Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong cuộc gặp gỡ khoảng 800 cha sở Roma sáng ngày 2 tháng 3 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterno, Đức Thánh Cha khích lệ các vị vượt thắng những khó khăn và cám dỗ để tăng trưởng trong đức tin.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục truyền thống của các vị tiền nhiệm, gặp gỡ các cha sở trong giáo phận Roma vào thứ 5 sau lễ tro. Hiện diện tại buổi gặp gỡ cũng có Đức Hồng Y Giám quản Agostino Vallini và các Giám Mục Phụ tá.
Đến nơi vào lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha đã giải tội cho khoảng 12 linh mục, trước khi bắt đầu bài suy niệm từ lúc 11 giờ 50 về đề tài: “Sự tăng trưởng đức tin trong đời sống linh mục”. Ngài cho biết đã soạn bài suy niệm thành một tập nhỏ và sẽ tặng cho các linh mục để suy niệm riêng và chỉ trình bày một số phần trong tập này.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng cám dỗ là điều vẫn luôn hiện diện trong đời sống của Simon Phêrô. Thánh nhân đích thân tỏ cho chúng ta thấy cách thức tiến triển trong đức tin qua việc tuyên xưng và để cho mình bị thử thách, và qua đó cả tội lỗi cũng đi vào sự tiến bộ của đức tin.
Đức Thánh Cha nói: “Phêrô đã phạm tội nặng nề là chối Chúa - vậy mà Chúa chọn Phêrô làm Giáo Hoàng. Điều quan trọng đối với một linh mục là biết đưa những cám dỗ và tội lỗi của mình vào trong khuôn khổ kinh nguyện của Chúa Giêsu để đức tin của chúng ta không bị suy yếu, nhưng trưởng thành và giúp củng cố đức tin của những người được ủy thác cho sự chăm sóc của linh mục”.
Theo chiều hướng trên đây, Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục hãy tránh thái độ chủ bại: “Cảm thức thất bại làm cho chúng ta trở thành những người bi quan, bất mãn, và không hăng say phấn khởi, thành những người có bộ mặt rầu rĩ. Đó là một trong những cám dỗ nghiêm trọng nhất, bóp nghẹt lòng nhiệt thành và sự táo bạo.. Không ai có thể khởi sự một trận chiến nếu trước đó không tín thác hoàn toàn nơi chiến thắng. Ai bắt đầu mà thiếu tin tưởng, thì đã thất bại trước một nửa trong trận chiến và chôn vùi những tài n-ăng của mình”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Cho dù ý thức đau thương về sự mong manh của mình, cần phải tiếp tục tiến bước, không coi mình là đã thất bại, và hãy nhớ điều Chúa nói với thánh Phaolô: 'Ơn Cha đủ cho con; thực vậy, sức mạnh được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu đuối'.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “chiến thắng của Kitô hữu luôn luôn là một thập giá, nhưng thập giá ấy đồng thời là lá cờ chiến thắng, ta mang ngọn cờ ấy với một trận chiến dịu dàng chống lại những cuộc tấn công của sự ác. Tinh thần xấu xa của sự thất bại là anh em chiều theo cám dỗ muốn tách rời trước thời hạn lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cỏ này vốn là sản phẩm của thái độ lo lắng thiếu tin tưởng và coi mình là trung tâm điểm”.
Đức Thánh Cha cũng nói: “Tôi thích lập lại rằng một linh mục hoặc một giám mục không cảm thấy mình là người tội lỗi, không xưng thú, mà chỉ khép kín co cụm vào mình, thí không tiến triển trong đức tin. Nhưng cần chú ý làm sao để sự xưng tội và phân định những cám dỗ của mình bao gồm và để ý tới ý hướng mục vụ mà Chúa muốn mang cho các vị”.
Bài suy niệm của Đức Thánh Cha dài 50 phút, sau cùng, ngài cũng tặng cho mỗi linh mục cuốn sách phỏng vấn vị linh mục 90 tuổi dòng Capuchino ở Buenos Aires chuyên giải tội và luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ. Cuốn sách mang tựa đề “Đừng sợ tha thứ”
2. Sandro Magister nhận xét việc kết thúc phát thanh Radio Vatican trên sóng ngắn là một sai lầm
Trong khi Tòa Thánh tiến dần đến việc chấm dứt phát thanh Radio Vatican trên sóng ngắn, các đài truyền hình khác lại đang đẩy mạnh sự tham gia của họ trong lĩnh vực sóng ngắn. Ký giả Sandro Magister của tờ L'Espresso đã đưa ra nhận định trên.
Trong một động thái nhằm cắt giảm chi phí và đẩy mạnh việc sử dụng internet, Đức Ông Dario Viganò, vụ trưởng vụ Truyền thông của Vatican, đã cắt chương trình phát trên sóng sóng ngắn của Radio Vatican, mà trong một thời gian dài đã là hoạt động trung tâm của Radio Vatican. Tuy nhiên, Magister nhận xét rằng phát thanh trên sóng ngắn có một “khả năng độc đáo là mang đến tiếng nói chân thực và tự do ngay cả ở các vị trí địa lý và chính trị khắc nghiệt và thù địch nhất của thế giới.”
Nhà báo Ý chuyên tường thuật về các vấn đề liên quan đến Vatican báo cáo rằng các đài truyền hình khác đang mở rộng dịch vụ sóng ngắn của họ. BBC đã đầu tư 85 triệu bảng Anh, tức là gần 105 triệu Mỹ Kim trong một nỗ lực mở rộng công suất sóng ngắn của đài này. Trong khi đó mạng lưới phát thanh và phát hình NHK của Nhật Bản đã hỏi mua các đài phát thanh tại Santa Maria di Galeria, ngay bên ngoài Rôma, mà Radio Vatican sẽ không còn sử dụng nữa.
3. Cha Giulio Michelini vị giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong những ngày này, từ Chúa Nhật mùng 5 tới thứ Sáu mùng 10 tháng 3, cha Giulio Michelini, dòng Anh em hèn mọn Phanxicô, giảng tĩnh tâm mùa Chay cho Ðức Thánh Cha Phanxicô và các nhân viên Trung Ương Toà Thánh tại nhà tĩnh tâm Divino Maestro tỉnh Ariccia cách Roma 37 cây số. Ðề tài cho cuộc tĩnh tâm là “Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu”.
Cha Michelini sinh năm 1963 tại Milano bắc Italia, gia nhập Dòng Anh em hèn mọn Phanxicô năm 1986. Năm 1987 thầy Michelini mặc áo dòng và làm nhà tập tại đan viện San Damiano ở Assisi, khấn trọn năm 1992, và thụ phong linh mục năm 1994. Trong thời gian học tại Học viện thần học Assisi cha đã có linh mục Giuseppe Betori như giáo sư kinh thánh. Năm 1997 cha lấy bằng tiến sĩ ngữ học và văn chương ngoại quốc tại đại học Perugia. Tiếp đến năm 2008 cha lấy bằng tiến sĩ thần học kinh thánh tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Cha cũng đã sống 3 năm tại Giêrusalem cho tới năm 2007.
Từ năm 1993 tới năm 1996 cha Michelini đã là giám đốc cư xá sinh viên Monteripido ở Perugia và cộng tác tích cực với các Tổng Giám Mục Ennio Antonelli và Giuseppe Chiaretti. Cha cũng đã là giáo sư các môn dẫn nhập và chú giải Thánh Kinh Tân Ước tại Học viện thần học Assisi, và là giám đốc nguyệt san Convivium Assisiense. Năm 2014 cha được chỉ định là giáo sư kinh thánh thực thụ của học viện thần học Assisi. Trong các năm 1997-2001 cha cũng trợ giúp văn phòng tổng thư ký của Hội Ðồng Giám Mục Italia. Từ năm 2011 tới 2017 cha là bề trên tu viện Farneto. Cha cũng là giám đốc văn phòng tông đồ kinh thánh của giáo phận Perugia - Città della Pieve.
Cha Michelini là tác giả của vài cuốn sách và bài khảo luận như: “Máu của giao ước và sự cứu rỗi người tội lỗi. Một đọc hiểu mới hai chương 26-27 Phúc Âm thánh Mátthêu” (2010); “Nicola da Lira và việc chú giải do thái (2013); Mátthêu”. “Chú giải. Dẫn nhập, bản dịch và chú giải” 2013); “Một ngày với Chúa Giêsu. Một ngày tại Capharnaum theo thánh sử Marcô” (2015); “Bài thánh thi của mọi thánh thi. Niềm vui của tương quan nam nữ” (2016).
