Tìm hiểu tập tục gia đình linh tông tại giáo phận Phát Diệm ngày xưa.
Linh tông: Hán Việt. Linh 灵: thiêng liêng. Tông 宗: tổ tiên, dòng họ như Đại Tông là dòng trưởng, Tiểu Tông dòng thứ, Đồng Tông: người cùng họ. Linh Tông: họ hàng dựa trên mối liên hệ thiêng liêng. Những người nhận cùng một linh mục đỡ đầu tự coi mình như có họ hàng với nhau theo liên hệ linh tông.
Linh Tông cũng như từ Linh Thao hay Linh Đạo là những đặc ngữ Công Giáo Việt Nam mới xuất hiện gần đây. Từ Linh Thao dịch từ tiếng Anh Spiritual Exercise. Từ Linh Đạo từ tiếng Spirituality. Riêng từ Linh Tông chưa được một từ điển nào liệt kê và giải thích. Linh tông là một tổ chức đã có từ rất lâu,tuy không phải là một tổ chức chính thức của Giáo Hội nhưng tập tục này được xã hội và Giáo Hội Việt Nam mặc nhiên thừa nhận.
Tổ Chức Gia Đình Linh Tông : Trong xã hội, khi người con trai đi lập gia đình thì ngay lúc đó một chi tộc mới được thành hình để nối dõi tông đường. Đối với Giáo Hội Công Giáo, khi một linh mục triều nhận bảo trợ ơn thiên triệu cho một người, thì gia đình linh tông bắt đầu thành hình để nối dõi sứ vụ linh mục. Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói gia đình linh tông xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ và người ta chỉ biết rằng trước những năm 1950, tại nhiều giáo phận, nhất là ở miền Bắc, gia đình linh tông hoạt động mạnh, góp phần tích cực vào việc đào tạo ơn kêu gọi linh mục, thầy giảng, nam nữ tu sĩ.
Ngày nay, thể chế linh tông đang phai nhạt dần và có nguy cơ biến mất theo sự thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, đưa đến hậu quả là thiếu linh mục tu sĩ trong tương lai. Do nguyên nhân này, chúng tôi thấy cần viết lại tập tục gia đình linh tông tại giáo phận Phát Diệm ngày xưa để thấy những ưu điểm của tổ chức này trong việc cổ vũ, duy trì và phát triển ơn kêu gọi tu trì.
Theo truyền thống, khởi đầu của một gia đình linh tông là khi vị linh mục triều bắt đầu tuyển chọn các em trai, tuổi từ 8 đến 10, thường là người ở trong xứ đạo, muốn đi tu mà đặc ngữ gọi là muốn “đi ở nhà thầy”. Lúc này cha xứ hay cha phó trở thành cha Bố, cha Nghĩa Phụ của một gia đình linh tông. Ban đầu các thiếu niên được đưa vào nhà xứ sinh sống, được tập cho giúp lễ, được dậy bảo để làm quen với nếp sống tu trì, được các thầy khai tâm cho bằng các bài học về chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ. Lúc này giáo dân trong xứ gọi các em là các “cậu”, một đặc ngữ xưng hô dành cho con các quan hay các gia đình giầu có. Ngày xưa, khi giấy tờ hộ tịch chưa triệt để áp dụng, cha mẹ có thể thay đổi tên con cái. Gia đình linh tông cũng vậy, để biểu lộ sự liên hệ “họ hàng”, cha bố có thể đổi tên con để người ngoài nhận biết các người đó cùng thuộc gia đình linh tông. Ví dụ cha bố tên Huy thì đổi tên các con là Hưởng, Hạnh, Hùng v.v…và các tên này trở thành tên chính thức của một người.
Về vấn đề chi phí ăn ở và giáo dục, “Nhà Quê”, tức gia đình của cha mẹ đẻ, chỉ phụ giúp phần nào, còn đa số chi phí khác đều do cha bố bao bọc vì cha xứ có quyền sử dụng nguồn lợi của giáo xứ để nuôi dưỡng các người đi tu hay làm việc trong nhà xứ.
