Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm A
Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật IV Phục Sinh này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Vì thế, Lời Chúa hôm nay xoay quanh chủ đề mục tử và chiên. Đức Giêsu gọi mình là mục tử thật, mục tử nhân lành. Ngài cũng muốn những ai tham dự vào chức vụ mục tử cũng hãy trở nên mục tử thật, mục tử nhân lành chứ không phải là mục tử giả. Còn những ai là chiên của Ngài thì cũng phải là chiên thật chứ không phải là chiên giả. Vậy, thế nào gọi là mục tử thật, mục tử nhân lành? Thế nào gọi là mục tử giả? Thế nào gọi là chiên thật hay chiên giả?
1. Thế nào gọi là mục tử thật?
Mục tử thật là mục tử “đường đường chính chính” luôn yêu thương đàn chiên: hiểu biết và cảm thông với đàn chiên; lo lắng chăm nom đàn chiên; sẵn sàng hy sinh vì đàn chiên. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết thế nào là vị mục tử thật: “Ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy”(Ga 10, 1-4).
Đức Giêsu chính là mục tử thật. Ngài là vị mục tử nhân lành. Chính Ngài tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10, 14 ). Thật vậy, Ngài là mục tử nhân lành: Vì Ngài không những biết từng con chiên mà Ngài còn đi tìm các con chiên bị thất lạc: “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng”(Ez 34, 10); Ngài chăm sóc và băng bó những con chiên bị xây xát, bệnh hoạn: “Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức”(Ez 34, 16); Ngài cho các con chiên được sống dồi dào: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).
Điều này đã được chứng minh một cách cụ thể qua những hành động trong suốt ba năm đời sống công khai của Ngài: Chính Ngài đã từng gặp gỡ và chữa lành các bệnh nhân, tha thứ cho những người tội lỗi; chính Ngài là người cha trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”(x. Lc 15, 11-32), là người chủ chiên trong “dụ ngôn con chiên bị mất”(x. Lc 15,4-7), là người đàn bà trong “dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất”(x. Lc 15, 8-10); chính Ngài đã chấp nhận hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,11). Không những thế, Ngài còn hơn hẳn các mục tử bình thường vì chỉ có Ngài mới cho đàn chiên được sự sống đời đời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”(Ga 10,28).
2. Thế nào gọi là mục tử giả?
Đức Giêsu cho chúng ta biết thế nào là mục tử giả: Đó là những mục tử không“đường đường chính chính”, nghĩa là những kẻ không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác; đó là những kẻ đến chỉ để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ đàn chiên (x. Ga 10,10).
Thật vậy, mục tử giả là mục tử không có trách nhiệm với đàn chiên: “Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi” (Dc 11,16a); mục tử giả là mục tử không lo chăn dắt đàn chiên mà chỉ nghĩ đến mình, sẵn sàng bóc lột đàn chiên để phục vụ cho nhu cầu của mình, như tiên tri Êdêkiel đã nói: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3); mục tử giả là mục tử thống trị đàn chiên “một cách tàn bạo và hà khắc” (x. Ed 34,3); mục tử giả là mục tử “đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến đàn chiên” (x. Gr 23,2b); mục tử giả luôn tác hại đến đàn chiên, có thể làm cho đàn chiên phải tan tác (x. Gr 23,2).
Tóm lại, mục tử giả không có tình thương với đàn chiên, không muốn mang vào mình “mùi chiên”, không chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình vì đoàn chiên, trái lại coi đàn chiên như là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư và tham vọng của mình.
3. Thế nào là chiên thật?
Chiên thật là chiên biết nghe tiếng của Chủ chiên. Đức Giêsu nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất”(Ga 10, 27). Tiếng chủ chiên ở đâu? Đó là tiếng Chúa qua Kinh Thánh; đó là lời giáo huấn của Hội Thánh; đó là tiếng nói của lương tâm; đó là sự hướng dẫn dạy dỗ của những kẻ thay mặt Chúa như cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị và những người khôn ngoan.
