyện Châu Thành cho đến hết lớp đệ ngũ. Lên lớp đệ tứ năm 1956, tôi được gửi lên học ở tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê của địa phận di cư Bùi Chu, tọa lạc ở cạnh Nhà Thờ Huyện Sĩ, Sài Gòn. Tôi trở thành “người Sài Gòn” từ đó.

Sống ở Sài Gòn có khác. Ngoài việc được một ban giáo sư chuyên nghiệp hướng dẫn, chúng tôi còn được mở rộng tầm nhìn qua những lần được “sortie libre” khắp phố xá thủ đô và nếu có tiền, còn được thưởng thức đủ thứ kem lạ và nhất là “chè đậu đỏ” thơm mát.

Tuy nhiên, điều mới lạ là việc chuyên môn hóa giữa ban giám đốc chủng viện. Ngoài vị giám đốc thường xuyên “huấn đức”, mỗi lớp chúng tôi còn một vị gần như giám luật, dạy La Tinh. Và trên hết, là vị linh hướng chung, không phụ trách bất cứ điều gì khác.

Tiếp xúc với vị linh hướng, dần dần tôi hiểu ra tôi không có “ơn kêu gọi”. Ngài bảo tôi có thể hồi tục. Năm ấy tôi đang học lớp “đệ nhị” chuẩn bị thi tú tài I. Nếu không có sự khuyên ngăn của cha nghĩa phụ, cũng là người anh em họ của thầy tôi và là người thay thế thầy tôi, vì thầy tôi kẹt lại ở Miền Bắc, năm ấy tôi đã thành “bố đời” rồi. Thực ra, cha nghĩa phụ chỉ “tiếc” cho khả năng học tập của tôi mà khuyên ngăn như thế: tôi vốn về nhất trong cuộc thi thử của 6 lớp đệ tứ ở Trung Học Nguyễn Bá Tòng, để chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp và được lãnh phần thưởng cuối năm ở Rạp Thống Nhất. Chứ ngài đâu biết tình huống của “linh hồn” tôi ra sao.

Tôi cố gắng ở lại chủng viện, thi tú tài I rồi tú tài II và năm 1960, được chọn lên học ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt.

Trời của thành phố sương mù này buộc anh dù không suy tư bao giờ cũng phải đi vào nội tâm mà suy tư chuyện người, chuyện mình. Huống hồ là tôi, thằng con làng quê, ngơ ngáo ra thành phố và từ đó, bị cắt đứt khỏi quê hương làng xóm, khỏi những người thân yêu nhất đời, những nơi, những người, trong những lúc cô đơn rối rắm, có thể tìm về để tựa nương, lắng đọng tâm hồn và phục hồi thanh thản.

Được một điều, trong cái mù khơi của Đà Lạt, tôi tìm được sự hướng dẫn hết sức ấm áp và thông sáng của một linh mục Gia Nã Đại, lúc ấy, mới chỉ thụ phong chưa đầy 10 năm. Đó là Cha Paul Deslierres, Dòng Tên.



Không biết với những học viên khác của Giáo Hoàng Học Viện Piô X thì sao, riêng với tôi, sự ấm áp và thông sáng của vị linh hướng người Gia Nã Đại trên cứ còn mãi. Lệ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X là lên thần học, “các thầy” có thể đổi cha linh hướng. Đại đa số các học viên khác đã chọn khả thể này. Điều ấy dễ hiểu vì vị linh hướng của “cánh” thần học hình như là một vị hết sức nổi tiếng về đạo đức và uyên bác, lại già dặn hơn và ở trong Dòng cùng thụ phong linh mục đã lâu hơn: Cha Hervé Coathalem, tác giả của nhiều khảo luận linh đạo được nhiều người trích dẫn, nhất là cuốn khảo luận về Linh Thao của ngài đã thành sách cổ điển (1). Riêng tôi, khi lên thần học đầu năm 1966, tôi vẫn nhận Cha Deslierres làm cha linh hướng.

