Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Cha Mario del Valle Moronta Rodríguez, Giám mục giáo phận San Cristobal của Venezuela, nói rằng người dân công nhận Giáo hội là tổ chức duy nhất còn tin cậy được tại quốc gia này. Đó là phản ứng của ngài trong một email gởi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc để đáp lại việc tổng thống Nicolás Maduro sử dụng từ “Bandidos” – nghĩa là bọn cướp - để chỉ các giám mục nước này.
Đức Cha Moronta, cũng gởi đến thông tấn xã Fides một tuyên bố của Hội đồng Giám mục Venezuela nhằm chống lại những lời vu khống của tổng thống Nicolás Maduro. Nhà độc tài này nói rằng các Giám Mục Venezuela là “một bọn cướp, không bảo vệ con người, không đi theo Chúa Kitô, không bao giờ ra đường cùng với dân chúng, không đau khổ, không chia sẻ tình đoàn kết với nhân dân.”
Đức Cha Moronta cho biết “Ở Venezuela, rất thường khi người ta thấy các giám mục trên đường phố, không phải đi dạo, nhưng là đến thăm các giáo xứ và cộng đồng, thực thi các công việc bác ái và với một đặc điểm quan trọng: họ đi mà không có những người hộ vệ. Điều này đối lập triệt để với các quan chức của chế độ là những kẻ không dám ló mặt ra đường, hay nếu có phải đi đâu thì cũng phải có tiền hô hậu ủng.”
Đức Cha Moronta nói thêm:
“Chúng tôi các Giám mục chấp nhận những lời chỉ trích, nhưng thẳng thừng bác bỏ những vu khống và những lời phỉ báng; chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân chúng, những người đang bị đau khổ, đang bị cướp bóc bởi những tên tội phạm quyền cao chức trọng sống xa hoa bằng những đồng tiền tham nhũng, bóc lột của dân nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục gióng lên tiếng nói tiên tri bênh vực người dân thấp cổ bé họng.”
2. Hội nghị các ngoại trưởng 12 quốc gia Mỹ Châu về Venezuela
Các bộ trưởng ngoại giao của 12 quốc gia Mỹ Châu nói rằng họ ủng hộ các cuộc đàm phán của chính phủ Venezuela với phe đối lập, nhưng họ tin rằng các cuộc đàm phán này cần phải có “thiện ý”, và với “các mục tiêu rõ ràng”, cũng như cần phải được sự hỗ trợ của quốc tế,. Bộ trưởng Ngoại giao Á Căn Đình, Ba Tây, Canada, Chilê, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Panama, Paraguay và Peru đã cho biết như trên hôm 23 tháng 9. 12 quốc gia Mỹ Châu này hình thành một nhóm, gọi là nhóm Lima.
Tuần trước, đại diện của chính phủ Venezuela và phe đối lập đã có cuộc gặp gỡ tại Cộng hòa Dominican. Phe đối lập mô tả cuộc gặp gỡ này chỉ có tình chất “thăm dò”, trong khi chính phủ Venezuela rêu rao đó là một cuộc đối thoại chính thức. Các cuộc đàm phán tại Cộng hòa Dominican đã được tiếp tục vào ngày 27 tháng 9.
Trong “Tuyên bố của cuộc họp thứ hai của Nhóm Lima về tình hình ở Venezuela”, Bộ trưởng Ngoại giao của 12 quốc gia đã nhắc lại “cam kết của họ là sẽ theo dõi sát tình hình ở Venezuela” cho đến khi “khôi phục lại trật tự dân chủ hoàn toàn tại quốc gia này”.
Đồng thời, họ đã đồng ý gặp nhau ở Canada vào tháng 10, nhằm “tăng gấp đôi các nỗ lực để đạt được một giải pháp hoà bình và hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela”. Họ cũng nhấn mạnh việc “sẵn sàng giúp đỡ, và phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước khác, nhằm tạo ra một kênh hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nhân đạo của Venezuela”.
3. Phát biểu của ngoại trưởng Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.
Ngoại trưởng Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, kêu gọi các nước “đấu dịu” trước hiểm họa chiến tranh có thể xảy ra giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Trong bài tham luận hôm 25 tháng 9 trong khuôn khổ Ðại hội đồng thứ 72 của Liên Hiệp Quốc ở New York, Ðức Tổng Giám Mục Gallagher nhắc lại lời kêu gọi của Ðức Giáo Hoàng Piô 12 gửi đến mọi quốc gia trước khi thế chiến thứ 2 bùng nổ: “Con đường công lý được thăng tiến nhờ sức mạnh của lý trí chứ không phải bằng sức mạnh của võ khí... Nguy hiểm đang gần kề, nhưng vẫn còn thời gian... không gì bị mất mát với hòa bình. Trái lại với chiến tranh, mọi sự bị mất mát. Ước gì các dân nước tái hiểu nhau và trở lại các cuộc thương thuyết. Nhờ thương thuyết với thiện chí và tôn trọng các quyền của nhau, họ sẽ nhận thức rằng những cuộc thương thuyết chân thành và tích cực không bao giờ loại trừ một thành công trong danh dự”.
Ngoại trưởng Tòa Thánh nói rằng, trong bối cảnh đó, Tòa Thánh ủng hộ tất cả những sáng kiến giúp thi hành các nghĩa vụ do hiệp ước mà các vị quốc trưởng đã ký kết tại Liên Hiệp Quốc năm 2005 về trách nhiệm bảo vệ dân chúng khỏi nạn diệt chủng, các tội ác chiến tranh, thanh lọc chủng tộc và các tội ác chống lại nhân loại”.
Ðức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh rằng: “Các nước lớn và những nước có truyền thống mạnh mẽ hơn trong việc tôn trọng các quyền con người, cần phải là những nước đầu tiên đưa ra những sáng kiến quảng đại ủng hộ hòa bình. Cần sử dụng mọi phương thế ngoại giao và chính trị trong việc thương thuyết, làm trung gian, để ngăn chặn những điều khôn tả.
Ngoại trưởng Tòa Thánh không nêu đích danh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, nhưng ai cũng hiểu điều ngài muốn nói trong tình trạng căng thẳng hiện nay giữa hai nước.
4. Giáo hội Ba lan đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới.
Ít nhất một triệu tín hữu Công Giáo tham dự chương trình “đại” cầu nguyện trải dài 2,000 dặm biên giới đất liền và hải phận nối liền với 8 nước của Ba lan.
Hội đồng Giám mục Ba lan đã kêu gọi các thành phần trong Giáo hội tham gia vào chương trình đọc kinh Mân Côi kéo dài một tiếng trên các biên giới của họ để cứu thế giới khỏi tội lỗi và kỷ niệm biến cố châu Âu được cứu khỏi cuộc xâm lược của Hồi giáo hồi thế kỷ 16.
Thông cáo của Hội đồng Giám mục Ba lan cho biết: “Mục đích là giờ đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho Ba lan và toàn thế giới bởi những người được chọn dọc theo biên giới của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu ủng hộ sáng kiến này đông đảo và cho tất cả chúng ta - giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân - cùng nhau cầu nguyện.”
Chương trình “Kinh Mân Côi trên các biên giới” vào ngày 07 tháng 10 năm 2017 đánh dấu việc cử hành 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima và là cách thế đặc biệt thực hành lời mời gọi sám hối Ðức Trinh nữ Maria đã truyền cho sơ Lucia và các em họ của mình.
Ban tổ chức cho biết có 319 nhà thờ và 22 giáo phận được sử dụng làm các điểm tập họp. Trang web của ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn xin ơn tha thứ và đền tội cho tất cả các xúc phạm và chống đối xúc phạm đến Trái tim Vô nhiễm Ðức Mẹ Maria và xin Mẹ Thiên Chúa can thiệp để cứu Ba lan và thế giới. Nếu kinh Mân côi được một triệu người Ba lan cầu nguyện thì không chỉ có thể thay đổi các sự kiện nhưng còn mở các trái tim cho các hoạt động ân sủng của Chúa.”
5. Những tác động tiêu cực của smartphone trên thế hệ trẻ.
Giáo sư Jean Twenge, thuộc đại học San Diego Hoa Kỳ, vừa công bố một nghiên cứu về hậu quả của các loại điện thoại thông minh smartphone trên cả một thế hệ trẻ em hiện nay.
Theo giáo sư Twenge, cuộc điều tra năm 2015 cho thấy: cứ 3 thanh thiếu niên người Mỹ, có 2 người xử dụng điện thoại thông minh. Giáo sư gọi thế hệ người trẻ này là thế hệ Igen. Họ trải qua suốt thời niên thiếu cắm đầu vào chiếc điện thoại thông minh.
Giáo sư Twenge đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu đều đặn hàng năm trên 11 triệu người trẻ và ghi nhận rằng: từ năm 2010, trẻ em và thiếu niên bắt đầu thay đổi thái độ và thói quen so với các thế hệ đi trước. Và rồi từ năm 2012 trở đi, trí óc các em cũng bắt đầu đổi khác. Tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống của người trẻ thế hệ Igen đều bị chi phối bởi cái điện thoại thông minh.
Người trẻ trải qua hàng giờ, trung bình là khoảng 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, lướt mạng Internet, trao đổi tin nhắn với bạn bè hay giao lưu qua các mạng xã hội. Vì thế, chúng không còn thời giờ để làm những việc khác nữa, chẳng hạn như đi dạo chơi hay họp mặt với bè bạn. Ðây vốn là một trong những sinh hoạt rất được người trẻ ưa chuộng trước thời smartphone xuất hiện.