Chiên thật thì phải biết tin tưởng, phó thác và yêu mến Chủ chăn của mình. Vì Chủ chiên luôn quan tâm, chăm sóc và cho chiên được sống và sống dồi dào. Điều đó được diễn tả một cách cụ thể qua Thánh vịnh 22: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).
Ngày hôm nay, Đức Giêsu mục tử nhân lành vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta qua Lời của Ngài, qua các Bí tích. Ngài chăm sóc chúng ta qua Giáo Hội của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải đáp trả bằng việc lắng nghe, tin tưởng phó thác và yêu mến Ngài.
4. Thế nào là chiên giả?
Đó là những người kitô hữu trên danh nghĩa nhưng không sống theo tinh thần của Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin.
Đó là những kẻ không thực hành bác ái yêu thương như lời Đức Giêsu nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Nên gọi họ là dê (x. Mt 25,31-46).
Đó là những “giáo gian”, là những kitô hữu luôn bắt cá hai tay, bên nào có lợi cho mình thì theo bên đó. Họ có thể vì tiền, vì quyền, vì lợi ích của mình mà bán rẻ Giáo Hội, bán rẻ anh chị em của mình.
5. Câu hỏi gợi ý và cầu nguyện
Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình xem: Tôi có phải là mục tử thật, mục tử tốt lành đối với những người Chúa giao phó cho tôi coi sóc không? Hay tôi chỉ là mục tử giả, là kẻ trộm cướp? Tôi có phải là con chiên thật, con chiên ngoan trong đoàn chiên của Chúa của Giáo Hội không? Hay tôi chỉ là con chiên giả, thậm chí là con dê luôn phá hoại Giáo Hội, làm hại anh chị em mình? Tôi đã đóng góp gì cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ ?
Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con trở thành những mục tử nhân lành khi chúng có có trách nhiệm với anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con luôn là con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa và Giáo Hội. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật IV Phục Sinh này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Vì thế, Lời Chúa hôm nay xoay quanh chủ đề mục tử và chiên. Đức Giêsu gọi mình là mục tử thật, mục tử nhân lành. Ngài cũng muốn những ai tham dự vào chức vụ mục tử cũng hãy trở nên mục tử thật, mục tử nhân lành chứ không phải là mục tử giả. Còn những ai là chiên của Ngài thì cũng phải là chiên thật chứ không phải là chiên giả. Vậy, thế nào gọi là mục tử thật, mục tử nhân lành? Thế nào gọi là mục tử giả? Thế nào gọi là chiên thật hay chiên giả?
1. Thế nào gọi là mục tử thật?
Mục tử thật là mục tử “đường đường chính chính” luôn yêu thương đàn chiên: hiểu biết và cảm thông với đàn chiên; lo lắng chăm nom đàn chiên; sẵn sàng hy sinh vì đàn chiên. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết thế nào là vị mục tử thật: “Ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy”(Ga 10, 1-4).
Đức Giêsu chính là mục tử thật. Ngài là vị mục tử nhân lành. Chính Ngài tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10, 14 ). Thật vậy, Ngài là mục tử nhân lành: Vì Ngài không những biết từng con chiên mà Ngài còn đi tìm các con chiên bị thất lạc: “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng”(Ez 34, 10); Ngài chăm sóc và băng bó những con chiên bị xây xát, bệnh hoạn: “Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức”(Ez 34, 16); Ngài cho các con chiên được sống dồi dào: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).
Điều này đã được chứng minh một cách cụ thể qua những hành động trong suốt ba năm đời sống công khai của Ngài: Chính Ngài đã từng gặp gỡ và chữa lành các bệnh nhân, tha thứ cho những người tội lỗi; chính Ngài là người cha trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”(x. Lc 15, 11-32), là người chủ chiên trong “dụ ngôn con chiên bị mất”(x. Lc 15,4-7), là người đàn bà trong “dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất”(x. Lc 15, 8-10); chính Ngài đã chấp nhận hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,11). Không những thế, Ngài còn hơn hẳn các mục tử bình thường vì chỉ có Ngài mới cho đàn chiên được sự sống đời đời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”(Ga 10,28).
