Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10h30, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại công viên O'Higgins.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Santiago de Chile [santjaɣo ðe tʃile], hay đơn giản là Santiago, là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Chí Lợi, đồng thời cũng là một trong những thành phố lớn nhất châu Mỹ.
Santiago là tiếng Tây Ban Nha, kết hiệp hai từ “Santo”, nghĩa là Thánh, và “Yago”, nghĩa là Giacôbê. Như vậy, Santiago nghĩa là Thánh Giacôbê tông đồ, vị thánh được Giáo Hội mừng kính vào ngày 25 tháng 7 hàng năm, và được nhắc đến trong Phúc Âm thánh Matthêu:
“Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” (Mt 4:21-22).
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng...” (Mt 5, 1). Trong những lời đầu tiên này của bài Phúc Âm ngày hôm nay, chúng ta khám phá ra cách thế Chúa Giêsu muốn gặp gỡ chúng ta, đường lối Thiên Chúa luôn luôn gây bất ngờ cho dân Ngài (xem Ex 3: 7). Điều đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhìn ra và thấy khuôn mặt dân Người. Những khuôn mặt đánh thức tình yêu nội tâm của Thiên Chúa. Trái tim của Chúa Giêsu không rung động bởi các ý tưởng hay những khái niệm, nhưng bởi những khuôn mặt, những con người đang khát khao sự sống mà Chúa Cha muốn ban cho chúng ta.
Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng, Ngài nhìn đến khuôn mặt của những môn đệ Người, và điều nổi bật nhất là các ngài, về phần mình, thấy được trong ánh mắt của Chúa Giêsu tiếng vang những ước vọng của họ. Cuộc gặp gỡ này làm phát sinh danh sách các Mối Phúc Thật, là chân trời mà chúng ta được mời gọi và thách thức để vươn tới. Các Mối Phúc không phải là thành quả của một thái độ thụ động đứng trước thực tại, hay đơn thuần là kết quả thu hoạch được của một người quan sát, đang góp nhặt các thống kê buồn thảm về những gì đang xảy ra. Các Mối Phúc cũng không phải là thành quả của những tiên tri loan báo tai ương, là những kẻ chỉ hài lòng với việc gieo vãi những thất vọng. Các Mối Phúc ấy cũng không nảy sinh từ những ảo ảnh hứa hẹn hạnh phúc mà chỉ cần nhấn một cái trong nháy mắt là có ngay. Trái lại các Mối Phúc Thật nảy sinh từ tâm hồn cảm thương của Chúa Giêsu, đang gặp gỡ tâm hồn những người nam nữ tìm kiếm và khát khao một đời sống hạnh phúc; những người biết đau khổ là gì, những người ngỡ ngàng và đau đớn khi mặt đất dưới chân họ rung chuyển, hay khi những giấc mơ của họ bị cuốn trôi đi, khi những chắt chiu trọn cuộc sống của họ bất chợt tan biến; và cả từ những người biết kiên trì và chiến đấu để tiếp tục tiến bước, biết tái thiết và bắt đầu lại.
Cơ man con tim của người dân Chí Lợi biết xây dựng lại và bắt đầu lại! Cơ man những anh chị em biết đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã! Đó là những trái tim mà Chúa Giêsu đang ngỏ lời; đó chính là trái tim mà các Mối Phúc Thật muốn nói đến!
Các Mối Phúc Thật không phải là kết quả của một thái độ quá khích hoặc những lời “rẻ tiền” của những người tưởng là biết hết mọi sự nhưng lại không muốn dấn thân làm gì hoặc với một ai, và chung cuộc họ ngăn cản mọi cơ may tạo nên những tiến trình biến đổi và tái thiết trong các cộng đoàn và trong đời sống chúng ta. Các Mối Phúc Thật phát sinh từ trái tim từ bi, không ngừng hy vọng, một con tim cảm thấy rằng hy vọng chính là ngày mới, là sự xua đi thái độ bất động, rũ bỏ thái độ cam chịu tiêu cực. (Pablo Neruda, El habitante y su esperanza, 5).
Chúa Giêsu, khi tuyên bố phúc cho những người nghèo, người đau khổ, bị thương tổn, bệnh nhân, người có lòng thương xót. .. muốn xua tan quán tính đang làm tê liệt những người không còn niềm tin nào nơi quyền năng biến đổi của Thiên Chúa Cha chúng ta, và cũng chẳng còn tin vào những anh chị em của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu, khi công bố các Mối Phúc Thật, muốn xua tan nơi chúng ta thái độ tiêu cực đó, là cảm thức cam chịu khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu chúng ta thoát khỏi những vấn đề của chúng ta, tránh xa người khác, ẩn náu trong cuộc sống thoải mái của chúng ta, và làm lu mờ các cảm thức của chúng ta bằng chủ nghĩa tiêu thụ (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 2). Ý thức trùm chăn có khuynh hướng cô lập chúng ta khỏi những người khác, phân chia và tách biệt chúng ta, làm chúng ta đui mù với cuộc sống quanh mình và những đau khổ của người khác.
Các Mối Phúc Thật là ngày mới cho tất cả những ai nhìn về tương lai, những ai tiếp tục mơ ước, những ai để cho mình được cảm động và được sai đi bởi Thánh Linh của Thiên Chúa.
Thật tốt là dường nào nếu chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang đến từ núi Cierro Renca hay Puntilla để nói với chúng ta rằng phúc cho anh, cho chị, cho em. ... Phúc cho các ngươi, nếu được Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, các ngươi biết tranh đấu và làm việc cho ngày mới đó, cho một Chí Lợi mới, vì nước các ngươi sẽ là nước thiên đàng. “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Hãy chống lại thái độ cam chịu giống như một dòng nước ngầm làm tiêu tan những mối quan hệ sâu xa nhất của chúng ta và chia rẽ chúng ta, Chúa Giêsu nói với chúng ta: Phúc cho những ai hoạt động cho sự hòa giải. Phúc cho những người sẵn sàng xắn tay áo hoạt động để những người khác được sống trong an bình. Phúc cho những người cố gắng không gieo rắc chia rẽ. Đó là cách mà các Mối Phúc Thật dạy chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình; mời gọi chúng ta dấn thân để mở rộng hơn bao giờ tinh thần hòa giải giữa chúng ta. Anh chị em có muốn được chúc phúc không? Anh chị em có muốn được hạnh phúc không? Phúc cho những ai hoạt động để người khác có thể được hạnh phúc. Anh chị em có muốn hòa bình? Nếu muốn hãy nỗ lực cho hòa bình.
Ở đây tôi không thể không đề cập đến một vị giám mục lớn của Santiago, là người mà trong một buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum đã từng nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý. .. Và nếu ai đó hỏi chúng ta: ‘công lý là gì?’ Hoặc phải chăng công lý chỉ là chuyện ‘Đừng trộm cắp’, chúng ta sẽ nói với họ rằng còn có một loại công lý khác: đó là công lý đòi hỏi mọi người nam nữ phải được đối xử bình đẳng như vậy” (Đức Hồng Y Rausl Silva Henríquez, Bài giảng tại buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum, ngày 18 tháng 9 năm 1977).
Hãy gieo trồng hòa bình bằng sự gần gũi, bằng việc đi ra khỏi nhà, để quan sát các khuôn mặt, gặp gỡ những người đang khó khăn, những ai không được đối xử như con người, như một người con xứng đáng của đất nước này. Đó là cách thức duy nhất chúng ta có để dệt lên một tương lai hòa bình, một kiến trúc không bao giờ tan rã. Người kiến tạo hòa bình biết rằng quá thường khi cần phải vượt qua được những lỗi lầm lớn nhỏ hay những tham vọng xuất phát từ lòng khao khát quyền lực hay thói háo danh “lấy tiếng cho riêng mình”, hay do mong muốn trở nên quan trọng với giá mà người khác phải trả. Người kiến tạo hòa bình biết rằng thật không dễ để nói: “Tôi không làm tổn thương bất cứ ai”. Như Thánh Alberto Hurtado đã từng nói: “Rất tốt để không làm sai, nhưng rất xấu nếu không làm điều tốt” (Meditación radial, April 1944).
Xây dựng hòa bình là một tiến trình liên kết chúng ta và kích thích tinh thần sáng tạo của chúng ta để tạo nên những tương quan có khả năng nhìn người láng giềng không phải như một người xa lạ, vô danh, nhưng như là một người con của đất nước này.
Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đấng từ đỉnh Cerro San Cristóbal đang theo dõi và đồng hành cùng với thành phố này. Cầu xin Mẹ giúp chúng ta sống và khát khao tinh thần của các Mối Phúc Thật, để từ mọi góc của thành phố này chúng ta sẽ nghe, giống như một lời thì thầm nhẹ nhàng: “Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt. 5: 9).