1. Tòa Thánh cho biết: Bất chấp các vụ khủng bố tại Ai Cập, Đức Thánh Cha không hủy bỏ chuyến tông du đến Cairo

Hôm thứ Hai 10 tháng Tư, Bộ Y tế Ai Cập cho biết các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư, nhắm vào các tín hữu Kitô trong ngày đầu tiên của Tuần Thánh, đã khiến ít nhất 45 người chết. Có ít nhất 28 người chết và 78 người bị thương trong vụ nổ bom bên trong nhà thờ Thánh George ở thành phố Tanta phía bắc thủ đô Cairo. Tại nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria, 17 người - kể cả dân thường và cảnh sát - đã bị giết và 47 người khác bị thương.

Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã ban hành tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ bắt đầu có hiệu lực từ 1 giờ chiều thứ Hai 10 tháng Tư. Ngay sau khi hai vụ tấn công xảy ra, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về những hành vi tội ác này. Tuy nhiên, trong diễn văn trên đài truyền hình quốc gia, ông Sisi cáo buộc “một số nước” đã dự phần vào các vụ tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá, một ám chỉ mà nhiều người cho rằng nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Các vụ khủng bố gần đây và việc ban bố tình trạng khẩn trương tại Ai Cập đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Cairo trong hai ngày 28 và 29 tháng Tư tới đây.

Tuy nhiên, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết mặc dù có những cuộc tấn công khủng bố gần đây chống lại các cộng đồng Kitô giáo thiểu số của Ai Cập, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không hủy bỏ chuyến thăm của ngài tới Ai Cập.

Nhiều người cho rằng việc bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha là một công tác rất khó khăn tại Ai Cập. Một hình ảnh rất tiêu biểu của Ai Cập là các quảng trường thường được vây bọc bởi các chung cư rất lớn, nơi các lực lượng an ninh có nhiều khó khăn trong việc loại trừ khả năng có những tên bắn tỉa ám sát các nhân vật quan trọng từ xa.

Một phóng viên chiến trường của Reuters nhận xét rằng ở Baghdad bọn khủng bố chất đầy chất nổ lên một chiếc xe tải và lái xe tới đậu ở một chỗ đông người, lén lút ngồi uống cà phê đâu đó, và chờ khi thiên hạ bu quanh chiếc xe thì nhấn remote control cho nổ tung. Ở Cairo, Sinai và các nơi khác bọn khủng bố thường không lén lút như thế. Chúng ngang nhiên kéo cả đám bắn phá vào các nhà thờ, thậm chí tấn công vào các đồn bót cảnh sát, phục kích các đoàn xe của quân đội, đánh xáp lá cà với các lực lượng an ninh như trong một thứ chiến tranh quy ước!

Tại Cairo, cha Rafic Grieche, phát ngôn viên của các giám mục Công Giáo Ai Cập nói:

“Người Ai Cập đang trông chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, mặc dù bầu khí hiện nay rất nặng nề”

Cha Rafic Grieche nói thêm:

“Nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng là ở bên cạnh anh em mình vào thời điểm khó khăn. Bây giờ là thời gian thực sự mà ngài có thể mang lại hòa bình và hy vọng cho toàn thể dân chúng Ai Cập và đặc biệt cho các Kitô hữu Đông phương”

Cha nói mọi người không thoải mái khi bị buộc phải bước qua các máy dò kim loại và các biện pháp an ninh khác trước khi bước vào nhà thờ.

“Tuy không giống như đi đến một nhà thờ bình thường, nhưng chúng tôi cần những biện pháp như thế để giữ an toàn cho người dân”.

Ngài cho biết sau vụ tấn công, ngài đã cử hành Thánh Lễ với hơn 2,000 người.

“Mọi người đã biết về vụ tấn công ở Tanta, nhưng họ không sợ. Vào buổi tối, họ cũng đến cầu nguyện và chầu Mình Thánh Chúa như vẫn làm trong Tuần Thánh” , Cha Grieche nói.

2. Văn bản 14 chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2017

Hôm thứ Hai 10 tháng 4, Văn Phòng Các Cử Hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố văn bản 14 chặng Đàng Thánh Giá do một thần học gia người Pháp là bà Anne Anne Marie-Pelletier soạn.

Lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí Trường Colosseum và ban phép lành cho tất cả mọi người hiện diện.

Buổi đi Đàng Thánh Giá này cũng được các đài truyền hình phát trực tiếp trên thế giới.

Bà Pelletier, 70 tuổi, là một chuyên gia về giải Kinh Thánh. Năm 2014, bà được trao giải Ratzinger về những đóng góp của bà cho thần học Công Giáo.

Bà Pelletier là người phụ nữ thứ tư được giao việc viết những bài suy niệm Ðàng Thánh Giá cho Đức Giáo Hoàng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đầu tiên mời một phụ nữ viết các bài Suy Niệm. Năm 1993, ngài mời nữ tu Anna Maria Canopi, bề trên tu viện Benedictine “Mater Ecclesiae” (Mẹ Giáo Hội) viết bài Suy Niệm, và năm 1995 ngài mời Sơ Minke de Vries.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời Mẹ Maria Rita Piccione, người Ý, Chủ Tịch Liên Hiệp Các Tu Hội Đức Bà của Dòng Augustinô ở Ý, viết các bài Suy Niệm cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Vie, bà Pelletier nói bà cảm thấy “may mắn” khi được trao trách nhiệm chính thức trong “một Giáo Hội mà không chút nghi ngờ nào rất là nam tính”.

Bà cho biết bà bắt đầu sự nghiệp học thuật của mình bằng ngôn ngữ học và văn chương, nhưng sự tham gia vào một nhóm nghiên cứu Kinh Thánh cho sinh viên đại học đã dạy bà “thưởng thức Kinh thánh, khả năng rung động trong thời hiện tại của chúng tôi, kể cả nơi những người xa lạ với đức tin Kitô”

Cuối cùng, bà đã viết luận án về lịch sử giải thích sách Diễm Tình Ca của Cựu Ước. Bà đã dạy cả văn chương tại các trường đại học công lập ở Paris và Thánh Kinh tại chủng viện Công Giáo Paris.

Mặc dù Pelletier nói bà không bao giờ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong Giáo Hội bởi vì bà là phụ nữ và số lượng phụ nữ là các nhà thần học ngày càng tăng trong Giáo Hội, tuy nhiên theo bà “chúng ta vẫn cần đảm bảo họ được làm việc trong Giáo Hội với những vị trí thực sự có trách nhiệm cho phép họ có một tác động nào đó.”

3. Đức Thánh Cha triệu tập công nghị Hồng Y tuyên thánh

Sáng thứ năm, 20-4, Đức Thánh Cha sẽ nhóm công nghị Hồng Y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, linh mục giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là “Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước linh mục Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh.

4. Nhà giặt ủi của Đức Thánh Cha cho người nghèo bắt đầu hoạt động

Từ hôm thứ Hai, 10/04, “nhà giặt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” đã bắt đầu hoạt động.

Đây là dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo, đặc biệt là cho những người không có chỗ định cư; họ có thể giặt giũ, sấy khô và ủi quần áo và chăn màn của họ.

Sáng kiến này nảy sinh từ lời mời gọi thực hành cụ thể kinh nghiệm ân sủng của Năm Thánh Lòng thương xót của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đã viết trong tông thư Lòng thương xót và người sầu khổ vào dịp kết thúc Năm Thánh: “Muốn đến gần Chúa Kitô đòi hỏi phải đến gần với các anh chị em, bởi vì không có gì được Chúa Cha yêu thích hơn là một dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót. Bởi bản chất, lòng thương xót trở nên hữu hình và rõ ràng trong hành động cụ thể và năng động” (số 16), như vậy, “đó là lúc cung cấp chỗ cho trí tưởng tượng của lòng thương xót tạo ra nhiều hoạt động mới, hoa trái của ân sủng” (số 18).

Do đó, sở từ thiện Tòa thánh muốn có một nơi chốn và một dịch vụ để cụ thể hòa lòng bác ái và công việc của lòng thương xót để khôi phục phẩm giá cho nhiều người, là các anh chị em của chúng ta, những người được mời gọi cùng chúng ta xây dựng một “thành phố đáng tin cậy” (xem số 18).

Nhà giặt ủi này được đặt ở “trung tâm con người hòa bình” của cộng đồng thánh Egidio, nằm cạnh bệnh viện thánh Gallicano cũ, ở đường Via San Gallicano, số 25. Cộng đoàn thánh Egidio sẽ điều hành “Nhà giặt ủi của Đức Giáo Hoàng” cùng với các dịch vụ tiếp đón và hỗ trợ cho người nghèo nhất, đã hoạt động từ hơn 10 năm nay. Trong những tháng tới, sẽ có thêm nơi tắm rửa, cắt tóc, sửa quần áo, phòng khám y tế và phân phát các nhu yếu phẩm.

Tại nhà giặt này có 6 máy giặt và 6 máy sấy với các bàn ủi. Các máy này đều do công ty đa quốc gia Whirlpool tài trợ.

5. Ðại diện Tông toà Aleppo nói Giáo Hội Syria lên án mọi thứ bạo lực, bất cứ từ đâu đến

“Ai đã phong cho Donald Trump làm trọng tài và làm cảnh sát của thế giới? Tổng thống Hoa Kỳ là ai mà ra quyết định không cần đến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc?”: đó là lời chất vấn của Ðức giám mục Georges Abou Khazen, O.F.M., người Liban, Ðại diện Tông toà của Hạt Ðại diện Aleppo ở Syria, thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh.

Ðức cha Khazen cho biết ngài “sửng sốt” khi nghe tin Hoa Kỳ phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ Shayrat của Syria, ở tỉnh Homs. Một đòn đánh trí mạng giáng xuống một đất nước đã trải qua cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt sáu năm và tan hoang do cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học ở Idlib trong mấy ngày vừa qua, khiến cho 86 thường dân thiệt mạng, trong đó một phần ba là trẻ em.

