Tại thủ đô Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách thuộc 4 nước Á châu sẽ họp với đại diện các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia quốc tế để tìm phương cách chận đứng đà lây nhiễm siêu vi HIV ngày càng lan rộng trong thành phần nghiền sì ke ma túy ở Á châu.

Trong 3 ngày họp, các viên chức tham hội sẽ trao đổi kinh nghiệm nhằm đề ra các chương trình bài trừ HIV và bệnh AIDS tại Trung quốc, Indonésia, Miến Ðiện và Việt Nam. Ðây là 4 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm HIV và bệnh AIDS cao nhất ở Á châu.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cho phổ biến một bản tuyên bố, nội dung cho rằng, siêu vi HIV sẽ có thể lan tràn ở Á châu vì thành phần chích sì-ke ma túy ngày càng tăng trong khi chính phủ các nước tại vùng này lại không có biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Theo lời các chuyên viên về siêu vi HIV, thành phần chích choác hiện chính là nguồn gốc lây lan siêu vi tại nhiều quốc gia, nhất là ở Miến Ðiện, Malaysia, Việt Nam và Trung quốc. Tại 4 nước vừa kể, thành phần chích sì-ke ma túy chiếm từ 60 đến 70% trong tổng số người nhiễm siêu vi HIV.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới còn cho rằng, sở dĩ tỷ lệ người nhiễm siêu vi HIV đang có chiều hướng gia tăng là vì giá cả những loại ma túy như bạch phiến hay methamphetamines ngày càng rẻ, càng dễ mua, thêm vào đó là những yếu tố như hoàn cảnh xã hội đảo lộn và phong tục tập quán nề nếp cũ không còn nữa.

Tại Trung quốc vào tháng Chín vừa qua, nhà nước Bắc Kinh loan báo số người bị nhiễm siêu vi HIV lên đến khoảng 1 triệu người. Tổ Chức Y Tế Thế Giới ước tính, thành phần chích ma túy ở Trung quốc cũng phải xấp xỉ 3 triệu người, trong số này hết phân nửa dùng chung kim chích.

Tại Việt Nam, chính quyền ghi nhận có gần 55.000 người nhiễm siêu vi HIV, trong đó chỉ mới có hơn 8000 người đã có triệu chứng phát bệnh AIDS.

Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ cho rằng số người bị nhiễm siêu vi HIV ở Việt Nam ít ra phải đến 200.000 người. Sở dĩ các số liệu của nhà nước không sát thực tế là vì không có điều kiện thử nghiệm. Hơn nữa, chính quyền Việt Nam cũng không muốn nhìn nhận tỷ lệ HIV và bệnh AIDS trong nước bắt nguồn từ dịch bệnh trên toàn cầu.