Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Quý vị và anh chị em vừa theo dõi những cảnh tưng bừng trong cuộc diễn hành Ba Vua nhân lễ Hiển Linh tại Tây Ban Nha.
Cuộc diễn hành Ba Vua tại thủ đô Madrid đã diễn ra trên các đường phố của Madrid trong bối cảnh an ninh chặt chẽ vào tối thứ Năm mùng 5 tháng Giêng, đêm trước ngày Lễ Hiển Linh, kỷ niệm cuộc viếng thăm Chúa Hài Đồng của Ba Vua từ phương Đông đến triều bái Ngài với vàng, nhũ hương và mộc dược.
Ba Vua theo tin tưởng của người Tây Ban Nha có tên là Melchior, Caspar và Balthazar, được thap tùng bởi hàng trăm những nhân vật khác ăn mặc theo nhiều kiểu cách từ xa xưa đến hiện đại, đã phát kẹo cho hàng ngàn trẻ em xếp hàng dọc theo các đại lộ chính của thủ đô Tây Ban Nha.
Chính quyền Madrid đã triển khai hơn 800 nhân viên cảnh sát, một số được trang bị vũ khí hạng nặng. Họ dựng các hàng rào bê tông để ngăn chặn xe cộ ra vào các đường phố. Đặc biệt, nhà chức trách đã cấm tất cả các xe tải không được di chuyển vào thủ đô trong dịp này. Biện pháp này đã được đưa ra nhằm đề phòng một cuộc tấn công tương tự như vụ khủng bố hồi tháng Mười Hai ở Berlin tại một khu chợ Giáng Sinh.
Cuộc diễn hành Ba Vua là một ngày hội lớn trong dịp lễ Giáng Sinh ở Tây Ban Nha. Hầu hết các thành phố của Tây Ban Nha đều tổ chức diễn hành nhưng cuộc diễn hành tại Madrid được kể là lớn nhất.
Trong một trường hợp gây tranh cãi, Giáo Hội tại Catalonia đã tỏ ra bất mãn trước các nỗ lực của các tổ chức ủng hộ độc lập muốn chính trị hóa cuộc diễn hành ở Vic, một thị trấn khoảng 70 km về phía bắc Barcelona, nơi những người tham dự được phát cho những chiếc đèn lồng vẽ cờ “estelada”, thường được sử dụng bởi những người ly khai xứ Catalan.
2. Hàng chục ngàn người Mễ Tây Cơ thưởng thức chiếc bánh Lễ Ba Vua
Tại thủ đô Mễ Tây Cơ, hôm thứ Năm mùng 5 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đã thưởng thức một chiếc bánh kem khổng lồ được làm trong dịp Lễ Hiển Linh hay còn được gọi là Lễ Ba Vua.
Chiếc bánh khổng lồ này được tòa đô chính của thủ đô Mexico City cung cấp vào buổi chiều vọng Lễ Hiển Linh.
Sự kiện này được bắt đầu với việc các trẻ em thả lên trời những quả bóng trong đó có kèm theo những lá thư của chúng xin Ba Vua tặng quà. Sau khi bong bóng được thả, một chiếc bánh khổng lồ nặng đến 9 tấn được cắt ra và phân phối cho những người tham dự.
Cùng với một miếng bánh, người dân cũng nhận được một hộp sữa đóng gói.
Lễ kỷ niệm tại quảng trường Zocalo nổi tiếng của Mexico City nhằm tôn vinh chuyến viếng thăm Chúa Hài Đồng của Ba Vua, khi Thiên Chúa mạc khải cho thế giới biết tình yêu của Ngài hóa thân trong hình dạng một hài nhi.
Chiếc bánh hoành tráng này đã được phân phối miễn phí hàng năm ở trung tâm thành phố từ năm 2008 đến nay.
3. Đức Thượng Phụ đại kết cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh tại Istanbul
Trong khi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Grêgôrian, các tín hữu Chính Thống Giáo trên thế giới mừng lễ Giáng Sinh theo lịch Julian vào ngày 7 tháng Giêng, lễ vọng mừng vào ngày hôm trước là ngày 6 tháng Giêng, trùng vào ngày lễ Hiển Linh theo lịch Công Giáo.
Tại Istanbul, Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh vào chiều ngày 6 tháng Giêng tại nhà thờ chánh tòa Thánh George dưới sự bảo vệ của một lực lượng an ninh hùng hậu.
Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô là Thượng Phụ đại kết, nghĩa là đứng đầu trong khối Chính Thống Giáo. Cụm từ “đứng đầu” ở đây chỉ có tính chất nghi lễ chứ không có quyền tài phán thực sự. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô không có vai trò Giáo Hoàng như vị Giám Mục Rôma.
Trong khối Chính Thống Giáo gồm khoảng 300 triệu tín hữu, các tín hữu thành Constantinope do Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô coi sóc chỉ có 3.5 triệu người, trong khi Chính Thống Giáo Nga có đến 150 triệu tín hữu.
Tuy các nghi lễ đã được diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm nhặt, không một nghi thức hay một truyền thống nào bị bỏ qua, kể cả truyền thống “bơi lội tìm thánh giá”.
Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã ném một thánh giá bằng gỗ xuống hồ Golden Horn. Nhiều người đã nhảy xuống giành giật cây thánh giá vì họ tin là sẽ đem lại may mắn trong suốt năm cho gia đình nào có được thánh giá ấy.
4. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cử hành thánh lễ Chúa Giáng Sinh
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ Giáng Sinh do Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cử hành tại nhà thờ chánh tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ của thủ đô Cộng Hòa Liên Bang Nga vào sáng thứ Bẩy 7 tháng Giêng.
Chính Thống Giáo Nga được thành lập vào năm 988 và hiện có số tín hữu đông nhất trong thế giới Chính Thống Giáo với 150 triệu tín hữu, 368 Giám Mục, 35,171 linh mục và 4,816 phó tế theo thống kê mới nhất thực hiện hồi tháng 7 năm 2016.
Theo niên giám của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa, bên trong lãnh thổ Nga có 34,764 giáo xứ, 926 tu viện trong đó 455 tu viện dành cho nam giới và 471 tu viện dành cho nữ giới.
Cụm từ “bên trong lãnh thổ Nga” được dùng là vì Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa khẳng định quyền tài phán cả ở những nước thuộc khối Liên Xô cũ như Georgia, Amernia, Belarus, Ukraine, Estonia, Latvia và Moldova. Mặc dù khẳng định này thường bị các Giáo Hội Chính Thống địa phương phủ nhận.
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa có cả các giáo xứ tại Cuba, Nhật Bản và Trung quốc.
5. Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi
Chúa Nhật 8 tháng Giêng nhiều nơi trên thế giới cử hành Lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tại Vatican, lễ này đã được cử hành đúng vào ngày mùng 6 tháng Giêng, do đó, hôm Chúa Nhật Đức Thánh Cha đã cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Dịp này, ngài ban phép rửa tội cho 28 hài nhi và mời gọi các cha mẹ bảo tồn và làm tăng trưởng đức tin cho con cái.
Thánh lễ rửa tội bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và kéo dài 2 tiếng đồng hồ tại nhà nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa. 28 hài nhi gồm 15 nam và 13 nữ, hầu hết là con của các nhân viên Vatican. Trong số các em nam, có 4 em mang tên thánh là Phanxicô.
Đây là lần thứ 4 Đức Thánh Cha ban phép rửa tội cho các hài nhi tại Nhà nguyện Sistina, cũng là nơi được dùng làm mật nghị bầu giáo hoàng, và nổi danh với các bức bích họa của Michelangelo, được các du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật tại viện bảo tàng Vatican.
Phụ giúp Đức Thánh Cha trong thánh lễ này có 3 Tổng Giám Mục, 1 Giám Mục và 13 giám chức khác, trước sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có 56 cha mẹ của các em được rửa tội.
Trong bài giảng vắn tắt, Đức Thánh Cha ứng khẩu nhắc nhở các cha mẹ và những người hiện diện về ý nghĩa bí tích rửa tội và nói:
“Anh chị em đã xin đức tin cho con cái. Đức tin sẽ được ban trong phép rửa tội, nghĩa là cuộc sống đức tin, vì đức tin cần phải được sống, tiến bước trên con đường đức tin và làm chứng về đức tin. Đức tin không phải là đọc kinh Tin Kính những ngày Chúa Nhật trong thánh lễ mà thôi. Đức tin là tin vào chân lý này là Thiên Chúa là Cha đã sai Con của Ngài và Thánh Linh làm cho chúng ta được sống. Đức tin cũng là tín thác nơi Thiên Chúa và điều này anh chị em cần phải dạy cho con cái, bằng gương sáng và bằng cuộc sống của anh chị em. Đức tin là ánh sáng: trong nghi thức làm phép rửa, anh chị em sẽ nhận được cây nến sáng như thời đầu của Giáo Hội. Thời đó, phép rửa được gọi là sự soi sáng, vì đức tin soi sáng tâm hồn, giúp chúng ta thấy những sự việc chung quanh với một ánh sáng khác”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “các cha mẹ có nghĩa vụ phải làm cho đức tin tăng trưởng, giữ gìn và làm cho đức tin trở thành chứng tá cho tất cả những người khác. Đó là ý nghĩa của nghi lễ này. Xin anh chị em đừng quên: Anh chị em đã xin đức tin, nghĩa vụ của anh chị em là giữ gìn và làm cho đức tin tăng trưởng, và trở thành chứng tá cho tất cả chúng tôi, cho cả các linh mục, giám mục nữa”.
6. Đức Thánh Cha Phanxicô bàng hoàng trước số tù nhân bị thiệt mạng trong vụ nổi loạn trong tù tại Brazil, nhiều người bị chặt đầu
Hôm thứ Tư, 4 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “nỗi buồn và sự âu lo” của ngài khi được tin về cuộc nổi dậy trong một nhà tù tại Brazil. Ít nhất 56 tù nhân đã bị thiệt mạng, trong đó có nhiều người bị chặt đầu. Đây là cuộc bạo loạn đẫm máu nhất tại Brazil trong hai thập kỷ qua.
