Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Sodano nói: “Thật không may, mỗi người trong chúng ta đôi khi có thể không trung thành với sứ mệnh của mình. Đó là lý do tại sao, vào đầu mỗi Thánh Lễ, chúng ta đọc “Kinh Cáo Mình”, với lời cầu nguyện bắt đầu như sau: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều.”
Đức Hồng Y Law đã qua đời tại một bệnh viện ở Rôma vào sáng Thứ Tư 20 tháng 12.
Đức Thánh Cha Phanxicô, như thông lệ đối với các thánh lễ an táng của các vị Hồng Y qua đời ở Rôma, đã đến vào cuối Thánh lễ để chủ sự nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt (Commendatio and Valedictio). Trong nghi thức tang lễ Công Giáo, nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt cuối cùng là những lời cầu nguyện chính thức ủy thác người đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng đọc những lời cầu nguyện bằng tiếng Latinh, rảy nước thánh và xông hương trên chiếc quan tài của Đức Hồng Y. Nhưng ngài không đưa ra nhận xét gì về Đức Hồng Y hay cuộc đời của người quá cố.
Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Sodano đã nói với một nhóm nhỏ chừng 200-250 người tháp tùng trong những giờ phút sau cùng rằng Đức Hồng Y Bernard Law đã cống hiến cuộc sống của mình cho Giáo Hội với 56 năm phục vụ như là một linh mục, giám mục và Hồng Y của tổng giáo phận Boston trước khi được bổ nhiệm làm Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma.
Đức Hồng Y Sodano nói: “Chính ở đây, ở Rôma, ngài nhắm mắt trước thế giới này để lại mở mắt ra trong ánh sáng vĩnh hằng.”
Có 30 Hồng Y hiện diện tại lễ tang, bao gồm các Hồng Y Hoa Kỳ là Raymond Burke, Edwin O'Brien, James Harvey và Kevin Farrell.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và người tiền nhiệm của ngài, là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, cũng hiện diện trong thánh lễ.
Bà Callista Gingrich, tân đại sứ Hoa Kỳ, là người sẽ trình quốc thư lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong vai trò đại sứ Mỹ tại Toà Thánh vào sáng thứ Sáu 22 tháng 12, và chồng bà, là cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, cũng tham dự tang lễ.
Đức Hồng Y Sean O'Malley, người kế nhiệm Đức Hồng Y Law ở Boston, nói trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Theo truyền thống Công Giáo, Thánh lễ an táng người Kitô hữu là thời điểm chúng ta nhận ra sự mỏng dòn của chúng ta, khi chúng ta thừa nhận rằng tất cả chúng ta cố gắng để được nên thánh trong một cuộc hành trình có thể được đánh dấu bởi những thất bại lớn nhỏ.”
Đức Hồng Y sẽ được chôn cất dưới tầng hầm Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, nơi ngài đã làm Giám Quản từ năm 2004 đến năm 2011.
Đám tang của Đức Hồng Y Law đã làm bùng lên những phản ứng tiêu cực của giới truyền thông. Đó là dịp để khơi lại những cáo buộc cho rằng ngài đã che đậy cho các linh mục lạm dụng tình dục tại tổng giáo phận Boston. Có thể Đức Hồng Y đã mắc những sai lầm trong cách thức đương đầu với những tai tiếng trầm trọng. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, ngài vẫn là một vị đại ân nhân.
Thật vậy, năm 1975, giữa làn sóng người Việt tị nạn đặt chân tới Hoa Kỳ, Ðức Giám Mục Law đã giúp định cư cho tất cả 166 Tu Sĩ và Chủng Sinh Dòng Ðồng Công. Thấu hiểu hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam, vào năm 1991, Ðức Hồng Y Law đã viếng thăm Việt Nam và tại Hà Nội Ngài đã gặp Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.
Ngài cũng từng tham dự và đi kiệu cùng với khoảng 60, 000 giáo dân Việt Nam tại Ðại Hội Thánh Mẫu Dòng Ðồng Công vào năm 2002. Để nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh bị thử thách, sau biến cố Tòa Khâm Sứ, ngày 22 tháng 11 năm 2009, Đức Hồng Y Bernerd Law đã tới Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội để đồng tế với Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.