Buổi chiều ngày 28 tháng Tư, trong chuyến viếng thăm Ai Cập của ngài, Đức Phanxicô đã hội kiến với Thượng Phụ Tawadros II của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Coptic, người mà ngài từng tiếp kiến ngay sau khi lên ngôi giáo hoàng năm 2013. Nhân dịp này, ngài đã đọc một diễn từ và sau đây là bản dịch nguyên văn bài diễn từ của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:

"Chúa đã sống lại, Người thật sự đã sống lại! [Al Massih kam, bilhakika kam!]"

Thưa Đức Thượng Phụ,

Người anh em thân mến,

Đại lễ Phục Sinh long trọng, trung tâm của đời sống Kitô hữu, mà năm nay chúng ta được diễm phúc cử hành trong cùng một ngày, vừa mới chỉ qua đi. Do đó, chúng ta đã cùng nhau loan báo sứ điệp Phục sinh và, theo một nghĩa nào đó, đã làm sống lại kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên, những người đã cùng nhau "vui mừng khi thấy Chúa" ngày đó (Ga 20:20). Ngày nay, niềm vui vượt qua này càng trở nên quý giá hơn nhờ hồng ân chúng ta được cùng nhau thờ phượng Đấng Phục Sinh trong cầu nguyện và trao đổi một lần nữa, nhân danh Người, nụ hôn và vòng ôm bình an thánh thiện. Vì điều này, tôi rất biết ơn: khi đến đây như một người hành hương, tôi chắc chắn nhận được sự chúc phúc của một người anh em đang chờ đợi tôi. Tôi háo hức chờ mong cuộc gặp mặt mới mẻ này, vì tôi nhớ lại một cách sống động chuyến viếng thăm mà Đức Thượng Phụ thực hiện tại Rôma không lâu sau cuộc bầu cử của tôi, vào ngày 10 tháng 5 năm 2013. Ngày đó đã hạnh phúc trở thành một dịp để cử hành Ngày Hữu Nghị hàng năm giữa người Copts và người Công Giáo.

Khi chúng ta vui mừng tiến bước trên cuộc hành trình đại kết của chúng ta, tôi muốn đặc biệt nhớ lại cột mốc quan trọng trong mối liên hệ giữa Tòa Phêrô và Tòa Máccô là Tuyên ngôn chung mà những vị tiền nhiệm của chúng ta đã ký hơn 40 năm trước, vào ngày 10 tháng 5 năm 1973. Sau "nhiều thế kỷ của một lịch sử khó khăn" được đánh dấu bởi sự gia tăng "các khác biệt thần học, được nuôi dưỡng và mở rộng bởi các nhân tố phi thần học", và sự mất tin tưởng nhau ngày càng gia tăng, ngày hôm đó, với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta đã có thể cùng nhau nhìn nhận rằng Chúa Kitô là "Thiên Chúa hoàn toàn về phương diện thần tính của Người và hoàn toàn về phương diện nhân tính của Người "(Tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Shenouda III, 10/5/1973). Tuy nhiên, cũng quan trọng và kịp thời không kém là những lời ngay trước tuyên bố này, trong đó, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Ky Tô là "Chúa, là Thiên Chúa, là Cứu Chúa và là Vua của chúng ta". Với những lời này, Tòa Máccô và Tòa Phêrô đã tuyên bố quyền chúa tể của Chúa Giêsu: chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và Người là của chúng ta tất cả.

Hơn nữa, chúng ta nhận ra rằng, vì chúng ta thuộc về Người, chúng ta không thể còn nghĩ rằng mỗi người có thể đi theo con đường riêng của mình, vì điều này sẽ phản bội thánh ý của Người là các môn đồ của Người "tất cả nên một. .. để thế giới có thể tin" (Ga 17: 21). Trước mặt Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta trở nên "một hoàn toàn" (câu 23), chúng ta không còn có thể núp đằng sau, viện cớ các diễn giải khác nhau, càng không phải là lịch sử và truyền thống hàng thế kỷ vốn làm chúng ta ra xa cách lẫn nhau. Theo các lời lẽ của Đức Gioan Phaolô II, "không nên để mất thời gian về vấn đề này! Sự hiệp thông của chúng ta trong một Chúa Giêsu Kitô duy nhất, trong một Chúa Thánh Thần duy nhất và trong một phép rửa duy nhất đã nói lên một thực tế sâu sắc và nền tảng "(Diễn Văn tại Cuộc Gặp Gỡ Đại Kết, 25 tháng 2 năm 2000).

