Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một diễn biến đáng kinh ngạc, một linh mục Công Giáo Việt là người đã chạy trốn cộng sản sang Mỹ sau chiến tranh Việt Nam đã viết thư cho Tổng thống Trump xin “nhường lại” quốc tịch Mỹ của ngài để ông Trump có thể trao cái quốc tịch ấy cho một người tị nạn Syria, trong số những người bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo một sắc lệnh gây nhiều tranh cãi của Tổng thống liên quan đến Syria và sáu quốc gia Hồi giáo khác.
Cha Nguyễn Hoài Chương, một thành viên của dòng Salêdiêng, cũng nói ông Trump rằng ngài sẽ yêu cầu bề trên của mình cho phép sang làm việc mục vụ tại một trong bảy quốc gia trong danh sách bị cấm.
Trong thư viết cho tổng thống, cha Chương, đang làm mục vụ cho cộng đồng Việt ở Los Angeles và điều hành một trung tâm thanh niên Công Giáo ở đó, viết: “Vâng! Tôi là một người tị nạn. Tôi là một người Mỹ và tôi đã đóng góp cho nước Mỹ tuyệt vời này theo cách riêng của tôi trong 42 năm qua kể từ khi tôi được cấp quy chế tị nạn tại đất nước tuyệt vời này. Nhưng bây giờ, tôi muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ của tôi và yêu cầu tổng thống ban nó cho một người tị nạn Syria”
“Tôi chắc chắn rằng họ, cũng giống như tất cả những người tị nạn khác, sẽ không lãng phí món quà của cuộc sống này. Ngoài ra, tôi tin rằng cùng với con cháu của họ, họ sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại”.
Bức thư đã được đăng hôm thứ Sáu 10 tháng 2 trên tạp chí Công Giáo Commonweal bởi Peter Steinfels, một trí thức và là ký giả kỳ cựu trong chuyên mục tôn giáo của tờ New York Times. Một người bạn của Steinfels đã gửi bức thư này cho ông.
Bức thư đề ngày 27 tháng Giêng, ngày bắt đầu năm mới Âm Lịch, một thời gian của hy vọng và các lễ lạc kỷ niệm, như cha Chương ghi nhận.
Nhưng cũng vào đúng ngày đó ông Trump đã ký sắc lệnh ngăn chặn những người tị nạn từ 7 nước như là một phần trong kế hoạch “cấm” người Hồi giáo vào Hoa Kỳ - một động thái mà ông tin sẽ giữ cho Hoa Kỳ được an ninh và tránh được các cuộc tấn công khủng bố.
Các nhà phê bình lưu ý rằng người tị nạn gần như không bao giờ phạm vào các tội tấn công khủng bố và , như CNN ghi nhận, “thủ phạm chính của các vụ tấn công khủng bố lớn chủ yếu lại chính là các công dân Hoa Kỳ được sinh ra tại Mỹ hoặc có quyền cư trú hợp pháp vĩnh viễn từ các nước không nằm trong lệnh cấm này.”
Một tòa án phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết nói lệnh cấm của Trump là trái hiến pháp và chính quyền được báo cáo là đang tìm cách đưa vụ này ra Tòa án tối cao hoặc sửa đổi lại sắc lệnh với hy vọng nó sẽ được những tòa án thấp hơn cho phép.
Khi cha Chương đọc sắc lệnh này, ngài đã viết cho tổng thống, “lòng tôi nặng trĩu”
Cha Chương đã trình bày với tổng thống những chi tiết cuộc hành trình gian khổ của ngài khi rời Việt Nam vào năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn “thuyền nhân” khác, khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam sau khi Mỹ rút lui.
Cha mẹ của cha Chương đã đưa các con, ở độ tuổi từ 6 đến 21, ra đi trên một chiếc thuyền chật chội không có thuyền trưởng, với một ít thức ăn và nước uống. Một tuần sau đó, dưới sự hộ tống của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, họ đã đến một nơi an toàn ở Phi Luật Tân. Hàng trăm ngàn người khác đã bị chết đuối khi cố gắng thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam.
Cha Chương viết: “Trở thành một người tị nạn là một lựa chọn bất đắc dĩ khi người không còn lựa chọn nào khác”.
Sau đó, cha Chương kể lại cách thức ngài đến được Hoa Kỳ, trở thành một linh mục và cống hiến cuộc sống cho việc xây dựng một đất nước đã mở rộng vòng tay với ngài và những người khác.
Bây giờ, cha Chương nói ngài sẵn sàng nhường lại quyền công dân của mình cho một người tị nạn khác, nếu ông Trump cho phép.
Cho đến ngày thứ Bẩy 11 tháng Hai, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa có thư trả lời cho cha Chương. Các quan sát viên cũng không biết liệu việc “nhường lại quyền công dân” này có khả thi hay không theo luật pháp Hoa Kỳ.
2. Bắc Kinh tuyên bố chẳng có thỏa thuận gì với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục
Một quan chức cấp cao Trung Quốc đã nói thẳng thừng rằng chế độ Bắc Kinh chẳng có thỏa thuận gì với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục; và bác bỏ mọi khả năng công nhận các Giám Mục thầm lặng.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post, Lưu Bách Niên, người đứng đầu Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, nói các giám mục “thầm lặng” (tức là những vị được Tòa Thánh công nhận nhưng cộng sản không nhìn nhận như các Giám Mục) là “không thích hợp để làm việc với đảng cộng sản”.
Lưu Bách Niên thường được gọi là “giáo hoàng đen” ở Trung quốc vì y có toàn quyền trong việc bổ nhiệm và tấn phong các giám mục.
Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đã tung ra một bài viết vào ngày 9 tháng Hai vừa qua với nhan đề “Tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc - Vatican từ quan điểm Giáo Hội học”. Trong bài viết này ngài cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục đã gần kề, Vatican sẽ nhìn nhận các giám mục Trung quốc được tấn phong trái phép trong thời gian qua, ngược lại cộng sản Bắc Kinh sẽ nhìn nhận các giám mục “thầm lặng”. Phản ứng lại bài viết này, Lưu Bách Niên nói đó chỉ là những suy đoán vô căn cứ của riêng Đức Hồng Y Thang Hán.
Đức Hồng Y Thang Hán cũng đã cho rằng Hiệp hội Yêu nước, từ trước đến nay vẫn có một quyền bính tuyệt đối trên Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, có thể được biến đổi thành một tổ chức tự nguyện. Lưu Bách Niên chế giễu ý tưởng đó và nói rằng: “Một đề nghị như thế chưa từng được nghe thấy trên đại lục này”.
3. Tổng giáo phận Lahore, Pakistan đóng cửa tất cả các nhà thờ và trường học để phản đối một vụ tấn công khủng bố
Sau khi một kẻ đánh bom tự sát giết chết ít nhất 13 người và làm bị thương 85 người khác trong một cuộc tấn công kinh hoàng hôm thứ Hai 13 tháng Hai bên ngoài trụ sở Quốc Hội bang Punjab ở Lahore, Pakistan, các nhà lãnh đạo Công Giáo đã phản ứng với sự phẫn nộ và quan tâm. Tất cả các trường học và thậm chí cả các nhà thờ ở Lahore đã bị đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa.
Jamat-ul-Ahrar, một nhóm trong phe Taliban Pakistan đã tuyên bố chịu trách nhiệm trong vụ tấn công diễn ra trong cuộc biểu tình của Hiệp Hội Các Nhà Thuốc Tây và Các Dược Sĩ. Đây cũng chính là bọn khủng bố đã nổ bom tự sát tại công viên nơi các Kitô hữu tụ tập mừng lễ hôm Chúa Nhật Phục Sinh năm ngoái, giết chết 74 người gồm cả phụ nữ và trẻ em .
“Đây thực sự là một tin rất choáng váng và đau lòng khi thấy rằng một lần nữa Lahore đã trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố”, Cha James Channan, dòng Đa Minh, giám đốc Trung tâm Hòa bình Lahore nói.
“Pakistan đã là một mục tiêu dễ dàng cho các nhóm khủng bố trong nhiều năm qua. Tôi lên án hành động khủng bố này với những lời mạnh mẽ nhất”.
Cha Channan cũng đổ lỗi cho chính phủ Pakistan quá thờ ơ với các mối đe dọa và ngành an ninh Pakistan tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc ngăn ngừa các tai ương khủng bố cũng như truy bắt các nhóm khủng bố.
“Tôi coi đó là một thất bại của chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật. Các biện pháp an ninh đã không được thực hiện và những kẻ khủng bố đã không bị bắt”.
Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw Francis Lahore tương tự bày tỏ nỗi buồn sâu sắc đối với các nạn nhân và cầu nguyện cho các gia đình. Ngài nói:
“Với nỗi buồn chân thành và sâu sắc nhất, thay mặt cho Giáo Hội tại Pakistan Tôi thông cảm với tất cả các gia đình bị thương tổn vì hành động nhẫn tâm và độc ác của chủ nghĩa khủng bố”.
4. Tình cảnh của nông dân Iraq sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đánh bại
Sami Yuhanna đã có một cuộc sống khá giả trong việc canh tác lúa mì cho đến khi một nhóm thánh chiến Hồi Giáo kê súng vào đầu ông và tuyên bố đất đai của ông ở tỉnh Nineveh là tài sản của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.
Quân đội Iraq đã giải phóng được nửa phía đông của thành phố Mosul, và các thị trấn lân cận trong đó có ngôi làng Qaraqosh của Yuhanna. Nay Yuhanna có thể về lại với mảnh đất của ông và chứng kiến một cảnh hoang tàn.
Khủng bố và quản lý yếu kém, là đặc trưng cho hai năm cai trị của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tàn phá trung tâm nông nghiệp của Iraq nặng nề và làm trầm trọng hơn vấn đề an ninh lương thực của đất nước.
Yuhanna, trước đây có thể bán khoảng 100 tấn lúa mì mỗi năm, hiện đang sống trong một căn chòi nhỏ và lái xe taxi ở thủ đô Erbil của người Kurd để sống còn. Ông vẫn còn bị ám ảnh bởi những ngày bọn khủng bố Hồi Giáo IS ập đến.
“Họ lấy mất tất cả mọi thứ mà tôi sở hữu,” ông nói.
Nông dân lo sợ ngành nông nghiệp có thể mất nhiều năm để phục hồi, với máy kéo bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS lấy mất, mìn chưa nổ trong mảnh đất của họ và các cơ sở nông nghiệp bị thiệt hại do các cuộc không kích của liên quân đánh vào bọn khủng bố, là những kẻ bán các mặt hàng như lúa mì với giá rẻ mạt để tài trợ cho hoạt động của chúng.
Nineveh là khu vực nông nghiệp năng suất cao nhất của Iraq trước khi xuất hiện bọn khủng bố Hồi Giáo IS, với năng xuất khoảng 1.5 triệu tấn lúa mì trong một năm, tức là khoảng 21 phần trăm tổng sản lượng lúa mì của Iraq, và 32 phần trăm tổng sản lượng lúa mạch ở quốc gia này.
Ước tính có khoảng 70 phần trăm nông dân đã bỏ chạy khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công, và những người ở lại - hoặc là tham gia vào IS hoặc phải đóng thuế rất nặng.
Là một Kitô hữu, Yuhanna lãnh đủ những đau khổ do những kẻ cực đoan Sunni gây ra.
“Những người chống lại tôi, tất cả đều là người trong khu vực này. Tôi biết mặt từng người trong số họ. Họ tham gia vào Daesh.” Daesh là tiếng Ả rập chỉ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
5. Phục hồi các di sản văn hóa tại Aleppo
Aleppo là một trong những trung tâm văn hóa lịch sử lớn nhất Trung Đông, nơi đây đã từng là Hoàng Cung của một vương triều mạnh nhất Trung Đông. Tại đây có các nhà thờ và đền Hồi Giáo được xây từ thời Trung Cổ, nằm giữa các tòa nhà đẹp nhất của khu vực và là niềm tự hào của quốc gia cũng như tạo ra nguồn doanh thu du lịch cho Syria.
Trong đoạn video này chúng ta có thể thấy các tình nguyện viên đang thu dọn các tàn tích chiến tranh tại Khan al-Gumruk, một trong những nhà trọ từ thời Trung cổ.
Khoảng 30 phần trăm của thành phố cũ đã bị hư hại bởi thảm họa chiến tranh trong cuộc chiến kéo dài từ ngày 19 tháng 7 năm 2012 đến ngày 22 tháng 12 năm ngoái 2016.
Các viên chức của Bộ Văn Hóa chính phủ Syria nói với Reuters, sau cuộc viếng thăm lần đầu tiên thành phố này kể từ khi phiến quân đã bị buộc phải đầu hàng, rằng các quan chức đang thảo ra một kế hoạch để cứu những di tích văn hóa tại đây.
6. Các nỗ lực để phục hồi Aleppo
Một thành phố bị bom đạn tàn phá. Chính phủ Syria đang khôi phục lại một số cơ sở hạ tầng trong các khu vực của Aleppo. Có một sự yên hàn nào đó đang lơ lửng trên những đống đổ nát. Nhưng những vết sẹo của cuộc bao vây đẫm máu ở đây vẫn còn lại. Việc tái chiếm Aleppo là chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến của Tổng thống Bashar al-Assad cho đến nay. Nhưng để giành chiến thắng trong hòa bình, nhiều nỗ lực cần phải bỏ ra để tái thiết thành phố này. Feras Al-Shehabi, Giám Đốc Sở Công Nghiệp, nói
“Hiện nay, bạn có thể nói tình hình của chúng tôi rất tương tự như tình hình của Berlin vào năm 1945 hoặc của Tokyo vào năm 1946. Nó rất giống như thế. Trước mắt bạn là một thành phố bị phá hủy, bị phá hủy nặng nề, nhưng chúng tôi có một ý chí mạnh mẽ để tồn tại và một niềm tin mạnh mẽ trong tương lai”
Aleppo đã từng là trung tâm kinh tế của Syria. Theo thống kê năm 2010, khoảng một phần ba ngành công nghiệp của nước này đã có trụ sở tại Aleppo. Phục hồi lại Aleppo bây giờ là một ưu tiên đối với nhiều người. Nhưng nền kinh tế của Syria vẫn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
Aleppo vẫn còn bị bao quanh bởi các nhóm phiến quân, kết nối với các khu vực khác do chính phủ kiểm soát chỉ có một con đường độc đạo.
Thành phố đã bị chia thành 2 phần với phần phía Đông bị đánh bom, trong khi phần phía Tây Aleppo ít bị tàn phá bởi chiến tranh hơn. Hai phần bị chia cách trong gần bốn năm chiến đấu đang được kết nối bằng một chuyến xe lửa ngắn. Nhưng trong cuộc đấu tranh để phục hồi, vẫn có một hố ngăn cách rất lớn.
7. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lên tiếng chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương
Trưởng ban đối ngoại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra một bài diễn văn ở Fribourg, Thụy Sĩ, để đánh dấu kỷ niệm một năm cuộc họp lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Kirill ở Havana.
Sau khi thảo luận về tầm quan trọng của cuộc họp và xem xét sự phát triển đại kết trong năm qua, Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk đã quay sang tấn Công Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói:
“Không thể thiết lập hòa bình nếu Chính thống giáo và Công Giáo Đông phương không kết hợp các nỗ lực của họ để vượt qua những hận thù lịch sử. Một lần nữa, mặc dù các thỏa thuận đã đạt được ở cấp cao giữa Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo, vượt qua các khó khăn nghiêm trọng, Công Giáo Đông phương tại Ukraine vẫn gieo rắc hận thù và, có hệ thống và liên tục, gây trở ngại trong sự hòa giải giữa phương Đông và phương Tây”.
Căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chủ yếu là do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cũng như sự ủng hộ của Nga đối với các phiến quân muốn ly khai khỏi Ukraine.
8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng về tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông
Chủ tịch của ba ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Chủ tịch hội đồng quản trị của Catholic Relief Services, đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với các Kitô hữu ở Trung Đông và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.
Đức Tổng Giám mục William Lori (Chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn Giáo), Đức Giám Mục Oscar Cantu (Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa bình Quốc tế), Đức Cha Joe Vásquez (Chủ tịch Ủy ban về Di cư), và Đức Giám Mục Gregory Mansour (Catholic Relief Services) đã ra một tuyên bố chung như sau:
Một phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thăm Iraq gần đây và khẳng định một lần nữa rằng cần phải thẳng thắn minh định là tội diệt chủng các tội ác gây ra trên các Kitô hữu, những người Yezidis, người Hồi giáo Shiite, và các dân tộc thiểu số khác ở Syria và Iraq, dưới bàn tay của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”... Việc chú ý đặc biệt đến các nhóm thiểu số là điều cần thiết để hình thành các cộng đồng biết tôn trọng quyền của tất cả mọi người, bao gồm cả các thành viên của các nhóm thiểu số.
Các giám mục kêu gọi Hoa Kỳ “chấp nhận trách nhiệm thích đáng của nước ta đối với các gia đình thuộc tất cả các tôn giáo và sắc tộc dễ bị tổn thương nhất trong việc xét cho tái định cư người tị nạn, trong đó có việc xem xét đặc biệt các nạn nhân của nạn diệt chủng và các tội ác khác.”
Các giám mục cũng kêu gọi viện trợ phát triển của Mỹ cho khu vực Trung Đông, bao gồm cả hỗ trợ của Mỹ trong việc tăng cường an ninh và hệ thống tư pháp ở Iraq.