Theo hãng tin A.P., sáng ngày 7 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Villavicencio, một khu vực trước đây bị vây khốn bởi các phiến quân phe tả, để cùng cầu nguyện với các nạn nhân của cuộc tranh chấp dài nhất của Colombia; ngài thúc giục họ vượt qua đau buồn bằng cách tha thứ cho những kẻ trước đây tấn công mình.

Trong Thánh Lễ ngoài trời cử hành tại đây, Đức Phanxicô ca ngợi những người chống lại “cơn cám dỗ dễ hiểu muốn trả thù” và thay vào đó, đã tìm kiếm hòa bình. Ngài nói rằng quyết định của họ không hề hợp pháp hóa các bất công họ phải chịu, mà đúng hơn, biểu lộ sự sẵn lòng muốn cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình.

Ngài cảnh giác: “mọi cố gắng hòa bình mà không có sự cam kết hoà giải thành thực chắc chắn sẽ thất bại”.

Trọng điểm chuyến viếng thăm một ngày ở đây được Tòa Thánh gọi là “cuộc tụ họp vĩ đại để cầu nguyện cho việc hòa giải quốc gia”, đem lại với nhau cả các nạn nhân lẫn những người gây nạn trước biểu tượng mủi lòng của tranh chấp: bức tượng Chúa Kitô cụt tay được cứu thoát từ một thánh đường bị đạn súng cối của phiến quân phá hủy.

Đây chắc chắn là cuộc tụ họp hết sức xúc động đối với Đức Phanxicô, vị giáo hoàng vốn dùng hòa giải làm chủ đề chính cho chuyến tông du 5 ngày tại Colombia sau khi hứa hẹn sẽ viếng nước này lúc ký kết hòa ước năm ngoái với Các Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC).

Biến cố này lôi cuốn hàng ngàn nạn nhân thuộc đủ tầng lớp xã hội: binh sĩ mất tay chân vì khai hoang mìn bẫy, các bà mẹ có con bị phiến quân cưỡng bức bắt gia nhập và không bao giờ còn thấy lại và các nông dân bị các nhóm dân quân phe hữu trục xuất khỏi đất đai.

Dù vẫn còn rất đau buồn, nhưng nhiều người nói rằng họ đã cố gắng vượt qua nỗi sầu buồn để tha thứ. Paula Mahecha, có con gái mất tích năm 2004 khi đang học làm y tá, nói rằng: “Khi bạn tha thứ, bạn vẫn có vết thẹo của thương tích, nhưng, đúng, tôi đã dứt khoát tha thứ tự đáy lòng tôi”. Mahecha tới tham dự biến cố, đeo hình con gái, Marina Christina Cobo Mahecha, quanh cổ và một biểu ngữ tố cáo quân đội, cảnh sát và các nhóm dân quân đã khiến con gái bà mất tích.

Bà cho hay: bà đã vượt qua được cơn buồn sầu nhờ một vị linh mục: “Nếu không, tôi đã chết rồi. Tha thứ không phải vì họ mà là vì tôi”.

Trước biến cố này, nguyên chỉ huy FARC đã công bố một lá thư trong đó, ông ta xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thứ.

“Các lời Đức Thánh Cha thường nhắc nhớ về lượng từ bi vô hạn của Thiên Chúa đã thúc đẩy con xin Đức Thánh Cha tha thứ cho bất cứ dòng nước mắt hay đau đớn nào chúng con đã gây ra cho xã hội Colombia hoặc bất cứ cá nhân nào của xã hội này”. Rodrigo Londono, được biết nhiều hơn dưới chiến danh Timochenko, viết như thế.

Người chỉ huy lâu năm của phiến quân, hiện đang điều trị tại Cuba vì một cơn tai biến mạch máu não, nói rằng ông rất tiếc không thể hiện diện trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Tự cho là “người ái mộ đầy sùng kính” vị giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ La Tinh, ông ca ngợi việc Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới phẩm giá của mọi con người nhân bản và thẳng thắn chỉ trích hệ thống kinh tế trong đó các nước giầu có cướp bóc các tài nguyên của các nước nghèo.

Trong một dấu chỉ khác cho thấy sứ điệp hòa giải của Đức Giáo Hoàng rất có thể đang được quốc gia bị phân hóa này lưu ý một cách sâu sắc, thị trưởng Medellin xác nhận rằng Tổng Thống Juan Manuel Santos, vào ngày thứ Bẩy này, sẽ cầu nguyện trong Thánh Lễ ở thành phố lớn thứ nhì của Colombia cùng với người tiền nhiệm và là thù địch chính của ông là Tổng Thống Alvaro Uribe. Trước đây, hai người đã từ khước xuất hiện chung với nhau trong bất cứ biến cố nào có Đức Giáo Hoàng.

Hai cựu đồng minh này chia rẽ nhau vì việc Ông Santos ký hòa ước với FARC và chính sự chia rẽ này đã phá hoại các cơ may trong việc thực thi hòa ước. Đức Phanxicô vốn cố gắng đem hai người lại với nhau, nên đã tổ chức một cuộc gặp gỡ trực diện tại Vatican vào tháng 12 vừa qua sau khi Ông Uribe lãnh đạo phong trào đối lập bác bỏ hoà ước nguyên thủy trong cuộc trưng cầu toàn quốc.

Trong số các người tham dự biến cố hòa giải tại Villavicencio có Lucrecia Valencia, mất chồng và con trai cũng như tay phải và chân trái của bà, khi họ đi kiếm củi gần nhà. Thị trấn của bà bị bạo lực vây khốn trong nhiều năm, và bà muốn thế giới biết rằng hòa bình của đất nước bà hết sức mong manh. Bà nói rằng mìn bẫy, đảo ngược đời bà vào năm 2009, đã được một nhóm phiến quân khác cài đặt, đó là Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia (ELN); nhóm này nay vẫn còn hoạt động tại nhiều nơi trên lãnh thổ.

Người đàn bà 40 tuổi này nói rằng “chúng tôi buồn nôn vì tất cả các điều ấy. Tôi là một người đàn bà có tấm lòng tốt. Tôi không yêu cầu chi. Nhưng tôi muốn người ta biết rằng chúng tôi không muốn chiến tranh nữa”.

Cũng có mặt là Ông Juan Enrique Montiel, một thành viên trước đây của dân quân; ông này cho biết ông hiểu ra rằng ông không thể khởi đầu một cuộc sống mới cho tới khi ông giáp mặt với các nạn nhân của mình để xin tha thứ.

Ông nói: “chúng tôi tạo ra khá nhiều nạn nhân, thành thử để chúng tôi đạt được hiện trạng, nghĩa là có thể đi lại như một thường dân mà không phải sợ hãi”, điều cần là trực diện với các nạn nhân của mình.

Nổi bật trong biến cố này là bức tượng Chúa Kitô cụt tay đã cứu được từ một thánh đường bị đạn súng cối phá hủy cách nay 15 năm; có lẽ bức tượng này mạnh mẽ nhắc mọi người nhớ lại cảnh bạo lực chính trị vô nghĩa từng sát hại 250,000 người và làm nhiều triệu người phải tản cư. Một số cư dân Colomnia gốc Phi Châu của thị trấn Bojaya nghèo nàn, trong nhiều ngày, đã dùng thuyền, máy bay và xe buýt, đem bức tượng bằng thạch cao này tới Villavicencio để Đức Giáo Hoàng làm phép.

Nhà thờ thị trấn bị đạn súng cối của FARC đánh trúng và phá sập khi 300 cư dân đang trú tại đó trong một trận đánh kéo dài 3 ngày giữa phiến quân, quân đội và dân quân du kích. Ít nhất, 79 người thiệt mạng và 100 người bị thương trong cuộc tấn công năm 2002 này.

Ngày nay, thị trấn xa xôi được coi là một khuôn mẫu của hòa giải, sau khi họ ủng hộ kế hoạch hòa bình của Tổng Tống Juan Manuel Santos; thậm chí họ còn thực hiện một bước bất thường là nghinh đón FARC. Nhờ thế, các lãnh tụ của nhóm này hai lần đã tới thị trấn để xin lỗi và khai triển nhiều dự án đem lại phúc lợi cho cộng đồng ở đây.

Khởi đầu Thánh Lễ, Đức Phanxicô đã phong chân phúc cho 2 linh mục có liên hệ mật thiết với cuộc tranh chấp tại Colombia. Đức Giáo Hoàng tuyên bố các ngài là các vị tử đạo, “đã đổ máu đào ra vì tình yêu đoàn chiên đã được trao phó cho các ngài”.

Cha Pedro Ramirez bị sát hại trong các năm sóng gió sau vụ ám sát trùm gây rối theo cánh tả Jorge Eliecer Gaitan, một vụ sát hại đánh dấu việc Colombia bắt đầu sa vào cuộc bạo động chính trị và việc vũ khí hóa nông dân nghèo do đó mà ra. Các linh mục ở thị trấn Armero, ở miền trung Colombia, cho hay Cha Ramirez bị lôi ra khỏi nhà thờ, lột hết áo quần rồi bị bọn đàn em của trùm Gaitan giết bằng mã tấu. Họ tố cáo cha che chở các kẻ thù bảo thủ, cường hào ác bá của họ.

Đức Cha Jesus Jaramillo bị phiến quân ELN bắn gục năm 1989 tại thành phố Arauca ở phía đông; ngài chỉ tấn công họ về phương diện thần học. ELN vốn được thành lập bởi các linh mục và chủng sinh bị kích thích bởi nền thần học giải phóng; nền thần học này vốn đồng hóa giáo hội với dân nghèo và những người bị loại bỏ; họ thấy nơi con người bảo thủ nhưng được lòng dân Jaramillo này một địch thủ có tiềm năng có thể lấy lòng các nông dân và công nhân.

Khoảng 70 thân nhân của Cha Ramirez từ khắp thế giới đã tới tham dự lễ phong chân phúc cho cha. Nhà cầm quyền Colombia cho biết lễ này có sự tham dự của 400,000 người. Julia Eugenia Ramirez, cháu gọi vị linh mục là ông chú cho hay: “quả là một ngày hạnh phúc và phấn khích. Cháu cảm thấy vinh dự được bước theo chân của ông chú”.