Do đó, không những có một đại kết bằng cử chỉ, lời nói và dấn thân, mà còn có sự hiệp thông hữu hiệu phát triển hàng ngày trong mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu, bắt nguồn từ đức tin mà chúng ta tuyên xưng và thực sự đặt căn bản trên phép rửa của chúng ta và việc chúng ta được biến thành "Sáng thế mới" (xem 2Cr 5:17) ở trong Người. Tóm một lời, có “một Chúa duy nhất, một đức tin duy nhất, một phép rửa duy nhất"(Êphêsô 4: 5). Do đó, chúng ta không ngừng lên đường một lần nữa, để đẩy nhanh cái ngày từng chờ đợi từ lâu này khi chúng ta sẽ được hiệp thông trọn vẹn và hữu hình chung quanh bàn thờ của Chúa.

Trong cuộc hành trình hào hứng này, một cuộc hành trình, giống như chính cuộc sống, không luôn luôn dễ dàng và thẳng tuột, nhưng trên đó Chúa khuyên chúng ta kiên trì, chúng ta không cô đơn. Chúng ta được đồng hành cùng muôn vàn các thánh và các vị tử đạo, những vị nhờ đã hoàn toàn là một, đang thúc đẩy chúng ta dưới đây trở thành hình ảnh sống động của "Giêrusalem trên trời" (Gl 4:26). Trong số các vị, chắc chắn Thánh Phêrô và Thánh Máccô đặc biệt vui mừng khi chúng ta gặp nhau hôm nay. Tuyệt vời thay là dây nối kết các vị. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới sự kiện Thánh Máccô đặt ở giữa Sách Tin Mừng của ngài lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô "Thầy là Đấng Kitô". Đó là câu trả lời cho câu hỏi cấp bách hơn bao giờ hết của Chúa Giêsu: "Nhưng các con nói Thầy là ai?" (Mc 8:29). Cả ngày nay nữa, nhiều người không thể trả lời được câu hỏi này; thậm chí rất ít người có thể nêu nó ra, và nhất là, rất ít người có thể trả lời nó với niềm vui được biết Chúa Giêsu, với cùng niềm vui này chúng ta được ân sủng cùng nhau tuyên xưng Người.

Cùng nhau, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Người, mang đức tin của chúng ta đến với thế giới, nhất là trong cách nó được dự tính mang đi: bằng cách sống nó, để sự hiện diện của Chúa Giêsu có thể được truyền đạt bằng cuộc sống và nói thứ ngôn ngữ của tình yêu nhưng không và cụ thể. Là những người Chính Thống Coptic và Công Giáo, chúng ta luôn có thể cùng tham dự vào việc nói thứ ngôn ngữ chung này của đức ái: trước khi đảm nhiệm một công việc bác ái nào, tốt nhất chúng ta nên tự hỏi xem liệu chúng ta có thể làm việc này cùng với các anh chị em của chúng ta đang chia sẻ đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu hay không. Như vậy, bằng cách xây dựng sự hiệp thông trong tính cụ thể của việc làm chứng tá sống hàng ngày, Thánh Thần chắc chắn sẽ mở ra các con đường đầy quan phòng và bất ngờ dẫn tới sự hợp nhất.

Chính với tinh thần tông truyền có tính xây dựng này mà Đức Thượng Phụ tiếp tục cho thấy sự lưu tâm chân chính và huynh đệ đối với Giáo Hội Công Giáo Coptic. Tôi rất biết ơn về sự gần gũi này, một sự gần gũi đã tìm được biểu thức đáng khen nơi Hội Đồng Toàn Quốc Các Giáo Hội Kitô Giáo, mà ngài đã thiết lập để các người tin vào Chúa Giêsu có thể làm việc với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa vì lợi ích của toàn thể xã hội Ai Cập. Tôi cũng đánh giá cao lòng hiếu khách hào phóng dành cho cuộc họp thứ mười ba của Ủy ban Liên Hợp Thần Học Quốc Tế giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Phương Đông, diễn ra ở đây vào năm ngoái theo lời mời của ngài. Sẽ là một dấu hiệu hứa hẹn khi cuộc họp tiếp theo diễn ra ở Rôma năm nay, như thể muốn nói lên tính liên tục đặc biệt giữa Tòa Máccô và Tòa Phêrô.

Trong Thánh Kinh, Thánh Phêrô, cách nào đó, dường như để đáp lại tình âu yếm của Thánh Máccô nên đã gọi ngài là "con trai tôi" (1Pr 5:13). Nhưng hoạt động soạn tác Tin Mừng và hoạt động tông đồ của ngài cũng liên kết trong tình huynh đệ với Thánh Phaolô, vị mà trước khi chết vì đạo ở Rôma, đã nhắc đến tính hữu dụng của Thánh Máccô trong thừa tác vụ của ngài (xem 2Tm 2:11) và thường nói về ngài luôn (xem Plm 24, Cl 4:10). Tình bác ái huynh đệ và tình hiệp thông trong sứ mệnh: đó là những sứ điệp mà Lời của Thiên Chúa và nguồn gốc riêng của chúng ta đã để lại cho chúng ta. Chúng là những hạt giống Tin Mừng mà chúng ta hân hoan cùng nhau tưới tắm và, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, cùng nhau làm cho lớn lên (xem 1 Cr 3: 6-7).

Sự tiến bộ có tính sâu sắc hóa trong cuộc hành trình đại kết của chúng ta cũng được nâng đỡ, một cách huyền nhiệm và khá có liên quan, bởi một đại kết chân chính bằng máu. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đến "bằng nước và máu" (I Ga 5: 6); Như thế, bất cứ ai tin vào Người đều đã "thắng thế giới" (1Ga 5: 5). Với nước và máu: bằng cách sống một cuộc sống mới trong phép rửa chung của chúng ta, một cuộc sống yêu thương, luôn luôn và cho mọi người, thậm chí đến cả hy sinh mạng sống mình. Biết bao vị tử đạo ở vùng đất này, từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin của họ một cách anh hùng cho đến cùng, đổ máu mình hơn là chối bỏ Chúa và đầu hàng các rù quyến của sự ác, hoặc đầu hàng cơn cám dỗ muốn lấy ác trả ác! Sách Tử Đạo của Giáo Hội Coptic mang nhiều chứng tá hùng hồn cho điều này. Ngay trong những ngày gần đây, bi thảm thay, máu vô tội của các Kitô hữu không ai bảo vệ đã bị tàn nhẫn đổ ra: máu vô tội của họ kết hợp chúng ta. Người anh em rất yêu dấu, Giê-ru-sa-lem ở trên trời là một như thế nào, thì sách tử đạo của chúng ta cũng là một như thế; Những đau khổ của ngài cũng là những đau khổ của chúng tôi. Được củng cố bởi chứng tá này, chúng ta hãy cố gắng chống lại bạo lực bằng cách rao giảng và gieo rắc lòng tốt, cổ vũ và duy trì sự hợp nhất, cầu xin sao cho mọi hy sinh này có thể mở đường cho một tương lai hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta và bình an cho mọi người.

Lịch sử đầy ấn tượng về sự thánh thiêng của mảnh đất này được nổi bật không những nhờ sự hy sinh của các vị tử đạo. Không bao lâu sau cuộc bách hại thuở xưa kết thúc, một hình thức sống mới và vô vị kỷ đã nảy sinh như một hồng phúc của Chúa: phong trào đơn tu bắt nguồn từ sa mạc. Nhờ thế, các dấu hiệu vĩ đại mà Thiên Chúa đã từng làm ở Ai Cập và ở Biển Đỏ (xem Tv 106: 21-22) đã được tiếp nối bằng phép lạ của cuộc sống mới biến sa mạc bừng nở ơn thánh thiện. Với lòng tôn kính gia sản chung này, tôi tới đây như một người hành hương đến mảnh đất mà chính Chúa đã thích tới thăm. Vì ở đây, trong vinh quang của Người, Người đã ngự xuống trên núi Sinai (xem Ga 24:16), và ở đây, trong sự khiêm tốn của Người, Người đã tìm được nơi trú ẩn như một đứa trẻ (xem Mt 2:14). Thưa Đức Thượng Phụ, người anh em rất thân mến, hôm nay, xin cùng một Chúa ban cho chúng ta ơn cùng nhau lên đường như những người hành hương của hiệp thông và sứ giả của hòa bình. Trong hành trình này, xin Đức Trinh Nữ Maria cầm tay chúng ta, người là đấng đã mang Chúa Giêsu đến đây, và là đấng mà truyền thống thần học Ai Cập vĩ đại ngày xưa đã tung hô là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Trong tước hiệu này, nhân tính và thần tính được kết hợp, vì trong Mẹ của Người, Thiên Chúa mãi mãi trở thành người. Xin Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, đấng luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu, bản giao hưởng hoàn hảo của thần linh và nhân linh, một lần nữa đem một chút thiên đàng xuống trần gian.