Sau một hai năm sống trong nhà xứ, thấy cậu nào thích hợp đời sống tu trì, có khả năng học hành giỏi, cha bố gửi đi học ở Trường Thử tại Trì Chính. Tai đây cậu được thử thách trong một hai năm và nếu bề trên thấy cậu có khả năng học hành khá, tính tình tốt, cậu được chuyển lên Tràng La Tinh ở Phúc Nhạc. Tràng La Tinh là tiếng đọc trại của Trường La Tinh và sau này gọi là Tiểu Chủng Viện. Tại đây, cậu được học tiếng Latin, và bắt đầu được người ta gọi bằng “Chú” thay vì “Cậu”. Học hết trường La Tinh trong vòng 5 đến 7 năm, nếu không “bị loại”, một đặc ngữ Công Giáo, chú được chuyển lên “Trường Lý Đoán”đặt tại Thượng Kiệm. Trường Lý Đoán là một danh từ nhà đạo, sau này được gọi là Đại Chủng Viện. Tại đây, người ta không gọi bằng “Chú” nữa mà bằng“Thầy” “Thầy Già”, Ông Già” và sau này gọi là thầy Đại Chủng Viện hay Đại Chủng Sinh. Tất cả đều có nghĩa là một người đang học tại Đại Chủng Viện. Trường Thử, Trường La Tinh, Trường Lý Đoán, chỉ liên lạc và báo cáo thành quả học hành, tu đức của tu sinh với cha bố. Còn Nhà Quê không được nhà trường báo cáo gì.
Suốt thời gian học hành trong mười mấy năm cho đến khi chịu chức Linh Mục, cha bố cấp dưỡng quần áo, sách vở, ít tiền tiêu vặt cho các con. Nhà quê cũng cấp thêm. Do vậy, ai có bố giầu, có nhà quê khá giả, đời sống chủng sinh được thoải mái hơn.
Trong tháng hè, các chú, các thầy chỉ được về thăm nhà quê trong thời gian ngắn, còn phải ở trong nhà xứ với cha bố, phụ trách các việc như dậy giáo lý, tập hát cho thiếu nhi. Sau kỳ hè, các chú trở về trường cầm theo lá thư của cha bố báo cáo về sinh hoạt của con cho bề trên nơi trường con theo học.
Nếu cậu nào, chú nào không làm Linh Mục được có thể gia nhập trường Kẻ Giảng để rồi sau vài năm huấn luyện, được Đức Giám Mục bổ nhiệm đi giúp việc trong các giáo xứ. Còn những cậu không tu được mà đặc ngữ Công Giáo gọi là “tu xuất” hay “bị loại” thì trở về đời, lập gia đình nhưng vẫn duy trì mối liên hệ linh tông, nhưng ở mức độ nhạt nhẽo hơn.
Cha bố cũng có thể nuôi con gái để những người này trở thành nữ tu. Các em gái không theo quy chế như các con trai, không ở chung trong nhà xứ mà được gửi ngay đi nhà tập của dòng Mến Thánh Giá ở Lưu Phương. Cha bố cũng trợ giúp con gái và các tháng hè, các cô nữ tu về nhà bố mẹ và thỉnh thoảng đến thăm cha bố.
Các con cũng được phân biệt theo thứ tự trưởng thứ như gia đình bên ngoài. Danh từ Bác Cả là để chỉ người con trưởng gia đình linh tông, từ Quan Bác để chỉ người anh, và từ Quan Chú để chỉ các người em. Sống tết, chết giỗ. Ngày tết hay lễ bổn mạng của cha bố, các con đã là linh mục cũng về mừng lễ bổn mạng hay chúc tuổi và tết bố. Các người em cũng giữ lễ biếu tết anh. Khi cha bố qua đời, các con về thọ tang và tang lễ tổ chức thế nào đều do người con trưởng quyết định. Khi bố qua đời mà có con chưa làm linh mục, theo tục lệ gia đình linh tông, người con đó có thể được bố nối lại cho người anh cùng cha, hay nối làm con nuôi của vị linh mục khác. Những người anh cũng có nhiệm vụ tương trợ các em, nhất là em còn đang học trong chủng viện.
Cha bố nào “mát tay’ nuôi được nhiều con, trai thì đỗ cụ hay làm thầy giảng, gái thì thành nữ tu, và vẻ vang hơn nữa, nếu các con là những người học hành giỏi giang có vai vế trong giáo phận. Đoàn con trên sẽ “nối dõi” tông đường trong sứ vụ linh mục, thầy giảng, nữ tu. Gia đình linh tông thường chỉ gồm những người ở trong ba thế hệ là ông, cha, và con, rất hoạ hiếm được có những người trong bốn thế hệ mà gia đình huyết tộc gọi là Tứ Đại Đồng Đường. Linh tông cũng làm gia phả giống như gia đình huyết tộc.
