Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trưa thứ Bảy, ngày 28 tháng 10, Đức Hồng Y Fernando Filoni đã chủ tọa lễ cung hiến Đền thờ Các Thánh Tử Đạo Uganda tại Munyonyo. Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói:
“Hôm nay chúng ta cũng tụ tập tại nơi này, nơi các nhà truyền giáo đầu tiên đã từng tuyên xưng Lời Chúa và thành lập nên cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Giống như Dân Thiên Chúa cổ xưa, ở đây chúng ta lắng nghe Lời Chúa, mà các Thánh Tử Đạo ở Uganda đã vâng phục đến mức đổ máu mình.” Đức Hồng Y chỉ ra rằng “ngay từ đầu các vị đã hiểu tầm quan trọng của việc dạy bảo cho dân chúng Lời Chúa mà họ đã lãnh nhận; và có lẽ là bằng chứng nổi bật nhất về sự gắn bó của các Thánh Tử Đạo đối với Lời Chúa là cách các vị ra đi truyền giáo. Những người giáo dân này gánh vác trọng trách lãnh đạo các cộng đồng Kitô hữu và tiếp tục hướng dẫn họ trong đức tin để khi những nhà truyền giáo quay trở lại, họ đã thấy một sự gia tăng kỳ diệu số lượng người dạy giáo lý và mức độ trung thành với Lời Chúa”.
“Một động lực mới nhằm thúc đẩy phúc âm hoá, và cũng là một trong những ước muốn của tôi dành cho anh chị em trong Năm Thánh này là một sự gắn bó mới với Lời Chúa, đặc biệt là trong các gia đình. Các gia đình Công Giáo cần có sự tiếp xúc trực tiếp hơn với Kinh Thánh; nếu không, các giáo phái sẽ tiếp tục lợi dụng điểm yếu đó và do đó tiếp tục gây lầm lạc nơi nhiều tín hữu Công Giáo của chúng ta, như nó đang xảy ra”
Buổi chiều Bảy, 28 tháng 10, Đức Hồng Y Filoni đã viếng thăm một ngôi nhà dành cho người cao niên do các Nhà truyền giáo người nghèo, một giáo đoàn do cha Ambrose Kulandairaj và cha Murray Goodman thành lập vào năm 1999, tại Nalukolongo, và sau đó ngài thăm một nhà trẻ ở Busega.
2. Quốc Hội Pakistan có thể sẽ thông qua dự luật nhìn nhận hôn nhân Kitô Giáo
Bộ Nhân quyền Pakistan đã gửi cho Bộ Tư pháp nước này văn bản về việc công nhận dân sự phép hôn phối được cử hành trong các nhà thờ Kitô Giáo. Bộ Tư pháp sẽ xem xét lại toàn bộ văn bản trước khi gửi đến Văn phòng Thủ tướng Chính phủ để duyệt xét và đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội .
Quyết định này đã Bộ trưởng Nhân quyền, Mumtaz Ahmed Tarar loan báo trong cuộc gặp gỡ với một phái đoàn đại diện cho các cộng đồng Kitô hữu hôm 29 tháng 10.
Bộ trưởng nói với các thành viên của phái đoàn rằng dự luật được soạn thảo sau khi tham khảo ý kiến với tất cả các cộng đồng Kitô hữu, bao gồm các nhà lãnh đạo các tôn giáo chính trong nước (Anh Giáo, Công Giáo, và các hệ phái Tin Lành). Ông cho biết thêm văn bản đã được gửi tới Bộ Tư pháp để xem xét “các vấn đề pháp lý” và để xác định rằng không có mâu thuẫn với các luật khác, trước khi Quốc hội bỏ phiếu chung thẩm.
Kitô hữu ở Pakistan chiếm khoảng 2% dân số. Người Ấn Giáo tuy ít hơn (chỉ khoảng 1.5%) nhưng năm 2016, chính phủ đã thông qua “Đạo luật kết hôn Ấn Giáo năm 2015”, chính thức công nhận về mặt dân sự việc kết hôn thực hiện tại các đền thờ Ấn Giáo.