Sự ấm áp và thông sáng của ngài khiến tôi lần này không cần tham khảo ý kiến của dưỡng phụ như năm học lớp đệ nhị nữa. Tôi biết chắc mình không có “ơn gọi”. Xin mở một ngoặc đơn ở đây để thưa với qúy bạn rằng thời điểm ấy, Vatican II vẫn còn đang tiếp diễn và các văn kiện của nó vẫn mới chỉ là chuyện được báo chí đề cập tới, chưa được ai học hỏi như sau này để biết rằng “ơn gọi” thực ra không phải chỉ có một là ơn gọi làm linh mục, mà có đến hàng trăm thứ ơn gọi khác nhau, thậm chí hàng tỉ tỉ, bao nhiêu con người là bấy nhiêu ơn gọi. Nhưng phải đợi từ Quảng Ngãi trở về, sau một năm “giúp xứ” ở đấy, tôi mới quyết định xuống núi làm người trần gian.

Đúng thế, tiếng là đi “giúp xứ”, thực ra tôi chẳng giúp giáo xứ Trà Câu ở Quảng Ngãi được gì. Mà quanh quẩn, sinh hoạt của tôi chỉ là mấy lớp học ở Trung Học Đăng Khoa. Giáo Xứ Trà Câu hình như chỉ nằm một bên Quốc Lộ Một giữa quận Đức Phổ và quận Mộ Đức (quê hương Phạm Văn Đồng). Trước đây vốn là một giáo xứ sinh hoạt tôn giáo rất sầm uất, nhất là thời kỳ “vào đạo hàng loạt” cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị bức tử, phần lớn các “tân tòng” thôi không tham dự các sinh hoạt tôn giáo nữa. Riêng Trung Học Đăng Khoa thì vẫn được sự hiếu học của xứ Quảng chiếu cố nhiệt tình. Cha Xứ Trà Câu cần “ba thầy giúp xứ” ở Trung Học này là vì vậy. Tôi không phải phụ trách bất cứ công việc tôn giáo nào, chỉ lo dạy học thôi, thậm chí, cha xứ còn bảo: “Hễ thầy mệt, cứ việc ở nhà, khỏi đi lễ sáng!”

Cha xứ còn làm nhiều điều khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và ngạc nhiên nhất là khi tôi thấy một phụ nữ Trà Câu ném thẳng chiếc quần “cứu trợ” vào mặt cha xứ. Trông thì thấy cái quần ấy thảm hại thật. Nghèo thì nghèo, nạn lụt năm đó càng làm chị nghèo hơn. Nhưng chiếc quần đưa cho người phụ nữ nghèo ấy thì thảm hại thật. Càng thảm hại khi biết sự cứu trợ đến từ bà con Công Giáo cả nước cho trận lụt năm ấy không phải chỉ có cái quần bầy nhầy ấy. Mà nhiều thứ lành lặn, ngon lành lắm, có cả tiền mặt, nước mắm, gạo thóc và quần áo mặc được. Nhưng tiền thì cha dùng phát cho học sinh của trường cha, nước mắm thì cha phát cho giáo dân tùy ý, quần áo cha để cho mấy ông chức việc, thậm chí cả nhân viên của ấp lựa trước, sau mới đến nạn nhân bão lụt, nên mới có cảnh tượng trên.

Về lại Giáo Hoàng Học Viện, tôi thưa với cha Deslierres quyết định dứt khoát của mình. Và trong lúc anh em cùng lớp chịu chức “cắt tóc” (lúc ấy vẫn còn chức cắt tóc và 4, 5 chức nhỏ, nay đã bị bỏ), tôi “hạ sơn” về lại Sài Gòn, sau khi ở xứ Sương Mù gần 6 năm. Hình ảnh ngồi bên cửa sổ ở cánh thần học nhìn ra Sân Cù soải xuống Hồ Xuân Hương và những buổi đàm đạo với cha Deslierres là những hình ảnh sống mãi trong tôi.

Tôi tiếp tục liên lạc với Cha Deslierres sau khi hạ sơn. Khi tôi ở Sài Gòn, thỉnh thoảng hai thầy trò gặp nhau. Tôi đèo ngài trên chiếc Lambretta dạo quanh phố phường. Lúc Cộng Sản chiếm miền Nam, như mọi linh mục ngoại quốc khác, ngài bị trục xuất. Nhưng Việt Nam này vẫn mãi là thỏi nam châm thu hút ngài, nên lúc chưa thể trở lại đấy, ngài hài lòng tới Phi Luật Tân, sát nách Việt Nam. Và khi có thể, ngài không bỏ bất cứ dịp thuận tiện nào trở lại đất nước đã xua đuổi ngài, chỉ để được gần gũi những học trò cũ của mình.

Ngày từ trại Cải Tạo trở về và chuẩn bị “vượt biên” năm 1980, tôi có đến trụ sở Dòng Tên xin Cha Nguyễn Công Đoan, bề trên các Cha Dòng Tên Việt Nam lúc ấy, người cùng lớp với tôi ở Giáo Hoàng Học Viện năm xưa, địa chỉ của Cha Deslierres. Nhờ thế, từ Sài Gòn, tôi có viết cho ngài một lá thư, mà theo ngài, đề ngày 16 tháng 9. Tôi không nhớ đã viết cho ngài những gì. Không đợi ngài trả lời, tháng 10, tôi vượt biển tới Singapore. Và vừa đặt chân lên đất Lý Quang Diệu, người đầu tiên tôi liên lạc là Cha Deslierres, lúc ấy, đang ở Davao, Phi Luật Tân, trước khi trở về Canada, trong một thời gian ngắn.

Trước khi lên đường về lại quê hương, ngài trả lời tôi, cho hay: hai thư tôi gửi cho ngài từ Sài Gòn và từ Singapore đến với ngài gần cùng một lúc. Ngài vui thấy tôi thoát “thảm kịch” và “ít nhất đến nơi an toàn”. Ngài không quên cầu nguyện “hàng ngày cho Việt Nam thân yêu và nhân dân đau khổ của nó”.

Trong thư thứ hai của ngài, cũng từ Davao, Phi Luật Tân, gửi cho tôi ở Singapore, ngoài việc thăm hỏi thường lệ, ngài than phiền về bầu khí tại chủng viện nơi ngài đang làm việc: “Ở đây, chúng tôi vừa trải qua một thời kỳ khá căng thẳng: 14 đại chủng sinh bỏ về để ‘ủng hộ’ 1 chủng sinh sắp sửa bị đuổi... Người ta quá xa với tinh thần tốt lành của Đà Lạt...”



Tôi sót sa nghĩ đến “tình hoài hương” của ngài, dù Việt Nam đâu phải quê hương ngài. Cái tình hoài hương này ảnh hưởng cả đến tâm trạng ngài khi đặt chân trở lại quê hương Canada. Thư của ngài đề ngày 8 tháng 7 năm 1981 từ Montréal cho hay: “Phần tôi, tôi đang làm quen khá tốt với thừa tác vụ mới và trên ‘quê hương mới’ của tôi”. Và cho hay, ngài lợi dụng mọi dịp để có thể gặp gỡ các người tị nạn Việt Nam, thư từ với họ và nhất là “chuyện vãn bằng tiếng Việt Nam, dù rằng đôi khi ‘tàn sát’nhiều dấu (nặng, huyền)”. Cuối thư ngài viết cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, nguyên văn như sau “chúc anh khỏe như... kangourou... nếu không có ‘con voi’ in Australia!”

Thư từ thì làm sao nói hết được. Nhưng người bạn của Cha, cũng thuộc cùng dòng với Cha, cũng từng làm giáo sư ở Giáo Hoàng Học Viện Piô X ở Đà Lạt với Cha, nói đủ hơn và rõ ràng hơn trong “Việt Nam Quê Hương Tôi”: “Việt Nam là quê hương tôi, dù rằng tôi không được sinh ra trên đất nước Việt Nam. Tôi chỉ ở đó có bẩy năm. Bấy nhiêu cũng đủ để trở thành một công dân Việt Nam...”(Linh Mục Dominici Đỗ Minh Trí, Việt Nam Quê Hương Tôi, Ấn Bản Úc Châu, lần thứ hai 1991, tr. 17). Huống hồ là người ở đó 17 năm như Cha Deslierres.

Sở dĩ tôi viết về Cha Deslierres vì vừa nghe tin ngài qua đời tại Montréal ngày 28 tháng 1 năm 2018 và lễ an táng ngài sẽ được cử hành ngày 7 tháng 2 này, sau 98 năm trần thế và 67 năm linh mục.

Thực vậy, ngài được thụ phong linh mục năm 1951 và 7 năm sau, được lệnh qua Việt Nam cùng với Cha Lacretell, người Pháp và Cha Ruiz, người Tân Ban Nha mở Giáo Hoàng Học Viện Piô X vừa được Tòa Thánh cho thiết lập ở Đà Lạt và được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trao cho Dòng Tên điều khiển. Cha ở đây cho tới lúc Cộng Sản trục xuất Cha năm 1975. Sau đó, dù ở Phi Luật Tân lâu hơn, đến 28 năm, nhưng tình cảm của cha có thể nói đã được dành hết cho Việt Nam.

Hoàn cảnh Cha qua đời có thể nói hoàn toàn bao phủ bởi một sự tĩnh lặng tuyệt đối để Cha hoàn toàn chuyện vãn “tay đôi” với Đấng Dựng Nên mình, theo kiểu “Lạy Chúa, Jim đây!” trong câu truyện Ông Già Jim của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Anh Hồ Trí Thức, một học trò cũ của ngài, và là người lâu nay hay nói chuyện với ngài bằng điện thoại, thuật lại: “Hôm sinh nhật thứ 98 của Ngài, 15 tháng 1, HTT có kêu điện thọai cho Ngài... ngày nào cũng kêu cho Ngài, nhưng... 5 lần kêu, 5 lần máy điện thoại chuyển lên phòng... cả 5 lần đều gặp MÁY TRẢ LỜI... Hôm nay, nóng lòng mở mắt dậy.. . nhảy xuống giường kêu, lập tức LA MEME CHOSE (cũng vậy)... bèn gọi lại lần nữa và lần này nói luôn với người receptionist: ‘Tại sao sáng nay tôi gọi cho Cha Deslierres và cũng như mấy ngày gần đây tôi chỉ gặp answering machine. Lúc đó họ mới nói NGÀI ĐÃ QUA ĐỜI”.

98 năm trên trần gian, 67 năm linh mục hầu hết dành cho các xứ truyền giáo từ Trung Hoa (lúc chưa thụ phong) tới Việt Nam (lúc vừa thụ phong) và Phi Luật Tân, chết đi một cách lặng lẽ “như tờ”. Tuy nhiên, Cha Jean-Guy Bilodeau, bề trên Cộng Đoàn Richelieu, nơi Cha qua đời, trong mấy dòng tiểu sử vắn tắt, vẫn đã nhắc tới liên hệ của Cha với Việt Nam: “Ngài dành thì giờ để viết hồi ký, thi hành một vài thừa tác vụ và thu từ với bạn bè và người quen, ở Phi Luật Tân, và với các học trò cũ của ngài ở chủng viện Đà Lạt, những người đã mời ngài viếng thăm họ hai lần”.



Thực ra, Cha trở lại Việt Nam nhiều lần hơn thế. Lần đầu năm 1991, lúc người học trò đầu tiên của ngài được tấn phong giám mục ở nhà thờ Đà Lạt, đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, hiện là Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội. Nhưng cha Bilodeau nói đúng, vì lần đầu tiên này, ngài trở lại Việt Nam một cách “không kèn không trống”. Thậm chí, nhà cầm quyền Cộng Sản không cho phép ngài tham dự lễ tấn phong. Ngài đành cử hành thánh lễ song song, nhưng âm thầm tại Tòa Giám Mục Đà Lạt, mà người giúp lễ chính là Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh sau này, người lúc ấy, thậm chí, chưa được thụ phong linh mục. Hai lần sau là năm 2005 và lần cuối cùng là năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 50 Năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X, lúc ngài đã hơn 88 tuổi. Chưa kể năm 1995, ngài qua Úc thăm các học trò cũ và năm 2010, về dự lễ tấn phong giám mục của Đức Cha Nguyễn Văn Khôi, một học trò cũ, tại Qui Nhơn.



Cha Bilodeau cũng cho biết thêm, lúc 18 tuổi, Cha Deslierres gia nhập dòng Tên. Năm 26 tuổi, qua Trung Hoa, học tiếng quan thoại trong 2 năm tại Bắc Kinh, rồi học thần học trong 3 năm tại Thượng Hải. Năm1951, Cộng Sản buộc ngài phải rời Trung Hoa. Về lại Canada, ngài thụ phong linh mục cùng năm. Sau đó, năm 1958, qua Việt Nam.

Trong hồi ký của ngài, Cha Deslierres kể lại việc làm của Cha từ năm 1959 giữa “cảnh tươi mát của Đà Lạt”: giảng phòng theo Linh Thao, lợi dụng kỳ nghỉ để ‘tăng cường học tiếng Việt”... miệt mài làm việc đến nỗi lễ vàng hôn phối của bố mẹ năm 1961 và tang lễ của mẹ năm 1964, cũng “không về Montréal” được.

Tưởng rằng cứ thế mãi mãi. Nào ngờ biến cố tháng Tư 1975! Từ lạc quan tới bi quan rồi lạc quan trở lại và sau cùng là não nề vì giấc mộng truyền giáo tiêu tan, cha ghi lại những ngày cuối cùng của hành trình truyền Giáo 1958-1975 như sau.

“Tháng 8 năm 1969, tôi trở lại Đàlạt (sau 1 năm nghỉ sabaticô ở Rôma). Các cha và thầy Dòng Tên nay là 15 vị thuộc 10 quốc tịch, còn các chủng sinh là 150 xuất phát từ các giáo phận Nam Việt Nam. Vẫn một tinh thần tốt lành nổi bật, trong sốt sắng, vui tươi và học hành nghiêm túc. Tuy nhiên, bầu khí chính trị thì trầm trọng thêm trong nước. Sự xâm nhập của bọn đỏ, qua các cánh rừng của Lào và Cambốt, làm nhiều vùng đầy du kích chiến. Các cuộc tấn công và đánh nhau bất ngờ đang gia tăng. Nhiều con đường bị tắc nghẽn. Giao thông trở nên khó khăn. Quân đội Hoa Kỳ đến trợ giúp, theo lời yêu cầu của Chính Phủ Miền Nam, đã thấy rõ sau vụ tấn công bất ngờ trên khắp các thành phố miền Nam trong cùng một đêm thánh thiêng Tết 1968 (Ngày đầu năm âm lịch, ngày lễ bình dân lớn nhất của người Việt Nam) rằng những kẻ tấn công đều là người Việt đỏ của Miền Bắc. Giọng nói miền Bắc của họ chứng tỏ điều này nơi mọi tù binh hay các binh lính nằm ở nhà thương. Người Mỹ quyết định ném bom các trung tâm quân sự của Hải Phòng, ở miền Bắc. Các la ó của các nước đồng minh là Trung Hoa và Nga đã buộc người Mỹ ở Washington phải tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, cũng như áp lực của vụ Watergate ở Hoa Kỳ. Việc rút quân được ấn định vào năm 1973. Chúng tôi biết rằng chẳng bao lâu sẽ là ngày chung cục của Việt Nam tự do ở miền Nam. Dưới sự đe dọa sẽ có nhiều cuộc tấn công quan trọng của quân đội đỏ trên Cao Nguyên, nơi có thành phố Đà Lạt, chính phủ quyết định di tản thành phố. Phần lớn các tu sĩ Dòng Tên của chủng viện ra đi bằng xe tải theo lộ trình Nha Trang: chỉ còn 3 người ở lại chủng viện. Các chủng sinh được chỉ thị trở về các giáo phận liên hệ. Chúng tôi mang theo một số sách và sưu tập qúy giá hơn, như Migne, các Giáo Phụ Hy Lạp và La Tinh, mơ ước được tái tổ chức chủng viện của chúng tôi ở Sài Gòn, vì nghĩ rằng chỉ có miền Trung mới rơi vào tay Việt Cộng, còn Sài Gòn vẫn còn tự do.

Ở Phan Thiết, trên biển, chúng tôi có thể thuê được 1 chiếc tầu đưa chúng tôi vào cửa sông Sài Gòn. Các thầy giữ phòng áo (sacristains) đã khôn ngoan mang theo các cành lá giúp chúng tôi có thể cử hành Chúa Nhật cùng tên. Chúng tôi mơ mộng mầu hồng, tin rằng Sài Gòn và miền Nam sẽ vẫn nằm trong tay chính phủ, dù miền Trung có rơi vào tay Miền Bắc. Tại Sài Gòn, nhiều chủng sinh mau chóng nhập bọn lại với chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi thuê một khách sạn, Cống Quỳnh, để lập chủng việc tạm, có chỗ ở cho các chủng sinh và cố gắng tái tổ chức công trình của mình: đó là ngày 11 tháng Tư năm 1975. Rồi chúng tôi nghĩ tới việc an cư ở Trường Thánh Têrêsa, mà các Cha Thuộc Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc đã đóng cửa. Tôi đang có mặt ở đó với Cha Champoux, người tài xế xe tải và một số chủng sinh, thì ngày 29 tháng Tư, sau một vài trận đánh, Bọn Đỏ miền Bắc chiếm đóng thành phố Sài Gòn. Ngủ trên một tấm nệm, bị bệnh và nôn mửa, tôi nghe tiếng súng khắp nơi. Sau một tuần chiếm đóng, các nhà cầm quyền đỏ, bất an, vì làn sóng người tị nạn, bị giản lược vào các điều kiện vệ sinh khủng khiếp, ra lệnh ai nấy phải trở lại vùng nguyên quán.

Nay đã 'hòa bình và giải phóng' rồi. Hân hoan vì sắc lệnh này, chúng tôi có thể trở về Đà Lạt. Sau 6 giờ trên lộ trình ngổn ngang, chúng tôi tìm lại anh em mình, tất cả đều ngạc nhiên được tái ngộ với chúng tôi! Thế rồi, tái tổ chức Chủng Viện! Tin tức truyền đi rất nhanh khắp Miền Nam Việt Nam: Chủng Viện sẻ mở cửa cho niên học mới!Một tây tháng Sáu, chúng tôi họp nhau lại với 100 chủng sinh, trừ một số được các vị giám mục giữ lại tại giáo phận của các ngài. Đời sống lấy lại dòng chẩy của nó với một tinh thần hân hoan tuyệt diệu: hân hoan được trở về, hân hoan được tiếp tục cùng nhau leo lên chức linh mục. Những thửa vườn xinh đẹp của Thầy Muo biến thành vườn rau để sinh tồn bằng sản phẩm của mình, trong miền đất đỏ Đà Lạt. Một số giờ được dành cho việc làm bằng chân tay. Một ngày kia, hai chủng sinh của chúng tôi, đang làm việc trong vườn, dẵm phải quả mìn chôn ở đấy, nó phát nổ. Họ bị thương. Một xem ra khá nặng. Tôi đi theo chủng sinh này trên một chiếc xe tải của chúng tôi tới bệnh viện. Nhưng trong lúc giải phẫu, tôi phải chuồn đi... gần như ngất xỉu. Sau vài tuần, cả hai đã lấy lại sức.

Chẳng bao lâu sau, tôi thấy phải tổ chức, như mọi năm, ‘tháng linh thao’... Bất thần, ngày 30 tháng Tám 1975, có lệnh triệu đến Tòa Tổng Trấn tất cả các nhà truyền giáo nước ngoài, 4 tháng sau Giải Phóng. Tất cả phải chuẩn bị, trong hai ngày, để rời Đà Lạt về Sài Gòn, được 1 người lính hộ tống. Một khách sạn đã chờ sẵn chúng tôi ở Sài Gòn, từ đó, chúng tôi phải bay đi Bangkok bằng chuyến bay trống đầu tiên”.



Thiển nghĩ các đồng công dân Gia Nã Đại của cha làm gì không nói rõ số phận miền Nam cho cha hay? Vả lại kinh nghiệm Trung Hoa từ 1946 tới 1951 của cha làm gì không cho cha biết viễn ảnh truyền giáo ở Việt Nam sau khi Cộng Sản tiến chiếm. Nhưng chỉ vì quá tha thiết với công trình Piô X, cha vẫn nuôi hy vọng. Người Cộng Sản không để cha hy vọng như thế. Cha viết tiếp:

“Đó là sáu tháng Việt Nam bị cô lập với thế giới: không một lá thư tới Việt Nam, cũng chẳng có lá thư nào ra khỏi. Hai đêm cuối cùng đầy xúc động: hình ảnh, giã từ, nuớc mắt. Vì hành lý của chúng tôi bị giới hạn, chúng tôi phải bỏ lại nhiều tài liệu qúy báu, nhiều sách vở. Chúng tôi không thể mang theo bất cứ thư từ nào ra ngoại quốc. Tương lai quả đen tối đối với các chủng sinh của chúng tôi. Ơn gọi của họ sẽ ra sao? Việc đào tạo họ sẽ thế nào? Viện trưởng của chúng tôi, Cha José De Diego, trao trách nhiệm về giáo hoàng chủng viện của chúng tôi trong tay vị tân giám mục của Đà Lạt là Đức Cha Lâm. Tại Sài Gòn, khách sạn dự trù không thể tiếp đón chúng tôi. Người ta cho phép chúng tôi ngụ tại Trung Tâm Đắc Lộ của chúng tôi, chờ chuyến máy bay của Nga. Ngày 8 tháng Chín, chúng tôi bay đi Bangkok, nơi các vị đại sứ các nước liên hệ của chúng tôi đã thông báo tên của chúng tôi cho gia đình, cuối cùng đã được an tâm, sau 6 tháng lo âu khắc khoải”.



Những dòng trên, cha viết xong ngày 3 tháng 7 năm 2007, mà vẫn đầy đủ tình tiết, đủ thấy Việt Nam luôn canh cánh bên lòng Cha. Chưa hết, sau khi được viễn ảnh sẽ qua Nam Phi mở một chủng viện hợp nhất (cho cả da trắng lẫn da đen) theo gợi ý của Cha Bề Trên Cả ở Rôma và yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi, sau khi được trở về Gia Nã Đại để săn sóc cha già trọng bệnh và chứng kiến ngài qua đời cùng với các anh chị em ruột, và được thăm thú Pháp và Ý, cha vẫn nhớ tới Giáo Hoàng Học Viện Piô X:

“Những chuyến đi này đã thoa một chút dầu thơm lên vết thương sâu hoắm trong tôi: vết thương thấy khựng lại, sau 17 năm, công trình kỳ diệu ở Đà Lạt. Khoảng 251 chủng sinh đã trở thành linh mục; 250 hướng tới các ngành nghề khác, sau một biện phân lương tâm nghiêm túc với vị linh hướng của họ”. Mấy dòng cuối cha không quên nhắc đến 11 học trò trở thành Giám Mục. Con số ấy nay lên tới 19, theo Đức Hồng Y Nhơn.



Không thấy cha nhắc đến một kỷ vật nhỏ, nhưng được cha trân trọng cất trong một bao nylon và mang theo khi xuất hiện trong lễ kỷ niệm 50 năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X vào năm 2008: đó là tấm vải, hình như giẻ lau nào đó, mà một chủng sinh tên Joseph Linh đã lượm được đâu đó quanh mình và viết vội mấy lời tâm huyết lúc chia tay ngày 28 tháng 8 năm 1975. Joseph Linh ấy chính là Joseph Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế hiện nay. Về một vài phương diện, kỷ vật này thâm tình hơn kỷ vật Cha San Pedro, cũng là 1 cựu giáo sư của Giáo Hoàng Học Viện, mang theo về Hoa Kỳ, nơi ngài được bổ nhiệm làm giám mục một giáo phận ở Florida: nắm đất từ thử vườn của Thầy Muo, thửa vuờn hoa đẹp đến độ mấy nữ sinh Bùi Thị Xuân, bất chấp tường cao, vẫn lẻn vào thưởng thức. Chỉ tiếc sau đó trở thành vườn rau và nay bị cày sới lung tung do bàn tay người Cộng Sản.

Một điều tiếc nữa: dù trong lễ kỷ niệm 50 năm, các cựu học viên của Giáo Hoàng Học Viện có dành tình cảm rất nồng hậu cho Cha Thầy Paul Deslierres, tên tiếng Việt là Mai Trường Xuân, nhưng trong các bài viết nhân dịp này, rất ít bài nhắc đến Cha Thầy này. Có lẽ vì qúy học viên lưu ý nhiều đến khía cạnh đào tạo trí thức chăng. Cũng có thể vì không phải chỉ có 1 vị linh hướng mà có đến hai vị linh hướng vào một thời điểm nhất định và tổng cộng lại có thể có tới hơn hai vị linh hướng tại Giáo Hoàng Học Viện. Hơn nữa, các học viên ngoại trú vốn lại không cần tới các linh hướng của Học Viện. Nhưng sự kiện vẫn là Cha Paul Deslierres là vị linh hướng duy nhất có mặt liên tục ở Giáo Hoàng Học Viện tứ lúc thành lập năm 1958 tới lúc tan hàng thực tế năm 1975 (trừ năm sabaticô 1968). Thành thử, ngoài các học viên ngoại trú, không một ai ở Giáo Hoàng Học Viện (hơn 500 người) không được ngài hướng dẫn tâm linh. Cái sợi dây thiêng liêng nối kết mọi người ở đấy phải được coi là chủ yếu.