Theo tập tục, chỉ các linh mục triều, không phải linh mục dòng, nhận con nuôi. Các thầy giảng, các nữ tu, các linh mục dòng không được nhận con nuôi, có lẽ vì các nữ tu, các thầy giảng không được phép dùng nguồn lợi của giáo xứ để nuôi dưỡng con cái trong gia đình linh tông.
Tinh thần gia tộc là nét văn hóa nền tảng của con người Việt Nam. Do vậy, khi một người rời bỏ gia đình đi tu, không có nghĩa là họ bị bật gốc khỏi nền tảng văn hóa gia đình huyết tộc, mà thay vào đó, họ được tháp nhập vào một cơ cấu mới là gia đình linh tông, có chức năng và lý tưởng giống như gia đình huyết tộc. Trong khi đó, đối với Nhà Quê, người đi tu vẫn giữ mối liên hệ tình cảm thắm thiết với cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cũng có những nghĩa vụ “sống tết, chết giỗ”. Như vậy, với người đi tu, nét văn hóa gia đình không những không suy giảm, mà còn triển nở thêm ở bình diện gia đình linh tông.
Giáo Hội Việt Nam đã du nhập văn hóa gia đình vào sinh hoạt của Giáo Hội thể hiện qua tổ chức gia đình linh tông, cùng sống trong “nhà Đức Chúa Trời”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Giáo Hội kết luận rằng nơi nào “nhà Đức Chúa Trời” và thể chế gia đình linh tông phát triển mạnh, nơi đó con số linh mục tu sĩ, nữ tu đông hơn nơi khác vì đó là môi trường thích hợp cho việc nâng đỡ ơn kêu gọi. Thiết tưởng, trong tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam hiện nay, một câu hỏi cần đặt ra là ta có nên chính thức thừa nhận và tái phục hồi tổ chức gia đình linh tông để tăng thêm số linh mục và nam nữ tu sĩ ?
Tác giả: Nguyễn Long Thao
Linh tông: Hán Việt. Linh 灵: thiêng liêng. Tông 宗: tổ tiên, dòng họ như Đại Tông là dòng trưởng, Tiểu Tông dòng thứ, Đồng Tông: người cùng họ. Linh Tông: họ hàng dựa trên mối liên hệ thiêng liêng. Những người nhận cùng một linh mục đỡ đầu tự coi mình như có họ hàng với nhau theo liên hệ linh tông.
Linh Tông cũng như từ Linh Thao hay Linh Đạo là những đặc ngữ Công Giáo Việt Nam mới xuất hiện gần đây. Từ Linh Thao dịch từ tiếng Anh Spiritual Exercise. Từ Linh Đạo từ tiếng Spirituality. Riêng từ Linh Tông chưa được một từ điển nào liệt kê và giải thích. Linh tông là một tổ chức đã có từ rất lâu,tuy không phải là một tổ chức chính thức của Giáo Hội nhưng tập tục này được xã hội và Giáo Hội Việt Nam mặc nhiên thừa nhận.
Tổ Chức Gia Đình Linh Tông : Trong xã hội, khi người con trai đi lập gia đình thì ngay lúc đó một chi tộc mới được thành hình để nối dõi tông đường. Đối với Giáo Hội Công Giáo, khi một linh mục triều nhận bảo trợ ơn thiên triệu cho một người, thì gia đình linh tông bắt đầu thành hình để nối dõi sứ vụ linh mục. Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói gia đình linh tông xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ và người ta chỉ biết rằng trước những năm 1950, tại nhiều giáo phận, nhất là ở miền Bắc, gia đình linh tông hoạt động mạnh, góp phần tích cực vào việc đào tạo ơn kêu gọi linh mục, thầy giảng, nam nữ tu sĩ.
Ngày nay, thể chế linh tông đang phai nhạt dần và có nguy cơ biến mất theo sự thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, đưa đến hậu quả là thiếu linh mục tu sĩ trong tương lai. Do nguyên nhân này, chúng tôi thấy cần viết lại tập tục gia đình linh tông tại giáo phận Phát Diệm ngày xưa để thấy những ưu điểm của tổ chức này trong việc cổ vũ, duy trì và phát triển ơn kêu gọi tu trì.
