Sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể đạt được khi chúng ta nhìn nhận ân sủng của nhau và học hỏi lẫn nhau trong sự khiêm nhường. Đây là thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói với các đại diện của tất cả các Giáo Hội Kitô gặp nhau tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành vào chiều thứ Tư 25 tháng Giêng để bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài về chủ đề của tuần cầu nguyện năm nay, đó là “Hòa giải - Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cor 5: 14-20).

Hòa giải là một ân sủng từ Chúa Kitô. Trước khi có bất kỳ nỗ lực nào của các tín hữu muốn vượt qua những chia rẽ giữa họ với nhau, Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho mỗi người chúng ta ơn được hòa giải với Thiên Chúa. Chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa bằng giá máu của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa.

“Làm thế nào để chúng ta có thể loan truyền Tin Mừng của hòa giải ngày hôm nay sau bao nhiêu những thế kỷ chia rẽ?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. Thánh Phaolô nói rõ ràng rằng hòa giải đòi hỏi một sự hy sinh và một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã thí mạng sống của Ngài cho chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi để thí mạng sống mình, bằng cách sống không còn cho chính mình và lợi ích riêng tư của mình nữa, nhưng sống cho Chúa Kitô và trong Chúa Kitô.

Chào mừng đặc biệt Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện Tòa Thượng phụ Đại kết thành Constantinople và Đức Tổng Giám Mục David Moxon, đại diện cho Liên Hiệp Anh giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả những người có mặt hãy tận dụng mọi cơ hội để cùng nhau cầu nguyện, để cùng nhau tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô và để yêu thương và phục vụ cho nhau, đặc biệt là cho những người nghèo và bị bỏ quên giữa chúng ta.

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:


Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Damascus đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Thánh Phaolô. Từ nay trở đi, đối với ông, ý nghĩa của cuộc sống sẽ không chỉ giới hạn trong việc tin tưởng vào khả năng của riêng mình để giữ Luật một cách nghiêm chỉnh, nhưng thay vào đó là sự nhúng chìm toàn bộ con người của thánh nhân trong tình yêu khả ái và nhưng không của Thiên Chúa: của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại. Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm một cuộc vượt qua để có một cuộc sống mới, cuộc sống trong Chúa Thánh Thần. Bằng sức mạnh của Chúa Phục Sinh, ông đến với sự tha thứ, sự tự tin và niềm an ủi. Thánh Phaolô cũng không thể giữ sự mới mẻ này cho riêng mình. Ông bị buộc bởi chính ân sủng này là phải công bố Tin Mừng của tình yêu và hòa giải mà Thiên Chúa đã trao cho tất cả nhân loại một cách viên mãn trong Chúa Kitô.

Đối với vị Tông Đồ Dân Ngoại này, việc hòa giải với Thiên Chúa, là Đấng mà giờ đây ông trở thành một đại sứ của Ngài (x 2 Cor 5:20), là một ân sủng từ Chúa Kitô. Điều này thể hiện rõ trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta đã chọn để làm chủ đề của Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo năm nay: “Hòa giải - Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” (x 2 Cor 5: 14-20). “Tình yêu của Chúa Kitô” ở đây không phải là tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô, mà là tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta. Sự hòa giải mà chúng ta bị thôi thúc ở đây cũng phải chỉ đơn giản là sáng kiến riêng của chúng ta. Trước hết, đó là sự hòa giải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô. Trước khi có bất kỳ nỗ lực nào của các tín hữu muốn vượt qua những chia rẽ giữa họ với nhau, Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho mỗi người chúng ta ân sủng hòa giải với Thiên Chúa. Nhờ ân sủng này mỗi người chúng ta được tha thứ và được yêu thương, và đến lượt mình được mời gọi để loan báo Tin Mừng của sự hòa giải trong lời nói và hành động, để sống và làm chứng cho một cuộc sống hòa giải.

Ngày nay, trong bối cảnh này, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta loan truyền Tin Mừng của hòa giải sau nhiều thế kỷ chia rẽ? Thánh Phaolô giúp chúng ta tìm được con đường. Thánh nhân nói rõ ràng rằng hòa giải trong Chúa Kitô đòi hỏi sự hy sinh. Chúa Giêsu đã ban cuộc sống của Ngài khi chết cho tất cả chúng ta. Cũng vậy, trong danh Ngài, các đại sứ của hòa giải cũng được mời gọi hy sinh mạng sống của mình, để không còn sống cho riêng mình nhưng là cho Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại cho họ (x 2 Cor 5: 14-15). Như Chúa Giêsu đã dạy, chỉ khi chúng ta chịu mất đi mạng sống mình vì tình yêu dành cho Ngài thì khi đó chúng ta mới thực sự giữ được mạng sống mình (Lc 9:24). Đây là cuộc cách mạng Thánh Phaolô đã trải qua, nhưng nó là, và luôn luôn là, một cuộc cách mạng Kitô Giáo. Chúng ta sống không còn cho chính mình, cho lợi ích và “hình ảnh” riêng của mình, nhưng là hình ảnh của Đức Kitô, và cho Ngài và theo Ngài, với tình yêu và trong tình yêu của Ngài.