Vụ nổi loạn đã diễn ra vào chiều Chúa Nhật mùng Một tháng Giêng và kéo dài trong suốt 17 giờ tại nhà tù Anisio Jobim tại Manaus, thủ phủ của bang Amazon, Brazil. Những tù nhân nổi loạn đã bắt giữ 12 nhân viên nhà tù làm con tin. Hơn 100 tù nhân được tin là đã trốn thoát.
Điều đáng âu lo là vụ nổi loạn này đã được tiên báo trước bởi các nhân viên trong trại tù Anisio Jobim khi căng thẳng giữa hai băng nhóm mua bán ma túy càng lúc càng tăng và con số tù nhân càng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trước các báo cáo của ban giám đốc trại giam, bộ Tư Pháp Brazil đã giữ im lặng.
Các nhân chứng cho biết hai băng buôn bán ma túy, một có bản doanh tại Sao Paolo, và bên đối phương có bản doanh tại Rio De Janeiro, đã có những căng thẳng và xô xát từ nhiều tháng trước.
Vụ nổi loạn xảy ra khi hai phe tìm cách thanh toán nhau trong tù. Nhiều tù nhân đã bị phanh thây và chặt đầu, nhiều người bị thiêu.
Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện “cho những người đã chết, cho gia đình, cho tất cả các tù nhân trong các nhà tù, và cho những người làm việc ở đó.”
Đức Thánh Cha cũng lặp lại lời kêu gọi “các nhà tù phải là nơi cải tạo và tái hội nhập vào xã hội; và điều kiện sống của các tù nhân phải xứng đáng với phẩm giá con người.”
Trong bài phát biểu ứng khẩu cuối buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn các tín hữu và du khách hành hương cầu nguyện cho những tù nhân tham gia vào vụ bạo loạn, cả những người còn sống và những người đã chết, và cho tất cả các tù nhân trên khắp thế giới. Ngài cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ của tù nhân, để các nhà tù đừng quá đông đúc, nhưng có thể là nơi phục hồi chức năng.
Hôm thứ Ba 3 tháng Giêng, Bộ trưởng Tư Pháp của Brazil đã đề xuất một cải tổ hệ thống nhà tù tại nước này nhằm giải quyết tình trạng các nhà tù quá đông. Sau khi đến thăm nhà tù tại thành phố Manaus, Bộ trưởng Alexandre de Moraes nói rằng nước ông cần thiết phải cải thiện điều kiện trong các nhà tù, là nơi có khoảng 600,000 tù nhân đang bị giam giữ.
7. Ngày đầu Năm Mới Tòa Giám Mục bị cướp tại Venezuela
Mới ngày đầu Năm, một Tòa Giám Mục tại Venezuela đã bị cướp trong khi Đức Giám Mục cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa ngay kế bên.
Sáng Chúa Nhật 1 tháng Giêng, trong khi Đức Cha Rafael Conde Alfonzo của giáo phận Maracay đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, sát ngay bên cạnh Tòa Giám Mục, một băng đảng tội phạm đã dỡ ngói chui vào Tòa Giám Mục, đánh cắp máy tính xách tay, các vật dụng văn phòng, và hè nhau khiêng đi một két sắt.
Khi ngài trở về Tòa Giám Mục sau Thánh Lễ, ngài vẫn còn nhìn thấy một trong những tên cướp. Thấy ngài y mới bỏ chạy.
Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ về kinh tế và chính trị. Dân chúng đau khổ trước tình trạng thiếu một cách trầm trọng các nhu yếu phẩm. Các hàng dài những người phải xếp hàng chờ đợi mua bánh mì và sữa. Họ phải đối diện với một tương lai bất định gây ra bởi hiện trạng siêu lạm phát tiền Venezuela.
Tòa Thánh đã làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập tại Venezuela từ hôm 30 tháng 10 năm ngoái. Các cuộc đàm phán đã được công bố hôm 25 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã có một cuộc họp bất ngờ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán diễn ra trên đảo Margarita, ngoài khơi bờ biển Venezuela, cho đến nay vẫn không đi đến đâu.
Người ta lo ngại các cuộc đàm phán này chỉ là động tác giả của Nicolas Maduro nhằm câu giờ hơn là thực tâm muốn giải quyết các cuộc khủng hoảng.
8. Kiệt tác của Amnesty International phơi bày sự thật về luật báng bổ của Pakistan
Trong một báo cáo dày 68 trang, Amnesty International đã phơi bày sự thật về luật báng bổ của Pakistan mà nạn nhân của nó từ năm 1987 đến nay là 633 người Hồi giáo, 494 người Ahmadis, 187 Kitô hữu và 21 người theo Ấn Giáo.
Báo cáo của Amnesty International có tựa đề “As Good as Dead”, nghĩa là “Cũng như là Chết”, trong đó ghi lại tình trạng của những người bị tố cáo là báng bổ tiên tri Muhammad. Họ sống cũng như là chết trước cơ man những hình thái bạo lực về tinh thần và thể xác chống lại họ.
Trong lời nói đầu, Amnesty International nói thẳng thừng rằng:
“Luật báng bổ của Pakistan đã được cẩn thận viết theo lối mở rộng cửa cho những lạm dụng.
Người ta cố tình không đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ cho những điều khoản trong luật này được diễn đạt đúng đắn như thường thấy trong hệ thống luật pháp của một quốc gia. Điều này có nghĩa là các bị cáo có rất ít phương tiện để tự bảo vệ mình.
Luật báng bổ của Pakistan thể hiện một sự xuyên tạc hệ thống tư pháp, trong đó các bị cáo thường bị xem là có tội, dù có rất ít hoặc chẳng có bằng chứng nào cả.
Báo cáo này ghi lại cẩn thận các trường hợp nhằm minh họa cho những vi phạm nhân quyền và lạm dụng trên một phạm vi rất rộng, để làm nổi bật sự cần thiết phải bãi bỏ một cách cấp bách luật này – và trong khi chờ đợi luật này bị bãi bỏ - chúng tôi muốn nêu bật sự cần thiết là chính quyền Pakistan phải đưa ra các thủ tục bảo vệ hiệu quả cho những người vô tội”.
Viện dẫn các phán quyết của tòa án tại Pakistan trong những năm qua, Amnesty International tố cáo trước công luận quốc tế rằng:
“Đa số các trường hợp bị tố cáo là phạm thượng dựa trên những cáo buộc sai lầm xuất phát từ những tranh chấp quyền sở hữu hoặc những bất hòa giữa các cá nhân hoặc giữa các gia đình, chứ không phải là thật sự báng bổ [tiên tri Muhammad], và chắc chắn những cáo buộc như thế sẽ dẫn đến hàng loạt những vụ bạo động trên quy mô toàn bộ cộng đồng”.
9. Đức Thượng Phụ Kirill nói người Nga nên tưởng niệm cuộc cách mạng Bolshevik chứ đừng ăn mừng nó
Năm 2017 là đúng 100 năm sau cuộc cách mạng Bolshevik vào tháng 10 năm 1917, mở ra hơn bảy thập kỷ của chế độ Cộng sản ở Nga và trên thế giới. Nhiều thành phần cảm tình với cộng sản đang có những vận động nhằm cử hành long trọng biến cố này.
Phản ứng lại điều này, nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Nga lên tiếng phản đối và nói rằng người Nga nên tưởng niệm cuộc cách mạng Bolshevik chứ đừng ăn mừng nó.
“Vấn đề là đừng chào mừng kỷ niệm 100 năm thảm kịch này, nhưng chúng ta phải nhớ ngày này một cách có ý thức, đi kèm với những suy tư sâu xa và kinh nguyện chân thành, sao cho những sai lầm đã phạm phải một trăm năm trước đây có thể dạy cho quốc gia chúng ta đừng vấp phải những sai lầm tương tự trong giai đoạn phát triển hiện nay”.
10. Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi
Chúa Nhật 8 tháng Giêng nhiều nơi trên thế giới cử hành Lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tại Vatican, lễ này đã được cử hành đúng vào ngày mùng 6 tháng Giêng, do đó, hôm Chúa Nhật Đức Thánh Cha đã cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Dịp này, ngài ban phép rửa tội cho 28 hài nhi và mời gọi các cha mẹ bảo tồn và làm tăng trưởng đức tin cho con cái.
Thánh lễ rửa tội bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi tại nhà nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa. Đây là nơi được dùng làm mật nghị bầu giáo hoàng, và nổi danh với các bức bích họa của Michelangelo, được các du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật tại viện bảo tàng Vatican.
Trong bài giảng vắn tắt, Đức Thánh Cha ứng khẩu nhắc nhở các cha mẹ và những người hiện diện về ý nghĩa bí tích rửa tội và nói:
“Anh chị em đã xin đức tin cho con cái. Đức tin sẽ được ban trong phép rửa tội, nghĩa là cuộc sống đức tin, vì đức tin cần phải được sống, tiến bước trên con đường đức tin và làm chứng về đức tin. Đức tin không phải là đọc kinh Tin Kính những ngày Chúa Nhật trong thánh lễ mà thôi. Đức tin là tin vào chân lý này là Thiên Chúa là Cha đã sai Con của Ngài và Thánh Linh làm cho chúng ta được sống. Đức tin cũng là tín thác nơi Thiên Chúa và điều này anh chị em cần phải dạy cho con cái, bằng gương sáng và bằng cuộc sống của anh chị em. Đức tin là ánh sáng: trong nghi thức làm phép rửa, anh chị em sẽ nhận được cây nến sáng như thời đầu của Giáo Hội. Thời đó, phép rửa được gọi là sự soi sáng, vì đức tin soi sáng tâm hồn, giúp chúng ta thấy những sự việc chung quanh với một ánh sáng khác”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “các cha mẹ có nghĩa vụ phải làm cho đức tin tăng trưởng, giữ gìn và làm cho đức tin trở thành chứng tá cho tất cả những người khác. Đó là ý nghĩa của nghi lễ này. Xin anh chị em đừng quên: Anh chị em đã xin đức tin, nghĩa vụ của anh chị em là giữ gìn và làm cho đức tin tăng trưởng, và trở thành chứng tá cho tất cả chúng tôi, cho cả các linh mục, giám mục nữa”.