Theo truyền thống, khởi đầu của một gia đình linh tông là khi vị linh mục triều bắt đầu tuyển chọn các em trai, tuổi từ 8 đến 10, thường là người ở trong xứ đạo, muốn đi tu mà đặc ngữ gọi là muốn “đi ở nhà thầy”. Lúc này cha xứ hay cha phó trở thành cha Bố, cha Nghĩa Phụ của một gia đình linh tông. Ban đầu các thiếu niên được đưa vào nhà xứ sinh sống, được tập cho giúp lễ, được dậy bảo để làm quen với nếp sống tu trì, được các thầy khai tâm cho bằng các bài học về chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ. Lúc này giáo dân trong xứ gọi các em là các “cậu”, một đặc ngữ xưng hô dành cho con các quan hay các gia đình giầu có. Ngày xưa, khi giấy tờ hộ tịch chưa triệt để áp dụng, cha mẹ có thể thay đổi tên con cái. Gia đình linh tông cũng vậy, để biểu lộ sự liên hệ “họ hàng”, cha bố có thể đổi tên con để người ngoài nhận biết các người đó cùng thuộc gia đình linh tông. Ví dụ cha bố tên Huy thì đổi tên các con là Hưởng, Hạnh, Hùng v.v…và các tên này trở thành tên chính thức của một người.
Về vấn đề chi phí ăn ở và giáo dục, “Nhà Quê”, tức gia đình của cha mẹ đẻ, chỉ phụ giúp phần nào, còn đa số chi phí khác đều do cha bố bao bọc vì cha xứ có quyền sử dụng nguồn lợi của giáo xứ để nuôi dưỡng các người đi tu hay làm việc trong nhà xứ.
Sau một hai năm sống trong nhà xứ, thấy cậu nào thích hợp đời sống tu trì, có khả năng học hành giỏi, cha bố gửi đi học ở Trường Thử tại Trì Chính. Tai đây cậu được thử thách trong một hai năm và nếu bề trên thấy cậu có khả năng học hành khá, tính tình tốt, cậu được chuyển lên Tràng La Tinh ở Phúc Nhạc. Tràng La Tinh là tiếng đọc trại của Trường La Tinh và sau này gọi là Tiểu Chủng Viện. Tại đây, cậu được học tiếng Latin, và bắt đầu được người ta gọi bằng “Chú” thay vì “Cậu”. Học hết trường La Tinh trong vòng 5 đến 7 năm, nếu không “bị loại”, một đặc ngữ Công Giáo, chú được chuyển lên “Trường Lý Đoán”đặt tại Thượng Kiệm. Trường Lý Đoán là một danh từ nhà đạo, sau này được gọi là Đại Chủng Viện. Tại đây, người ta không gọi bằng “Chú” nữa mà bằng“Thầy” “Thầy Già”, Ông Già” và sau này gọi là thầy Đại Chủng Viện hay Đại Chủng Sinh. Tất cả đều có nghĩa là một người đang học tại Đại Chủng Viện. Trường Thử, Trường La Tinh, Trường Lý Đoán, chỉ liên lạc và báo cáo thành quả học hành, tu đức của tu sinh với cha bố. Còn Nhà Quê không được nhà trường báo cáo gì.
Suốt thời gian học hành trong mười mấy năm cho đến khi chịu chức Linh Mục, cha bố cấp dưỡng quần áo, sách vở, ít tiền tiêu vặt cho các con. Nhà quê cũng cấp thêm. Do vậy, ai có bố giầu, có nhà quê khá giả, đời sống chủng sinh được thoải mái hơn.
Trong tháng hè, các chú, các thầy chỉ được về thăm nhà quê trong thời gian ngắn, còn phải ở trong nhà xứ với cha bố, phụ trách các việc như dậy giáo lý, tập hát cho thiếu nhi. Sau kỳ hè, các chú trở về trường cầm theo lá thư của cha bố báo cáo về sinh hoạt của con cho bề trên nơi trường con theo học.
Nếu cậu nào, chú nào không làm Linh Mục được có thể gia nhập trường Kẻ Giảng để rồi sau vài năm huấn luyện, được Đức Giám Mục bổ nhiệm đi giúp việc trong các giáo xứ. Còn những cậu không tu được mà đặc ngữ Công Giáo gọi là “tu xuất” hay “bị loại” thì trở về đời, lập gia đình nhưng vẫn duy trì mối liên hệ linh tông, nhưng ở mức độ nhạt nhẽo hơn.
Cha bố cũng có thể nuôi con gái để những người này trở thành nữ tu. Các em gái không theo quy chế như các con trai, không ở chung trong nhà xứ mà được gửi ngay đi nhà tập của dòng Mến Thánh Giá ở Lưu Phương. Cha bố cũng trợ giúp con gái và các tháng hè, các cô nữ tu về nhà bố mẹ và thỉnh thoảng đến thăm cha bố.
Các con cũng được phân biệt theo thứ tự trưởng thứ như gia đình bên ngoài. Danh từ Bác Cả là để chỉ người con trưởng gia đình linh tông, từ Quan Bác để chỉ người anh, và từ Quan Chú để chỉ các người em. Sống tết, chết giỗ. Ngày tết hay lễ bổn mạng của cha bố, các con đã là linh mục cũng về mừng lễ bổn mạng hay chúc tuổi và tết bố. Các người em cũng giữ lễ biếu tết anh. Khi cha bố qua đời, các con về thọ tang và tang lễ tổ chức thế nào đều do người con trưởng quyết định. Khi bố qua đời mà có con chưa làm linh mục, theo tục lệ gia đình linh tông, người con đó có thể được bố nối lại cho người anh cùng cha, hay nối làm con nuôi của vị linh mục khác. Những người anh cũng có nhiệm vụ tương trợ các em, nhất là em còn đang học trong chủng viện.
Cha bố nào “mát tay’ nuôi được nhiều con, trai thì đỗ cụ hay làm thầy giảng, gái thì thành nữ tu, và vẻ vang hơn nữa, nếu các con là những người học hành giỏi giang có vai vế trong giáo phận. Đoàn con trên sẽ “nối dõi” tông đường trong sứ vụ linh mục, thầy giảng, nữ tu. Gia đình linh tông thường chỉ gồm những người ở trong ba thế hệ là ông, cha, và con, rất hoạ hiếm được có những người trong bốn thế hệ mà gia đình huyết tộc gọi là Tứ Đại Đồng Đường. Linh tông cũng làm gia phả giống như gia đình huyết tộc.
Theo tập tục, chỉ các linh mục triều, không phải linh mục dòng, nhận con nuôi. Các thầy giảng, các nữ tu, các linh mục dòng không được nhận con nuôi, có lẽ vì các nữ tu, các thầy giảng không được phép dùng nguồn lợi của giáo xứ để nuôi dưỡng con cái trong gia đình linh tông.
Tinh thần gia tộc là nét văn hóa nền tảng của con người Việt Nam. Do vậy, khi một người rời bỏ gia đình đi tu, không có nghĩa là họ bị bật gốc khỏi nền tảng văn hóa gia đình huyết tộc, mà thay vào đó, họ được tháp nhập vào một cơ cấu mới là gia đình linh tông, có chức năng và lý tưởng giống như gia đình huyết tộc. Trong khi đó, đối với Nhà Quê, người đi tu vẫn giữ mối liên hệ tình cảm thắm thiết với cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cũng có những nghĩa vụ “sống tết, chết giỗ”. Như vậy, với người đi tu, nét văn hóa gia đình không những không suy giảm, mà còn triển nở thêm ở bình diện gia đình linh tông.
Giáo Hội Việt Nam đã du nhập văn hóa gia đình vào sinh hoạt của Giáo Hội thể hiện qua tổ chức gia đình linh tông, cùng sống trong “nhà Đức Chúa Trời”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Giáo Hội kết luận rằng nơi nào “nhà Đức Chúa Trời” và thể chế gia đình linh tông phát triển mạnh, nơi đó con số linh mục tu sĩ, nữ tu đông hơn nơi khác vì đó là môi trường thích hợp cho việc nâng đỡ ơn kêu gọi. Thiết tưởng, trong tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam hiện nay, một câu hỏi cần đặt ra là ta có nên chính thức thừa nhận và tái phục hồi tổ chức gia đình linh tông để tăng thêm số linh mục và nam nữ tu sĩ ?
Tác giả: Nguyễn Long Thao