Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Năm nay Giáo Hội kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, do đó, chương trình mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Vatican gồm 2 phần.

Phần thứ nhất là buổi canh thức diễn ra vào chiều ngày thứ Bẩy 3 tháng 6 tại Circo Massimo, ở Roma. Khu vực này xưa kia là trường đua ngựa thời đế quốc La Mã và cũng là nơi máu các vị tử đạo đổ ra.

Buổi buổi cầu nguyện bắt đầu với nghi thức khai mạc lúc 4 giờ chiều: sau lời chào mừng của bà Michelle Moran, Chủ tịch Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh và Ông Gilberto Barbosa, Chủ tịch Phong trào Cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh ở Brazil, cộng đoàn tiến hành với phần chúc tụng, thờ lạy, nghe chứng từ và suy tư về hoạt động của Chúa Thánh Linh liên quan đến ơn gọi, gia đình, chữa lành và rao giảng Tin Mừng.

Sau khi Đức Thánh Cha đến nơi và tiến lên lễ đài, buổi canh thức bắt đầu lúc gần 6 giờ chiều. Mọi người lắng nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 17 câu 21 đến 23, tiếp đến là bài suy niệm của Cha Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng. Sau đó là suy niệm của Đức Thánh Cha.

Đi từ hai đoạn Tông Đồ Công Vụ (1,4-5; 2,1-4), Đức Thánh Cha ví cộng đoàn tham dự buổi canh thức đến từ hơn 120 quốc gia giống như nhà Tiệc Ly lộ thiên: “Nhiều người đến từ các nơi trên thế giới và Chúa Thánh Linh qui tụ chúng ta để thiết lập những tương quan thân hữu huynh đệ, khích lệ chúng ta trên con đường tiến về hiệp nhất, hiệp nhất để thi hành sứ mạng: không phải để dừng lại, nhưng để ra đi công bố Đức Giêsu là Chúa, để cùng nhau loan báo tình thương của Chúa Cha đối với tất cả mọi con cài! Để loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước! Để chứng tỏ rằng hòa bình là điều có thể!”

Nhưng Đức Thánh Cha nhận xét rằng “chúng ta không thể loan báo hòa bình là có thể nếu chúng ta không sống hòa bình với nhau, nếu chúng ta nhấn mạnh những khác biệt, nếu chúng ta gây chiến với nhau, làm như thế chúng ta không thể loan báo hòa bình”.

Ngài nhìn nhận có những khác biệt giữa các tín hữu Kitô, nhưng cần làm sao để những khác biệt đó trở thành “những dị biệt được hòa giải”: Có những khác biệt về ngôn ngữ, (như cộng đoàn Kitô ngày lễ Ngũ Tuần), nhưng Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta hệu sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ riêng chúng ta”.

Đức Thánh Cha xác nhận Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, được khai sinh cách đây 50 năm, không phải để khởi đầu một tổ chức, một định chế, nhưng là một dòng ơn thánh, một trào lưu ơn thánh... Một công trình đại kết vì Thánh Linh kiến tạo hiệp nhất và cùng một Thánh Linh gợi hứng để Phong trào canh tân trong Thánh Linh là đại kết”.

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. Bao nhiêu Kitô hữu bị giết vì họ là tín hữu Kitô. Những kẻ sát hại họ, trước khi giết, không hỏi họ là chính thống, Công Giáo, tin lành, Luther hay Calviniste? Họ hỏi; ngươi có phải là Kitô hữu hay không! Khi tín hữu ấy khẳng định, và họ bị cắt cổ ngay. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn thời kỳ đầu. Đó là phong trào đại kết bằng máu. Tại nhiều nơi trên thế giới, máu các tín hữu Kitô đang đổ ra! Ngày nay hơn bao giờ hết, sự hiệp nhất của các Kitô hữu, được hiệp nhất nhờ hoạt động của Thánh Linh, trong kinh nguyện và trong hoạt động giúp những người yếu thế nhất. Đồng hành và cộng tác. Yêu thương nhau. Cùng nhau giải thích những khác biệt, thỏa thuận, nhưng đồng hành! Nếu chúng ta dừng lại, không tiến bước nữa, sẽ không bao giờ chúng ta thỏa thuận với nhau. Sở dĩ như vậy vì Thánh Linh muốn chúng ta tiến bước”.