Cha Giulio Michelini là giáo sư chú giải kinh thánh tân ước tại Học viện thần học Assisi và là tuyên uý Phong trào Giáo Hội dấn thân thăng tiến văn hóa. Cha cũng hoạt động mục vụ trong lãnh vực kinh thánh, hướng dẫn các cặp vợ chồng kitô, và đặc trách việc huấn luyện các ứng viên Phó tế vĩnh viễn trong giáo phận Perugia-Città della Pieva. Cha là chuyên viên nghiên cứu Phúc Âm thánh Mátthêu và đặc biệt nghiên cứu về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.
4. Khoảng 1.4 triệu trẻ em Phi châu đang bị đe dọa chết vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
Ông Anthony Lake, tổng giám đốc UNICEF báo động rằng khoảng 1.4 triệu trẻ em Phi châu đang bị đe dọa chết vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng tại Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen.
Ông nói: Thời gian đang sắp hết hạn đối với hơn 1 triệu trẻ em. Nhưng chúng ta vẫn còn có thể cứu vớt bao nhiêu mạng sống. Nạn thiếu dinh dưỡng trầm trọng thường do con người tạo ra. Tình thế hiện nay đòi hỏi cấp thiết hành động. Chúng ta không thể nào để cho thảm kịch chết đói tại vùng Sừng Phi châu hồi năm 2011 lại tái diễn lần nữa.
Tại Nam Sudan, một quốc gia đang bị chiến tranh, nghèo đói và bất an ngự trị, có trên 270 ngàn trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng. Tại một vài lãnh thổ thuộc mạn trung bắc bang Unity, chính quyền đã chính thức nhìn nhận tình trạng đói kém. Tại đây có hơn 20 ngàn trẻ em sinh sống. Nếu không ai làm gì cả để ngăn chặn nạn đói kém lan tràn, con số người thiếu thực phẩm sẽ từ 4.9 triệu lên đến 5.5 triệu người vào tháng 7 năm 2017, là mùa khô hạn tại nước này.
Tại Somalia, nạn hạn hán đang đe dọa dân chúng nơi đây đã từng là nạn nhân của cuộc chiến tranh kéo dài bao nhiêu năm. Khoảng 1 nửa dân số toàn quốc, chừng 6.2 triệu người đang phải đối diện với tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng và cần được trợ giúp nhân đạo khẩn cấp. Trong năm 2017, người ta dự trù có 185 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng và trong những tháng tới đây con số này có thể lên đến 270 ngàn em.
Từ nhiều tháng gần đây, Somalia bị hạn hán trầm trọng nhất là tại vùng Puntland và Somaliland. Ðây là trận hạn hán tàn hại nhất từ dạo năm 1950. Dân chúng nhất là trẻ em bị đói khát, nhiều người không có gì ăn trong nhiều ngày liên tiếp. Giới chăn nuôi buộc lòng phải cho súc vật ăn giấy các tông với hy vọng giữ chúng sống còn qua ngày. Tại một vài nơi nước uống đã tăng giá cao gấp 15 lần, và giá nhiều loại thực phẩm khác cũng thế.
5. Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa xuất bản tập sách “24 giờ cho Chúa”
Nhiều giáo phận trên thế giới tiếp tục cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” cả sau khi Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc vì những ích lợi thiêng liêng của sáng kiến này. Vì thế, Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa đã xuất bản một tập sách hướng dẫn mục vụ dày 63 trang dành cho sáng kiến “24 giờ cho Chúa”.
Trong Tông thư kết thúc Năm Thánh lòng thương xót hồi tháng 11 năm ngoái, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng “bí tích hòa giải phải giành lại vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu ... Một cơ hội thuận lợi cho điều này có thể là việc cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa, được tổ chức gần Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này đã được thiếp lập tại nhiều giáo phận, và có giá trị mục vụ lớn trong việc khích lệ một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về bí tích giải tội”.
Các buổi cử hành sẽ bao gồm việc suy niệm Lời Chúa, cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chặng đàng Thánh giá, và đặc biệt nhất là lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.
Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha viết:
“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”
Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ sẽ được cử hành tại Rôma vào chiều ngày thứ Sáu 17 tháng Ba. Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 5h chiều.
6. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng
Hôm thứ Sáu mùng 3 tháng Ba, ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia trong Liên hiệp châu Âu vào ngày 24 tháng 3.
Cuộc gặp gỡ được tổ chức nhân dịp các vị này đến Rôma tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 60 Hiệp ước Rôma, thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Tổ chức này sau đó đã phát triển thành Liên Hiệp Âu Châu.
Từ 6 quốc gia sáng lập ban đầu là Bỉ, Pháp, Tây Đức, Ý, Lục Xâm Bảo và Hà Lan, Liên Hiệp Âu Châu ngày nay gồm có 28 quốc gia thành viên, trải dài trên một diện tích rộng 4,475,757 cây số vuông với một dân số lên đến 510 triệu dân.
7. Các thành viên phong trào Công Nhân Công Giáo phá hoại thánh giá tại nghĩa trang Toowong, Brisbane, Australia
Trong một diễn biến gây đau lòng cho nhiều người, một số thành viên của phong trào Công Nhân Công Giáo đã phá một thánh giá tại nghĩa trang Toowong, ở Brisbane, Australia, vào ngày Thứ Tư Lễ Tro.
Cây thánh giá bị phá có tên là “Thập giá của hy sinh”, được dựng tại đây vào năm 1924, nhằm vinh danh những người lính chết trong thế chiến thứ nhất.
Jim Dowling, người cầm đầu vụ phá hoại này nói:
“Chúng tôi đến đây ngày hôm nay để ăn năn về tất cả các cuộc chiến tranh được Giáo Hội ban phép lành. Chúng tôi đến để loại bỏ các thanh kiếm khỏi thập giá mà Đấng Cứu Thế của chúng ta đã bị đóng đinh”.
Một phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Brisbane cho biết rằng những kẻ phá hoại không có mối quan hệ nào với tổng giáo phận và nghĩa trang Toowong “có ý nghĩa với gia đình và bạn bè của những người quá cố. Nghĩa trang này phải được đối xử với sự tôn trọng.”
Thực ra, có những cuộc chiến tranh là chính đáng nhằm bênh vực lẽ phải và cứu vớt những người vô phương thế tự vệ. Trước đây 8 thế kỷ, Thánh Tôma Aquinô, người tiếp nối công trình của Thánh Augustinô và các luật gia thời trung cổ, đã khai triển chi tiết các tiêu chuẩn đến nay vẫn còn giá trị hay các điều kiện cho một cuộc chiến tranh chính đáng như sau: chiến tranh phải được một thẩm quyền hợp pháp tuyên bố, chứ không phải bất cứ công dân hay nhóm riêng rẽ nào; thứ hai là nguyên cớ phải chính đáng; và thứ ba là chiến tranh phải được tuyên bố với ý hướng ngay lành, nghĩa là nhằm cổ vũ sự thiện, hay tránh sự ác; điều này loại bỏ bất cứ hành động chiến tranh nào nhằm trả thù, hận thù và bất kỳ lý do tương tự như thế.
8. Sáng kiến tại Luân Đôn nhằm nhớ đến những người đau ốm trong Mùa Chay
Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư trên dụ ngôn người đàn ông giàu có và ông Ladarô. Sứ điệp này là nguồn cảm hứng cho nhiều hoạt động bác ái Mùa Chay của tổng giáo phận Westminster, Anh Quốc.
Hàng ngàn hoa thuỷ tiên vàng thủ công đã được đặt trong khuôn viên của Nhà thờ Thánh Phaolô ở London đánh dấu sự ra mắt của một chiến dịch bác ái Mùa Chay dành cho những người mắc những căn bệnh hiểm nghèo.
Một vị trong ban tổ chức cho biết “có 2100 hoa thuỷ tiên vàng đã được đặt tại đây như một ánh sáng hắt vào những mảnh đời đau khổ vì bệnh tật.”
9. Ngày thứ Tư Lễ Tro đẫm máu tại Kabun
Thủ đô Kabun của Afghanistan hay còn gọi là A Phú Hãn đã trải qua ngày thứ Tư Lễ Tro kinh hoàng với hai cuộc tấn công khủng bố. Cuộc tấn công thứ nhất diễn ra tại một quân trường. Trong khi cuộc tấn công thứ hai diễn ra sau đó 20 phút nhắm vào trung tâm tình báo của Afghanistan. 37 người bị thương trong cuộc tấn công thứ nhất. Một người chết và 2 người khác bị thương trong cuộc tấn công thứ hai.
Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, khủng bố Hồi Giáo Taliban nói rằng chúng đã tấn công vào cảnh sát, quân đội và các cơ quan tình báo.
Một tiếng nổ rất lớn vang vọng trên toàn vùng thủ đô tiếp theo với những tiếng súng giao tranh giữa các lực lương an ninh và một số tên khủng bố chưa biết là bao nhiêu. Các viên chức cho biết hàng chục người bị thương.
Các lực lương chính phủ cố gắng chế ngự bọn khủng bố Taliban từ khi liên minh do Nato dẫn đầu kết thúc các hoạt động quân sự vào năm 2014.
Hoa Kỳ cho biết chính quyền Afghanistan chỉ cón kiểm soát nổi chưa tới 60% lãnh thổ mặc dù các thủ phủ chính vẫn còn trong phạm vi kiểm soát của họ.
10. Quốc vương Saudi kêu gọi người Hồi Giáo hiệp nhất trong cuộc chiến chống khủng bố
Hôm thứ Tư Lễ Tro, Vua Ả Rập Saudi là Salman đã hạ cánh tại Jakarta, Indonesia trong một chuyến thăm lịch sử - với một đoàn tùy tùng lên đến 1500 người.
Dù chỉ ở thăm Indonesia có 12 ngày, nhà vua mang theo 459 tấn hành lý được 27 chuyến bay chở tới Jakarta và 9 chuyến bay chở đến Bali.
Trong chuyến viếng thăm lịch sử này nhà vua kêu gọi người Hồi Giáo hiệp nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Vua Salman nói:
“Trong thực tế, những thách đố mà chúng ta và phần còn lại của thế giới đang phải đương đầu vào thời điểm này, đặc biệt đối với người Hồi Giáo là nạn khủng bố và sự thiếu tôn trọng đối với các quốc gia của chúng ta, cũng như sự can thiệp vào các công việc nội bộ của chúng ta. Các quốc gia chúng ta đòi chúng ta phải hiệp nhất khi đối diện với các thách đố này”.
Vua Salman đã nói như trên trong cuộc viếng thăm Hạ Viện Indonesia như một phần trong cuộc viếng thăm kéo dài 12 ngày đến Indonesia.
Indonesia là quốc gia có đa số người theo Hồi Giáo lớn nhất thế giới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Hòang Gia Arab Saudi sau gần 50 năm.
11. Lễ hội tạ ơn chiến thắng hải tặc của người dân Croatia
Một ngày trước thứ Tư Lễ Tro, trong một lễ hội đầy màu sắc, người dân Croatia trên đảo Lastov ngoài khơi biển Adriatic đã cử hành lễ tạ ơn chiến thắng hải tặc. Một trong những cảnh được nhiều người chờ đón là cảnh một con rối trượt từ trên cao xuống trên một sợi dây thừng trong khi pháo nổ dòn dã ở đôi chân của nó. Petar Glumac, nói: “Đối với tôi, và có lẽ với tất cả cư dân đảo trên Lastovo, lễ hội này rất có ý nghĩa với chúng tôi. Chúng tôi chờ đợi suốt năm ngày hội này, và đối với chúng tôi đó là một điều thân yêu nhất và quý giá nhất mà chúng tôi có.”
Truyền thống, có từ thế kỷ thứ 16 này, dựa trên một câu chuyện về cuộc phòng thủ thành công hòn đảo này chống lại một cuộc tấn công của cướp biển. Cư dân trên đảo coi lễ hội này như một phần trong bản sắc văn hóa của họ. Lễ hội kéo dài cả ngày, với nam giới mặc trang phục truyền thống, keo các thanh kiếm gỗ tham gia một cuộc diễu hành. Sau đó, họ nhảy muá với các thanh kiếm tại quảng trường chính.
12. Ai Cập tha bổng cựu tổng thống Hosni Mubarak
Tòa án Ai Cập đã quyết định tuyên bố trắng án cho cựu tổng thống Hosni Mubarak trong phiên xử về cáo buộc cho rằng ông Hosni Mubarak phải chịu trách nhiệm về việc giết hại những người biểu tình. Đây là phán quyết chung thẩm nên sau phán quyết này Hosni Mubarak được trả tự do.
Phiên xử liên quan đến sự dính líu của ông trong việc giết hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy Ả rập vào năm 2011 dẫn đến việc chấm dứt 30 năm cầm quyền của ông này.
Tòa cũng bác bỏ yêu cầu của các luật sư cho các nạn nhân đang đòi mở lại các phiên tòa dân sự. Như thế, sẽ không có các phiên tòa nào xét xử ông Hosni Mubarak trong tương lai.
Viên cựu tổng thống 88 này trước đó đã bị tuyên án tù chung thân vào năm 2012 dưới thời Mohammed Morsi, lãnh tụ nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, về tội âm mưu giết hại 239 người biểu tình.
13. Tình trạng tội phạm có tổ chức gia tăng kinh hoàng tại Mễ Tây Cơ
11 thi thể đã được tìm thấy trong một khu du lịch tại Veracruz, Mễ Tây Cơ. Trên một số thi thể, người ta tìm thấy những dấu vết bị tra tấn. Các thi thể được tìm thấy gần một chiếc xe hơi bị báo cáo là bị đánh cắp trước đó.
Các viên chức nói họ tin rằng các vụ giết người này có liên quan đến những nhóm tội phạm có tổ chức.
Veracruz là hang ổ của các trùm mua bán ma túy đối thủ tranh giành thị trường với nhau. Hai linh mục đã biết tại đây trong năm ngoái 2016.
Những vụ giết người này đã xảy ra đúng ngày thứ Tư Lễ Tro, và chỉ một ngày sau khi chính quyền nói họ sẽ gởi cảnh sát liên bang đến khu vực trong một cố gắng nhằm vãn hội trật tự tại một trong những vùng bạo lực nhất quốc gia.
Tình trạng an ninh tại Mễ Tây Cơ đã xuống dốc với hơn 20,000 vụ giết người được ghi nhận trong năm 2016.
14. Dân tị nạn lũ lượt bỏ trốn khỏi phía Tây Mosul
Một dòng người tị nạn ngày càng đông đảo đã chạy thoát được khỏi phần phía tây Mosul, nơi các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng an ninh Iraq và bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang diễn ra, trong khi Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng phụ nữ và trẻ em đã bị tiếp xúc với khí độc của một thứ vũ khí hóa học.
Bộ Nội vụ Iraq cho biết chỉ trong đêm thứ Năm 2 tháng Ba đến sáng thứ Sáu 3 tháng Ba, 14,000 người đã bỏ trốn khỏi phần phía Tây Mosul. Đây là làn sóng di tản lớn nhất sau khi chiến dịch giải phóng phía tây Mosul được khởi sự hôm 19 tháng Hai.
Tổng số người tị nạn kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự này đã lên đến 46,000 người.
Trước đó, theo ước lượng của Liên Hợp Quốc, khoảng 4.000 dân thường đã chạy trốn khỏi thành trì cuối cùng của quân khủng bố Hồi Giáo IS mỗi ngày.
15. Trong 5 năm qua, Hoa Kỳ và Nga cung cấp hơn một nửa tổng lượng vũ khí đang lưu hành trên toàn thế giới
Ðầu tuần qua, viện nghiên cứu SIPRI, có trụ sở tại Stockholm đã công bố phúc trình cho thấy rằng trong 5 năm gần đây, hai nước Hoa Kỳ và Nga đã cung cấp hơn một nửa tổng lượng vũ khí đang lưu hành trên toàn thế giới. Ðây cũng chính là khoảng thời gian mà các dịch vụ buôn bán khí giới lên đến điểm cao nhất từ sau cuộc chiến tranh lạnh.
Phúc trình của SIPRI cho biết các vũ khí nhập cảng gia tăng mạnh tại Á châu và vùng Trung Ðông. Các nước mua nhiều vũ khí nhất là Ấn Ðộ, chiếm 13% và Arap Saudi 8% tổng lượng vũ khí bán ra trong những năm từ 2012 đến 2016. Chính quyền Ryad, đang chiến đấu chống phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ trên lãnh thổ Yemen đã tăng gấp 3 lần số lượng vũ khí nhập cảng trong 5 năm từ 2007 đến 2011.
Còn Ấn Ðộ đã mua từ Nga 68% số lượng vũ khí nhập cảng, tức gấp 5 lần số lượng vũ khí mua từ Hoa Kỳ.