3. Phòng Báo Chí Tòa Thánh bác bỏ tin tức nói Đức Thánh Cha đang giúp đàm phán với Kim Jong-un
Phòng báo chí Tòa thánh đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 30 tháng 10, phủ nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang tham gia vào các nỗ lực nhằm làm trung gian đàm phán với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, hay còn gọi là Kim Chính Ân.
Các báo cáo về sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng trong cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và quốc gia cộng sản này đã nảy sinh sau khi Tòa Thánh thông báo về một hội nghị giải trừ quân bị sẽ được tổ chức tại Vatican vào tuần tới.
Thông cáo báo chí, trước hết, khẳng định rằng “Đức Thánh Cha đang làm việc với quyết tâm thúc đẩy các điều kiện cần thiết cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”
Ông Greg Burke, giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh viết:
“Đức Thánh Cha đang làm việc với quyết tâm thúc đẩy các điều kiện cần thiết cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân như ngài đã nhắc lại hồi tháng 3 năm ngoái trong một thông điệp gửi đến một hội nghị Liên Hợp Quốc, được triệu tập cho mục đích này.
Do đó, một hội nghị quan trọng sẽ được Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện tổ chức vào tuần tới với chủ đề ‘Triển vọng cho một Thế giới không có vũ khí hạt nhân và cho sự phát triển toàn diện’ . Tuy nhiên, hoàn toàn không đúng khi nói đến vai trò hòa giải của Đức Thánh Cha.”
4. Đức Thánh Cha Phanxicô và Ðức Tổng giám mục Welby kêu gọi hoà bình ở Nam Sudan.
Hôm thứ Sáu 27 tháng 10 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Tổng giám mục Canterbury, tiến sĩ Justin Welby, cùng với vị tân giám đốc Trung tâm Anh giáo ở Roma, Tổng giám mục Bernard Ntahoturi người Burundi. Sau cuộc hội kiến kéo dài nửa giờ tại Ðiện Tông Toà, hai Tổng giám mục Anh giáo và hai phu nhân đã dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha tại Nhà khách Santa Marta để tiếp tục cuộc trò chuyện.
Ngày hôm trước, nhà lãnh đạo Anh giáo đã chủ sự giờ Kinh Chiều tại nhà thờ Caravita ở Roma để đặt Tổng giám mục Bernard Ntahoturi làm đại diện chính thức của mình tại Toà Thánh. Trong bài giảng, Ðức Tổng giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, trước đây từng làm Sứ thần Toà Thánh tại Burundi, nhấn mạnh rằng việc dấn thân cho đại kết là một mệnh lệnh đạo đức đối với mọi Kitô hữu.
Trong cuộc trao đổi với Radio Vatican sau đó, Ðức Tổng giám mục Welby đã cho biết thêm về cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha và về dự định viếng thăm Nam Sudan cùng với Đức Thánh Cha.
Vị Tổng giám mục Anh giáo nói rằng cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha là “rất ý nghĩa, và cũng tràn ngập niềm vui, tiếng cười, rất thoải mái và lại súc tích”. Ðặc biệt, hai người đã nói về những mối quan tâm chung đối với các xung đột, nạn buôn bán người và sự cần thiết phải thống nhất Giáo hội trong một thế giới bị rạn nứt.
Ðức Tổng giám mục Welby nói rằng, giống như những người tiền nhiệm trong các chuyến viếng thăm Roma trước đây, ngài cũng đeo chiếc nhẫn giám mục mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tặng cho Ðức Tổng giám mục Michael Ramsey năm 1966. Ngài nói rằng từ đó đến nay đã có những tiến bộ to lớn hướng đến hiệp nhất, và cả ARCIC lẫn IARCCUM đã “tiếp tục các cuộc đối thoại thần học và truyền giáo rất hiệu quả”. Bên cạnh đó, còn có đại kết trong hành động và trong cầu nguyện, là điều phát triển từ công trình thần học, nhưng cũng thúc đẩy đại kết tiến về phía trước.
Nói về sự thiếu hiệp nhất trong bí tích Thánh Thể, Ðức Tổng giám mục Welby nói rằng ngài vẫn nhớ đến điều đó mỗi ngày tại Ðiện Lambeth, khi cử hành cùng với các thành viên Công Giáo và không Công Giáo của cộng đồng giới trẻ Thánh Anselmô. Ðiều đó quả là đau đớn, nhưng trong một ý nghĩa khác, lại là “một nỗi đau cần thiết buộc chúng ta nỗ lực hơn nữa để hiệp nhất”.
