Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8 giờ sáng thứ Bẩy 17 tháng 12, Đức Thánh Cha đã dâng lễ với khoảng 40 Hồng Y hiện diện ở Roma để tạ ơn Chúa nhân dịp sinh nhật thứ 80 của ngài.
Đầu thánh lễ, Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, đã đại diện mọi người chúc mừng Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc trong thánh lễ và nhấn mạnh đến sự dừng lại, nhìn về quá khứ với lòng biết ơn để tiếp tục tiến bước. Chúng ta hãy xin ơn đừng quên. .. Nhìn lại quá khứ như thế làm cho chúng ta càng tỉnh thức để tiến bước.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “trên đường, chúng ta luôn thấy ơn phúc và tội lỗi. Trong lịch sử ơn cứu độ cũng có những tội tầy đình, và cũng có các thánh. Cả chúng ta trong cuộc đời của mình, chúng ta cũng thấy như vậy, những lúc rất trung thành với Chúa, vui mừng trong việc phục vụ nhưng cũng có những lúc bất trung xấu xa, tội lỗi, làm cho chúng ta cảm thấy cần ơn cứu độ. Đó cũng là an ninh của chúng ta, vì khi chúng ta cần ơn cứu độ, tuyên xưng đức tin, chúng ta nói rằng: 'Con là kẻ tội lỗi, nhưng Chúa có thể cứu vớt con. Chúa đưa con tiến bước. Và thế là chúng ta bước đi trong niềm vui hy vọng”.
Cuối thánh lễ Đức Thánh Cha đã cám ơn các Hồng Y đã đồng tế thánh lễ, đã đồng hành với ngài trong ngày này. Ngài cũng tiết lộ rằng:
“Từ vài ngày nay, tôi nghĩ đến một lời có vẻ “xấu” đó là tuổi già. Ít là nó làm ta kinh hãi.. Cả hôm qua, Đức Ông Cavalieri đã làm quà cho tôi cuốn sách của Cicerone tựa đề “De Senectute”, luận về tuổi già! Thật là thêm một giọt nước!
Tôi nhớ lại điều mà tôi nói ngày 15-3 năm 2013 trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta: “Tuổi già là tòa khôn ngoan”. Tôi hy vọng điều này cũng đúng đối với tôi. Tôi hy vọng là như vậy.
“Tôi cũng tự hỏi: sao mà nó đến sớm như thế! Như thi hào Plinio đã nói: tuổi già âm thầm, nhưng nó ập tới! Nhưng cũng có người nghĩ tuổi già như một giai đoạn của cuộc sống, để mang lại vui mừng, sự khôn ngoan, hy vọng, người ta tái bắt đầu sống”.
Và tôi cũng nghĩ đến một bài thơ khác mà cách đây vài ngày tôi cũng đã nói với anh em: “Tuổi già yên hàn và đạo đức”
Xin anh em hãy cầu nguyện để tuổi già của tôi cũng được yên hàn, đạo đức, phong phú, và vui mừng nữa!
Trước thánh lễ vào lúc 7 giờ 15, có 8 người vô gia cư, do Đức TGM Konrad Krajewski, là quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, hướng dẫn đến nhà trọ Thánh Marta để chúc mừng sinh nhật của ngài. Ngài mời họ dùng bữa sáng trước khi đi dâng lễ với các Hồng Y.
2. Đức Thánh Cha nhận được những lời chúc mừng sinh nhật nồng nhiệt của các tù nhân
Hôm Chúa Nhật 18 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được những lời chúc sinh nhật rất đặc biệt từ các tù nhân bị giam giữ tại nhà tù Due Palazzi ở Padua, Ý.
Linh mục tuyên úy nhà tù, là cha Mario Pozza, đã dàn xếp một cuộc gọi qua Skype với Đức Thánh Cha Phanxicô với tham gia của sáu mươi tù nhân, nhiều lính canh, các cai ngục và các tình nguyện viên, vào lúc 5 giờ chiều giờ Roma ngày Thứ Bẩy 17 tháng 12 – tức là buổi chiều ngày sinh nhật lần thứ 80 của Đức Thánh Cha.
Marzio, đại diện cho các tù nhân đã đọc một bức thư gởi cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó anh hứa cầu nguyện cho ngài, và nói, “Xin cảm ơn từ tận đáy lòng của chúng con về chứng tá hàng ngày của Đức Thánh Cha. Những chứng tá ấy nuôi dưỡng niềm hy vọng và mơ ước của chúng con, và dõi chiếu liên tục một luồng sáng trên chúng con.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đón nhận những lời chúc mừng và nói rằng “Cha cảm ơn tất cả các con rất nhiều vì sự dịu dàng, và sự gần gũi của các con - và cha xin Chúa chúc lành cho các con - xin Chúa chúc lành cho mỗi người trong các con: cho gia đình, cha mẹ, anh chị em và con cái của các con. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các con. Cha cầu nguyện cho các con, và xin Chúa ban phép lành cho các con”.
3. Tuyên bố của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về vụ thảm sát Đại Sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lời chia buồn của ngài với gia đình viên Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn chết bởi một cảnh sát viên trong một cuộc triển lãm nghệ thuật.
Biến cố bi thảm này diễn ra vào chiều ngày thứ Hai 19 tháng 12, trong một cuộc triển lãm do Tòa Đại Sứ Nga tại thủ đô Ankara bảo trợ.
Hung thủ được xác định tên là Melvut Mert Aydintas, 22 tuổi, cảnh sát viên chống bạo động của Ankara, đã bắn chết Đại sứ Karlov từ phía sau khi ông đang phát biểu tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm nhiếp ảnh tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
Hung thủ, sau đó, đi đi lại lại gần cơ thể của nạn nhân, lên án vai trò quân sự của Nga tại Syria, hét lên: “Đừng quên Aleppo! Đừng quên Syria!” và bắn thêm nhiều phát súng vào cơ thể bất động của viên Đại sứ Nga.
Đại Sứ Karlov trước đây đã từng là phục vụ tại Bắc Triều Tiên.
Trong một thông điệp gửi đến tổng thống Nga Vladimir Putin, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng “đau buồn khi hay tin về cuộc tấn công bạo lực ở Ankara, dẫn đến cái chết của Đại sứ Andrei Karlov.” Đức Thánh Cha bảo đảm với nhân dân Liên bang Nga những lời cầu nguyện của ngài và “tình đoàn kết” trong lúc khó khăn này.
Toàn văn điện văn của Đức Hồng Y Pietro Parolin như sau:
Thưa ngài Vladimir Putin
Tổng thống Liên bang Nga
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đau buồn khi hay tin về cuộc tấn công bạo lực ở Ankara, dẫn đến cái chết của Đại sứ Andrei Karlov. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn đến tất cả những ai than khóc trước cái chết này, đặc biệt là các thành viên trong gia đình Đại sứ Karlov. Phó thác linh hồn người quá cố trong tay Thiên Chúa Toàn Năng, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với tổng thống và tất cả dân chúng Liên bang Nga những lời cầu nguyện và tình đoàn kết của ngài vào thời điểm này.
+ Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
4. Tuyên bố của Tòa Thánh về vụ khủng bố tại Berlin
Chỉ vài giờ sau vụ thảm sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại Đức lại xảy ra một vụ tấn công khủng bố.
Bọn khủng bố cướp một xe tải của Ba Lan giết chết tài xế là anh Lukasz Urban, 37 tuổi; rồi lái chiếc xe nặng tới 25 tấn tông vào một ngôi chợ Giáng Sinh tại Berlin giết chết 12 người và làm bị thương 49 người khác vào tối thứ Hai 19 tháng 12.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Cảnh sát đã bắt giữ một người tị nạn Pakistan nhưng sau đó khẳng định anh không phải là thủ phạm và đã trả tự do cho anh. Cảnh sát Đức kêu gọi dân chúng cảnh giác vì những kẻ khủng bố vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có khả năng gây án thêm lần nữa.