Buổi canh thức tiếp tục với thánh vịnh thống hối 50, kinh nguyện xin ơn tha thứ vì những tội chia rẽ do cha Cantalamessa và mục sư Traettino hướng dẫn.

Buổi canh thức kết thúc với kinh nguyện xin ơn Phép rửa của Chúa Thánh Linh.

Phần thứ hai là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào lúc 10h sáng tại quảng trường Thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y, 50 Giám Mục và 500 Linh mục. 140 linh mục và phó tế, thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô, đảm nhận việc cho hơn 60,000 tín hữu rước lễ.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hồng ân Thánh Linh như hồng ân lớn nhất mà Chúa Phục Sinh ban cho Giáo Hội, hồng ân kiến tạo một dân mới và một con tim mới cho Giáo Hội. Ngài cảnh giác chống lại những gì gây chia rẽ trong cộng đoàn Giáo Hội, trong đó có tật xấu nói hành nói xấu tha nhân, xét đoán tha nhân, như những cỏ dại và ghen tương.

Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, kết thúc mùa Phục Sinh, 50 ngày từ lễ Chúa sống lại cho đến lễ Hiện Xuống, với sự hiện diện nổi bật của Chúa Thánh Linh. Thực vậy Ngài là Hồng Ân Phục Sinh tuyệt hảo. Ngài là Thánh Thần sáng tạo, luôn thực hiện những điều mới mẻ. Hai sự mới mẻ được trình bày cho chúng ta trong các bài đọc hôm nay: trong bài đọc thứ I, Chúa Thánh Linh làm cho các môn đệ thành một dân mới; trong bài Tin Mừng, Ngài kiến tạo một con tim mới trong các môn đệ.

Một dân mới. Trong ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Linh ngự xuống từ trời, dưới hình “những lưỡi lửa, phân chia và đậu trên mỗi người [...] và tất cả được tràn đầy Thánh Thần và họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Cv 2,3-4). Lời Chúa mô tả hoạt động như thế của Chúa Thánh Linh, trước tiên Người đậu xuống trên mỗi người chúng ta và rồi làm cho mọi người đả thông với nhau. Ngài ban cho mỗi người một ơn và tập họp tất cả trong sự hiệp nhất. Nói khác đi, cùng Thánh Linh kiến tạo sự khác biệt và hiệp nhất, và qua cách thế đó, Người hình thành một dân mới, khác biệt và hiệp nhất: đó là Giáo Hội hoàn vũ. Trước tiên, với tinh thần sáng tạo và không lường trước được, Chúa Thánh Linh tạo ra sự khác biệt; thực vậy trong mỗi thời đại Chúa làm cho những đoàn sủng mới khác nhau được triển nở. Và rồi cũng Thánh Linh thực hiện sự hiệp nhất: Người nối kết, tập hợp, tái tạo sự hòa hợp: “Với sự hiện diện và hoạt động Ngài hợp nhất những tinh thần khác biệt và chia cách” (Cirillo thành Alessandria. Chú giải Phúc âm thánh Gioan, XI, 11). Như thế có sự hiệp nhất đích thực, theo Thiên Chúa, và đó không phải là sự đồng nhất, mà là hiệp nhất trong sự khác biệt”.

Để thực hiện điều đó, điều tốt đẹp là giúp chúng ta là tránh hai cám dỗ thường xảy ra. Cám dỗ thứ I là tìm kiếm sự khác biệt mà không có sự hiệp nhất. Điều này xảy ra khi người ta muốn phân biệt, khi người ta họp thành những phe đảng, khi người ta tỏ ra cứng nhắc về những lập trường loại trừ những lập trường khác, khi người ta khép kín trong những đặc tính riêng, thậm chí coi chúng ta tốt đẹp hơn hoặc coi mình luôn luôn có lý. Vì thế, người ta chỉ chọn một phần chứ không toàn bộ, thuộc về phe này hay phe kia, thay vì thuộc về Giáo Hội; người ta thành những người ủng hộ phe mình, thay vì là anh chị em trong cùng một Thánh Linh; các tín hữu Kitô phe hữu hay phe tả, trước khi thuộc về Chúa Giêsu; những người cứng nhắc bảo tồn quá khứ hoặc những người tiên phong về tương lai hơn là những người con khiêm tốn và biết ơn của Giáo Hội. Và thế là có sự khác biệt mà không có sự hiệp nhất.

