Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Phanxicô, ngày 22 tháng 1 vừa qua trên tờ Crux đã có bài với tựa đề trên.

Ông cho rằng việc Đức Phanxicô bênh vực Đức Cha Barros của Chile có thể không làm hài lòng các nạn nhân bị lạm dụng và những người ủng hộ họ, nhưng hoàn toàn nhất quán với tất cả những gì Đức Phanxicô từng nói và làm cho đến nay.



Nhưng, một câu hỏi khác đã được nêu lên: liệu lập trường của ngài (cử nhiệm và giữ lại nhiệm sở 1 vị giám mục bị tố cáo là che đậy việc lạm dụng) có nhất quán với chính sách đưa ra nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng và xử lý đúng đắn các thất bại trong việc hành động chống lại những người vi phạm hay không.

Truyền thông phiến diện

Mặc dù đầy rẫy các khoảnh khắc và bài diễn văn quan trọng, các tin tức lớn nhất về chuyến viếng thăm Chile của Đức Phanxicô từ ngày 15 tới ngày 18 tháng 1, cả trong các phương tiện truyền thông quốc gia lẫn quốc tế, đã chỉ chú mục vào các thông điệp bề ngoài có vẻ tự mâu thuẫn này về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Không những chuyến viếng thăm không giải quyết được sự mâu thuẫn trên, nhưng xem ra còn làm nó sắc cạnh hơn nữa vào ngày cuối cùng sau khi Đức Phanxicô mô tả các lời tố cáo che đậy chống Đức Cha Barros là “vu khống”, làm nẩy sinh cả một phản ứng dữ dằn từ các nhóm nạn nhân.

“Thông điệp lẫn lộn về lạm dụng” trên là tập chú của hàng chục cuộc phỏng vấn truyền hình, truyền thanh và báo chí do Ivereigh thực hiện tại Santiago, với câu hỏi xoay quanh 3 ngày thăm viếng của Đức Phanxicô.

Trước khi ngài tới, câu hỏi là: tại sao Đức Phanxicô, vị giáo hoàng cải tổ từng hứa sẽ bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và xử lý việc các giám mục che đậy việc này, nay lại cử nhiệm Đức Cha Barros, hồi tháng Ba năm 2015, lãnh đạo Giáo Phận Osorno, sau khi vị này, cùng với hai vị giám mục khác, bị tố cáo che đậy sự lạm dụng của người vi phạm tai tiếng là Cha Fernando Karadima?

Trong lúc ngài ở Chile, câu hỏi trở thành: Làm thế nào giải thích việc Đức Phanxicô đưa ra lời xin lỗi tận đáy lòng về các thất bại của Giáo Hội trong việc lạm dụng và gặp gỡ các nạn nhân trong 1 cuộc gặp gỡ riêng, trong khi, mặt khác, lại để Đức Cha Barros xuất hiện trong Thánh Lễ tại Công Viên O’Higgins và một lần nữa tại Nhà Thờ Chính Tòa đêm thứ Ba, nơi Đức Phanxicô đã ôm hôn ngài cùng với các giám mục khác?

Rồi, vào ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Chile, hôm thứ Năm, và ngày sau đó, sau khi ngài tới Peru, câu hỏi biến thành một câu bực tức: Chắc chắn Đức Phanxicô đã hoàn toàn bôi nhọ trọn bộ các cố gắng của ngài trong lãnh vực này khi nói với các nhà báo rằng các lời tố cáo chống Đức Cha Barros, chủ yếu, chỉ là các lời nói dối.

Nhiều người Công Giáo ở Chile than phiền rằng tập chú vào Đức Cha Barros và các nhận xét nẩy lửa của Đức Phanxicô đã làm cho mọi sứ điệp rộng lớn hơn của Đức Phanxicô bị lu mờ đi. Nếu chiến lược là để lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng về việc lạm dụng tại Điện La Moneda sáng thứ Ba có thể khai quang mở lối cho việc hiện diện của Đức Cha Barros và việc Đức Giáo Hoàng bênh vực cho ngài, thì chiến lược ấy chắc chắn đã thất bại.

