Hàng dài người Á Căn Đình xếp hàng chờ qua biên giới Chí Lợi |
Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ Châu Latinh đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia bốn tháng sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Đó là chuyến đi đến Ba Tây từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 7, năm 2013. Ngài đã đến thăm Bolivia, Ecuador, Paraguay, Mễ Tây Cơ, Cuba và Colombia, và sẽ đến Peru sau khi thăm Chí Lợi.
Để không bị lôi kéo vào thứ chính trị rất nhạy cảm của Á Căn Đình, ngài vẫn chưa sắp xếp một chuyến trở về cố hương của ngài, là nước có nền kinh tế lớn thứ ba của châu Mỹ Latinh và là đất nước lớn thứ tư về dân số tại đại lục này.
Hôm thứ Năm 12 tháng Giêng, khi được hỏi lý do tại sao Đức Giáo Hoàng vẫn chưa đến thăm Á Căn Đình, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ bay qua Á Căn Đình trên đường tới Chí Lợi và theo thông lệ, ngài sẽ gửi một thông điệp từ máy bay đến nhà lãnh đạo quốc gia. Ông Burke nói: “Đó sẽ là một bức điện tín thú vị.”
Đức Giáo Hoàng đã từng gặp tổng thống Á Căn Đình Mauricio Macri tại Vatican. Nhưng là một người phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản toàn cầu, Đức Giáo Hoàng giữ một khoảng cách trong mối quan hệ với Macri, là người thuộc một dòng họ giàu có nhất Á Căn Đình.
Cô Mariano Garcia, 36 tuổi, điều phối viên quốc gia về thanh thiếu niên của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, cho thông tấn xã Reuters biết ít nhất 40,000 người trẻ Á Căn Đình đã ghi danh tham dự các chuyến đi sang Chí Lợi tại các thành phố mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm.
“Cuộc viếng thăm này rất quan trọng đối với giới trẻ Á Căn Đình”, Garcia nói. “Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại, không chỉ dành cho những người trẻ trong Giáo Hội Công Giáo mà còn cho tất cả những người trẻ tuổi.”
Ông Sergio Rubin, một ký giả Á Căn Đình của tờ Diario Clarín, ở thủ đô Buenos Aires, là người đã từng tường thuật các chuyến tông du tại châu Mỹ Latinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và đặc biệt là các chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại các nước Mỹ Latinh, nói:
“Chúng tôi có 5,300 km đường biên giới với Chí Lợi dọc theo hầu hết chiều dài của quốc gia này. Đây là đường biên giới dài thứ ba trên thế giới chỉ sau đường biên giới dài nhất là giữa Hoa Kỳ và Canada, và thứ nhì là đường biên giới giữa Nga và Kazakhstan. Cho nên, hàng trăm ngàn người sẽ vượt qua biên giới để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là chưa kể những người đi máy bay từ Buenos Aires.”
Khi được hỏi về các cuộc biểu tình tại Santiago chống lại chuyến tông du của Đức Thánh Cha với lý do là chi phí tổ chức quá cao, ông Sergio cho biết:
“Đó là thứ chính trị bẩn thỉu của đảng Xã Hội Chí Lợi đang cầm quyền. Trong 5 chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Mỹ Châu Latinh trước đây, chính phủ của bà Michelle Bachelet liên tục nhắc với các Giám Mục là chưa thuận lợi cho một chuyến thăm của ngài. Thế rồi thì tháng 11 năm ngoái có tổng tuyển cử, bầu cả tổng thống lẫn lưỡng viện Quốc Hội, cho nên tháng 6 họ lại gởi giấy mời sang Vatican, để mua phiếu người Công Giáo. Rồi cuối cùng họ lại xì ra chi phí tổ chức để đánh gục đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.”
Ông Sergio cho biết thêm: “Tất cả 31 nước Đức Thánh Cha đã từng đi thăm đều tốn một số chi phí gần như nhau. Tại sao ngay cả ở Miến Điện, nơi đa số dân theo Phật Giáo, và tại Bangladesh nơi hầu hết người dân theo Hồi Giáo, dân chúng không kêu ca? Chí Lợi là một quốc gia rất giàu có, 2 phần 3 dân chúng là người Công Giáo, thu nhập bình quân đầu người của họ lại cao hơn ở Miến Điện đến 6 lần. Tại sao họ chỉ nghĩ đến chi phí phải bỏ ra mà không tính đến khoản thu nhập từ hàng trăm ngàn người Á Căn Đình đổ vào Chí Lợi trong những ngày này? Ở Miến Điện và Bangladesh, chắc chắn người ta không có được những khoản thu như thế này đâu.”