Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Mosul đã được hoàn toàn giải phóng, Alleluia, Alleluia
Hôm thứ Hai 10 tháng 7, thủ tướng Iraq là ông Haider al-Abadi đã tuyên bố Mosul hoàn toàn giải phóng. Chuông nhà thờ tại Erbil và Baghdad đổ từng hồi dài.
Ngày 16 tháng 10 năm ngoái 2016, khi hay tin quân Iraq và quân Kurd hiệp đồng tác chiến mở chiến dịch giải phóng Mosul, hàng trăm ngàn tín hữu Kitô Iraq đang tị nạn tại thành phố Erbil đã tràn ra đường hân hoan mừng rỡ.
Cố nhiên trong những ngày này các tín hữu Kitô tị nạn tại Erbil lòng đầy hân hoan. Tuy nhiên, họ vẫn có những mối âu lo.
Rabea, một Kitô hữu lánh nạn Hồi Giáo từ năm 2014, nói với tổ chức International Christian Concern: “Bây giờ, Mosul được giải phóng hoàn toàn nhưng nhà cửa tan nát hết. chúng tôi không rõ liệu chính phủ có khả năng để giúp người dân những chi phí xây dựng lại cộng đồng của chúng tôi hay không? Nhà cửa của chúng tôi bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS trao cho những người khác cư ngụ, liệu họ có trả lại cho chúng tôi một cách hòa bình hay không?”
Cha Albert, một linh mục tại thủ đô Baghdad nói thêm với tổ chức International Christian Concern:
“Vấn đề là sự đánh mất niềm tin tưởng lẫn nhau. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phá vỡ các cộng đồng và Kitô hữu sẽ khó có thể hòa hợp trong cộng đồng thành phố Mosul một nữa. Nhà cửa tan nát và lòng người cũng tan nát.”
Ahmed Amouri, một sĩ quan trong lực lượng chống khủng bố của Iraq cũng bày tỏ những lo ngại trước những hệ quả lâu dài về ý thức hệ cực đoan Hồi Giáo mà IS đã gieo vào tâm trí những người Hồi Giáo Sunni tại Mosul. Anh nói với International Christian Concern:
“Lực lượng của chúng tôi đang giao tranh với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại khu vực cổ thành Mosul. Hàng chục gia đình đang chạy về phía chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy một phụ nữ đang bế một đứa trẻ trong vòng tay mình, mang theo 2 túi xách tay, có một thái độ kỳ lạ. Khi đi ngang qua chúng tôi. Cô ta liên tục bấm một cái gì đó trên tay. Đó là cái bộ điều khiển để kích hoạt bom quấn quanh người cô ta”.
Đài truyền hình Al-Mawskeya quay lại toàn bộ vụ nổ bom tự sát này.
“Tôi không thể tin rằng một người phụ nữ sẽ nổ bom tự sát trong khi bế trên tay mình một đứa trẻ thơ vô tội như thế, nhưng ISIS đã có thể gieo vào lòng họ tất cả những điều kì quái và lạ lùng”
“May mắn cho tôi, bom không phát nổ ngay khi cô ta đi ngang qua tôi. Vài phút sau, những quả bom mới phát nổ.”
Amouri nằm trong số sáu binh sĩ bị thương trong vụ nổ này. Anh nói tiếp:
“Tôi bị thương nhẹ và được đưa lên một chiếc humvee. Đột nhiên trong dòng người tị nạn, một phụ nữ khác chạy nhanh về phía chúng tôi la lên ‘Allahu akbar’. Một binh sĩ nhanh trí bắn nhiều phát vào cô ta. Cô ta quỵ xuống nhưng vẫn còn khả năng kích hoạt chất nổ trên người. Cô ta chết trên mặt nở một nụ cuời thật mãn nguyện. 12 người khác trong dòng người tị nạn chết theo cô ta và hàng chục người khác bị thương.”