Khi được hỏi về một chuyến viếng thăm Nam Sudan cùng với Đức Thánh Cha, nhà lãnh đạo Anh giáo nói rằng “một chuyến viếng thăm như vậy phải được thực hiện ngay khi nó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn” và “nghiêng cán cân về phía hoà bình”. Ngài nói rằng ngài cùng với Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị “hãy từ bỏ bạo lực và nghĩ đến người dân Nam Sudan”. Ngài nhắc lại chuyến viếng thăm gần đây đến các trại tị nạn ở phía Bắc Uganda có 260,000 người, một phần nhỏ trong số này đã chạy trốn bạo lực. Chúng tôi “trông chờ và cầu nguyện” cho các nhà lãnh đạo chính trị hoán cải tâm hồn.
Khi được hỏi về sự chia rẽ trong Giáo hội Anh giáo, đặc biệt là về vấn đề đồng tính luyến ái, Ðức Tổng giám mục Welby nói rằng “Ðừng để cho mình bị tê liệt vì những mối bất đồng”, mà tất cả các Giáo hội đang phải đối mặt. Trong một cộng đồng đa dạng như thế giới Anh giáo, ngài nói thêm, chắc chắn có những bất đồng “nhưng chúng ta phải nhìn thấy lời Chúa Kitô kêu gọi hiệp nhất trong việc phục vụ người nghèo ... và đừng để bất cứ điều gì khiến chúng ta sao nhãng sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
5. Ðức Thánh Cha kêu gọi cải tổ tinh thần Âu Châu.
Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Kitô góp phần cải tổ tinh thần của Âu Châu và ngài cũng kêu gọi chính quyền đại lục này nhìn nhận vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội.
Ðức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài diễn văn dài tại buổi kiến kiến 350 tham dự viên Hội nghị về đề tài “Nghĩ lại Âu Châu” nhóm tại Roma trong hai ngày 27 và 28 tháng 10 năm 2017, với sự tham dự của các nhà chính trị, các Hồng Y, Giám Mục, các đại sứ, đại diện các phong trào và nhiều tín hữu Kitô khác. Hội nghị do Ủy ban Giám Mục Liên hiệp Âu Châu, gọi tắt là Comece, tổ chức.
Ðức Thánh Cha tái khẳng định nền tảng của Âu Châu chính là con người và các cộng đoàn mà Kitô hữu mong muốn và có thể góp phần xây dựng. Những “viên gạch” trong công trình này là “sự đối thoại, bao gồm mọi ngừơi, tình liên đới, phát triển và hòa bình”.
Ðức Thánh Cha nói:
“Từ Ðại Tây dương đến rặng núi Ural, từ Bắc Cực đến Ðịa Trung Hải, Âu Châu phải là một nơi đối thoại, theo một nghĩa nào đó, giống như diễn trường Agorà ngày xưa. Âu Châu không phải chỉ là một không gian kinh tế, nhưng còn là một con tim của chính trị”.
Và Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy cứu xét vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội, cũng như việc đối thoại liên tôn là điều có thể giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Âu Châu. Trong chiều hướng này, ngài cảnh giác chống lại một thứ thành kiến duy thế tục vẫn còn thịnh hành: người ta không nhận thức được giá trị của tôn giáo trong đời sống công cộng, và muốn đóng khung tôn giáo trong lãnh vực riêng tư. Nhưng làm như thế, người ta thiết lập một sự thống trị của một thứ tư tưởng duy nhất, một hiện tượng rất phổ biến trong các môi trường quốc tế, để rồi coi việc khẳng định căn tính tôn giáo là một nguy hiểm đối với chủ nghĩa bá quyền của họ, và rốt cục tạo nên một sự đối nghịch giữa quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác”.
Ðức Thánh Cha cũng đề cập đến vấn đề thời sự là di dân. Ngài nói: “Âu Châu phải trở thành một không gian bao gồm mọi người, nhưng đồng thời cũng đề cao giá trị của những khác biệt. Trong viễn tượng này, những ngừơi di dân là một tài nguyên, hơn là một gánh nặng, và không thể bị gạt bỏ tùy ý. Ðàng khác, các chính quyền cũng phải quản lý một cách thận trọng vấn đề di dân. Tuy không phải là dựng lên những bức tường, nhưng cần làm sao để tiến trình di dân tuân hành các quy luật. Về phía những ngừơi nhập cư, họ phải tôn trọng và hấp thụ nền văn hóa của quốc gia tiếp đón họ”.