11. Giám Mục Brazil kêu gọi cầu nguyện và cải tạo các điều kiện trong tù trước âu lo bạo loạn lan rộng
Một giám mục địa phương đã kêu gọi các nỗ lực cầu nguyện và cải tạo nhà tù sau cuộc nổi dậy tại nhà tù Anisio Jobim ở thành phố Manaus, bang Amazon Brazil, khiến ít nhất 56 người chết.
Vụ việc này là “một tình huống rất buồn và đáng sợ”, Đức Cha José Alburquerque de Araujo, Giám mục phụ tá của Manaus nói. Ngài yêu cầu tất cả dân chúng Brazil hiệp nhất trong lời cầu nguyện.
Vào chiều Chúa Nhật mùng Một tháng Giêng, vụ nổi loạn đã diễn ra khi hai băng buôn bán ma túy tìm cách thanh toán nhau. Một băng có bản doanh tại São Paolo, và bên đối phương có bản doanh tại Rio De Janeiro.
Dư luận tại Brazil lo sợ hàng trăm tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù và những câu chuyện tàn sát kinh hoàng trong đó nhiều tù nhân bị phanh thây và chặt đầu có thể dẫn đến những vụ bạo động tại Sao Paolo và Rio De Janeiro.
Trong cuộc nổi dậy, 12 người cai tù bị bắt làm con tin, nhưng họ đã được trả tự do không hề hấn gì sau khi nhà chức trách đàm phán với những tù nhân nổi loạn.
Đây là các cuộc bạo loạn nhà tù đẫm máu thứ hai ở Brazil, chỉ thua cuộc bạo động năm 1992 tại Carandiru, bang São Paulo, nơi 111 tù nhân chết.
Hệ thống nhà tù Brazil hiện nay quá đông. Khu liên hợp nhà tù Anísio Jobim chỉ có khả năng chứa 454 tù nhân, nhưng hiện chứa đến 1,224 tù nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn với Radio Vatican, Đức Cha Albuquerque de Araújo nói:
“Giáo Hội tại Manaus thở dài với một nỗi buồn sâu sắc về những gì đã xảy ra. Tất cả chúng tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện: các linh mục, phó tế, nhân viên mục vụ, các giám mục và những người phục vụ trong các nhà tù”.
Ngài nói thêm:
“Đây là một tình huống rất buồn, một thách thức lớn đối với chúng tôi là làm sao cải thiện các điều kiện trong các nhà tù để các tù nhân có thể hưởng được sự thanh thản và công lý, cũng như nhân quyền của họ phải được tôn trọng. Cố gắng trước mắt là mang lại hòa bình trong các nhà tù”
12. Đức Hồng Y Bechara Boutros Raï than phiền về việc nhiều người Công Giáo Maronite bỏ đạo để ly dị
Trong diễn từ đầu năm trước các thẩm phán của tòa án hôn phối, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Maronite than phiền về tai ương bỏ đạo để được ly dị của nhiều người Công Giáo Maronite.
Tại Lebanon, ly hôn chủ yếu là một vấn đề của luật tôn giáo chứ không phải là luật dân sự. Vì thế, nhiều người Công Giáo Maronite bỏ đạo sang các cộng đồng Kitô khác hoặc thậm chí bỏ sang đạo Hồi để được ly hôn.
Đức Hồng Y Bechara Boutros Raï than thở về việc bẻ gãy mối dây thiêng liêng của hôn nhân, và nói rằng cải đạo như thế là một “bệnh dịch đau đớn” chứ không phải là một vấn đề tự do tôn giáo đích thực hay tự do lương tâm.
13. Các Giám Mục Slovenia bày tỏ nỗi buồn trước việc phạm thánh tại Ljubljana
Hôm 2 tháng Giêng, một nhà nguyện trên núi gần Ljubljana đã bị phạm thánh. Kẻ gian đập phá các ảnh tượng, và xịt sơn những khẩu hiệu Hồi Giáo như “Allahu Akhbar”, nghĩa là Thiên Chúa thật vĩ đại, lên tường.
Phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Slovenia đã ra một tuyên bố bày tỏ sự buồn phiền trước hành vi mạo phạm này.
Cha Tadej Strehovec, phát ngôn nhân của Hội Đồng Giám Mục Slovenia mô tả hành động này như một mưu toan “nhằm chống lại sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo ở Slovenia.”
Ngài cũng hoan nghênh một tuyên bố từ cộng đồng Hồi giáo quốc gia kêu gọi cảnh sát lùng bắt cho được thủ phạm.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một buổi trình diễn thánh ca trong một giáo xứ tại thôn quê Slovenia.