Đối với Giáo Hội, đối với mọi hệ phái Kitô, đây là một lời mời gọi đừng để mình bị đóng khung trong các chương trình, kế hoạch và lợi thế, đừng chỉ nhìn vào các triển vọng và thời trang của thời điểm hôm nay, nhưng phải liên tục hướng nhìn về thập giá của Chúa Kitô. Lúc đó, chúng ta mới có thể khám phá chương trình của cuộc sống chúng ta. Đó là một lời mời gọi bỏ lại sau lưng mọi hình thức của sự cô lập, để vượt qua tất cả những cám dỗ tự thu hút vào chính mình là điều ngăn cản chúng ta cảm nhận Chúa Thánh Thần đang hoạt động như thế nào bên ngoài môi trường quen thuộc của chúng ta. Sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể đạt được khi chúng ta nhìn nhận ân sủng của nhau và học hỏi lẫn nhau trong sự khiêm nhường và vâng phục, mà không cần chờ đợi những người khác tìm hiểu chúng ta trước.

Nếu chúng ta kinh nghiệm việc chết đi như thế vì Chúa Giêsu, con đường cũ của chúng ta sẽ chỉ còn là một điều trong quá khứ và, như Thánh Phaolô, chúng ta sẽ vượt qua và đến với một hình thức mới của cuộc sống và tình huynh đệ. Với Thánh Phaolô, chúng ta sẽ có thể nói rằng: “cái cũ đã qua rồi” (2 Cor 5:17).

Nhìn lại quá khứ là một điều hữu ích, và thực sự là cần thiết, để thanh tẩy ký ức của chúng ta, nhưng gắn bó với quá khứ, kéo dài trong ký ức những sai lầm đã được thực hiện và đã phải chịu đựng, cũng như phán xét chỉ trên phương diện con người mà thôi, có thể làm tê liệt chúng ta và ngăn cản chúng ta sống thời điểm hiện tại. Lời Chúa khuyến khích chúng ta rút ra sức mạnh từ ký ức và nhớ lại những điều tốt đẹp Chúa đã ban cho chúng ta. Nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta phải bỏ quá khứ lại đằng sau để đi theo Chúa Giêsu hôm nay và sống một cuộc sống mới trong Người. Chúng ta hãy để Chúa thực hiện tất cả những điều mới mẻ(x Rev 21: 5), để Người công bố trước mắt chúng ta một tương lai mới, mở cửa cho những hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng, một tương lai trong đó các chia rẽ có thể được khắc phục và các tín hữu, khi được đổi mới trong tình yêu, sẽ được viên mãn và hữu hình.

Năm nay, trong cuộc hành trình của chúng ta trên con đường tiến đến sự hiệp nhất, chúng ta nhớ lại cách riêng cuộc Cải Cách Tin Lành. Thực tế là người Công Giáo và Luther ngày nay có thể cùng tham gia kỷ niệm một sự kiện gây chia rẽ các Kitô hữu, và có thể làm như vậy với hy vọng, trong khi đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu và các việc ăn năn đền tội, là một thành tích đáng kể, có được là nhờ Thiên Chúa và những lời cầu nguyện, và nhờ năm mươi năm phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và đối thoại đại kết.

Khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho ân sủng hòa giải với Chúa và với nhau, tôi gửi lời chào thân ái và huynh đệ tới Đức Tổng Giám Mục Gennadios, là đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại kết, Đức Tổng Giám Mục David Moxon, là đại diện tại Rôma của Đức Tổng Giám mục thành Canterbury, và tất cả các vị đại diện cho các Giáo Hội khác cũng như các cộng đoàn Giáo Hội đang tập hợp ở đây. Tôi đặc biệt vui mừng chào đón các thành viên của Ủy ban hỗn hợp đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, và xin gởi lời chúc tốt đẹp cho thành quả các phiên họp khoáng đại đang diễn ra trong những ngày này. Tôi cũng chào đón các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang thăm Roma để đào sâu kiến thức về Giáo Hội Công Giáo; cũng xin gởi lời chào đến các sinh viên trẻ Chính Thống và Chính Thống Đông phương đang học ở Rome nhờ vào các học bổng được cung cấp bởi Ủy ban hợp tác văn hóa với các Giáo Hội Chính Thống, có trụ sở tại Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo. Với các vị bề trên và các nhân viên của Hội Đồng này tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn của mình.

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện của chúng ta cho sự hiệp nhất Kitô giáo là một sự chia sẻ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha, vào đêm trước cuộc thương khó của Ngài “xin cho tất cả họ có thể nên một” (Ga 17:21). Chớ gì chúng ta không bao giờ mệt mỏi cầu xin Chúa ân sủng này. Với niềm hy vọng kiên nhẫn và tín thác rằng Cha sẽ ban cho các Kitô hữu những ân sủng của sự hiệp thông hữu hình, chúng ta hãy dấn bước trong cuộc hành trình hướng về sự hòa giải và đối thoại, được khuyến khích bởi chứng tá anh hùng của nhiều anh chị em của chúng ta, trong quá khứ cũng như hiện tại, những người đã chịu đau khổ vì danh Chúa Giêsu. Cầu xin cho chúng ta có thể tận dụng tất cả mọi dịp mà Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta để cùng nhau cầu nguyện, để cùng nhau tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô và để yêu thương và phục vụ cho nhau, đặc biệt là cho những người nghèo và bị bỏ quên giữa chúng ta.