Trong điện văn nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến Đức Cha Heiner Koch, Tổng Giám Mục giáo phận Berlin, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:
“Đức Thánh Cha xúc động sâu xa khi được biết về hành vi bạo lực kinh khủng xảy ra ở Berlin, trong đó, ngoài một số đông người bị thương, có nhiều người bị thiệt mạng. Đức Thánh Cha chia buồn với thân nhân của các nạn nhân, bày tỏ sự cảm thông và gần gũi họ trong đau khổ. Trong kinh nguyện Ngài phó thác những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng xin Chúa cho những người bị thương sớm được chữa lành. Ngoài ra Ngài cám ơn các nhân viên cứu cấp và an ninh vì sự dấn thân tích cực. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiệp với tất cả những người thiện chí đang dấn thân để vụ giết người điên rồ của trào lưu khủng bố này không còn tìm được chỗ đứng trong thế giới chúng ta nữa. Theo ý hướng đó, Đức Thánh Cha khẩn cầu Thiên Chúa là Cha Thương Xót ban ơn an ủi, bảo vệ và chúc phúc chữa lành.
+ Hồng Y Pietro Paroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
5. Phát ngôn viên Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa yêu cầu chính quyền Nga cấm bao gồm phá thai trong bảo hiểm sức khoẻ
Các công ty bảo hiểm tại Nga gần đây đã bao gồm chi phí phá thai trong các bảo hiểm về sức khoẻ. Người mua bảo hiểm bắt buộc phải trả chi phí đó.
Vụ trưởng Vụ Truyền Thông Xã Hội của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, là cha Vladimir Legoyda, đã cực lực lên án điều này và lên tiếng yêu cầu chính quyền Nga can thiệp buộc các công ty bảo hiểm chấm dứt ngay hành động trên.
Cha nói:
“Nạo phá thai không thể là một phần của bảo hiểm y tế bắt buộc. Nó không thể trở thành một chuẩn mực của cuộc sống đối với các bác sĩ, phụ nữ và nam giới. Nó không thể được cổ vũ để trở thành một thực hành chấp nhận được đối với xã hội”
Ngài nói thêm:
“Mang thai không phải là một căn bệnh, và phá thai không phải là một hoạt động y tế bình thường.”
6. Bên cạnh danh sách CPC, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật hình thành danh sách “Những cá nhân vi phạm trắng trợn tự do tôn giáo”
Trước khi từ nhiệm vào tháng Giêng năm 2015, dân biểu Frank R. Wolf đã đệ đạt lên Quốc Hội Hoa Kỳ một dự luật nhằm tăng cường tự do tôn giáo trên thế giới. Ông Frank R. Wolf đã là dân biểu đại diện cho tiểu bang Virginia từ năm 1981 đến 2015. Ông đã bôn ba đến nhiều nơi trên thế giới và tận mắt chứng kiến các hành vi đàn áp tôn giáo của các bọn cầm quyền tại Sudan và Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Theo dân biểu Frank, bên cạnh danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt, Hoa Kỳ cần phải thẳng thừng điểm mặt cả các cá nhân “cần quan tâm đặc biệt”.
Trước kỳ nghỉ lễ, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo do dân biểu Frank R. Wolf đề nghị nhằm tăng cường Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế được ban bố vào năm 1998.
Dân biểu Chris Smith, người bảo trợ của cho dự luật này nói:
“Bên cạnh danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt [Countries of Particular Concern, gọi tắt là CPC], luật mới đề nghị thành lập thêm ‘Danh sách các cá nhân có hành vi vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo’ và ‘Danh sách các tù nhân tôn giáo’ bao gồm những người đang bị giam giữ, bỏ tù, tra tấn và bị bỏ buộc từ bỏ đức tin của mình.”
Dự luật hiện đang chờ chữ ký của Tổng thống Barack Obama.
7. Chương trình mừng lễ Giáng Sinh tại Vatican
Chương trình mừng lễ Giáng Sinh tại Vatican bắt đầu với buổi gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh giữa Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma tại điện Clêmentê vào lúc 10h30 sáng thứ Năm 22 tháng 12 và diễn ra trong khoảng một giờ.
