Sau 3h bay vượt qua 2130 km, Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường quốc tế Cairo của Ai Cập, lúc 14h giờ địa phương.

Lễ nghi chào đón Đức Thánh Cha đã được tổ chức tại dinh tổng thống tại Heliopolis. Tại đây, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ riêng với tổng thống el Sisi và hai vị đã trao đổi quà tặng. Đức Thánh Cha đã tặng tổng thống một huy chương kỷ niệm chuyến viếng thăm này của ngài, trong đó mô tả cuộc chạy trốn sang Ai Cập của Thánh Gia. Huy chương này đã được thiết kế bởi nữ nghệ nhân Daniela Longo.

Sau cuộc viếng thăm xã giao tại dinh tổng thống, Đức Thánh Cha đã đến nói chuyện tại Đại Học Hồi Giáo Al-Azhar trong khuôn khổ của một hội nghị hòa bình do giáo sĩ Hồi Giáo Ahmed el-Tayeb tổ chức quy tụ 300 nhân vật chủ yếu là từ thế giới Hồi Giáo.

Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha nói:


As-salamu alaykum! Cầu mong hòa bình ở cùng các bạn!

Tôi xem là một ân sủng tuyệt vời để có thể bắt đầu chuyến thăm của tôi tại Ai Cập ở đây và được nói chuyện với các bạn trong bối cảnh Hội nghị Hòa bình Quốc tế này. Tôi cảm ơn vị Đại Imam vì đã hoạch định và tổ chức Hội nghị này, và thân ái mời tôi tham dự. Tôi muốn đưa ra với các bạn một vài suy nghĩ, dựa trên lịch sử vẻ vang của vùng đất này, mà qua nhiều thời đại đã xuất hiện trước thế giới như một vùng đất của các nền văn minh và một vùng đất của các giao ước.

Một vùng đất của các nền văn minh

Từ thời cổ đại, nền văn hoá nảy sinh dọc theo các bờ sông Nile này đã đồng nghĩa với nền văn minh. Ai Cập nâng cao ngọn đèn kiến thức, khai sáng ra một di sản văn hoá vô giá, bao gồm sự khôn ngoan và sự khéo léo, những khám phá toán học và thiên văn học, và các hình thức kiến trúc và nghệ thuật nổi bật. Việc tìm kiếm kiến thức và giá trị thông qua nền giáo dục là kết quả của những quyết định sáng suốt từ những cư dân cổ xưa của vùng đất này và đã mang lại nhiều hoa trái cho tương lai. Những quyết định tương tự là cần thiết cho tương lai của chúng ta, những quyết định về hòa bình và cho hòa bình, vì sẽ không có hòa bình nếu không có một nền giáo dục thích hợp cho các thế hệ trẻ. Những người trẻ tuổi ngày nay không thể được giáo dục đúng đắn trừ khi việc đào tạo mà họ nhận được phù hợp với bản tính con người là cởi mở và tương tác với người xung quanh.

Giáo dục thực sự trở thành sự khôn ngoan cho cuộc sống nếu nó có khả năng “đưa ra” được những gì là tốt nhất của những người nam nữ, trong sự tiếp xúc với Đấng siêu việt hóa họ và với thế giới xung quanh, nuôi dưỡng một ý thức cởi mở về bản sắc và không đóng kín chính mình. Sự khôn ngoan tìm kiếm tha nhân, vượt qua những cám dỗ có một thái độ khăng khăng và một tư duy hẹp hòi; nó cởi mở và chuyển động, nhưng đồng thời khiêm tốn và tìm kiếm; nó có khả năng đánh giá cao quá khứ và đặt quá khứ trong cuộc đối thoại với hiện tại, với một sự biện phân phù hợp. Sự khôn ngoan chuẩn bị một tương lai, trong đó người ta không cố áp đặt chương trình nghị sự của riêng mình, nhưng trái lại bao gồm những người khác như một phần không thể tách rời của chính họ. Sự khôn ngoan không ngừng tìm kiếm, ngay cả trong hiện tại, để xác định những cơ hội gặp gỡ và chia sẻ; và trong quá khứ, để học được rằng điều ác chỉ làm gia tăng thêm những tà ác, và bạo lực chỉ gây thêm càng nhiều bạo lực, trong một vòng xoáy mà kết cục là giam hãm tất cả mọi người. Sự khôn ngoan, khi chối bỏ sự gian dối và lạm dụng quyền lực, tập trung vào phẩm giá con người, một phẩm giá quý báu trong mắt Thiên Chúa, và vào một nền luân lý xứng đáng với con người, một nền luân lý không e ngại người khác và không hề sợ hãi khi sử dụng những phương tiện tri thức đã được Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta.1