Cho đến nay, ít nhất đã có 30 phụ nữ Iraq nổ bom tự sát. Họ là những cư dân của thành Mosul đã đi theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bọn chống cự đến giờ phút cuối cùng là những tên thánh chiến Hồi Giáo người nước ngoài. Những tên khủng bố IS là cư dân của Mosul thường cạo râu đi và trà trộn trong dòng người tị nạn thoát ra ngoài an toàn chờ cơ hội tấn công một lần nữa.
2. Đức Thánh Cha gởi thư cho các nhà lãnh đạo G20
Trong một thông điệp gửi các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự cuộc họp G20 tại Hamburg, bên Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi họ “dành ưu tiên tuyệt đối cho người nghèo, người tị nạn, những người đau khổ, những người bị di dời, những người bị loại trừ, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hay văn hoá.”
Thông điệp của Đức Giáo Hoàng được gởi đến thủ tướng Đức Angela Merkel, người chủ trì cuộc họp tuần này - Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích những nỗ lực để “tăng trưởng kinh tế bền vững hơn”. Tuy nhiên, ngài đã thách thức các nước giàu trong khối G20 lưu tâm đến các nước nghèo trên thế giới, là những nước không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra. Ngài nói:
“Những quốc gia và cá nhân có tiếng nói yếu nhất trên chính trường thế giới lại chính là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất từ những ảnh hưởng tai hại của khủng hoảng kinh tế mà họ không phải chịu trách nhiệm hoặc nếu có thì rất ít.”
Để đáp ứng sự tăng trưởng bền vững và công bằng, các nhà lãnh đạo thế giới phải đồng tâm “giải quyết những khác biệt về kinh tế trong hòa bình và phải đồng ý với các quy tắc chung về tài chính và thương mại ngõ hầu có thể tạo ra sự phát triển toàn vẹn cho tất cả.”
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng, thế giới này không có một tương lai sáng sủa trừ phi tất cả các bên cam kết giảm đáng kể những xung đột, và ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, cũng như từ bỏ sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào xung đột.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đưa ra lời kêu gọi đặc biệt là các nước giàu hãy giúp đỡ cho những ai hiện đang sống trong tình trạng khẩn cấp ở Nam Sudan, hồ Chad, Sừng Châu Phi và Yemen. Ngài than phiền rằng 30 triệu người ở những khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ sắp chết đói.
3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm một con đường tuyên thánh thứ tư.
Cho đến nay, trong Giáo Hội Công Giáo có 3 con đường để được tuyên thánh: thứ nhất là tử vì đạo, thứ hai là sống một đời sống với các nhân từ anh hùng, thứ ba là có một danh tiếng thánh thiện.
Hôm thứ Ba 11 tháng 7, Tòa thánh công bố Tự Sắc “Maiorem Hac Dilectionem” – nghĩa là “Trao Ban Mạng Sống” – trong đó vạch ra một con đường thứ tư để tuyên thánh cho những người sống một đời sống Công Giáo tốt lành và tự do chấp nhận một cái chết sớm chắc chắn sẽ xảy ra vì lợi ích của người khác.
Đây là sự thay đổi đầu tiên đối với các tiêu chuẩn tuyên thánh trong nhiều thế kỷ qua.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
Ngoại trừ trường hợp tử vì đạo, các trường hợp khác, trong đó bao gồm trường hợp thứ tư này, đòi phải có một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của vị ấy để được tuyên Chân Phước; và một phép lạ thứ hai để được tuyên thánh.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng khi các tín hữu có lòng sùng mộ đặc biệt đối với những vị thánh thiện chưa được phong thánh, Đức Giáo Hoàng có thể quyết định chuẩn chước “tuyên thánh tương đương” cho các vị này mà không cần theo các tiến trình bình thường. Điều này thường được thực hiện khi các vị thánh sống cách đây quá lâu khiến cho việc hoàn thành tất cả các yêu cầu trong án tuyên thánh rất khó khăn. Việc chuẩn chước như thế là một thực hành đã có hàng trăm năm trong Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 14 đã chuẩn chước tiến trình tuyên thánh cho 11 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước tiến trình này để “tuyên thánh tương đương” cho 5 vị Chân Phước là Angela thành Foligno và Peter Faber (vào năm 2013), José de Anchieta, Marie Nhập Thể, Francis-Xavier thành Montmorency-Laval (vào năm 2014).
4. Đức Hồng Y Joachim Meisner, một trong bốn vị nêu lên các điểm hồ nghi về tông huấn Amoris Laetitia, đã qua đời
Đức Hồng Y Meisner, là Tổng Giám Mục Cologne trong 25 năm, và là một trong bốn Hồng Y đã nêu lên 5 điểm hồ nghi (dubia) đối với tông huấn Amoris Laetitia, đã qua đời ở tuổi 83.
Một phát ngôn viên của tổng giáo phận cho biết ngài qua đời vào sáng thứ Tư trong khi đi nghỉ ở Bad Fussing.
Cùng với ba vị Hồng Y khác Carlo Caffara, Walter Brandmüller và Raymond Leo Burke - Đức Hồng Y Meisner đã yêu cầu Đức Thánh Cha làm sáng tỏ 5 điểm gây tranh cãi xung quanh Amoris Laetitia.
Tháng trước, bốn vị Hồng Y cho biết đã tìm cách hội kiến với Đức Giáo Hoàng nhưng thất bại, và thắc mắc của các ngài một lần nữa đã không nhận được phản hồi.
Trong một tuyên bố hôm thứ tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Meisner với “nỗi buồn lớn”.
Ngài nói thêm:
“Với niềm tin sâu sắc và tình yêu chân thành dành cho Giáo Hội, Đức Hồng Y Meisner đã tận hiến cho công cuộc loan báo Tin Mừng”.
5. Vài nét về Đức Hồng Y Joachim Meisner
Đức Hồng Y Joachim Meisner, qua đời ở 83 tuổi, đã trải qua một cuộc đời đầy gian truân, với nhiều sự kiện kinh hoàng. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, ngài là một người không mệt mỏi bảo vệ giáo huấn chính thống của Giáo Hội.
Sinh năm 1933 tại thành phố Breslau nằm ở phía đông nước Đức. Quê hương của ngài nay thuộc tỉnh Wroclaw của Ba Lan. Ngài lớn lên trong một gia đình Công Giáo có đức tin mạnh mẽ. Hết thời Quốc Xã, ngài lại sống dưới thời cộng sản Đức. Thụ phong linh mục năm 1962, và được tấn phong giám mục vào năm 1975, ngài sống với cộng đoàn bé nhỏ những người Công Giáo thiểu số ở Đông Đức, nơi theo truyền thống người Công Giáo chịu nhiều áp lực của khối Tin Lành đa số và vào thời điểm đó còn thêm những khó khăn đến từ một chính phủ cộng sản bài tôn giáo.
Năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Berlin. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đây có lẽ là một trong những giáo phận khó khăn nhất về mặt chính trị trên thế giới. Mặc dù hai nửa thành phố sống dưới hai thể chế chính trị khác nhau, đối với Tòa Thánh chỉ có một tổng giáo phận Berlin bao trùm cả hai miền. Năm 1983, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài.
Nhờ quyền tự do đi lại, Đức Tổng Giám Mục Meisner duy trì liên lạc giữa hai nửa của thành phố bị chia cách. Một điểm sáng là ngài đã tổ chức thành công Đại Hội Công Giáo Đông Đức (Katholikentreffen) tại Dresden từ 10 đến 12 tháng 7 năm 1987, quy tụ trên 100,000 người Công Giáo trong tổng dân số chỉ có 800,000 ở Đông Đức.
Nhìn lại, nhiều người cho rằng đây là một dấu hiệu của cuộc cách mạng hòa bình đã lật nhào Bức tường Berlin hai năm sau đó vào năm 1989.
Mùa xuân năm 1989 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Cologne, tổng giáo phận lớn nhất và giàu có nhất ở Đức.
6. Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, nguyên giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong 22 năm, đã qua đời
Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, sinh tại Cartagena, Tây Ban Nha, ngày 16 tháng 11, 1936, đã qua đời ở tuổi 80. Ông giữ chức giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong suốt 22 năm (1984-2006) dưới triều Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào một giai đoạn có những biến chuyển trọng đại của lịch sử nhân loại như sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo và sự lan tràn của chủ nghĩa duy tương đối.
Tiến sĩ Navarro-Valls, là một bác sĩ y khoa, và là nhà báo chuyên nghiệp. Ông là người giáo dân đầu tiên giữ vị trí giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh khi được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào năm 1984.
Tiến sĩ Navarro-Valls, người Tây Ban Nha, là một thành viên của tổ chức Opus Dei. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về gia đình. Thông thạo nhiều ngôn ngữ, ông Navarro-Valls có khả năng cung cấp nhiều màu sắc, và chi tiết đẹp đẽ về các hoạt động của Đức Gioan Phaolô và cuộc sống hàng ngày để lưu cuốn sự chú ý của giới truyền thông trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới. Ông cũng nhiều lần làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về tác động truyền thông trong thế giới đương đại.
Ông cùng đi với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong hầu hết tất cả các chuyến tông du của ngài và trở thành một nhân vật rất nổi tiếng, đặc biệt là sau khi Đức Giáo Hoàng ngã bệnh vào năm 2004. Lúc đó, ông thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo để loan báo với thế giới về tình trạng của Đức Giáo Hoàng.
Năm 1992, ông Navarro-Valls cải tổ sâu rộng Phòng Báo Chí Tòa Thánh và làm một cuộc cách mạng sâu rộng trong việc phân phối các tin tức và tài liệu của Tòa Thánh lên mạng lưới điện toán toàn cầu. Những nỗ lực của ông đã giúp thúc đẩy hình thành mạng lưới các cơ quan thông tấn Công Giáo trên khắp thế giới. Nếu không có những cải cách này, chưa chắc chương trình này của chúng tôi ngày hôm nay có thể đến được với quý vị và anh chị em.
7. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xin các Giám Mục toàn thế giới kiểm soát chất liệu làm bánh và rượu dùng để dâng Thánh Lễ.
Hôm 9 tháng 7, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích phổ biến một thông báo mang chữ ký của Đức Hồng Y Tổng trưởng Robert Sarah và Đức Tổng Giám Mục Thư ký Arthur Roche, yêu cầu các Giám Mục nhắc nhớ trách nhiệm của các linh mục, đặc biệt là các cha sở và giám đốc các đền thánh, trong việc kiểm soát chất liệu làm bánh và rượu cho phù hợp với Giáo Luật. Hiện nay, nhiều loại bánh rượu dùng trong thánh lễ được bán cả trong các siêu thị, hay hàng quán, hoặc trên mạng Internet.
Bánh phải là bánh không men, làm bằng lúa mì tinh tuyền, còn mới để không có nguy cơ bị hư hại. Bánh làm bằng các loại ngũ cốc khác với lúa mì, hay trộn lẫn với chất liệu khác lúa mì, không được coi là lúa mì thì không có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể. Việc dùng bánh trộn lẫn với các chất liệu khác như trái cây, đường và mật là một lạm dụng nghiêm trọng.
Rượu dùng dâng Thánh Lễ phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho, tinh tuyền không bị pha chế hay trộn lẫn với các chất khác. Cần giữ gìn nó trong tình trạng hoàn hảo để rượu không trở thành giấm. Tuyệt đối không được dùng rượu không có sự tinh tuyền và không rõ xuất xứ.
8. Cháu bé Charlie Gard trong cơn bão ý thức hệ phò sự chết
Bất chấp lời cầu xin của Đức Thánh Cha Phanxicô, và của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng như các nỗ lực ngoại giao trên thế giới nhằm tiếp tục các cuộc điều trị thử nghiệm cho bé Charlie Gard, chính quyền Anh vẫn tiếp tục khăng khăng cho rằng đứa trẻ không thể chuyển từ Bệnh viện Greater Ormond Street sang bất cứ bất viện nào trên thế giới, dù là ở Rome hay Washington DC. Các bác sĩ tại Bệnh viện Greater Ormond Street dự định cắt đứt tất cả hệ thống hỗ trợ sự sống cho đứa bé để Charlie Gard được “chết êm dịu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị cấp một hộ chiếu Vatican cho Charlie Gard, để đưa đứa bé sang Rôma điều trị tại Bệnh viện Bambino Gesu. Nhưng tại London, các quan chức cho biết họ cần phải chấm dứt sự đau đớn của đứa bé.
Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra một lời đề nghị như thế. Theo sau lời đề nghị của tổng thống Hoa Kỳ, có tới hai bệnh viện ở New York đã đề nghị điều trị miễn phí cho Charlie nếu không có những trở ngại pháp lý nào. Một toán bác sĩ Mỹ sẵn sàng sang London để thảo luận cách vận chuyển an toàn đứa trẻ đến một bệnh viện ở Mỹ. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó đều bị các quan chức Anh kiên quyết từ chối.
Mẹ của Charlie, là bà Connie Yates, đã phủ nhận các thông tin của báo chí Anh cho rằng đứa trẻ hiện đang đau đớn. Cô nói với một chương trình truyền hình của Anh: “Tôi bảo đảm với mọi người rằng, trong tư cách một người mẹ, tôi sẽ không ngồi ở đó và nhìn con trai tôi đau đớn khổ sở.”
Vấn đề, theo ý kiến của nhiều người, là nếu bệnh viện của Ý hay của Hoa Kỳ chữa khỏi cho bé Charlie thì đó sẽ là một sự sỉ nhục cho giới Y Khoa ở Anh và cho mọi người thấy ngày nay các bác sĩ, dựa vào luật trợ tử, muốn giết chết các bệnh nhân hơn là cứu sống họ.
Bà Connie Yates nói với Sky News:
“Tổng thống Trump đã có một sự hiểu biết rất rõ về toàn bộ vụ này. Cả Đức Giáo Hoàng và ông Trump đều là những người có miềm tin vào truyền thống gia đình. Họ tin vào trường hợp của chúng tôi và hiểu tại sao chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền để tiếp tục chiến đấu mặc dù rất khó khăn để cứu Charlie.”
Bé Charlie bị một dạng bệnh mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não. Đứa bé đã là trung tâm của một cuộc chiến pháp lý kéo dài liên quan đến việc cha mẹ cậu muốn đưa cậu sang Mỹ để điều trị thử nghiệm trong khi các bác sĩ tại Bệnh viện Greater Ormond Street khăng khăng không thể nào chữa được.
9. Các Giám Mục Venezuela kêu gọi Maduro nên dẹp trò hề Quốc Hội Lập Hiến
Các Giám Mục Venezuela đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nicolás Maduro tôn trọng sự độc lập của các nhà lập pháp và hủy bỏ cuộc bầu cử vào ngày 30 tháng 7 để thành lập “Quốc Hội Lập Hiến” nhằm soạn thảo một hiến pháp mới.
Vào năm 2015, các nhà lập pháp thuộc phe đối lập đã giành được đa số 109 trên 55 trong Quốc hội. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 đảng xã hội do Hugo Chávez thành lập đã trở thành nhóm thiểu số trong Quốc Hội.
Tháng 3 năm 2017, Toà án Tối cao do Maduro khống chế đã tuyên bố giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, chính Toà án Tối cao lại đảo ngược quyết định của mình sau đó trước một làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng.
Tháng 5, Maduro kêu gọi thành lập một hiến pháp mới và công bố cuộc bầu cử ngày 30 tháng 7 để bầu ra Quốc Hội Lập Hiến. Phe đối lập đã quyết định tẩy chay cuộc bầu cử này.
Các Giám Mục Venezuela nói Tòa Thánh đã nhiều lần kêu gọi một cuộc bầu cử nhưng là bầu lại tổng thống chứ không phải bầu ra trò hề Quốc Hội Lập Hiến.
10. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle khuyên các linh mục đừng nói ‘Good Morning’ ở đầu thánh lễ
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila khuyên các linh mục của ngài đừng nói “Good Morning” vào đầu các Thánh lễ nữa.
Ngài quan sát rằng nhiều linh mục quá nhấn mạnh vào câu chào này. Các ngài nói “Good Morning” và mong cộng đoàn đáp lại “Good Morning, Father”. Thậm chí có vị còn lặp lại “Good Morning” khi thấy cộng đoàn đáp lại “Good Morning, Father” nhỏ quá.
Theo Đức Hồng Y, các linh mục bắt đầu Thánh lễ bằng “Good Morning” dường như không nắm bắt được sự sâu sắc của lời chào “Dominus vobiscum” - “Chúa ở cùng anh chị em”
“Với tất cả sự tôn trọng, thưa các anh em linh mục của tôi, tôi không hiểu tại sao anh em phải nói ‘Good Morning’ và những lời chúc tương tự khi Sự Hiện Diện Thật Sự của Thiên Chúa trong Thánh Thể là một phúc lành quá đủ cho mọi người rồi”.
Đức Hồng Y khuyên các linh mục: “Anh em hãy nói ‘Chúa ở cùng anh chị em’ là đủ.”
Đức Hồng Y đã nói như trên trong Thánh lễ Corpus Christi tại nhà thờ Santa Cruz ở Manila. Những lời bình luận này của Đức Hồng Y Tagle đã được đăng lại trong một bài báo trên trang web của Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines hôm thứ Tư 5 tháng Bẩy.
11. Chung quanh việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục Milan
Hôm thứ Sáu 7 tháng 7, Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Angelo Scola, và bổ nhiệm Đức Cha Mario Delpini, 66 tuổi, Giám Mục Phụ Tá lên kế vị.
Đức Hồng Y Scola, là ứng cử viên Giáo Hoàng sáng giá trong Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị. Vào thời điểm đó, hầu hết các cơ quan truyền thông của Ý đều cho rằng Đức Hồng Y Scola sẽ được bầu làm Giáo Hoàng.
Quyết định này của Đức Thánh Cha, diễn ra chỉ vài ngày sau quyết định bãi nhiệm Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, đã gây nên nhiều đồn đoán tại Ý. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Scola cho biết ngài đã nộp đơn từ chức vào tháng Mười Một năm ngoái, khi đạt đến độ tuổi 75. Ngài nói rằng ngài không muốn tiếp tục làm Tổng Giám mục một tổng giáo phận lớn nhất nước Ý – và cũng là một trong những tổng giáo phận lớn nhất thế giới với hơn 5 triệu người Công Giáo.
Gần đây, khi Đức Thánh Cha Phanxicô thăm viếng tổng giáo phận Milan vào ngày 25 tháng Ba, chính Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha đẩy nhanh tiến trình đề cử người kế nhiệm mình và yêu cầu Đức Thánh Cha công bố quyết định trước mùa hè.
Đức Tân Tổng Giám Mục Mario Delpini là một người sống cả đời tại tổng giáo phận Milan. Trong 40 năm qua, Tòa Thánh mới bổ nhiệm một vị mà toàn bộ các hoạt động mục vụ chỉ thu gọn trong tổng giáo phận Milan. Ngài là người sống rất giản dị, đi làm bằng xe đạp và sống chung với các linh mục cao tuổi.
Việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục tại Milan được nhiều người theo dõi vì chỉ trong thế kỷ vừa qua đã xảy ra hai lần là vị Tổng Giám Mục Milan được bầu làm Giáo hoàng: Đó là Đức Giáo Hoàng Piô XI và Phaolô VI.
12. Dưới các áp lực quốc tế chính quyền Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngưng kế hoạch ăn cướp 50 tài sản của Chính Thống Giáo Syria
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngưng kế hoạch chiếm hơn 50 tài sản của Chính Thống Giáo Syria ở tỉnh Mardin.
Hôm 28 tháng Sáu, các quan chức ở tỉnh này đã tuyên bố rằng quyền sở hữu hợp pháp của các tài sản - bao gồm các nhà thờ, tu viện và nghĩa trang - đã mất hiệu lực. Các cơ sở này từ nay nằm dưới sự kiểm soát của bộ tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, hôm 5 tháng 7, dưới các áp lực quốc tế, các quan chức này cho hay, nếu Giáo Hội Chính Thống Giáo Syria có thể trưng ra các bằng chứng hợp lệ về quyền sở hữu, thì tài sản sẽ không bị tịch thu.
Một trong những tài sản có thể bị cướp là tu viện Mor Gabriel, có giá trị lịch sử đáng kể. Tu viện này đã có từ cách đây 1600 năm là một trong những tu viện lâu đời nhất thế giới.
Tổ chức Open Doors cho biết khi giá nhà đất tăng vọt trên thế giới, bọn quan chức tại ít nhất là 50 quốc gia đã và đang cướp bóc hàng ngàn tài sản của các Giáo Hội Kitô trên thế giới.
13. Các nghị định phong Chân Phước ngày 7 tháng Bẩy
Hôm thứ Sáu 7 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha đã nghe Bộ Tuyên Thánh trình bày về các án tuyên Chân Phước và tuyên lên hàng Tôi Tớ Chúa cho 8 ứng viên.
Sau buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Angelo Amato đã công bố 8 nghị định sau với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô:
- Nghị định nhìn nhận một phép lạ do sự chuyển cầu của Tôi Tớ Chúa là Anna Chrzanowska, một phụ nữ giáo dân người Ba Lan, sinh năm 1902 và qua đời năm 1973.
- Nghị định nhìn nhận sự tử đạo của Đức Giám Mục Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, qua đời tại Colombia vào năm 1989;
- Nghị định nhìn nhận sự tử đạo của Peter Ramirez Ramos, một linh mục Colombia đã mất năm 1948
- Các nghị định nhìn nhận những nhân đức anh hùng của:
Đức Cha Ismael Perdomo (1872-1950), một vị tổng giám mục Colombia;
Luigi Kosiba (1855-1939), một giáo dân người Ba Lan;
Paola của Jesus Gil Cano (1849-1913), một nữ tu Tây Ban Nha;
Mary Elizabeth Mazza (1886-1950), một nữ tu người Ý
Maria của Tình yêu Thiên Chúa (1892-1973), nhủ danh là Maria Gargani, một nữ tu người Ý.
14. Đức Thánh Cha nói tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi
“Tất cả chúng ta đều có bằng đại học về tội lỗi”, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 7 tháng Bẩy tại nhà nguyện Santa Marta dành cho các nhân viên bảo trì tại Vatican.
Trong một bài suy niệm về lời Chúa mời gọi Thánh Mátthêu đi theo Ngài, Đức Thánh Cha nói rằng những người Pharisêu đã nhanh chóng nhìn thấy tội lỗi nơi những người khác, nhưng chậm nhận ra những khuyết điểm có khi còn trầm trọng hơn của chính mình.
Đức Thánh Cha nói rằng ngài xúc động trước những lời của Chúa Giêsu “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là các tội nhân”.
Đức Thánh Cha khuyến khích cộng đoàn đặt niềm tin nơi Chúa Kitô: “Khi anh chị em yếu đuối và sa ngã, hãy tin là Chúa sẽ giúp anh chị em đứng vững; Ngài sẽ chữa lành anh chị em.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ đến câu chuyện của Thánh Jerome, là người đã nói với Chúa Giêsu rằng ngài đã dâng hết cho Chúa tất cả công việc của ngài về Kinh Thánh. Chúa Giêsu đáp lại rằng Ngài muốn thánh nhân hãy dâng cả những tội lỗi của mình để Chúa thánh hóa ông.