Sau gần một năm, ngày 27 tháng Sáu, Sở Thống Kê Úc đã cho phổ biến kết quả cuộc điều tra dân số năm 2016. Theo kết quả này, có ba điều đáng lưu ý: 1) Melbourne sẽ thay thế Sydney làm thành phố đông dân nhất nước Úc; 2) lần đầu tiên trong lịch sử, đa số người sinh ở nước ngoài hiện xuất xứ từ Á Châu, chứ không phải Âu Châu nữa; và 3) con số những người tự cho mình sống trong mối liên hệ đồng tính tăng 40%.

Cũng theo kết quả trên, dân số Úc đã gia tăng 8.8% lên tới 24 triệu 400 ngàn người kể từ cuộc điều tra dân số năm 2011.

Từng Tiểu Bang

Tiểu Bang New South Wales (thủ phủ: Sydney) hiện vẫn còn dẫn đầu về dân số với 7 triệu 500 ngàn người, nhưng Melbourne đang nhanh chóng trở thành thành phố đông dân nhất.

Thực vậy, hồi tháng Tám năm ngoái, 4,485,211 người Melbourne điền mẫu điều tra dân số, trong khi đó số người làm việc này ở Sydney là 4,823,991, trong khi 600,000 người Úc ở ngoại quốc.

Nhưng khoảng cách trên đang bị giảm dần từng tuần lễ một. Thực vậy, từ năm 2011, 1656 người mới tới Sydney cư ngụ mỗi tuần, trong khi đó số người làm việc này ở Melbourne là 1859. Tuy nhiên, khu vực thủ đô Canberra có tỷ lệ gia tăng dân số cao nhất: trong khoảng 5 năm vừa qua, Canberra thu hút thêm 40,000 cư dân mới, tăng 11 phần trăm.

Tôn giáo giảm dần

Người Công Giáo không còn chiếm đa số nữa. Thực thế, trong 5 năm qua, những người tự xưng không có tôn giáo đã tăng lên, chiếm tới 29.6 phần trăm dân số. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ người Công Giáo tới 7 phần trăm, và hơn gấp đôi con số người theo Anh Giáo, là tôn giáo đông nhất của Úc cho tới năm 1986.

Từ 0.7 phần trăm cách nay môt thế kỷ, các tôn giáo khác hiện chiếm 8.2 phần trăm dân số. Người Phật Giáo phần lớn xuất xứ từ Việt Nam (26 phần trăm) trong khi người Hồi Giáo phần lớn xuất xứ từ Pakistan (14 phần trăm) và Afghanistan (11 phần trăm). Nhưng không nước nào trong mấy nước này là nước Úc nhận nhiều di dân hơn cả.

Điều đáng lưu ý, Hồi Giáo và Ấn Giáo là hai tôn giáo duy nhất gia tăng số tín hữu: Hồi Giáo tăng 0.4%, trong khi Ấn Giáo tăng 0.6%.

Sau đây là một vài số liệu về tôn giáo của cuộc điều tra dân số năm 2016:

6,933,708 người (29.6%) tự nhận không có tôn giáo, tăng 7.8% từ năm 2011
5,291,834 người (22.6%) tự nhận là Công Giáo, giảm 2.7% từ năm 2011.
3,101,185 người (13.3%) tự nhận là Anh Giáo, giảm 3.8% từ nă m 2011.
3,808,600 người (16.3%) tự nhận thuộc các hệ phái Kitô Giáo ‘khác’.
604,200 người (2.6%) tự nhận là Hồi Giáo, tăng 0.4% từ năm 2011.
563,700 người (2.4%) tự nhận là Phật Giáo, giảm 0.1% từ năm 2011.
440,300 người (1.9%) tự nhận là Ấn Giáo, tăng 0.6% từ năm 2011.
125,900 người (0.5%) tự nhận là Sikh, tăng 0.2% từ năm 2011.
91,000 người (0.4%) tự nhận là Do Thái Giáo.
186,700 người (0.8%) tự nhận là 'tôn giáo khác'.

Tỷ lệ người sinh ở ngoại quốc

Hơn 1 phần tư người Úc sinh ở ngoại quốc, trong đó, người Anh hiện vẫn nắm đa số. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, đa số cư dân Úc sinh ở ngoại quốc nay là người Á Châu chứ không còn là người Âu Châu nữa.

Trung Hoa, Ấn Độ và Phi Luật Tân hiện thuộc nhóm 5 nước có nhiều kiều dân nhất sống tại Úc, đứng sau Anh và Tân Tây Lan.