Hậu quả tức thời là so với các thế hệ trước đây là: con số người trẻ thời đại Igen lâm tình trạng trầm cảm, hồi hộp lo sợ và tự cô lập gia tăng mạnh, trong khi đó, số bạn trẻ cảm thấy hạnh phúc lại giảm sút. Tỷ lệ người trẻ tự tử gia tăng 50%. Con số người trẻ bị bệnh trầm cảm nặng cũng thế.
6. Hội nghị chuyên đề về đời sống thánh hiến vào cuối tháng Mười tại Roma.
Nhân dịp 70 năm ban hành hai văn kiện của Ðức giáo hoàng Piô XII: Tông hiến Provida Mater Ecclesia (02 tháng Hai năm 1947) và Tự sắc Primo Feliciter (12 tháng Ba năm 1948), Bộ Các Tổ chức sống đời thánh hiến và các Hội sống đời Tông đồ (Bộ Tu sĩ) ấn hành bức thư với tên gọi: “Thánh hiến và thế tục. Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công Giáo về các Tu hội đời”, do nhà xuất bản Vatican xuất bản.
Thư này gợi nhắc một Thông cáo của Bộ, khi lấy lại một tài liệu của Bộ từ năm 1983 về căn tính và sứ mạng của các Tu hội đời, trình bày các yếu tố đặc trưng của Tu hội đời, nhấn mạnh những thách đố mới của việc thánh hiến giữa đời: “Ơn gọi này bắt nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể, mời gọi một người ở lại trong môi trường xã hội, nghề nghiệp và cộng đoàn Hội Thánh nơi mình đang sống”.
Bức thư cũng được gửi đến Hội nghị chuyên đề diễn ra tại Roma trong hai ngày 28 và 29 tháng Mười năm 2017, do Hội đồng các Tu hội đời Italia (CIIS) tổ chức, với sự giúp đỡ của Bộ Tu sĩ. Hội nghị có chủ đề “Vượt lên và ở giữa. Các Tu hội đời: những câu chuyện về niềm say mê Thiên Chúa và say mê thế giới”.
7. Ðức Thánh Cha ca ngợi tấm gương can đảm của Chân Phước Rother.
Ðức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi tấm gương can đảm của Chân phước Linh Mục Stanley Francis Rother tử đạo người Mỹ, được tôn phong chân phước sáng ngày 23 tháng 9 năm 2017 tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ.
Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 tháng 9 năm 2017 tại Quảng trường thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha nói:
“Hôm qua, 23 tháng 9, tại thành phố Oklahoma, Hoa kỳ, đã có lễ phong chân phước cho Cha Stanley Francis Rother, Linh Mục thừa sai, bị giết vì sự oán ghét đức tin, cha hoạt động loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, bênh vực những người nghèo nhất tại Guatemala. Ước gì tấm gương anh dũng của cha giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm của Tin Mừng, dấn thân bênh vực phẩm giá con người”.
Cha Stanley Rother đến truyền giáo tại Guatemala năm 1968, phục vụ các thổ dân bản xứ ở Santiago Atillan, dịch Kinh Thánh ra thổ ngữ Tzutuhil của thổ dân Maya, thiết lập một đài phát thanh Công Giáo đầu tiên, và một nhà thương nhỏ, dấn thân để các trẻ em thổ dân được giáo dục tốt đẹp hơn.
Ngày 28 tháng 7 năm 1981, ít lâu trước khi làn sóng bạo lực chống các thổ dân bùng nổ, cha Stanley Rother bị các dân quân cực hữu bắn vào đầu, lúc ấy cha mới được 46 tuổi đời.
Lễ phong chân phước cho cha Stanley được Ðức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh chủ sự, trước sự hiện diện của 50 Giám Mục, 200 Linh Mục, 200 phó tế và 20 ngàn tín hữu ngồi đầy trung tâm Hội nghị Cox ở Oklahoma City. Ðây là lễ phong chân phước tử đạo đầu tiên tại Hoa Kỳ.
8. Đức Thánh Cha thảo luận về tình hình tại Ukraine với đại diện Chính Thống Giáo Nga
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ vào hôm thứ Ba với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, là chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Chính thống Nga. Dịp này, Đức Tổng Giám Mục đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì gần đây Tòa Thánh đã cho mượn thánh tích Thánh Nicolas.
Thánh tích Thánh Nicolas, được đưa từ thành phố Bari của Italia sang thủ đô Mạc Tư Khoa và thành phố Saint Petersburg, đã thu hút đông đảo những người hành hương Chính thống giáo trong thời gian hai tháng.
Phát biểu với Đài phát thanh Vatican sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục nói trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã thảo luận với ngài về những căng thẳng đang diễn ra ở Ukraine, cũng như các nỗ lực chung để hỗ trợ các Kitô hữu ở Trung Đông.
Mặc dù mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Rôma đang ấm lên, Đức Tổng Giám Mục nói rằng hiện nay chưa có kế hoạch nào cho một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Nga, hoặc một chuyến thăm Vatican của Đức Thượng Phụ Kirill.