Theo thống kê hồi tháng 7 năm 2016, Slovenia có 1,978,000 dân trong đó 58% là người Công Giáo. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 2.3%. Giáo Hội tại Slovenia được chia làm 4 giáo phận và 2 tổng giáo phận. Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zore coi sóc tổng giáo phận thủ đô Ljubljana cũng là giáo chủ Công Giáo tại quốc gia này.
14. Vụ tấn công khủng bố một tòa án tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdağ đã tham dự đám tang của một trong hai nạn nhân của một cuộc tấn công khủng bố một tòa án ở Izmir, diễn ra một ngày trước đó, và thề sẽ chiến đấu chống khủng bố ''cho đến khi những kẻ khủng bố bị xóa sổ hoàn toàn''.
Một nhân viên tòa án, một cảnh sát viên, và hai tên khủng bố đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công vào tòa án tại thành phố Izmir vào sáng thứ Năm, mùng 5 tháng Giêng. Quân khủng bố đã lái một xe bom vào một cổng dành riêng cho các thẩm phán, và các nhân viên của tòa án.
Cảnh sát viên Fethi Sekin đã anh dũng chận chiếc xe lại không cho bọn khủng bố lái vào bên trong. Ba tên khủng bố bỏ xe chạy. Chiếc xe phát nổ bên ngoài tòa án một vài giây sau đó làm cho Musa Can, một nhân viên tòa án bị thiệt mạng. Hai tên khủng bố bị bắn hạ nhưng anh Fethi Sekin đã hy sinh khi rượt đuổi bọn chúng. Tên khủng bố thứ ba chạy thoát.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết: “Người cảnh sát anh hùng của chúng ta, , Fethi Sekin, đã chịu tử đạo trong cuộc tấn công này nhưng đã ngăn chặn một thảm họa lớn hơn nhiều đang xảy ra, anh hy sinh cuộc sống riêng mình không một chút chần chừ”
Tòa án tại Izmir đang thụ lý hồ sơ của 18 người bị bắt vì bị cho là có dính líu với cuộc tấn công hộp đêm Reina vào rạng sáng ngày mùng Một Tết Dương Lịch.
Hàng chục người đã tổ chức một cuộc biểu tình lên án các cuộc tấn công khủng bố.
15. Miến Điện có nguy cơ bị khủng bố Hồi Giáo tấn công
Một quan chức chống khủng bố của Malaysia cho biết Miến Điện đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng các cuộc tấn công khủng bố của IS. Nhóm khủng bố này đã và đang tuyển mộ các chiến binh từ các mạng lưới trong khu vực Đông Nam Á ủng hộ người Rohingya, là những người theo đạo Hồi bị bách hại tại Miến Điện.
Trong khi đang gánh chịu những áp lực gây ra bởi một làn sóng bạo lực chủng tộc mới, chính phủ Miến Điện giờ đây phải đối mặt với một mối đe dọa còn lớn hơn nữa. Theo một quan chức chống khủng bố của Malaysia, Miến Điện có thể trở thành một mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công của những thành phần ủng hộ Nhà nước Hồi giáo. Bọn khủng bố này đang ráo riết tuyển dụng từ các mạng lưới Đông Nam Á những người ủng hộ cho người Hồi Giáo Rohingya đã chịu bách hại ở bang Rakhine phía bắc Miến Điện.
Trong tháng 12, nhà chức trách Malaysia đã bắt giữ một số người Indonesia quá cảnh tại Kuala Lumpur trên đường đến Miến Điện để thực hiện các cuộc tấn công.
Badrul Hisham Ismail, quan chức chống khủng bố của Malaysia nói thêm với thông tấn xã Reuters: “Chúng tôi cũng tìm ra một mạng lưới dính líu đến những người Malaysia tuyển dụng người Rohingya ở Malaysia này, và gửi đến Poso, bang Sulawesi của Indonesia để đào tạo. Cuối cùng, khi được đưa trở lại, họ có thực hiện các cuộc tấn công ngay tại Malaysia này hay không thì chúng tôi không biết. Nhưng rõ ràng đã có một mạng lưới hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Philippines để lôi kéo người Rohingya”.
Từ tháng 10, hơn 30,000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh. Nhiều người cho rằng họ đang cố gắng thoát khỏi sự đàn áp và thậm chí khỏi bị diệt chủng bởi các lực lượng an ninh Miến Điện. Chính phủ Miến Điện đã bác bỏ những tuyên bố này, nhưng nước này hiện đang chứng kiến những cảnh đổ máu nghiêm trọng nhất kể từ sau các cuộc đụng độ kinh hoàng vào năm 2012.
16. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Lễ Hiển Linh tại Vatican
Lúc 10h sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng, cùng với đông đảo các Hồng Y, Giám Mục và các linh mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Hiển Linh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Đông đảo các tín hữu và khách hành hương đã tham dự thánh lễ.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Ðức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến để bái lạy Người” (Mt 2:2)
Qua những lời này, các Đạo Sĩ, đến từ phương xa, nói cho chúng ta biết lý do của cuộc hành trình xa diệu vợi của các vị, đó là họ đến để bái lạy Vị Vua mới sinh. Thấy và thờ lạy. Hai hành động này nổi bật trong trình thuật Tin Mừng này. Chúng tôi thấy một ngôi sao và chúng tôi muốn thờ lạy.