Nhưng lề lối tường thuật trên dựa vào giả thuyết cho rằng Đức Giáo Hoàng chỉ khả tín trong lời xin lỗi của ngài và việc ngài gặp gỡ các nạn nhân nếu ngài bác bỏ Đức Cha Barros. Giả thuyết này, ngược lại, lại tùy thuộc một giả dụ khác thường không được nói ra đó là Đức Cha Barros phạm tội che đậy.

Tiền đề trên không được nói ra vì nó chỉ là đoán chừng, mà nó được đoán chừng vì các cáo buộc được đưa ra bởi 3 nạn nhân của Cha Karadima, những người có các khiếu nại được tòa án chấp thuận.

Tư cách nạn nhân không chỉ khiến người ta có thiện cảm, nó còn đem lại tính khả tín, thậm chí cả thế giá tinh thần nữa. Nên, bất chấp sự kiện các vị giám mục nhất quán và cương quyết bác bỏ việc các ngài mục kích việc lạm dụng của Cha Karadima (và trong trường hợp Đức Cha Barros, ngài có nhận 1 lá thư kể rõ chi tiết vụ lạm dụng lúc làm thư ký cho Đức Hồng Y Juan Francisco Fresno của Santiago), và bất chấp sự kiện cho tới nay không hề có bất cứ bằng chứng được kiểm nhận nào ở cả tòa đời lẫn tòa đạo cho thấy các vị giám mục nói dối, các lời cáo buộc các ngài cứ vẫn dai dẳng trong đầu óc truyền thông.

Bộ máy dê thế tội

Lớn đến nỗi có giả thuyết cho rằng bất cứ ai quen thuộc với các trước tác nói về bộ máy dê thế tội của René Girard cũng nên nghe một vài tiếng chuông cảnh tỉnh.

Tại Santiago, Ivereigh đã thấy bộ máy kia hoạt động rầm rộ hết cỡ. Cuộc thảo luận xoay quanh Đức Cha Barros, mà ít khi nhắc đến các vị giám mục khác cũng từng bị tố cáo đã mục kích việc Cha Karadima lạm dụng. Không những Đức Cha bị giả thuyết là phạm tội, mà không một ai nêu bất cứ câu nghi vấn nào về “vụ án” chống lại ngài.

Cũng không một câu nghi vấn nào hỏi về việc các nạn nhân đòi Tổng Giáo Phận Santiago bồi thường 450,000 mỹ kim, nhưng không thành công, một phần vì Cha Karadima không thể bị kiện hay xử do các hạn chế về quy chế (statute of limitations). Điều dễ hiểu là các nạn nhân chĩa mũi dùi thất vọng của họ vào tổng giáo phận.

Vụ này tùy thuộc việc chứng minh rằng những người có thẩm quyền biết mà không chịu hành động về việc lạm dụng. Cần phải xác nhận lý do tại sao dù hàng tá người sống cạnh Cha Karadima, vậy mà các nạn nhân lại chỉ tố cáo những vị sau này được tấn phong giám mục là che đậy.

Có khá nhiều các câu hỏi khác nữa nên được hỏi về trường hợp các nạn nhân, nhưng rất ít người dám làm như thế vì sợ bị tố cáo là “tái nạn nhân hóa” họ. Các nhà bình luận thích nói họ “có xu hướng tin các nạn nhân” hơn hay bất cứ điều gì Đức Cha Barros nói đều không quan trọng vì ngài là một “biểu tượng” của nền văn hóa cho phép Cha Karadima lạm dụng (đây là đường lối của ba nạn nhân của Cha Karadima).

Đức Phanxicô cũng đã thấy bộ máy dê thế tội này nơi một số giám mục Chile, những vị khẩn khoản yêu cầu ngài đừng bổ nhiệm Đức Cha Barros lãnh đạo giáo phận Osorno vì sợ vết nhơ Karadima sẽ bám mãi vào Giáo Hội.

Nhưng Đức Giáo Hoàng nói trên chuyến bay trở về Rôma từ Lima rằng ngài đã xem xét bằng chứng, và thấy bằng chứng này không nhất quán và mạch lạc gắn bó.