Cũng trong ngày 22 tháng 12, vào buổi trưa, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhân viên làm việc tại Vatican trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.
Lúc 9h sáng ngày 23 tháng 12, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma sẽ nghe bài chia sẻ Mùa Vọng cuối cùng của cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng.
Lúc 9h30 tối thứ Bẩy 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ ba ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.
Trưa Chúa Nhật 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi cho dân thành Rôma và trên toàn thế giới.
Ngay sau khi đọc thông điệp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như cho những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
8. Đại diện Vatican tại OSCE bày tỏ lo âu là ý thức hệ bài Kitô giáo đang gia tăng ở châu Âu
Đại diện của Vatican tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, gọi tắt là OSCE, đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi cần hành động để ngăn chặn bạo lực và sự phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu.
Phát biểu tại một hội nghị của OSCE tại Vienna, Đức Ông Janusz Urbanczyk báo cáo rằng “những biểu hiện của sự bất khoan dung, của các tội ác vì căm thù, và các hình thái bạo lực hoặc phá hoại chống lại những nơi thờ tự tôn giáo hay các các tín hữu” đang gia tăng trong khu vực châu Âu. Ngài cũng quan sát rằng “những hình thức xúc xiểm, và các hình thức tấn công các Kitô hữu khác” đã trở thành phổ biến trên các phương tiện truyền thông và trong các cuộc tranh luận công cộng.
Đức Ông Urbanczyk đã hướng sự chú ý của các đại biểu OSCE đến “những hành động tấn kích được dàn dựng có hệ thống trên các phương tiện truyền thông và trong công luận” nhằm chống lại các Kitô hữu. Những cuộc tấn công này minh họa sự thúc đẩy một ý thức hệ nhằm áp đặt một thứ đạo đức thế tục mới:
“Sự tấn kích này là nghiêm trọng, được đặc biệt dàn dựng để chống lại những ai dám lên tiếng bảo vệ không để cho bản chất của con người bị hạ giá và những ai dám chống lại ý thức hệ thực dân mới đang tấn kích vào tư tưởng con người, dưới những chiêu bài giả vờ là đức hạnh, hiện đại và cởi mở, nhưng thực tế là khinh bỉ các thực tại Thiên Chúa đã tạo thành. Tự do phát biểu của những người này bị đe dọa, và những tín hữu công khai chia sẻ những xác tín của họ được thường bị chụp mũ là bất khoan dung và cố chấp.”
9. Sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2017 trình bày các suy tư về cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức
Một câu trong Kinh Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” đã được chọn làm chủ đề cho sứ điệp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25 diễn ra vào ngày 11 tháng 2 năm tới.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy niệm về những lần hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức, bên Pháp, vào năm 1858 và cuộc sống của Thánh Nữ Bernadette Soubirous.
“Ngay cả lúc này đây, trong tinh thần, tôi như đang hiện diện tại hang đá Massabielle, trước tượng Đức Trinh Nữ Maria, người mà Đấng Toàn Năng đã thực hiện những điều trọng đại để cứu chuộc nhân loại,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết như trên trong sứ điệp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25, ký ngày ngày 08 tháng 12 và được công bố hôm 15 tháng 12.
Ngài viết tiếp:
“Cũng như Thánh Bernadette, chúng ta đứng dưới cái nhìn trìu mến của Đức Maria. Ðức Mẹ Rất Đáng Yêu Mến nói với thánh nữ với một sự tôn trọng không hề xem thường. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi người là, và luôn luôn là một con người, và phải được đối xử với một sự tôn trọng như thế. Các bệnh nhân và những ai bị tàn tật, thậm chí nghiêm trọng, vẫn có một phẩm giá bất khả xâm phạm, và sứ vụ riêng của mình trong cuộc sống.”