Đức Cha nói thêm:

“Giáo Hội Syria chúng tôi lên án mọi thứ bạo lực, bất cứ từ đâu đến. Ðiều làm tôi ngạc nhiên và sửng sốt là tối hôm trước, Ðại sứ Hoa Kỳ đã phát biểu tại Hội đồng Bảo an rằng chưa có gì chắc chắn hoặc rõ ràng về các cuộc tấn công ở Idlib. Thế mà vào lúc bình minh cuộc tấn công lại xảy ra. Tại sao? Tại sao không có một cuộc điều tra đầy đủ theo yêu cầu của Syria để tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra? Tổng thống Hoa Kỳ là ai mà ra quyết định không cần đến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc? Ai đã phong cho ông ấy làm trọng tài và làm cảnh sát của thế giới? Còn tất cả các tội ác của Hoa Kỳ và của Pháp ở Syria và Iraq đã giết chết hàng trăm thường dân trong khi cả thế giới im lặng thì sao... đây là một sai lầm”.

6. Phản ứng của Ðức Hồng Y Gracias về vụ tấn công Syria của Mỹ

Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai và là chủ tịch liên Hội đồng Giám mục Á châu đã bày tỏ nỗi đau sâu sắc về quyết định của Hoa kỳ tấn công căn cứ không quân Syria như sự đáp trả lại việc sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Idlib.

Nhân danh Giáo Hội tại Á châu, Ðức Hồng Y Gracias cầu nguyện cho các trẻ em, các phụ nữ, các gia đình, các bệnh nhân và những người già ở Syria chịu đau khổ. Ðức Hồng Y cũng gửi đến Ðức Hồng Y Maria Zenari, sứ thần Tòa thánh tại Syria sự gần gũi và nâng đỡ trong cầu nguyện.

Trong sứ điệp, Ðức Hồng Y Gracias lên án việc tấn công bằng vũ khí hóa học các thường dân vô tội là vô nhân tính của con người đối với con người. Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt sự thù địch và trở lại đàm phán hòa bình. Ðối thoại và bất bạo lực là những vũ khí thực sự duy nhất có thể mang lại hòa bình cho Syria.

Ðức Hồng Y Gracias cũng cho biết ngài đau buồn gấp bội về tin tức cuộc tấn công của Hoa kỳ. Ngài cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, xin cứu dân tộc chúng ta, các anh chị em của chúng ta ở Syria. Xin Chúa cứu các trẻ em Syria khỏi sự giết chóc vô nghĩa này.

7. Tình trạng Giáo Hội tại Cộng Hòa Trung Phi

Trong các ngày vừa qua Ðức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám Mục Bangui thủ đô Trung Phi, đang viếng thăm Milano bắc Italia, theo lời mời của Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, và cũng đã gặp gỡ Ðức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám Mục sở tại.

Ðức Hồng Y Nzapalainga cho biết trong những ngày vừa qua đã có gần 1,000 người tỵ nạn trở về quê nhà của họ nhờ ngân quỹ trợ giúp của Toà Thánh. Và kể từ đầu tháng 3 năm 2017 đã có khoảng 10,000 người rời đan viện Camelô Bangui để hồi hương. Những người khác đã được trú ngụ trong các cơ sở và trung tâm của Giáo Hội cũng từ từ trở lại với cuộc sống bình thường sau hơn 4 năm bạo lực. Ðây là một vài tin tích cực đến từ Trung Phi là quốc gia đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ và mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót hồi tháng 11 năm 2015. Ðức Hồng Y Nzapalainga cũng cho biết tình hình Trung Phi tiếp tục nghiêm trọng, mặc dù trong thủ đô có an ninh. Dân chúng có thể đi lại tự do và các sinh hoạt từ từ bắt đầu trở lại, đồng thời với việc tái thiết. Tuy nhiên, các vùng còn lại trong toàn nước nằm dưới quyền kiểm soát của các nhóm vũ trang. Họ tiếp tục tấn công các làng mạc, cướp bóc và sát hại thường dân. Và không có ai che chở bảo vệ dân chúng.

8. Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh họp phiên khoáng đại

Theo thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh, Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh sẽ tổ chức Ðại hội khoáng đại thường niên từ ngày 24 đến 28 tháng Tư năm 2017 tại Nhà Santa Marta ở Vatican.

Ðại hội đặt dưới sự chủ toạ của Ðức Hồng Y Gerhard Ludwig Muller, Chủ tịch Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh và là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin. Giữ nhiệm vụ điều hành là cha Pietro Bovati, S.J., Tổng thư ký Uỷ ban.

Thông cáo cho biết Ðại hội sẽ thảo luận về một số đề tài liên quan đến nhân học Kinh Thánh.

Theo quy chế, Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh có nhiệm vụ “khuyến khích người Công Giáo học hỏi Kinh Thánh; dùng các phương tiện khoa học để phản bác những quan điểm sai lầm về Kinh Thánh; nghiên cứu và làm sáng tỏ các vấn đề còn đang tranh cãi và các vấn đề đang nảy sinh trong lĩnh vực Kinh Thánh”.