Ðề cập đến sự xung đột các thế hệ chưa từng có ở Âu Châu kể từ thập niên 1960, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến mùa đông dân số ở đại lục này và nói rằng: tại Âu Châu người ta ít sinh con, và quá nhiều thai nhi bị tước bỏ quyền được sinh ra, đó cũng là vì người ta khám phá thấy mình không có khả năng chuyển giao cho người trẻ những phương tiện vật chất và văn hóa để đương đầu với tương lai. Ngoài ra, Âu Châu cũng đang ở trong tình trạng thiếu trí nhớ, do đó cần phải tái khám phá giá trị quá khứ của mình để làm cho hiện tại của mình được phong phú và trao lại cho các thế hệ mai sau một tương lai hy vọng. Bao nhiêu người trẻ đang ngỡ ngàng lạc hướng đứng trước sự vắng bóng các căn cội và viễn tượng, trong khi nền giáo dục phải có sự can dự của toàn thể xã hội”.
6. Sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi các tu hội đời.
Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các thành viên các tu hội đời hãy mang vào trần thế, vào những hoàn cảnh mình sinh sống, lời đã lắng nghe từ Thiên Chúa.
Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự Hội nghị các tu hội đời Italia, nhóm tại Học Viện Augustinianum ở Roma trong hai ngày 28 và 29 tháng 10 năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tông hiến “Provida Mater Ecclesiae” (Mẹ quan phòng của Giáo Hội), do Ðức Giáo Hoàng Piô 12 ban hành về các tu hội đời. Chủ đề của Hội nghị là “Ði xa hơn và ở giữa. Các tu hội đời: những chuyện say mê và ngôn sứ cho Thiên Chúa và thế giới”.
Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha nhắc đến tính chất “cách mạng” trong hình thức mới của đời thánh hiến: các giáo dân và linh mục giáo phận được kêu gọi sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời trong cuộc sống thường nhật hoặc trong sứ vụ mục vụ. Ngài viết: “Ngày nay, anh chị em được kêu gọi trở thành những người khiêm tốn và hăng say mang ý nghĩa của thế giới và lịch sử, trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh của Người. Sự kiện anh chị em ở giữa đời không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại thần học, giúp anh em chú ý, nhìn, nghe, đồng cảm, chia sẻ niềm vui và trực giác những nhu cầu”.
Ðức Thánh Cha gợi ý với các thành viên tu hội đợi 5 thái độ tinh thần giúp tiến bước trong hành trình ơn gọi đặc thù của mình, đó là:
- Cầu nguyện để kết hiệp với Thiên Chúa; gần gũi với tâm hồn và lắng nghe tiếng Chúa;
- Biết phân định những điều thiết yếu với những điều phụ thuộc; làm cho sự khôn ngoan trở nên nhạy bén bằng cách vun trồng nó ngày qua ngày, giúp nhìn thấy đâu là những trách nhiệm cần lãnh nhận và đâu là những công tác ưu tiên.
- Chia sẻ số phận của mỗi người nam nữ, dù những biến cố của thế giới bi thảm và đen tối, vẫn không bỏ mặc cho số phận của thế giới, như Chúa Giêsu và cùng với Chúa yêu thương đến cùng.
- Với ơn Chúa, mang lại can đảm, không bao giờ mất niềm tín thác, biết nhìn điều tốt trong mọi sự.
- Sau cùng là có thiện cảm với thế giới và con người.
Hội nghị các tu hội đời Italia đã kết thúc với thánh lễ lúc 1 giờ trưa Chúa Nhật 29 tháng 10 năm 2017 do Ðức Hồng Y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và tu hội đời chủ sự tại Ðền thờ Thánh Phêrô.
Trên thế giới hiện nay có 193 tu hội đời với tổng cộng gần 32,400 thành viên. (Rei 28-10-2017)
7. Các Giám mục Colombia phản đối luật trợ tử đối với trẻ vị thành niên.
“Ðó là sự vi phạm trầm trọng phẩm giá của con người”, Hội đồng Giám mục Colombia đã phê bình như thế về quyết định mới đây của Bộ Lập pháp Colombia, cho phép áp dụng “eutanasia” (giúp cho chết êm dịu) ngay cả với những trẻ em vị thành niên.
Trong thông cáo được đức cha chủ tịch Oscar Urbina - tổng giám mục giáo phận Villavicencio, đức cha Ricardo Tobón - Tổng giám mục Giáo phận Medellín và Ðức cha Tổng thư ký Elkin Alvarez - Giám Mục Phụ Tá giáo phận Medellín, đồng ký tên, các đức cha nói rằng: “Chúng tôi nhận thấy rằng quyết định mới đây của Tòa án về việc điều chỉnh vấn đề này đi ngược với nguyên tắc của hiến pháp là bảo vệ sự sống (điều 11) và mở ra một thực tế là xã hội đi đến chỗ hợp pháp hóa việc loại trừ một số người, đặc biệt những người yếu đuối và cần được giúp đỡ.”
Các Giám Mục Colombia mời gọi nhấn mạnh rằng sự sống là món qua vĩ đại tuyệt vời của Chúa và yêu cầu dùng mọi nỗ lực để bảo vệ các phúc lợi tương xứng, hiệu quả và nhân bản trong chăm sóc sức khỏe, gia tăng các hoạt động đồng hành và giảm nhẹ đau đớn cho bệnh nhân.
Cuối cùng, các giám mục kêu gọi các nhà làm luật và những người hoạt động trong lãnh vực y tế nhớ lời mời gọi của Ðức Giáo hoàng Phanxicô để có “những quyết định can đảm và đi ngược dòng” để bảo vệ sự sống, đặc biệt của người nghèo và yếu đuối nhất.
Tại Colombia, luật eutanasia (làm chết êm dịu) đã được hợp pháp hóa từ năm 2015, nhưng chỉ đối với người trưởng thành. Vì vậy, bộ lập pháp đã yêu cầu “điền vào luật còn trống” này. Theo các quan tòa, trên thực tế, việc “cung cấp cái chết” tránh cho những trẻ vị thành niên khỏi những phương pháp điều trị độc ác và vô nhân đạo.
Luật pháp đòi phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể: đó phải là một người bệnh ở giai đoạn cuối, bày tỏ sự ưng ý và tự do, được thông báo rõ ràng và nếu bệnh nhân không thể diễn tả ý mình rõ ràng thì sự chấp thuận của người đại diện phải được đánh giá nghiêm ngặt.
8. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bị ngã.
Ðức Cha Stefan Oster, Giám Mục giáo phận Passau bên Ðức, gặp gỡ thân mật với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 ngày 26 tháng 10 năm 2016, sau khi Ðức nguyên Giáo Hoàng bị ngã.
Mặc dù bị trượt ngã trong tuần trước đây tại Ðan viện Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Vatican, Ðức nguyên Giáo Hoàng vẫn “khỏe mạnh và đầy hài hước”.
Trên đây là lời Ðức Cha Stefan Oster, Giám Mục giáo phận Passau bên Ðức, viết trên Facebook của ngài và kể lại cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 ngày 26 tháng 10 năm 2016, kèm theo một số hình ảnh.
Ðức Cha Oster viết: “Mặc dù Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức bị bầm ở mắt, sau khi bị ngã cách đây một tuần, nhưng ngài vẫn gặp chúng tôi, ngài khỏe mạnh, tươi cười và sáng suốt, nhắc lại nhiều kỷ niệm lớn nhỏ về những người từ giáo phận của ngài và của chúng tôi”.
Ðức Giám Mục giáo phận Passau đã cùng với ký giả Peter Seewald đến thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 ở Vatican để trao cho ngài cuốn sách mới tựa đề “Benedikt XVI. Der Deutsche Papst. Sein Leben in Texten ung Bildern” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Vị Giáo Hoàng người Ðức. Ðời sống của ngài qua văn bản và hình ảnh). Sách này được ấn hành trong những ngày này do Nhà xuất bản Koesel ở Munich. Ký giả Seewald và giáo phận Passau đứng tên là người xuất bản.