“Ðức Mẹ Rất Đáng Yêu Mến đã yêu cầu thánh nữ cầu nguyện cho những người tội lỗi. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng những người yếu đau và buồn khổ không chỉ mong muốn được chữa lành, nhưng cũng họ cũng mong được sống một cuộc sống Kitô đích thật, thậm chí đến độ chấp nhận đau khổ ấy như các môn đệ truyền giáo đích thực của Chúa Kitô”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:
“Đức Maria đã trao cho thánh nữ Bernadette ơn gọi phục vụ người bệnh và mời gọi cô trở thành một nữ tu Bác Ái, một sứ mệnh mà thánh nữ đã thực hiện rất gương mẫu đến độ trở nên một mô hình cho mỗi nhân viên y tế. Trước các bệnh nhân là những người chắc chắn cần sự trợ giúp của chúng ta, lắm lúc cả trong các việc đơn giản nhất, chúng ta hãy xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ban cho chúng ta ân sủng luôn luôn biết nhận ra nơi họ những ân sủng riêng mà họ có thể chia sẻ với người khác.”
10. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nói người Công Giáo bị phân biệt đối xử tại Odessa
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương tại Ukraine, là Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, nói người Công Giáo tại Odessa, thành phố lớn thứ ba của nước này, “có lẽ là cộng đồng tôn giáo bị kỳ thị nặng nề nhất tại Ukraine.”
“Tại Odessa, người Công Giáo chúng tôi phải cầu nguyện trong một tư gia, được xem như nhà thờ chính tòa của chúng tôi”. Đức Tổng Giám Mục nói như trên hôm 11 tháng 12 trong một chuyến thăm thành phố với một triệu dân cư này.
Khích lệ các tín hữu, ngài nói:
“Hãy là các Kitô hữu đích thực, hãy là những người đầu tiên đến với mọi người, bất kể ngôn ngữ, quốc tịch hoặc niềm tin tôn giáo của họ. Như thế, chúng ta sẽ thoát ra được tình trạng hầm trú tại Odessa.”
11. Đức Giáo Hoàng khích lệ các tân đại sứ nuôi dưỡng hòa bình bằng cách thúc đẩy bất bạo động
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp sáu tân đại sứ đến trình quốc thư hôm 15 và kêu gọi họ cổ vũ bất bạo động, là chủ đề của thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2017 của ngài.
“Bất bạo động là một ví dụ điển hình của một giá trị phổ quát, tìm thấy sự viên mãn trong Tin Mừng của Chúa Kitô, nhưng cũng là một phần trong các truyền thống tâm linh cao quý và cổ kính khác” Đức Giáo Hoàng đã nói như trên với các tân đại sứ đến từ Burundi, Fiji, Mauritius, Moldova, Thụy Điển, và Tunisia .
Ngài nói tiếp:
“Thế giới như thế giới của chúng ta đây, được đánh dấu thật đáng buồn bằng các cuộc chiến tranh và vô số các xung đột, chưa kể đến tình trạng bạo lực lan rộng hiển nhiên dưới nhiều cách thế khác nhau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Trong một thế giới như thế, lựa chọn bất bạo động là một lối sống ngày càng cần thiết khi thực thi trách nhiệm ở mọi cấp độ, từ giáo dục gia đình, các cam kết xã hội và dân sự, cho đến các hoạt động chính trị và quan hệ quốc tế”
Bất bạo động, theo Đức Giáo Hoàng, “không phải là hèn yếu hoặc thụ động; trái lại nó bao hàm một sự cứng rắn, một lòng can đảm và khả năng đối mặt với các vấn đề và các cuộc xung đột với một trí tuệ trung thực, thực sự tìm kiếm thiện ích chung trên tất cả các lợi ích phe phái, hay các ý thức hệ về kinh tế và chính trị. “
Ngài nói thêm:
“Trong suốt thế kỷ qua, hoen ố bởi các cuộc chiến tranh và diệt chủng ở mức độ chưa từng có, chúng ta đã vẫn tìm thấy những ví dụ nổi bật trong đó bất bạo động, khi được chấp nhận với một niềm xác tín và được thực hành nhất quán, có thể mang lại các kết quả đáng kể như thế nào trên các bình diện xã hội và chính trị.”