Trong 5 năm qua, 1 triệu 300 ngàn di dân mới đã nhập cư Úc, với Trung Hoa (191,000 người) và Ấn Độ (163,000 người) chiếm số di dân đông nhất mới tới.

Nói chung, Úc có tỷ lệ người sinh ở ngoại quốc (26%) cao hơn Vương Quốc Thống Nhất (13%), Hoa Kỳ (14%), Gia Nã Đại (22%) và Tân Tây Lan (23%).

Phần lớn di dân sống ở tiểu bang New South Wales nơi họ chiếm tới 28% dân số. Ở nhà, 72.7% dân số nói tiếng Anh, 2.5% nói tiếng Quan Thoại và 1.4% nói tiếng Ả Rập.

Liên hệ gia đình

Hiện có 47,000 cặp đồng tính sau khi con số những người tự xưng đang sống trong mối liên hệ đồng tính tăng tới 42% kể từ năm 2011.

Từ năm 2006, lúc con số các cặp đồng tính chỉ là 26,000 cặp, đã có một sự gia tăng tới 81%.

Đối với mọi cặp hôn nhân, 45% các gia đình có con, trong khi 37.8% các cặp không có con. Các cặp này cũng dễ chia tay nhau thường xuyên hơn, nhất là sau tuổi 45.

Tổng số các gia đình chỉ có cha hay mẹ đơn lẻ tăng 15.8% và các gia đình chỉ có mẹ đơn lẻ chiếm tới 81.8% những người hiện còn phải chăm sóc con cái.

Dân số trọng tuổi

Người Úc cũng ngày một cao tuổi hơn. Tuổi ở giữa (median age) từ 23 năm 1911, lên 28 năm 1966, và 38 năm 2011. Giám đốc dữ kiện điều tra dân số Úc, Sue Taylor, nói rằng “Úc đã khai triển trường hợp điển hình của việc mở rộng tuổi ở giữa”.

Việc lớn lên của thế hệ bùng nổ bé thơ (baby boomer) có nghĩa là 1 trong 6 người nay 65 tuổi, so với 1 trong 7 người vào năm 2011 và 1 trong 25 người năm 1911.

Những người trên 85 tuổi hiện là nửa triệu. Tỷ lệ trẻ em và thiếu niên giảm đi ở hầu hết mọi khu vực ngoại trừ nơi Thổ Dân và Người Các Đảo Torres Strait, nơi phần lớn sự gia tăng diễn ra nơi người trẻ.

Con số Thổ Dân và người Các Đảo Torres Strait tăng 18% từ năm 2011, lên tới 649,171 người, chiếm 2.8% dân số. Tuổi ở giữa của người Thổ Dân cũng tăng 3 tuổi trong vòng 2 thập niên qua, từ 20 lên 23. Trong khi, như trên đã nói, tuổi ở giữa của người không phải Thổ Dân hiện là 38.

Ngân sách gia đình

Việc gia tăng giá thuê nhà và trả nợ mua nhà cộng với việc trì trệ tăng lương khiến người Úc gặp nhiều khó khăn hơn về ngân sách gia đình.

Thu nhập cá nhân trung bình của người Úc tăng lên $662 một tuần khắp nước Úc, $664 ở Tiểu Bang New South Wales và $644 ở Tiểu Bang Victoria. Lãnh Thổ Thủ Đô là lãnh thổ giấu nhất nước Úc với thu nhập trung bình hàng tuần là $998.

Nhưng Melbourne, Sydney và Perth có tỷ lệ cao nhất các gia hộ chi tới hơn 30% thu nhập của họ vào tiền trả nợ mua nhà, trong khi 22% gia hộ Sydney trả tới 1 phần 3 thu nhập hàng tháng vào tiền thuê nhà.

Từ năm 2011, con số những người thuê nhà ở Tiểu Bang New South Wales đã tăng từ 30.1% tới 31.8% trong khi Victoria tăng từ 26.5% tới 28.7%.

Năm 2016, 31% người Úc trả đứt căn nhà của họ, 34.5% còn phải trả nợ mua nhà và 30.9% trả tiền thuê nhà. Hai mươi lăm năm trước đây, 41.1% trả đứt căn nhà của họ 27.5% trả nợ mua nhà và 26.9% trả tiền thuê nhà.

Người Úc cũng càng ngày càng phải sống chen chúc nhiều hơn. Dù các căn nhà biệt lập vẫn chiếm tới 72% các căn nhà ở Úc, hiện đang có sự gia tăng đáng kể các “flats, apartments” (chung cư), nhà nửa biệt lập, nhà dẫy hay nhà sát vách (town houses) lên tới 26%.