Ta làm gì cho chính Chúa ?: Một góc suy tư của Nhóm sinh viên Phát Diệm tại Sàigòn
Từ xưa đến nay ta chỉ quen gặp Chúa ở nhà thờ mà không quen gặp Chúa ở ngoài xã hội, ở đầu đường xó chợ, nơi có những con người đang bươn chải với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Từ xưa đến nay ta cũng chỉ nghĩ làm những công việc lớn lao, tham gia hay tổ chức những cuộc rước xách hoành tráng hay thực hiện những công trình để đời cho xứ nọ, cho cha kia mới là làm cho Chúa, mà ta không ngờ được rằng khi ta làm một cái gì đó cho một trong những người bé mọn nhất là làm cho chính Chúa. Quan điểm của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mt 25, 31-46 làm đảo lộn hoàn toàn tư duy hành động, cũng như những giá trị mà xưa đến nay ta tâm đắc. Đoạn Tin Mừng trong buổi chia sẻ Lời Chúa hôm nay giúp cho nhóm giới trẻ Phát Diệm tại Sài Gòn khám phá và đào sâu, suy tư về một lối tiếp cận mới của con người với Thiên Chúa.
Thực ra, liên quan đến đoạn TM này, từ khi còn rất nhỏ ta được các ông bà quản dạy thuộc lòng kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối, Thương Xót Bảy Mối: « thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc... ». Nhưng dường như những kinh đó chỉ đọc để biết vậy, chứ ít khi ta nghĩ sâu xa hơn, nhất là đó lại là tiêu chuẩn để được Chúa thưởng công trong ngày phán xét.
Mt 25, 31-46 cho ta thấy một dung mạo của Đức Giêsu: một người rất thực tế. Người để ý đến những nhu cầu nhỏ nhất của con người như cái đói, cái khát, cái ăn cái mặc và cao hơn nữa, cái tự do của người bị giam cầm. Điều đó cho thấy nhân cách của Đức Giêsu đối với con người, đối với cuộc đời luôn vượt lên bên trên mọi thứ, thậm chí trên cả Luật. Cả cuộc đời Đức Giêsu như luôn đau đáu với những nỗi bần cùng của kiếp người. Người luôn động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh của những con người bé nhỏ. Còn ta ngày nay, ta có xu hướng giảm đi hoặc mất đi tính nhạy cảm, lòng thương xót của ta trước những đau khổ của anh em mình. Qua các clip trên các trang web thời gian vừa qua ở Việt Nam, thật đáng báo động về lương tâm con người đang bị chai sạn khi người ta không mảy may xót xa đứng nhìn những em học sinh nữ yếu ớt bị đánh hội đồng, khi thì ở Cẩm Phả, khi thì ngay ở thủ đô Hà Nội, ở Nghệ An…Ta sống khác với Chúa Giêsu vì ta quen nghĩ đến những chuyện lớn lao, những vấn đề vĩ đại, vĩ mô, mà, có thể do bị ảnh hưởng của văn hóa, của cách truyền giáo cũng như tầm quan trọng của phẩm trật, quyền bính trong Giáo hội, ta xem nhẹ hoặc quên đi những chuyện bình thường của những người bé mọn quanh ta. Tính ích kỷ, tính vụ hình thức, vụ chức quyền làm ta như xa rời lý tưởng và những ưu tư của Đức Giêsu về con người về cuộc sống.
Trong Mt 25, 31-46, Chúa Giêsu dạy ta làm những việc bác ái một rất cụ thể, chứ không phải là những khẩu hiệu thật kêu, những lời nói suông: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ tù đầy. Cho họ ăn, uống, mặc và thăm họ khi họ bị tù đầy là cho chính Chúa ăn, uống, mặc và thăm chính Chúa. Thật lạ lùng khi Chúa Giêsu đồng hóa mình với những người bé mọn. Ta lại có một lối nghĩ khác: ta thường quan tâm nhiều đến những ai sang trọng, lịch sự, giầu có, trí thức và ta dường như chỉ thích giao du với những người cùng đẳng cấp, cùng sở thích, cùng chính kiến với mình. Dường như chỉ khi nào những mối tương giao đó mang lại một mối lợi nào đó thì ta mới bước vào ! ?
Nhân cách của Chúa Giêsu buộc ta nghĩ lại thái độ của ta như thế nào khi phải tiếp xúc, phải sống cùng, làm việc cùng với những người ít học hơn ta, ăn mặc không sành điệu như ta, chưa nói đến với những người đói, rách, thiếu thốn đủ mọi thứ. Ta cũng xem lại cả cách ta làm bác ái. Nhiều khi ta làm một cái gì đó cho anh em đồng loại, nhưng ta lại thích phô trương, thích đăng hình, thích được nêu tên trên mặt báo, thích được vỗ tay, được tung hô, được khen ngợi. Nhiều khi ta làm vì vinh danh ta chứ không phải vì vinh danh Chúa.Ta quên lời Chúa dạy: « việc tay phải làm đừng cho tay trái biết ». Người nghèo, những người đau khổ, bất hạnh là những người nhạy cảm nhất: nhiều khi họ không cần tiền, cần đồ của ta cho mà cần ta một tấm lòng, như một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: « sống trên đời cần có một tấm lòng để gió cuốn đi ». Người nghèo nhiều khi chỉ cần ta hiện diện với họ, nói chuyện với họ, dành một chút thời gian cho họ …tức là họ cần một cái gì đó để họ biết họ được tôn trọng, họ đang hiện hữu, họ không vô dụng. Người nghèo không hẳn là không có tiền, có gạo, có đồ, mà có thể họ nghèo về chữ nghĩa, nghèo văn hóa, nghèo nhân bản, nghèo tình thương yêu. Còn ta, nhiều khi ta đến với họ với tư thể là người có học vấn cao hơn họ, có tiền, chứng tỏ ta không cùng đẳng cấp với họ. Ta cho họ một cái gì đó nhưng với thái độ cuả người ban ơn với người chịu ơn. Ta đến với họ nhưng ta vẫn là những người nghèo, không nghèo mặt này thì nghèo mặt khác. Người nghèo có thể dạy ta, cho ta biết ta nghèo ở điểm nào.
Như vậy, kiến thức uyên bác, những chuyện động trời không phải là trọng tâm giáo lý của Đức Kitô mà chính bác ái yêu thương mới là trọng tâm của Đạo Chúa, là tiêu chuẩn để phân biệt « chiên với dê », cũng là điều kiện để được vào Nước Trời. Ngày phán xét, Chúa không hỏi ta có bằng cấp nào, có chức vụ gì trên trần gian, là linh mục hay giáo dân, nghèo hay giầu, trình độ văn hóa đến đâu, mà Chúa sẽ hỏi ta: con đã làm gì cho người khác. Không chắc Chúa có hỏi con đã xây được bao nhiêu nhà thờ, đọc được bao nhiêu kinh, nhưng qua Mt 25, 31-46, chắc chắn Chúa sẽ hỏi: con đã làm gì cho anh em đồng loại ?
(tổng hợp ý kiến chia sẻ của các tổ qua buổi Chia sẻ Lời Chúa chiều 07/11/2010 tại Trụ sở Phát Diệm 212, Lê Đức Thọ, P.15, Q.Gò Vấp)
Từ xưa đến nay ta chỉ quen gặp Chúa ở nhà thờ mà không quen gặp Chúa ở ngoài xã hội, ở đầu đường xó chợ, nơi có những con người đang bươn chải với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Từ xưa đến nay ta cũng chỉ nghĩ làm những công việc lớn lao, tham gia hay tổ chức những cuộc rước xách hoành tráng hay thực hiện những công trình để đời cho xứ nọ, cho cha kia mới là làm cho Chúa, mà ta không ngờ được rằng khi ta làm một cái gì đó cho một trong những người bé mọn nhất là làm cho chính Chúa. Quan điểm của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mt 25, 31-46 làm đảo lộn hoàn toàn tư duy hành động, cũng như những giá trị mà xưa đến nay ta tâm đắc. Đoạn Tin Mừng trong buổi chia sẻ Lời Chúa hôm nay giúp cho nhóm giới trẻ Phát Diệm tại Sài Gòn khám phá và đào sâu, suy tư về một lối tiếp cận mới của con người với Thiên Chúa.
Thực ra, liên quan đến đoạn TM này, từ khi còn rất nhỏ ta được các ông bà quản dạy thuộc lòng kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối, Thương Xót Bảy Mối: « thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc... ». Nhưng dường như những kinh đó chỉ đọc để biết vậy, chứ ít khi ta nghĩ sâu xa hơn, nhất là đó lại là tiêu chuẩn để được Chúa thưởng công trong ngày phán xét.
Mt 25, 31-46 cho ta thấy một dung mạo của Đức Giêsu: một người rất thực tế. Người để ý đến những nhu cầu nhỏ nhất của con người như cái đói, cái khát, cái ăn cái mặc và cao hơn nữa, cái tự do của người bị giam cầm. Điều đó cho thấy nhân cách của Đức Giêsu đối với con người, đối với cuộc đời luôn vượt lên bên trên mọi thứ, thậm chí trên cả Luật. Cả cuộc đời Đức Giêsu như luôn đau đáu với những nỗi bần cùng của kiếp người. Người luôn động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh của những con người bé nhỏ. Còn ta ngày nay, ta có xu hướng giảm đi hoặc mất đi tính nhạy cảm, lòng thương xót của ta trước những đau khổ của anh em mình. Qua các clip trên các trang web thời gian vừa qua ở Việt Nam, thật đáng báo động về lương tâm con người đang bị chai sạn khi người ta không mảy may xót xa đứng nhìn những em học sinh nữ yếu ớt bị đánh hội đồng, khi thì ở Cẩm Phả, khi thì ngay ở thủ đô Hà Nội, ở Nghệ An…Ta sống khác với Chúa Giêsu vì ta quen nghĩ đến những chuyện lớn lao, những vấn đề vĩ đại, vĩ mô, mà, có thể do bị ảnh hưởng của văn hóa, của cách truyền giáo cũng như tầm quan trọng của phẩm trật, quyền bính trong Giáo hội, ta xem nhẹ hoặc quên đi những chuyện bình thường của những người bé mọn quanh ta. Tính ích kỷ, tính vụ hình thức, vụ chức quyền làm ta như xa rời lý tưởng và những ưu tư của Đức Giêsu về con người về cuộc sống.
Trong Mt 25, 31-46, Chúa Giêsu dạy ta làm những việc bác ái một rất cụ thể, chứ không phải là những khẩu hiệu thật kêu, những lời nói suông: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ tù đầy. Cho họ ăn, uống, mặc và thăm họ khi họ bị tù đầy là cho chính Chúa ăn, uống, mặc và thăm chính Chúa. Thật lạ lùng khi Chúa Giêsu đồng hóa mình với những người bé mọn. Ta lại có một lối nghĩ khác: ta thường quan tâm nhiều đến những ai sang trọng, lịch sự, giầu có, trí thức và ta dường như chỉ thích giao du với những người cùng đẳng cấp, cùng sở thích, cùng chính kiến với mình. Dường như chỉ khi nào những mối tương giao đó mang lại một mối lợi nào đó thì ta mới bước vào ! ?
Nhân cách của Chúa Giêsu buộc ta nghĩ lại thái độ của ta như thế nào khi phải tiếp xúc, phải sống cùng, làm việc cùng với những người ít học hơn ta, ăn mặc không sành điệu như ta, chưa nói đến với những người đói, rách, thiếu thốn đủ mọi thứ. Ta cũng xem lại cả cách ta làm bác ái. Nhiều khi ta làm một cái gì đó cho anh em đồng loại, nhưng ta lại thích phô trương, thích đăng hình, thích được nêu tên trên mặt báo, thích được vỗ tay, được tung hô, được khen ngợi. Nhiều khi ta làm vì vinh danh ta chứ không phải vì vinh danh Chúa.Ta quên lời Chúa dạy: « việc tay phải làm đừng cho tay trái biết ». Người nghèo, những người đau khổ, bất hạnh là những người nhạy cảm nhất: nhiều khi họ không cần tiền, cần đồ của ta cho mà cần ta một tấm lòng, như một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: « sống trên đời cần có một tấm lòng để gió cuốn đi ». Người nghèo nhiều khi chỉ cần ta hiện diện với họ, nói chuyện với họ, dành một chút thời gian cho họ …tức là họ cần một cái gì đó để họ biết họ được tôn trọng, họ đang hiện hữu, họ không vô dụng. Người nghèo không hẳn là không có tiền, có gạo, có đồ, mà có thể họ nghèo về chữ nghĩa, nghèo văn hóa, nghèo nhân bản, nghèo tình thương yêu. Còn ta, nhiều khi ta đến với họ với tư thể là người có học vấn cao hơn họ, có tiền, chứng tỏ ta không cùng đẳng cấp với họ. Ta cho họ một cái gì đó nhưng với thái độ cuả người ban ơn với người chịu ơn. Ta đến với họ nhưng ta vẫn là những người nghèo, không nghèo mặt này thì nghèo mặt khác. Người nghèo có thể dạy ta, cho ta biết ta nghèo ở điểm nào.
Như vậy, kiến thức uyên bác, những chuyện động trời không phải là trọng tâm giáo lý của Đức Kitô mà chính bác ái yêu thương mới là trọng tâm của Đạo Chúa, là tiêu chuẩn để phân biệt « chiên với dê », cũng là điều kiện để được vào Nước Trời. Ngày phán xét, Chúa không hỏi ta có bằng cấp nào, có chức vụ gì trên trần gian, là linh mục hay giáo dân, nghèo hay giầu, trình độ văn hóa đến đâu, mà Chúa sẽ hỏi ta: con đã làm gì cho người khác. Không chắc Chúa có hỏi con đã xây được bao nhiêu nhà thờ, đọc được bao nhiêu kinh, nhưng qua Mt 25, 31-46, chắc chắn Chúa sẽ hỏi: con đã làm gì cho anh em đồng loại ?
(tổng hợp ý kiến chia sẻ của các tổ qua buổi Chia sẻ Lời Chúa chiều 07/11/2010 tại Trụ sở Phát Diệm 212, Lê Đức Thọ, P.15, Q.Gò Vấp)