Có lẽ vì thế, khi nghe tin ngài qua đời, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, người năm 1958 đã là niên trưởng và nay được anh em cựu học viên tôn làm niên trưởng “đời đời” đã có thư, nhân danh các giám mục, các linh mục, tu sĩ và giáo dân cựu học viên, chia buồn với Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, trong đó, ngài ca ngợi Cha Paul Deslierres:

“Sau 17 năm làm cha linh hướng tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (với 18 khóa từ đó 19 giám mục đã được bổ nhiệm) và sau 42 năm xa cách xứ sở mà ngài coi như quê hương thứ hai, ngài đã duy trì các liên hệ chặt chẽ với các cựu học viên và về phần chúng con, tất cà chúng con đều không bao giờ quên được ngài. Ngày con qua Canada để thăm ngài tại Trú Sở Đức Bà Richelieu, con có cảm tưởng rất mạnh rằng ngài rất nhớ Học Viện của chúng con, nhớ những ngày ngài ở Việt Nam và nhớ các cựu học trò của ngài. Ngài vui ra mặt mỗi lần người ta kể cho ngài nghe biến cố này hay biến cố khác với người này hay người nọ. Cha bề trên nhà hiện diện ở đấy hôm đó có thể làm chứng cho bầu khí vui tươi tràn ngập căn phòng và nét mặt của ngài.

Nay, lên đường về Nhà Cha, ngài tiếp tục hiện diện trong tâm trí chúng con và qua ngài, chúng con tiếp tục nghĩ tới các cha và cầu nguyện cho mọi giáo sư đã đào tạo nên chúng con. Tiếc rằng chúng con sẽ không bao giờ có thể gợi lại hết những gì ngài đã làm với rất nhiều hy sinh trong việc chu toàn sứ mệnh làm vị linh hướng cho chúng con. Chúng con có thể nói với qúy cha một cách chắc chắn rằng ngài đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng của Dòng Tên ‘Ad Majorem Dei Gloriam’ (Vì Vinh Quang Hơn Nữa cho Thiên Chúa) suốt thời gian ngài lưu ngụ giữa chúng con ở Việt Nam ».

Nhận định ấy quả thích đáng. Trong một thế giới càng ngày càng duy tục, trọng kỹ thuật hơn bất cứ giá trị nào khác, đào tạo thiêng liêng phải là giá trị cao nhất, nhất là trong phạm vi đào tạo các linh mục tương lai.

Như trên đã thưa, gần 80 năm cuộc đời, chỉ chấm dứt việc học « chính qui » năm 30 tuổi, tôi có thật nhiều người thầy ở Nam Am, ở Hải Phòng, ở Mỹ Tho, ở Sài Gòn, ở Đà Lạt, ở trường tiểu học nhà quê, ở hai tiểu chủng viện thành phố, ở Giáo Hoàng Học Viện, ở Đại Học Văn Khoa, ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, không vị thầy nào tôi giữ liên lạc và chịu giữ liên lạc với tôi như Cha Paul Deslierres, người không những biết khả năng hữu hạn của tôi mà còn biết cả cái hữu hạn trong thẳm cung linh hồn tôi và dứt khoát cho tôi hay: tôi không thích hợp theo đuổi ơn gọi linh mục. Nhờ thế, không phải tôi làm ích chi cho Giáo Hội, mà chỉ là không gây thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội như một số người đã và đang làm khiến Giáo Hội có lúc ngẩng đầu không nổi.

________________________________________________________________________

(1) Coathalem, Hervé, S.J. Ignatian Insights, A Guide to the Complete Spiritual Exercises, tr. Charles J. McCarthy, 2nd ed. Taiwan: Taichung, Taiwan: Kuangchi Press 1971