Những người này đã thấy một ngôi sao làm họ cất bước lên đường. Việc khám phá ra điều gì đó bất thường trên bầu trời khởi động một loạt các sự kiện. Ngôi sao này không chỉ chiếu sáng cho riêng họ, và họ cũng chẳng có một DNA đặc biệt nào để có thể thấy được vì sao đó. Như một trong các Giáo Phụ đã nhận xét thật chí lý rằng các Đạo Sĩ không cất bước lên đường vì họ đã thấy một ngôi sao, nhưng thực ra họ thấy ngôi sao bởi vì họ đã cất bước lên đường (x. Thánh Gioan Kim Khẩu). Tâm hồn họ mở ra với chân trời và họ có thể thấy điều mà các tầng trời tỏ ra cho họ, vì họ được hướng dẫn bởi một thao thức nội tâm khôn nguôi. Họ mở lòng mình ra cho những điều mới mẻ.
Do đó, các Đạo Sĩ tượng trưng cho tất cả những ai tin, những ai hoài mong Thiên Chúa, những ai khát khao quê hương thiên quốc của mình. Họ phản chiếu hình ảnh của tất cả những ai trong cuộc sống mình không để cho tâm hồn bị gây mê.
Một lòng hoài mong Thiên Chúa bùng lên trong tâm hồn những ai tin vì họ biết rằng Tin Mừng không phải là một biến cố của quá khứ nhưng là của hiện tại. Một lòng hoài mong Thiên Chúa giúp chúng ta tỉnh thức khi đối diện với mọi cám dỗ muốn giản lược hay bần cùng hóa đời sống của chúng ta. Một lòng hoài mong Thiên Chúa là một ký ức đức tin, nổi loạn trước tất cả mọi thứ tiên tri chết chóc. Lòng hoài mong ấy giữ cho niềm hy vọng sống động trong cộng đồng các tín hữu, một niềm hy vọng mà từ tuần này đến tuần kia vẫn tiếp tục khấn xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.
Cùng một lòng hoài mong ấy đã dẫn cụ già Simêon đi lên Đền Thờ mỗi ngày, với xác tín rằng đời ông sẽ không chấm dứt trước khi ông được ẵm Đấng Cứu Thế trong tay mình. Lòng hoài mong cũng đã khiến Người Con Hoang Đàng từ bỏ lối sống tự hủy diệt và tìm kiếm vòng tay của người cha mình. Đây là lòng hoài mong thôi thúc người chăn chiên bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Maria Mađalêna đã kinh nghiệm cùng một lòng hoài mong ấy vào sáng Chúa Nhật khi bà chạy đến mồ và gặp Thầy phục sinh của bà. Lòng hoài mong Thiên Chúa lôi kéo chúng ta ra khỏi sự cô lập chai đá của chúng ta, là điều làm cho chúng ta nghĩ rằng chẳng có gì có thể thay đổi được. Lòng hoài mong Thiên Chúa phá tan những tập quán nhàm chán của chúng ta và thúc đẩy chúng ta thực hiện những thay đổi mà chúng ta muốn và cần. Lòng hoài mong Thiên Chúa có căn cội trong quá khứ nhưng không dừng lại ở đó, trái lại nó vươn tới tương lai. Các tín hữu cảm nhận được lòng hoài mong này đang được đức tin hướng dẫn để tìm kiếm Thiên Chúa, như các nhà Đạo Sĩ đã làm từ xa xưa trong lịch sử, vì các ngài biết rằng Thiên Chúa đang đợi chờ họ. Họ đi đến những vùng ngoại biên, đến những biên cương, đến những nơi chưa được phúc âm hoá, để gặp gỡ Thiên Chúa. Họ không làm điều này vì một cảm thức cao trọng hơn người khác, nhưng trái lại như những người ăn mày không thể tỉnh bơ trước ánh mắt của những người mà Tin Mừng vẫn là một lãnh vực chưa được biết đến.
Một thái độ hoàn toàn khác ngự trị trong cung điện của vua Hêrôđê, chỉ cách Bethlehem một khoảng cách rất ngắn, nơi mà không ai nhận ra điều gì đang xảy ra. Khi các nhà Đạo Sĩ thực hiện cuộc hành trình của họ, thì Giêrusalem đang say ngủ. Thành đô này ngủ vùi trong một sự thông đồng với Hêrôđê là người, thay vì tìm kiếm, cũng đang ngủ vùi. Ông ngủ vùi, tê liệt bởi một lương tâm đã chai thành sẹo. Ông đã hoang mang, sợ hãi. Đó là sự hoang mang mà khi đối diện với sự mới mẻ thay đổi tận gốc lịch sử thì khép mình lại, co cụm trong chính nó và nơi những thành tựu, những hiểu biết, và những thành công của nó. Đó là sự hoang mang của một người ngồi trên sự giàu có của mình nhưng không thể vượt lên trên sự giàu có ấy. Đó là sự hoang mang trú ngụ trong tâm hồn của những người muốn kiểm soát mọi thứ và mọi người. Đó là sự hoang mang của những người đã bị nhận chìm trong nền văn hoá phải thắng cho bằng được, trong một nền văn hoá chỉ có chỗ cho những “kẻ chiến thắng”, bằng bất cứ giá nào. Đó là sự hoang mang được sinh ra từ sợ hãi và run rẩy trước bất cứ điều gì thách đố mình, hay đặt vấn đề về những xác tín, và những chân lý của chúng ta, cũng như những cách thế chúng ta bám víu vào thế giới và cuộc đời này. Hêrôđê đã sợ hãi, và nỗi sợ ấy dẫn đến việc tìm kiếm an ninh của mình nơi tội ác: “Ngươi đã giết những kẻ bé nhỏ trong thân xác của chúng, vì sự sợ hãi đang giết chết ngươi trong tâm hồn ngươi” (Thánh Quodvultdeus, Bài Giảng thứ 2 về Kinh Tin Kính: PL 40, 655).
Chúng tôi muốn thờ lạy. Những người này đến từ Phương Đông để thờ lạy, và họ đến để thờ lạy trong một nơi xứng hợp với một vị vua, đó là cung điện. Cuộc tìm kiếm đã dẫn họ đến đó, vì thật phù hợp là một vị vua cần phải được sinh ra ở một cung điện, giữa một hoàng cung và tất cả mọi thứ thuộc về ngài. Vì đó là dấu chỉ của quyền lực, của thành công, và của một cuộc đời thành đạt. Người ta có thể hoàn toàn mong đợi một vị vua được tung hô, kính sợ và sùng bái. Đúng vậy, nhưng không nhất thiết là được yêu mến vì những thứ này đều là trần tục, đều là những ngẫu tượng hèn mọn mà chúng ta tỏ lòng tôn kính vì thế lực, những dáng vẻ và thế giá bề ngoài của nó. Những ngẫu tượng đó chỉ hứa hẹn mang đến cho ta những u sầu và nô lệ.
Chính tại đó, nơi cung vàng điện ngọc này, mà những nhà Đạo Sĩ, đã đến từ phương xa, sẽ khởi hành một chuyến đi dài nhất của họ. Tại đó, họ đã can đảm cất bước trên một hành trình gian truân và phức tạp hơn. Họ phải khám phá ra rằng điều họ mưu tìm không có trong một cung điện, nhưng ở nơi khác, trên cả hai phương diện hiện sinh và địa lý. Ở trong cung điện đó, họ không thấy một ngôi sao chỉ đường cho họ khám phá ra một Thiên Chúa là Đấng muốn được yêu thương. Chỉ dưới lá cờ tự do, chứ không phải là độc tài, ta mới có thể nhận ra rằng cái nhìn của vị vua không được biết đến nhưng được hoài mong này không hạ thấp, nô lệ hóa, hay giam cầm chúng ta; và nhận ra rằng cái nhìn của Thiên Chúa nâng chúng ta lên, tha thứ và chữa lành. Chúng ta cũng nhận ra rằng Thiên Chúa muốn được sinh ra ở một nơi bất ngờ nhất, ở một nơi mà chúng ta quá thường khi từ khước Ngài. Chúng ta cũng nhận ra rằng trong đôi mắt của Thiên Chúa luôn có chỗ cho những người đang bị tổn thương, mệt mỏi, bị đối xử tàn tệ và bị bỏ rơi. Sức mạnh và quyền năng ấy của Ngài được gọi là lòng thương xót. Đối với một số người trong chúng ta, Giêrusalem xa Bethlehem diệu vợi biết bao!
Hêrôđê không thể thờ lạy vì ông ta không thay đổi hay không thể thay đổi cách nhìn của mình trước mọi sự. Ông không muốn thôi tôn thờ chính bản thân mình, và tin rằng mình là trung tâm của mọi sự. Ông không thể thờ lạy, vì mục đích của ông là làm cho người khác phải thờ lạy mình. Các tư tế cũng không thể thờ lạy, vì mặc dù họ hiểu biết rộng, và thấu đáo những lời tiên tri, họ không sẵn sàng lên đường hay thay đổi đường lối của mình.
Các Đạo Sĩ kinh nghiệm được lòng hoài mong; họ đã mỏi mệt với yến tiệc thường ngày. Họ cũng đã quen quá, và mỏi mệt quá, với những Hêrôđê trong thời của họ. Nhưng ở đó, nơi Bethlehem, có sự hứa hẹn cho một điều mới mẻ, và nhưng không. Có điều gì đó mới mẻ đang diễn ra. Các Đạo Sĩ đã có thể thờ lạy, vì họ đã có can đảm để cất bước lên đường. Và khi bái quỳ trước một Hài Nhi bé nhỏ, nghèo khó và mỏng manh, một Hài Nhi của Bethlehem không được mong đợi và không được ai biết đến, họ đã khám phá ra vinh quang của Thiên Chúa.