Chính trong lĩnh vực đối thoại, đặc biệt là đối thoại liên tôn, chúng ta thường xuyên kêu gọi đồng hành cùng nhau, trong niềm xác tín rằng tương lai cũng phụ thuộc vào sự gặp gỡ của các tôn giáo và các nền văn hoá. Về vấn đề này, công việc của Ủy ban Đối thoại hỗn hợp giữa Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn và Ủy ban Đối thoại của Đại Học Al-Azhar cho chúng ta một ví dụ cụ thể và đáng khích lệ. Ba lĩnh vực cơ bản, nếu được liên kết với nhau, có thể hỗ trợ cho cuộc đối thoại này: đó là trách nhiệm tôn trọng bản sắc của chính mình và của người khác, lòng can đảm chấp nhận sự khác biệt và những ý định chân thành.

Chúng ta có trách nhiệm tôn trọng bản sắc của chính mình và của người khác bởi vì đối thoại đích thực không thể được xây dựng trên sự mơ hồ hoặc sẵn sàng hy sinh một số điều tốt đẹp để làm hài lòng người khác. Chúng ta cũng phải có can đảm chấp nhận sự khác biệt, bởi vì những người dị biệt về mặt văn hoá hay tôn giáo, không nên bị xem hoặc bị đối xử như những kẻ thù, mà phải được hoan nghênh như những người bạn đồng hành, với niềm xác tín chân thành rằng lợi ích của mỗi một người nằm trong lợi ích của tất cả. Chúng ta cũng phải có các ý định chân thành, bởi vì đối thoại, như là một biểu hiện đích thực của tính nhân bản, không phải là một chiến lược nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể, nhưng là một con đường dẫn tới chân lý, đáng được thực hiện với lòng kiên nhẫn, ngõ hầu có thể biến sự cạnh tranh thành sự hợp tác với nhau.

Một nền giáo dục coi trọng sự cởi mở và tinh thần đối thoại chân thành với người khác, trong khi thừa nhận những quyền và tự do cơ bản của họ, đặc biệt là tự do tôn giáo, là cách tốt nhất để xây dựng tương lai cùng với nhau, và cùng nhau trở thành những người kiến tạo lòng tương kính. Ngược lại với sự gặp gỡ tương kính như thế, là sự xung đột tàn bạo. Để đối phó hiệu quả với sự tàn bạo của những người gây hận thù và bạo lực, chúng ta cần phải tháp tùng những người trẻ, giúp họ trên con đường trưởng thành và dạy họ phản ứng lại với thứ luận lý hung hăng của cái ác bằng cách kiên nhẫn làm việc cho sự phát triển của điều thiện. Bằng cách này, những người trẻ tuổi, như những cây được ươm trồng tốt đẹp, có thể bắt rễ sâu trong đất của lịch sử, và khi lớn lên trong sự hướng thiện cùng nhau, có thể hàng ngày biến không khí ô nhiễm của hận thù thành dưỡng khí của tình huynh đệ.

Đối diện với thách đố văn hóa to lớn này, một thách đố vừa khẩn cấp vừa thú vị, chúng ta, những Kitô hữu, những người Hồi giáo và tất cả các tín hữu, được kêu gọi đóng góp cụ thể: “Chúng ta sống dưới ánh mặt trời của một Thiên Chúa giầu lòng thương xót... vì thế, thật sự, chúng ta có thể gọi nhau là anh chị em... vì nếu không có Thiên Chúa, cuộc sống của con người sẽ giống như thiên đường mà không có ánh mặt trời”2. Xin cho mặt trời của một tình huynh đệ mới trong danh Thánh Chúa vươn lên trong vùng đất đầy nắng mặt trời này, có thể trở thành là rạng đông của một nền văn minh hòa bình và gặp gỡ. Xin thánh Phanxicô thành Assisi, người đã tới Ai Cập và gặp Quốc Vương Malik al Kamil, cách đây tám thế kỷ, cầu bầu cho ý định này.

Một vùng đất của các giao ước

Ở Ai Cập, không chỉ có mặt trời của sự khôn ngoan mọc lên, nhưng còn có cả những ánh qung chói lọi của các tôn giáo chiếu sáng trên vùng đất này. Ở đây, dưới nhiều thế kỷ, sự khác biệt tôn giáo đã hình thành “một hình thức làm giàu lẫn nhau trong việc phục vụ một cộng đồng quốc gia duy nhất”. 3 Các tôn giáo khác nhau gặp gỡ và nhiều nền văn hoá khác nhau pha trộn mà không bị nhầm lẫn, trong khi thừa nhận tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc cho thiện ích chung. Những “giao ước” như thế hiện nay là rất cần thiết. Ở đây tôi muốn đề cập đến một biểu tượng là “Núi Giao Ước” mọc lên trên mảnh đất này. Núi Sinai nhắc nhở chúng ta rằng các giao ước xác thực trên trái đất này không thể bỏ qua trời cao, rằng con người không thể gặp nhau trong hòa bình khi loại bỏ Thiên Chúa khỏi đường chân trời của mình, và cũng không thể leo lên núi để tự mình đạt đến Thiên Chúa (xem Xh 19:12 ).

Đây là một lời nhắc nhở hợp thời khi đối mặt với một nghịch lý nguy hiểm vào thời điểm hiện tại. Một mặt, tôn giáo thường có xu hướng bị đẩy vào bầu khí riêng tư, như thể nó không phải là một chiều kích thiết yếu của con người và xã hội. Mặt khác, bầu khí tôn giáo và chính trị lại thường bị lẫn lộn và không được phân biệt rõ ràng. Tôn giáo có nguy cơ bị quản lý như một sự vụ thế tục và bị cám dỗ bởi sự quyến rũ của các quyền lực thế gian, là những thế lực trong thực tế muốn khai thác tôn giáo. Thế giới của chúng ta đã chứng kiến sự toàn cầu hoá nhiều công cụ kỹ thuật hữu ích, nhưng cũng phải chứng kiến một sự toàn cầu hóa sự thờ ơ và lãnh đạm, và nó di chuyển với một tốc độ điên rồ rất khó để duy trì. Kết quả là, có một mối quan tâm mới về các câu hỏi lớn liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống. Đây là những câu hỏi mà các tôn giáo đưa ra trước mắt, nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc của mình và ơn gọi tối hậu của chúng ta. Chúng ta không được tạo thành để rồi dành hết năng lực của mình vào những điều không chắc chắn và chóng qua của thế giới này, nhưng để hướng tới Đấng Tuyệt đối là cùng đích tối hậu của chúng ta. Vì tất cả những lý do này, đặc biệt là ngày nay, tôn giáo không phải là một vấn đề nhưng là một phần của giải pháp: đó là chống lại sự cám dỗ giản lược cuộc sống thành một cuộc đời tầm thường và vô vị, trong đó mọi thứ bắt đầu và kết thúc ở đây dưới thế này, tôn giáo nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải nâng cao tâm hồn chúng ta lên Đấng Tối Cao ngõ hầu học được cách xây dựng xã hội trần thế.

Trở lại với hình ảnh Núi Sinai, tôi muốn đề cập đến các điều răn đã được công bố ở đó, ngay cả trước khi chúng được chạm khắc trên các viên đá. [4] Ở trung tâm của “10 điều răn” này, là lời nhắc nhở được gửi đến mỗi cá nhân và mọi người ở mọi lứa tuổi: “Ngươi chớ giết người” (Ex 20:13). Thiên Chúa, Đấng yêu mến sự sống, không ngừng yêu thương con người, và vì thế Người khuyên chúng ta nên từ khước con đường bạo lực như là điều kiện cần thiết cho mọi “giao ước” trần thế. Trên tất cả và đặc biệt trong thời của chúng ta, các tôn giáo được kêu gọi tôn trọng mệnh lệnh này, bởi vì, trước tất cả ước vọng của chúng ta về Đấng Tuyệt đối, điều thiết yếu là chúng ta từ chối bất kỳ “sự tuyệt đối hóa” nào có thể biện minh cho bạo lực. Vì bạo lực là sự phủ nhận của mọi biểu hiện tôn giáo đích thực.

Do đó, trong tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi để vạch trần bạo lực núp dưới mặt nạ của sự thánh thiêng và dựa trên “sự tuyệt đối hóa” tính ích kỷ hơn là sự cởi mở thực sự đối với Đấng Tuyệt đối. Chúng ta có nghĩa vụ tố cáo những vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, vạch trần những nỗ lực nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án những nỗ lực đó như những bức biếm hoạ bôi bác Thiên Chúa: Tên Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của Hòa bình, Thiên Chúa của salaam.5 Vì thế hòa bình là điều thánh khiết và không có hành vi bạo lực nào có thể biện minh nhân danh Thiên Chúa, vì đó là sự xúc phạm đến Danh Người.

Cùng nhau, tại vùng đất này nơi trời và đất gặp nhau, vùng đất của các giao ước giữa các dân tộc và các tín hữu, chúng ta hãy nói lại một lần nữa một cách rõ ràng và kiên quyết tiếng nói “Không!” với mọi hình thức bạo lực, trả thù và oán ghét được thực hiện dưới danh nghĩa tôn giáo hay là nhân danh Chúa. Cùng nhau chúng ta hãy khẳng định sự bất tương hợp giữa bạo lực và đức tin, niềm tin và hận thù. Cùng nhau chúng ta hãy tuyên bố sự thánh thiêng của mỗi cuộc sống con người đối với mọi hình thức bạo lực, dù là bạo lực về mặt thể chất, xã hội, giáo dục hay tâm lý. Một niềm tin không phát sinh từ một trái tim chân thành và một tình yêu đích thực hướng về Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chẳng qua chỉ là một cấu trúc tiện lợi cho xã hội, nó đã không có khả năng giải phóng con người thì chớ, lại còn nghiền nát con người. Chúng ta hãy cùng nhau nói: càng lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta càng lớn lên trong tình yêu với người lân cận của mình.

Tôn giáo, tuy nhiên, không chỉ nhằm vạch trần cái ác; tôn giáo có một ơn gọi nội tại là cổ vũ cho hòa bình, và ngày nay có lẽ là cần hơn bao giờ hết. 6. Chúng ta đừng đưa ra các hình thức đồng thuận hời hợt, 7 nhưng trái lại nhiệm vụ của chúng ta là hãy cầu nguyện cho nhau, cầu khẩn cùng Thiên Chúa ân ban bình an, và sự gặp gỡ nhau, dấn thân trong đối thoại và trong việc thúc đẩy sự hòa hợp trong tinh thần hợp tác và hữu nghị. Về phần chúng tôi, với tư cách là các Kitô hữu, “chúng tôi không thể cầu nguyện Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người nếu chúng tôi không đối xử với người khác bằng tình huynh đệ, vì tất cả mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Hơn nữa, chúng tôi biết rằng, khi chúng tôi dự phần trong việc chống lại cái ác đang đe dọa một thế giới không còn là “một nơi của tình huynh đệ chân chính nữa”, Thiên Chúa bảo đảm với tất cả những ai tín thác vào tình yêu của Người rằng “con đường yêu thương mở ra trước con người và những nỗ lực thiết lập tình huynh đệ phổ quát sẽ không phải là vô ích” 9. Thay vào đó, nỗ lực đó rất quan trọng: sẽ chẳng có ích gì nếu chúng ta lên tiếng nói rồi lại tìm kiếm vũ khí để bảo vệ mình: điều cần thiết ngày nay là những người kiến tạo hòa bình chứ không phải là những kẻ gây ra xung đột; những lính cứu hỏa chứ không phải là những kẻ đốt nhà; các nhà giảng thuyết về hòa giải chứ không phải những kẻ xúi giục hủy diệt.

Thật buồn khi thấy rằng, những thực tại cụ thể trong cuộc sống của người dân đang ngày càng bị bỏ qua để phục vụ cho các mưu đồ gian trá, các hình thái kích động của chủ nghĩa mị dân đang gia tăng. Những điều này chắc chắn không giúp củng cố hòa bình và ổn định: không có thứ kích động bạo lực nào bảo đảm cho hòa bình và mọi hành động đơn phương không giúp thúc đẩy các tiến trình xây dựng và chia sẻ, nhưng trong thực tế lại là một món quà cho những kẻ ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.

Để ngăn ngừa mâu thuẫn và xây dựng hòa bình, điều cần thiết là chúng ta không bỏ qua nỗ lực nào nhằm xóa bỏ hoàn cảnh đói nghèo và bóc lột trong đó chủ nghĩa cực đoan dễ dàng bắt rễ hơn, và ngăn chặn dòng chảy tiền bạc và vũ khí dành cho những kẻ gây ra bạo lực. Thậm chí còn triệt để hơn, chúng ta phải đặt một dấu chấm hết cho việc gia tăng vũ khí. Nếu vũ khí được sản xuất và bán ra, sớm muộn gì chúng sẽ được sử dụng. Chỉ bằng cách đưa ra ánh sáng ban ngày, các lèo lái tối tăm đang nuôi dưỡng ung thư chiến tranh, chúng ta mới có thể ngăn ngừa các nguyên nhân thực sự của nó. Các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức và giới truyền thông có nghĩa vụ phải thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và nghiêm trọng này. Cũng vậy, tất cả chúng ta tất cả phải đóng một vai trò dẫn đầu trong nền văn hoá. Mỗi người trong lãnh vực của mình, được ủy thách bởi Thiên Chúa, bởi lịch sử và bởi tương lai, để kích hoạt các tiến trình hòa bình, để tạo ra một cơ sở vững chắc cho các thỏa thuận giữa các dân tộc và các quốc gia. Tôi hy vọng đất nước Ai Cập cao quý và đáng yêu này, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, có thể tiếp tục đáp lại lời gọi mà nó đã nhận được như một vùng đất của nền văn minh và giao ước, và do đó góp phần vào việc phát triển các tiến trình hòa bình cho người dân thân yêu của mình và cho toàn bộ khu vực của Trung Đông.

As-salamu alaykum! Cầu mong hòa bình ở cùng các bạn!