Lúc 10h sáng thứ Bẩy ngày 6/1/2018, Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Ba cử chỉ của các nhà Đạo Sĩ hướng dẫn chúng ta trong hành trình tìm kiếm Chúa, Đấng hôm nay tự mạc khải mình như ánh sáng và ơn cứu rỗi cho muôn dân. Các Đạo Sĩ nhìn thấy ngôi sao, cất bước lên đường và dâng lên những quà tặng.
Nhìn thấy ngôi sao. Đây là điểm khởi đầu. Nhưng, chúng ta có thể hỏi tại sao chỉ có các Đạo Sĩ mới nhìn thấy ngôi sao này? Có lẽ vì có quá ít người nhìn lên bầu trời. Trong thực tế, quá thường là trong cuộc sống, chúng ta hài lòng với việc nhìn xuống mặt đất: sức khoẻ, tiền bạc và vui chơi là đủ. Và tôi tự hỏi chính mình: liệu chúng ta có còn biết cách nhìn lên bầu trời hay không? Chúng ta có biết làm thế nào để ước mơ, khát khao Thiên Chúa, chờ đợi sự mới mẻ của cuộc sống, hay là chúng ta để cho chính mình bị cuốn hút bởi cuộc sống như một chiếc lá khô bị cuốn theo chiều gió? Các Đạo Sĩ đã không thích để mình bị trôi nổi. Họ đã xác tín rằng, để sống một cách thực sự, bạn cần một mục tiêu cao cả và do đó bạn phải hướng mắt nhìn lên cao.
Nhưng, chúng ta lại có thể thắc mắc, tại sao, trong số những người nhìn lên trời, nhiều người khác đã không nhìn thấy ngôi sao đó, “ngôi sao của Người” (Mt 2: 2)? Có lẽ vì nó không phải là một ngôi sao lấp lánh, sáng rực hơn những ngôi sao khác. Tin Mừng cho biết đó là một ngôi sao mà các Đạo Sĩ nhận thấy mới vừa “ló dạng” (câu 2.9). Ngôi sao của Chúa Giêsu không chói lòa, không rực rỡ, nhưng nhẹ nhàng mời gọi. Chúng ta có thể tự hỏi mình ngôi sao nào chúng ta chọn trong cuộc sống. Có những ngôi sao rực rỡ, gợi lên cảm xúc mạnh mẽ, nhưng không định hướng cho chúng ta. Đó là những ngôi sao của thành công, tiền bạc, sự nghiệp, danh dự, hoan lạc mà nhiều người tìm kiếm như là cùng đích của đời mình. Chúng là những thiên thạch tỏa sáng trong một thời gian, nhưng sớm tan tành và ánh sáng của chúng tắt lịm nhanh chóng. Chúng là những ngôi sao rơi, lung linh thôi chứ không hề định hướng. Trái lại, ngôi sao của Chúa không phải lúc nào cũng rực rỡ, nhưng luôn luôn hiện diện; nó nhẹ nhàng; đưa tay ra cho anh chị em trong cuộc sống, và đồng hành cùng anh chị em. Nó không hứa hẹn các phần thưởng vật chất, nhưng nó bảo đảm an bình và trao ban, như đã từng trao cho các Đạo Sĩ, “một niềm vui lớn” (Mt 2:10). Tuy nhiên, Chúa đòi hỏi chúng ta phải cất bước lên đường.
Cất bước lên đường là hành động thứ hai của các Đạo sĩ. Đó là điều cần thiết để tìm thấy Chúa Giêsu. Ngôi sao của Người, trên thực tế, đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa con đường, nỗ lực hàng ngày trong cuộc lữ hành; Người đòi hỏi chúng ta phải tự giải phóng mình khỏi những gánh nặng không cần thiết và những hành lý cồng kềnh cản trở chúng ta; và chấp nhận những sự kiện bất ngờ không có trên bản đồ của một cuộc sống êm đềm. Chúa Giêsu mạc khải chính Ngài cho những người tìm kiếm Ngài, nhưng để tìm kiếm Ngài, chúng ta phải cất bước, phải bước ra ngoài. Đừng chờ đợi nhưng phải dám mạo hiểm. Đừng đứng yên nhưng phải tiến về phía trước. Chúa Giêsu đòi hỏi rất cao những ai tìm kiếm Người, Ngài yêu cầu họ phải rời khỏi những ghế bành của những tiện nghi trần thế và sự ấm áp của lò sưởi. Theo Chúa Giêsu không phải là một giao thức lịch sự cần được tuân thủ, nhưng là sống một cuộc xuất hành. Thiên Chúa, Đấng giải phóng dân Ngài qua cuộc xuất hành và kêu gọi những dân tộc mới đi theo ngôi sao của Người, luôn luôn ban cho họ tự do và niềm vui trên đường lữ hành và chỉ trên những nẻo đường lữ hành mà thôi. Nói cách khác, để tìm kiếm Chúa Giêsu, chúng ta phải từ bỏ sự sợ hãi phải dấn thân, bỏ đi tâm lý thỏa mãn trong cảm giác thế này là đủ lắm rồi; và chấm dứt ngay sự lười biếng không còn muốn gì thêm trong cuộc sống. Chúng ta cần phải mạo hiểm, chỉ đơn giản là để có thể gặp gỡ một Hài Nhi. Nhưng điều đó vô cùng đáng giá, bởi vì khi tìm thấy Hài Nhi, khám phá ra sự dịu dàng và tình yêu của Người, chúng ta tìm thấy chính mình.
Cất bước lên đường không phải là dễ dàng. Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này qua các nhân vật khác nhau. Có một Hêrôđê, âu lo trước nỗi sợ rằng sự ra đời của một vị vua sẽ phương hại đến uy quyền của mình. Vì vậy, ông triệu tập các cuộc họp và gửi người khác đi thu thập thông tin; nhưng chính ông ta thì không hề di chuyển, ông ta tự khóa mình bên trong cung điện. Ngay cả “cả Giêrusalem” (câu 3) cũng đâm ra sợ: sợ sự mới lạ của Thiên Chúa. Người ta thích mọi thứ vẫn như trước đây - “nó luôn như thế này” - và không ai có can đảm để cất bước lên đường. Sự cám dỗ của các thầy tư tế và các thầy thông luật có phần tinh tế hơn. Họ biết địa điểm chính xác và báo cáo cho Hêrôđê, đồng thời cũng trích dẫn lời tiên tri cổ xưa. Họ biết, nhưng không cất bước theo hướng Bethlehem. Có thể đó là sự cám dỗ của các tín hữu lúc này lúc khác: đức tin được diễn tả như một cái gì đó đã được biết rồi, và không ai thách đố mình tìm kiếm Chúa nữa. Chúng ta nói, nhưng chúng ta không cầu nguyện; chúng ta phàn nàn, nhưng chúng ta không làm điều thiện. Các Đạo Sĩ thì khác, họ nói ít nhưng đi nhiều. Như Phúc Âm chỉ ra: Mặc dù không biết những lẽ thật của đức tin, họ rất háo hức và lên đường “để đến thờ lạy Người” (câu 2), “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người.. và đi lối khác mà về xứ mình.” (câu 9.11.12): nghĩa là luôn luôn di chuyển.
Dâng lên những quà tặng. Khi họ đến với Chúa Hài Đồng Giêsu, sau một cuộc hành trình dài, các Đạo Sĩ thờ lạy Người và dâng tiến lễ vật. Chúa Giêsu đang nằm trong máng cỏ để trao ban sự sống, vì thế họ dâng lên Ngài những thứ quý giá như vàng, nhũ hương và mộc dược. Tin Mừng được nhận ra khi cuộc lữ hành trong cuộc đời đạt đến sự trao ban. Trao ra hoàn toàn cho Chúa, mà không mong đợi một hồi đáp là một dấu chỉ chắc chắn chúng ta đã tìm thấy Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Anh em đã được cho nhưng không, thì cũng phải cho nhưng không như vậy” (Mt 10: 8). Làm tốt mà không có tính toán, ngay cả khi không ai yêu cầu chúng ta, ngay cả khi nó không làm cho chúng ta đạt được bất cứ điều gì, ngay cả khi chúng ta không thích nó. Chúa muốn điều này. Chúa, Đấng đã nên nhỏ bé vì chúng ta, yêu cầu chúng ta trao ban một cái gì đó cho anh em của mình. Ta là ai? Chính là những người không có gì để hồi đáp, là người cùng quẫn, đói khát, khách lạ, tù nhân, người nghèo (xem Mt 25: 31-46). Dâng lên một món quà chào đón Chúa Giêsu nghĩa là chăm sóc người bệnh, dành thời gian cho một người khó khăn, giúp đỡ những người dù người ấy không gây được cảm hứng cho chúng ta, và tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta. Đó là những món quà nhưng không, và không thể thiếu được trong cuộc sống Kitô hữu. Trái lại, Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta, nếu chúng ta chỉ yêu thương những ai yêu mến mình, chúng ta có khác gì những người ngoại giáo (xem Mt 5: 46-47). Chúng ta nhìn vào đôi tay của chúng ta, thường trống vắng không có chút tình yêu nào, và hôm nay chúng ta cố gắng nghĩ đến một món quà nhưng không, một món quà không cần hồi đáp, mà chúng ta có thể trao ra. Nó sẽ đẹp lòng Chúa. Và chúng ta cầu xin Ngài: “Lạy Chúa, xin cho con tái khám phá lại niềm vui khi trao ban”.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm như các nhà Đạo Sĩ: hãy hướng nhìn lên, cất bước lên đường, và trao ban nhưng không.