Ngài nói với các phóng viên: “không có bằng chứng phạm tội, và xem ra sẽ không có bằng chứng nào. [Bằng chứng] mạch lạc chỉ theo hướng khác [tức vô tội].”

Ngài nghĩ Đức Cha Barros đã bị kết án vì điều vị này biểu tượng cho, chứ không phải vì điều vị này làm, và hai việc này đã bị lẫn lộn trong câu truyện của các nạn nhân.

Bênh vực nạn nhân và bênh vực người vô tội

Mục tiêu của ngài ở Chile không phải là một chiến lược truyền thông đưa ra nhằm thỏa mãn sự đói khát công cộng muốn có lễ vật hy sinh, nhưng bắt Giáo Hội xử lý với nguyên nhân thực sự gây ra cuộc khủng hoảng Karadima: chủ nghĩa giáo sĩ trị và việc dính bén vào quyền lực. Đồng thời, ngài khước từ chấp nhận hy sinh người mà ngài thấy vô tội.

Không hề tự mâu tuẫn chút nào, Đức Phanxicô chỉ thực thi quan tâm của Tin Mừng đối với các nạn nhân. Cùng một luận lý học đòi Giáo Hội kết án việc lạm dụng (lạm dụng tình dục và bất cứ lạm dụng nào khác) bất kể thấy nó ở đâu, không sợ phải đương đầu với mọi mưu toan che đậy nó, và cương quyết đứng về phía nạn nhân, cũng đòi phải bênh vực người vô tội chống lại sự cuồng nộ của đám đông muốn có dê thế tội.

Dĩ nhiên, sự “vô tội” không bao giờ dễ thiết lập dứt khoát, nhưng một cam kết đối với nó đòi phải thận trọng đưa ra các kết luận hữu lý về tính xác thực của các lời tố cáo khi không có chứng cớ nào để hỗ trợ chúng. Trong trường hợp lời tố cáo lạm dụng tình dục, vốn không phải là điều Đức Cha Barros và các vị giám mục kia bị tố cáo, thì việc phỏng đoán phải nghiêng về phía nạn nhân, như các chỉ dẫn của Giáo Hội vốn nói.

Ngay trong trường hợp các lời tố cáo “che đậy”, sẽ sai lầm khi hàm ý cho rằng “nếu bạn không thể chứng minh các khiếu nại của mình, thì bạn sẽ không đáng tin,” như Đức Hồng Y Sean O’Malley đã nói rõ trong đáp ứng của ngài đối với các nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Và Đức Phanxicô, trên chuyến bay trở về Rôma đã nhắc lại điểm ấy, xin lỗi vì đã dùng chữ “vu khống”.

Nhưng điều cũng sai lầm là giả thiết tội của người bị tố cáo khi bằng chứng không có để chứng minh cho nó. Ngài cũng đã làm rõ điều này.

Điều này có nghĩa đôi khi ngài không ăn ý với các nạn nhân và các người đại diện cho họ, như ngài từng như thế với những người sống sót trong Ủy Ban chống lạm dụng của ngài.

Đây không phải là một lập trường sẽ ngăn chặn các cải tổ và học tập xa hơn. Vẫn có một con đường dài cho Giáo Hội, và Tòa Thánh dưới thời giáo hoàng của ngài, để đi trong việc trở thành một định chế gương mẫu trong việc giải quyết nạn lạm dụng. Nhưng lập trường này minh xác: nó sẽ không luôn đi tắt về ngang đối với các diễn trình công lý để thỏa mãn các yêu sách của các nạn nhân.

Không hề có sự bất nhất. Ngài hành động để bảo vệ nguyên tắc Tin Mừng vốn nằm dưới việc tây phương giả thiết vô tội trong hệ thống pháp lý, chính là để ngăn ngừa các bất công có thể xẩy ra trong bộ máy dê thế tội.

Đây không phải là một phương thức giúp ngài được hoan hô. Nhưng, nhất định, đây là chính sách duy nhất một vị giáo hoàng có thể có.