Đức Thánh Cha kết luận:
“Đây là con đường phải theo đuổi ngay bây giờ và trong tương lai. Đây là con đường hòa bình. Không phải thứ hòa bình được công bố trên môi miệng mà không có trong thực tế vì sự theo đuổi các chiến lược thống trị, được hỗ trợ bởi các chi tiêu tai tiếng cho chiến tranh, trong khi rất nhiều người phải thiếu thốn những nhu cầu trong cuộc sống.”
12. Đức Hồng Y Miến Điện kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho hòa bình
Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yagon của Miến Điện, kêu gọi mọi người không phân biệt tôn giáo hãy “ăn chay cầu nguyện hầu năm 2017 là năm của Công Lý và Hòa Bình” cho đất nước.
Trong bản tin hôm 16 tháng 12, Thông Tấn Xã Fides, cho biết Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục của Yangon đã kêu gọi tất cả các tôn giáo hãy dành ngày 01 Tháng Giêng năm 2017 là một ngày ăn chay cầu nguyện hầu năm 2017 thực sự trở thành năm của công lý và hòa bình qua các cuộc đàm phán chân thành.
“Ước mong tất cả những người tìm đến các tu viện, nhà thờ, đền thờ cũng như các thánh thất chùa chiền và đền thờ Hồi giáo của chúng ta đều mang chung một tâm tình đó là “ Hãy dừng lại tất cả các cuộc chiến!”. Chúng ta hãy cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình, cho sự hoán cải con tim của tất cả mọi người hầu chấm dứt cuộc chiến ở Miến Điện và làm cho năm 2017 thành năm của công lý và hòa bình”.
Đức Hồng Y kêu gọi rất chân thành rằng: “ Tất cả chúng ta những người dân Miến Điện đều nói: “Chúc mừng năm mới”. Hàng năm chúng ta đều chào hỏi nhau với thông điệp này, nhưng thật là đáng buồn vì có rất nhiều nơi trên đất nước này không có hạnh phúc vì vẫn còn chiến tranh triền miên... Và đối với hơn 200,000 người phải di cư trong các trại tị nạn, thì hạnh phúc là viễn tượng trống vắng và xa vời với họ!”
Đức Hồng Y kết luận rằng:
“Cuộc chiến đã bắt đầu sáu mươi năm trước đây vẫn còn đằng đằng sát khí sục sôi! Những nước láng giềng chúng ta đang trên con đường xây dựng hòa bình và phát triển thịnh vượng. Chúng ta ở Miến Điện này vẫn còn nội chiến, tranh giành thắng thua không lối thoát, gây nên biết bao đau thương cho thường dân vô tội phải di tản hầu tránh chết chóc... Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết cùng nhau tìm kiếm công lý hòa bình cho đất nước chúng ta.”
13. Bộ phim tài liệu về Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành được 2 giải thưởng Emmy
Hai giải thưởng Emmy đã được trao cho một phim tài liệu mô tả vai trò quan trọng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong những giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu.
Phim tài liệu có tựa đề “Giải phóng một lục địa: Gioan Phaolo II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản” đã đoạt được giải phim tài liệu lịch sử xuất sắc. Giải thưởng này được trao cho vị giám đốc sản xuất phim và là chủ tịch hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố là ông Carl Anderson, và các nhà sản xuất Justyna Czyszek, Szymon Czyszek, David Naglieri, và Michele Nuzzo-Naglieri.
Ông Anderson nói:
“Chúng tôi rất vinh hạnh nhận được giải thưởng và biết ơn đối với sự công nhận mà giải thưởng này mang lại cho bộ phim quan trọng về câu chuyện giành lại tự do một cách bất bạo động của các quốc gia Đông Âu và qua đó thúc đẩy những gì là tốt đẹp nhất trong tinh thần cuả con người. Tài liệu cho thấy Đức Gioan Phaolo là người lãnh đạo thiết yếu, là nhân tố cho việc này xảy ra.”
Ông Anderson đã từng làm việc với Thánh Gioan Phaolô II khi ông phục vụ trong chính quyền của tổng thống Reagan. Ông hiện là Hiệp sĩ tối cao của Hội Các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, một tổ chức tương trợ Công Giáo với 1.9 triệu thành viên trên toàn thế giới.
Bộ phim tập trung vào vai trò của thánh Giáo hoàng trong việc chấm dứt chế độ cộng sản ở Trung và Đông Âu và ảnh hưởng tinh thần của ngài trên phong trào Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, là phong trào đã đóng góp một vai trò quan trọng dẫn đến sự sụp đổ chủ nghĩa cộng sản bắt đầu vào năm 1989.
Giải Emmy thứ 2 được trao cho vị giám đốc nhiếp ảnh của bộ phim, là ông George Hosek.
Bộ phim dài 90 phút, do nam diễn viên Jim Caviezel thuyết minh, đã sử dụng nhiều cảnh rất hiếm và nhiều cuộc phỏng vấn với một số nguyên thủ quốc gia. Một số phỏng vấn khác bao gồm người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng là George Weigel; Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục nghỉ hưu cuả Krakow, từng là trợ tá lâu năm của Thánh Gioan Phaolo II; và Richard Allen, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Ronald Reagan.
Bộ phim tài liệu này đã được phát sóng trên các đài truyền hình công cộng trên khắp Hoa Kỳ.
14. Đức Thánh Cha tiếp cộng đoàn nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu
Sáng 15 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Cộng đoàn Nhà thương Gesù Bambino, nghĩa là Chúa Hài Đồng Giêsu, là bệnh viện duy nhất thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh.
Được ngồi hàng đầu trong Đại thính đường Phaolô 6 có 150 trẻ em bệnh nhân đến từ Italia và 15 nước khác, trong đó có 15 em đến từ Cộng hòa Trung Phi được Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám Mục giáo phận Bangui thủ đô của nước này hướng dẫn đến đây.
Trong số 7 ngàn người hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các bác sĩ, y tá, các nhân viên khác, những người thiện nguyện, các gia đình và các bệnh nhân.
Bệnh Viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu được thành lập năm 1869 như bệnh viện nhi đồng đầu tiên ở Italia do sáng kiến của gia đình quận công Salviati, theo kiểu mẫu Bệnh viện Nhi đồng ở Paris. Năm 1924, gia đình Salviati đã tặng nhà thương này cho Tòa Thánh và từ đó trở thành bệnh viện của Đức Giáo Hoàng.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Bà Mariella Enoc, Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu, đã chính thức cám ơn Đức Thánh Cha vì đã cho phép sử dụng bãi đáp trực thăng trong Nội thành Vatican dành cho những trường hợp khẩn cấp. Từ khi khởi động chương trình này, đã có 80 trường hợp chuyên chở khẩn cấp các em bệnh nhân, với sự cộng tác của sở Hiến binh Vatican, Sở y tế Vatican và sở xe cứu thương Ares 118 của Italia.
Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đã cầu chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh sống với một con tim cởi mở, giữa tinh thần tươi đẹp của gia đình.
15. Lãnh tụ Hồi giáo Ai Cập thăm hỏi Đức Thượng Phụ Chính Thống Coptic sau vụ đánh bom tại Cairo
Hôm 14 tháng 12, Sheikh Ahmed al-Tayyib, Hiệu Trưởng Đại học Al Alzhar, đã đến thăm hỏi Đức Thượng Phụ Chính Thống Coptic Tawadros II, và bày tỏ sự cảm thông và tình đoàn kết của ông sau cuộc tấn công ném bom vào nhà thờ Thánh Máccô ở Cairo, khiến 26 người bị thiệt mạng.
Sheikh Ahmed al-Tayyib nhận xét rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS, là nhóm đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ ném bom vào nhà thờ, không hề “phân biệt các Kitô hữu và người Hồi giáo” trong việc lựa chọn các mục tiêu tấn công. Mục đích thực sự của những kẻ khủng bố này tho ông là để phá vỡ “sự hiệp nhất của người dân Ai Cập.”
Sheikh Ahmed al-Tayyib năm nay 70 tuổi, đã từng học về tư tưởng Hồi giáo ở Đại học Sorbonne, Paris. Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo được coi là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunni. Hôm 23 tháng 5, ông đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến lần đầu tiên.