2. Thế nào gọi là mục tử giả?
Đức Giêsu cho chúng ta biết thế nào là mục tử giả: Đó là những mục tử không“đường đường chính chính”, nghĩa là những kẻ không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác; đó là những kẻ đến chỉ để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ đàn chiên (x. Ga 10,10).
Thật vậy, mục tử giả là mục tử không có trách nhiệm với đàn chiên: “Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi” (Dc 11,16a); mục tử giả là mục tử không lo chăn dắt đàn chiên mà chỉ nghĩ đến mình, sẵn sàng bóc lột đàn chiên để phục vụ cho nhu cầu của mình, như tiên tri Êdêkiel đã nói: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3); mục tử giả là mục tử thống trị đàn chiên “một cách tàn bạo và hà khắc” (x. Ed 34,3); mục tử giả là mục tử “đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến đàn chiên” (x. Gr 23,2b); mục tử giả luôn tác hại đến đàn chiên, có thể làm cho đàn chiên phải tan tác (x. Gr 23,2).
Tóm lại, mục tử giả không có tình thương với đàn chiên, không muốn mang vào mình “mùi chiên”, không chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình vì đoàn chiên, trái lại coi đàn chiên như là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư và tham vọng của mình.
3. Thế nào là chiên thật?
Chiên thật là chiên biết nghe tiếng của Chủ chiên. Đức Giêsu nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất”(Ga 10, 27). Tiếng chủ chiên ở đâu? Đó là tiếng Chúa qua Kinh Thánh; đó là lời giáo huấn của Hội Thánh; đó là tiếng nói của lương tâm; đó là sự hướng dẫn dạy dỗ của những kẻ thay mặt Chúa như cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị và những người khôn ngoan.
Chiên thật thì phải biết tin tưởng, phó thác và yêu mến Chủ chăn của mình. Vì Chủ chiên luôn quan tâm, chăm sóc và cho chiên được sống và sống dồi dào. Điều đó được diễn tả một cách cụ thể qua Thánh vịnh 22: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).
Ngày hôm nay, Đức Giêsu mục tử nhân lành vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta qua Lời của Ngài, qua các Bí tích. Ngài chăm sóc chúng ta qua Giáo Hội của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải đáp trả bằng việc lắng nghe, tin tưởng phó thác và yêu mến Ngài.
4. Thế nào là chiên giả?
Đó là những người kitô hữu trên danh nghĩa nhưng không sống theo tinh thần của Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin.
Đó là những kẻ không thực hành bác ái yêu thương như lời Đức Giêsu nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Nên gọi họ là dê (x. Mt 25,31-46).
Đó là những “giáo gian”, là những kitô hữu luôn bắt cá hai tay, bên nào có lợi cho mình thì theo bên đó. Họ có thể vì tiền, vì quyền, vì lợi ích của mình mà bán rẻ Giáo Hội, bán rẻ anh chị em của mình.
5. Câu hỏi gợi ý và cầu nguyện
Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình xem: Tôi có phải là mục tử thật, mục tử tốt lành đối với những người Chúa giao phó cho tôi coi sóc không? Hay tôi chỉ là mục tử giả, là kẻ trộm cướp? Tôi có phải là con chiên thật, con chiên ngoan trong đoàn chiên của Chúa của Giáo Hội không? Hay tôi chỉ là con chiên giả, thậm chí là con dê luôn phá hoại Giáo Hội, làm hại anh chị em mình? Tôi đã đóng góp gì cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ ?
Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con trở thành những mục tử nhân lành khi chúng có có trách nhiệm với anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con luôn là con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa và Giáo Hội. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành