CHUYỆN KỂ VỀ MỘT NGƯỜI CHA

Ai cũng có một người cha huyết thống, do Thiên Chúa tín nhiệm trao ban sự sống và sắp xếp để chúng ta được sinh ra. Câu chuyện tôi kể dưới đây có thể đem lại một chút lạ lẫm và suy tư cho người đọc.

Người bạn của tôi kể về cha của cô như thế này: trước đây cha cô làm việc cho Toà Đại Sứ Mỹ tại sài Gòn trong thời kỳ chiến tranh. Ông làm trưởng văn phòng ở một bộ phận thông tin mà trách nhiệm chính là điều hành việc in ấn tài liệu, báo chí, tuyên truyền.

Nơi làm việc của ông, ngoài bàn của các nhân viên, ông còn có một phòng riêng với những giấy tờ, máy móc tân kỳ, tiện nghi; trái ngược với ngôi nhà lá vách đất ông ở đối diện với nhà thờ thì thiếu thốn đủ điều.

Ông còn tham gia một vài công việc nhà thờ. Ông và cha sở trẻ trạc tuổi nhau, có nhiều lần hàn huyên, có nhiều điều tâm đắc. Thỉnh thoảng ông mang máy chiếu phim về chiếu ở nhà thờ, những bộ phim của “thế giới tự do”, trẻ con thời đó rất đông, chúng say mê, còn cha sở và người lớn cũng rất thích những buổi chiếu “ xi-nê “ đó. Lúc ấy là thời điểm năm 1960.

Một ngày nọ, có phái đoàn Mỹ đến Việt Nam, cả văn phòng ông bận rộn ra sân bay đón tiếp. Những chiếc va-li đựng tài liệu và đồ dùng cá nhân trông rất giống nhau, xe hơi của ông đi lại như con thoi. Khi phái đoàn gồm những sĩ quan cao cấp đó đi công vụ ở các vùng chiến thuật, ông phát hiện trong phòng riêng có hai chiếc va-li lạ, có lẽ nhân viên nào đó để nhầm chỗ. Ông mở ra, một cái đựng tài liệu, va-li thứ hai làm ông choáng ngợp, tim đập mạnh: toàn là dollar. Những cọc tiền được xếp ngay ngắn, mới toanh.

Từ giây phút đó tâm trí ông xáo trộn với những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau, diễn tiến khó tả: ông muốn giàu có, sống nhàn hạ vì đây là tiền vô tội vạ, được chi tiêu trong chiến tranh. Có thiếu gì cách để ông chiếm doạt mà không ai biết. Ông muốn tặng cha sở một phần đủ để thay đổi nhà thờ gỗ đã mục. Ông muốn lập những cơ sở để thanh niên công giáo có việc làm. Ông phân vân không biết làm như thế có tội không?

Sau hai ngày trăn trở, ông quyết định gặp cha sở. Hai người trẻ không nói chuyện như bạn hữu mà cách nhau một vách ngăn của toà giải tội. Một bên là tiếng nói của Thiên Chúa, một bên là tâm tư của con người. Ong nghe văng vẳng tiếng Chúa nói những lời đơn sơ, khuyên ông phải công bằng; không dùng phương tiện xấu để làm việc tốt; tiền bạc bất chính không đem lại hạnh phúc… Khi giàu có, liệu ông có được bình an không? Các con ông có ngoan và gia đình ông có hạnh phúc không? Tương lai của người có trách nhiệm mang chiếc va-li đó vào Việt Nam ra sao?

Sau đó ông suy nghĩ nhiều hơn nhưng không bối rối nữa. Khi nhóm sĩ quan kia trở về, có một cái gì đó bất ổn trong họ. Ông hiểu và thực hiện ngay lời khuyên từ toà giải tội.

Vị xếp lớn ôm chầm lấy ông vui mừng. Họ mở tiệc chiêu đãi và tặng ông một huy chương có in hình con Ó; ông nhấp rượu Tây mà đầu óc còn lảng vảng hình ảnh chiếc va-li đầy tiền, ngôi nhà thờ gỗ và người vợ trẻ với ba đứa con còm cõi….

Cô bạn gái nhận xét:” Cha em không có điểm nào tài giỏi xuất sắc nhưng nhờ gắn bó với nhà thờ mà ông có những quyết định đúng đắn trong cuộc đời. Câu chuyện này có tác dụng giáo dục lớn đến những người con của ba “. Sau này, tôi được biết cha cô bạn là một ông trùm trong xứ đạo, con cái thành đạt và tuổi già của ông sung túc, êm đềm.

Tôi ngẫm nghĩ: đã có nhiều bài học cảnh báo người ta không nên ham tiền, đam mê sự giàu sang, nhưng trong thực tế có nhiều tình huống khác nhau, quả là khó nhận định. Tiền bạc như cục bột, để vào tay người này nó có hình thù khác, vào tay người kia hình dạng lại thay đổi. Từ bục giảng của nhà thờ, có nhiều lơi khuyên nên coi tiền là phương tiện. Nhưng suy cho cùng, phải có ơn Chúa, người ta mới hiểu được cần hành xử như thế nào thì tiền là ông chủ hay đầy tớ.