Trái lại, cám dỗ đối nghịch là cám dỗ tìm kiếm sự hiệp nhất mà không có sự khác biệt. Nhưng theo cách thức này, sự hiệp nhất trở thành đồng nhất, một sự bó buộc phải làm tất cả cùng một cách thức. Và thế là sự hiệp nhất trở thành sự đồng đều và không còn tự do nữa. Nhưng như thánh Phaolô đã nói, “nơi nào có Thánh Linh của Chúa, thì có tự do” (2 Cr 3,17)

Lời nguyện của chúng ta dâng lên Chúa Thánh Linh là xin ơn đón nhận sự hiệp nhất của Chúa, một cái nhìn bao gồm và yêu mến Giáo Hội, vượt lên trên những sở thích cá nhân, yêu thương Giáo Hội của chúng ta; xin Chúa cho chúng ta đảm nhận sự hiệp nhất giữa mọi người, loại trừ sự nói hành nói xấu gieo rắc cỏ dại và ghen tương làm ô nhiễm, ngộ độc, vì là người nam nữ của Giáo Hội có nghĩa là những con người hiệp thông; chúng ta cũng xin Chúa một con tim cảm thấy Giáo Hội là Mẹ chúng ta và là nhà của chúng ta: căn nhà hiếu khách và cởi mở, nơi ta chia sẻ vui mừng dưới nhiều dạng thức của Chúa Thánh Linh.

Bây giờ chúng ta đến điều mới mẻ thứ hai: một con tim mới mẻ. Chúa Giêsu Phục Sinh, khi hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ, Ngài nói: “Các con hãy lãnh nhận Thánh Linh. Các con tha tội cho ai người ấy được tha” (Ga 20,22-23). Chúa Giêsu không lên án các môn đệ đã bỏ rơi và và chối bỏ Ngài trong cuộc khổ nạn, nhưng Ngài ban cho họ Thánh Thần tha thứ. Thánh Linh là hồng ân đầu tiên của Đấng Phục Sinh và được ban trước tiên để tha thứ tội lỗi. Đó là khởi đầu của Giáo Hội, đó là chất keo gắn chúng ta với nhau, là xi măng liên kết các viên gạch của căn nhà: đó là sự tha thứ. Vì tha thứ là ân sức mạnh, là tình thương lớn nhất, là ơn giữ cho được liên kết gì điều gì xảy ra điia nữa, là điều cản ngăn sự sụp đổ, củng cố cho vững chắc. Sự tha thứ giải thoát con tim và giúp bắt đầu lại: tha thứ ban hy vọng, nếu không có tha thứ thì không thể kiến tạo Giáo Hội.

Thánh Thần tha thứ, giải quyết mọi sự trong sự hòa hợp, thúc đẩy chúng ta từ khước những con đường khác: những con đường vội vã của những người xét đoán, những con đường cụt của người khép kín mọi cửa, con đường một chiều của kẻ phê bình người khác. Trái lại, Thánh Linh khuyên nhủ chúng ta đi con đường hai chiều của sự tha thứ nhận lãnh và trao ban, con đường lòng thương xót của Chúa trở thành tình yêu tha nhân, bác ái, như tiêu chuẩn duy nhất theo đó tất cả phải được thực hiện và không thực hiện, thay đổi và không thay đổi” (Isacco della Stella, Discorco 31). Chúng ta hãy xin ơn ngày càng làm cho khuôn mặt của Mẹ Giáo Hội chúng ta được tươi đẹp hơn bằng cách canh tân bằng sự tha thứ và sửa chữa chính mình: chỉ như thế chúng ta mới có thể sửa chữa ngừơi khác trong tình bác ái.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh, lửa tình yêu đốt cháy trong Giáo Hội, và trong chúng ta, cho dù nhiều khi chúng ta thường che phủ lửa ấy bằng tro tội lỗi của chúng ta: Lạy Thánh Thần của Thiên Chúa là Chúa ở trong tâm hồn con và trong con tim của Giáo Hội, Chúa là Đấng tiến hành Giáo Hội, nhào nặn Giáo Hội trong sự khác biệt, xin Chúa đến. Để sống chúng con cần Chúa như cần nước; xin Chúa ngự xuống trên chúng con và dạy chúng con sự hiệp nhất, xin đổi mới tâm hồn chúng con và dạy chúng con yêu thương như Chúa yêu chúng con, tha thứ như Chúa tha thứ cho chúng con. Amen.