Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một giám mục Mỹ nói với đài phát thanh Vatican rằng “sự căng thẳng là sờ thấy được” tại Thánh Địa trong những ngày này khi triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine đang ngày càng mờ nhạt.
Đức Giám Mục Oscar Cantu Las Cruces, của giáo phận New Mexico, đã cho biết như trên sau khi tham dự chuyến thăm Thánh Địa trong một chương trình gọi là Holy land Coordination, được tổ chức hàng năm để quy tụ các giám mục châu Âu, Nam Phi, và Bắc Mỹ muốn đến thăm các Kitô hữu trong khu vực này.
Ngài nói rằng có “một số dấu hiệu rất nhỏ” cho xu hướng hòa bình, nhưng “có một bước về phía trước thì lập tức lại có hai hoặc ba bước giật lùi lại phía sau”.
Đức Giám Mục Cantu bày tỏ sự bất bình đặc biệt đối với sự tăng trưởng liên tục của các khu định cư người Do Thái ở các vùng lãnh thổ Palestine, trong đó rõ ràng “chỉ là một sách lược dần dần chiếm lấy đất đai của người Palestine và đóng lại những khả năng cho một giải pháp hai nhà nước.”
Ngài than thở rằng “người dân Palestine đang trở thành những người không có đất, và họ chắc chắn là những người không có quyền”.
2. Đức Hồng Y Tagle khích lệ các tín hữu tỏ lòng thương xót với những người gặp khó khăn
Đức Hồng Y Luis Tagle của tổng giáo phận Manila khuyến khích các tín hữu hãy bắt chước Đức Kitô bằng cách tỏ lòng thương xót cho những người đang gặp những hoàn cảnh khó khăn. Ngài nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ khai mạc Công Nghị Tông Đồ Thế Giới về Lòng Thương Xót hôm thứ Hai 16 tháng Giêng.
Công Nghị này kéo dài từ 16 đến 20 tháng Giêng tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân.
Trong bài giảng thánh lễ khai mạc, Đức Hồng Y khích lệ 6,000 tham dự viên hãy tỏ lòng thương xót đặc biệt đối với những người “yếu thế nhất, những người lạc lối, và những người rốt cùng trong xã hội.”
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng lòng thương xót của Chúa Giêsu cần phải được thể hiện trên các gia đình, các người cha, người mẹ mất con vì bạo lực, dịch bệnh, nạn buôn bán người, với các hình thức nô lệ mới, những người đang bị bắt cóc, bị bán cho các hoạt động mại dâm, hay các bộ phận trong cơ thể của họ bị bán cho các nhóm kinh doanh quốc tế cơ phận con người.
3. Ngoại trưởng Tòa Thánh nói về các ưu tiên của Đức Thánh Cha trong quan hệ với các nước
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, là ngoại trưởng của Tòa Thánh đã vạch ra những ưu tiên trong chính sách đối ngoại hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn với tờ National Catholic Register.
Vị Tổng giám mục người Anh cho biết mục tiêu chính của Đức Giáo Hoàng là vãn hồi hòa bình thế giới, với ưu tiên một là những nỗ lực cụ thể nhằm chấm dứt sự đổ máu ở Syria. Mối quan tâm lớn khác của Đức Giáo Hoàng, là phúc lợi của người di cư và người tị nạn và chiến dịch nhằm chấm dứt “chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ trào lưu tôn giáo cực đoan.”
Khi được hỏi về cách thức Đức Giáo Hoàng hy vọng có thể chống lại chủ nghĩa khủng bố, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng vũ khí quan trọng nhất là đối thoại.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô nói phần lớn các cảnh báo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ứng nghiệm
Hôm 14 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Global Foundation và kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hãy bắt chước Thánh Têrêsa thánh Calcutta đừng thờ ơ với người nghèo.
Global Foundation, hay quỹ toàn cầu, là một tổ chức của Úc được Thủ tướng Úc John Howard và ông Michael Camdessus, là một nhà lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thành lập vào năm 1998. Global Foundation chuyên về việc mở các hội nghị dành cho các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Trong buổi tiếp kiến tại phòng họp Clêmentê trong Dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha nói:
“Mẹ Teresa đã chấp nhận cuộc đời mỗi con người, cho dù chưa sinh ra hoặc bị bỏ rơi và bị loại bỏ, và Mẹ đã làm cho tiếng nói của mình được các cường quốc trên thế giới này lắng nghe, kêu gọi họ thừa nhận tội ác nghèo đói mà bản thân họ phải chịu trách nhiệm. Đây là thái độ đầu tiên dẫn đến việc toàn cầu hóa tình huynh đệ và sự hợp tác.”
Kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính và chính trị “không chỉ đơn thuần là kiểm soát và giám sát tác động của toàn cầu hóa”, nhưng thậm chí còn phải “sửa chữa định hướng của nó bất cứ khi nào cần thiết,” Đức Giáo Hoàng nói rằng những cảnh báo của Thánh Gioan Phaolô II về chủ nghĩa tư bản trong thông điệp Centesimus Annus - nghĩa là Bách Chu Niên - của ngài “phần lớn đã ứng nghiệm.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Năm 1991, trước sự sụp đổ của hệ thống chính trị độc tài cộng sản và sự hội nhập nhanh chóng vào thị trường thế giới mà chúng ta gọi là toàn cầu hóa, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo về nguy cơ lan rộng của một hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa trong đó không màng đến các thực tại của việc gạt ra ngoài lề, khai thác và tha hóa con người, thiếu quan tâm đến con số đông đảo những người dân vẫn phải sống trong điều kiện lầm than về vật chất và nghèo nàn về đạo đức, và tin tưởng mù quáng vào sự phát triển không kiềm chế của các lực lượng thị trường.
Người tiền nhiệm của tôi đã chất vấn rằng liệu đó có phải là một hệ thống kinh tế được coi là mô hình cho những ai tìm kiếm con đường tiến bộ về kinh tế và xã hội đích thực hay không; và ngài đã thẳng thắn bác bỏ mô hình đó.”
5. Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury đưa ra lời xin lỗi Giáo Hội Công Giáo vì những gì đã xảy ra 500 năm trước
Trước thềm tuần lễ đại kết kéo dài từ 18 đến 25 tháng Giêng với chủ đề “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” ( 2 Cr 5:14), Tiến sĩ Justin Welby, là Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury đưa ra một tuyên bố xin lỗi Giáo Hội Công Giáo về những gì đã diễn ra theo sau cuộc ly giáo tại Anh.
Cuộc ly giáo đã diễn ra vào thời vua Henry VIII - sinh năm 1509 và qua đời năm 1547. Nhà vua muốn “hủy bỏ hôn nhân” với vợ là Catherine để kết hôn chính thức với Anne Boleyn, viện lý do là hoàng hậu không có hoàng tử để thừa kế ngai vàng. Tuy nhiên, yêu cầu này của nhà vua không được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII phê chuẩn. Nhà vua bực tức về điều này.
Bên cạnh đó, vua Henry VIII cũng nhận thấy những lợi ích chính trị và kinh tế khi ly khai khỏi Công Giáo và thành lập Giáo Hội Anh mà nhà vua là người đứng đầu.
Do đó, năm 1534, với Đạo luật Quyền Tối thượng, vua Henry VIII tự xưng là “Lãnh đạo Tối cao duy nhất trên trần thế” của Giáo Hội tại Anh. Năm 1536, vua Henry VIII đi xa hơn tuyên bố ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo. Tiếp theo đó là một trong những giai đoạn đẫm máu nhất trong lịch sử nước Anh, với hàng ngàn người Công Giáo đã bị giết cách dã man, thường là bị thiêu sống vì niềm tin tôn giáo của mình.
Tuyên bố của tiến sĩ Welby được soạn chung với Đức Tổng Giám mục thành York, là John Sentamu, kêu gọi lòng ăn năn về những bạo lực trong thời kỳ này.
Sáng kiến này nhấn mạnh sự cần thiết chữa lành những chia rẽ trong các tín hữu Kitô, đã được đưa ra một tháng trước khi Giáo Hội Anh họp Thượng Hội Đồng.
6. Chủ đề Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
“Hòa giải - Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cor 5: 14-20) đã được chọn làm chủ đề Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng trong bối cảnh tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành.
Chủ đề của Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo năm nay có nguồn gốc từ Tông Huấn Evangelii Gaudium (“Niềm Vui Phúc Âm”) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cụ thể là trong đoạn thứ 9: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta”.
Các tài liệu cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo năm nay 2017 có hai điểm nhấn mạnh. Thứ nhất là suy tư trên những mối quan tâm chính của các Giáo Hội phát sinh từ cuộc cải cách của Martin Luther. Thứ hai là nhận ra những gì sự chia rẽ sâu sắc theo sau cuộc cải cách đó đã gây ra cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.
7. Lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Nhân Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo, chúng tôi xin được mạn phép nói sơ qua về lịch sử của tuần cầu nguyện này.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là những biến cố trong tuần này tại Graymoor, New York, nơi phát sinh ra tuần lễ này.
Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Năm sau , mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.
Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.
Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
8. Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cũng nhân Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo, chúng tôi xin nói thêm về ý nghĩa của từ ngữ “Hiệp Nhất Kitô Giáo”, theo lời giải thích của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 năm ngoái 2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào là Hiệp Nhất Kitô Giáo.
70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”
Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:
- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”
- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.
- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về địa chỉ tv@vietcatholic.net
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô