SỰ CÔNG CHÍNH VÀ NỀN HÒA BÌNH VIÊN MÃN SẼ TRIỂN NỞ…

(Chúa Nhật II Mùa Vọng A)

Hằng năm cứ mỗi dịp mùa Vọng về, đoàn tín hữu chúng ta lại được nghe điệp khúc: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người” (Tv 71,7). Đã là người, từ cổ chí kim, ai cũng hằng mong được sống trong an bình. Hòa bình mãi là niềm ước mong của mọi dân tộc, mọi quốc gia, dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ lắm tham vọng muốn bá quyền, muốn độc tôn, thống trị kẻ khác… Và dường như sự an bình, yên ổn vẫn đang còn là ước mơ, cho dẫu một đôi lúc, ở một vài nơi đã được nếm hưởng nhưng chưa chắc đã là được bình an thực sự.

Đức Kitô đã đến thế gian. Người đã thiết lập triều đại Nước Thiên Chúa, thế nhưng triều đại của Thiên Chúa vẫn chưa hoàn tất. Chúa đã làm người để chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Trong kinh “Lay Cha”, khi dạy chúng ta khẩn khoản nài xin cho Nước Cha trị đến (hay xin cho triều đại Cha mau đến, như cách dịch của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh), hẳn là Chúa Kitô không dạy chúng ta chỉ biết “há miệng và ngửa tay” đón chờ, nhưng dạy ta phải biết nắm tay lại để chung xây triều đại của Thiên Chúa.

Sẽ chẳng có hòa bình nếu không có công bình. Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã từng nhấn mạnh điều này vào mỗi dịp đầu năm Dương lịch hay những khi kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Quả thật, làm sao có được sự công bình nếu không có sự công chính. Nói đên sự công chính là nói đến sự công minh, chính trực trong tư tưởng, lời nói và hành động của con người. Như thế cái nguồn gốc của sự hòa bình là nơi chính bản thân con người. Tuy nhiên, vì con người là sinh vật có tính xã hội, do đó một nền hòa bình chính hiệu cần phải có những thể chế luật lệ công minh, những đường lối chính sách ngay thẳng, công bình.

Những hình ảnh “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt chúng…” chính là niềm ước mơ của mọi người, mọi thời. Với những lời của Tiên Tri Isaia qua bài đọc thứ nhất (Is 11,1-10) và lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Vọng năm A này (Mt 3,1-12), xin được góp một vài ý thô thiển để cùng dệt xây một nền hòa bình đích thực và chính hiệu.

1. “Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11,4). Ngày nay, cảnh người nghèo khó bị áp bức bóc lột, bị xét xử bất công vẫn tồn tại dưới nhiều hình thái. Nhiều nơi trên thế giới và ngay chính trên quê hương chúng ta hiện tượng này vẫn dẫy đầy đó đây. Câu ngạn ngữ “ở hiền, gặp lành” xem ra không phải lúc nào cũng đúng trong thực tiễn mà có vẻ như đang là ngược lại. Càng ở hiền thì càng gặp nhiều điều chẳng may, càng bị thua thiệt nhiều mặt. Chính vì thế người con cái Chúa cần phải nỗ lực, gắng công liên lỉ.

Dĩ nhiên, không phải ôm bom tự sát, không phải cầm gươm giáo, súng ống làm vũ khí, nhưng ta phải biết “dùng lời như gậy đánh người áp chế và dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác” (Is 11,4). Đức Bênêđictô XVI, thời chưa làm Giáo Hoàng đã từng cảnh báo các mục tử trong Hội Thánh không được câm nín trước bất công và tội ác.

Quả thật, là Kitô hữu, người con cái Chúa có bổn phận xây dựng một nền hòa bình chính hiệu để cho Nước Chúa trị đến. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý ngậm miệng làm thinh trước các bất công xã hội? Chúng ta đã mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám hay không dám lên tiếng bảo vệ người nghèo khó, bênh đỡ người hiền lành? Nhiều câu hỏi thật không quá khó để trả lời nếu biết khiêm nhu và trung thực.

Không thiếu những lý do bào chữa, nhưng chúng ta cũng đành thú nhận rằng lắm khi vì đã “ăn xôi chùa, nên đành ngọng miệng”, hoặc có thể e sợ “há miệng sẽ mắc quai” hoặc rất có thể vì đã “có tật thì giật mình” nên chọn giải pháp làm thinh. Cũng có thể vin vào lý do tưởng như là khôn ngoan và hợp lý như là thời cơ chưa thuận lợi, chưa phải lúc…thế nhưng, chúng ta đừng quên đòi hỏi của Tin Mừng là dù khi thuận lợi hay không thuận lợi, thì lời chân lý phải được công bố.

2. Phê bình, góp ý để làm cho các đường lối, chủ trương, chính sách trong Hội Thánh và ngoài xã hội được ngay chính.

“Đường Chúa, ta uốn cho ngay…”. Ca từ của một bài hát trong mùa Vọng ta vốn thân quen vì được trích lời, ý, từ Thánh Kinh. Câu hát này có thể làm cho nhiều người hiểu lầm. Mọi đường lối của Chúa đều là từ bi và ngay chính. Cớ sao ta cần phải uốn cho ngay đường lối của Chúa. Không lẽ đường lối của Chúa chưa ngay thẳng hoặc đang cong queo? Chẳng một ai dám to gan khẳng định điều này khi họ là tín hữu Kitô đích thực. Thế thì ta cần phải hiểu chính xác về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vốn được trích từ lời của tiên tri Isaia: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi , phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng…(Is 40,3.5; Lc 3,4-5; Mt 3,3; Mc 1,2-3). Hóa ra đây là những đường lối của ta, cung cách sống của bản thân ta và cũng không loại trừ những thể chế, luật lệ, chủ trương, đường lối, chính sách của chúng ta.

Hiến Pháp, luật lệ các quốc gia và cả bộ Giáo Luật trong Hội Thánh chúng ta đã từng được chỉnh sửa, thay đổi, tất thảy chỉ vì chúng không còn phù hợp, thiếu chính đáng và rất có thể là chưa được “thẳng” ở điều này hay điểm kia. Thử đặt vấn đề rằng các đường lối, các luật lệ hiện nay vẫn còn nhiều điều cần sửa cho “ngay thẳng” hay không? Hẳn ta sẽ dễ dàng trả lời không chút nghi ngại là vẫn đang còn.

Tiến trình “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” nhắc nhớ cho ta về động thái căn bản là chỉnh sửa cho ngay thẳng cõi lòng, cung cách sống của ta. Tuy nhiên, yếu tố xã hội vẫn có đó mức độ ảnh hưởng đáng kể trên suy nghĩ và hành động của ta. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong bức thư chung năm 2006 đã nhìn nhận sự thật này: “con người vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội” (số 5). Và chắc chắn các cơ chế, luật lệ, các đường lối, chính sách quốc gia, xã hội có ảnh hưởng trên nhân cách và lối sống của con người thật đáng kể. Đất nước chúng ta đã nhìn nhận sai lầm của cơ chế bao cấp, của việc quá đề cao hình thái tổ chức vốn đã từng làm thui chột tinh thần trách nhiệm cá nhân và đã gây hậu quả xấu thật khó khắc phục một sớm một chiều. Và còn nhiều hậu quả xấu khác do bởi cơ chế, đường lối chính sách “không ngay thẳng” mà chúng ta đang phải hứng chịu đây? Việc chạy theo thành tích, chỉ nhắm đến lợi ích kinh tế trong giáo dục hay việc gạt các tập thể tôn giáo ra khỏi quốc sách giáo dục cũng là những “đường lối cong queo” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng trong thư chung năm 2007 (x.số 11-12;18-19).

Mùa Vọng lại về, Kitô hữu chúng ta không chỉ mong chờ Chúa Kitô lại đến, nhưng chúng ta cần phải loan báo cho thế giới nhận biết rằng Chúa Kitô, Vua Hòa Bình đã đến trong thế gian. Một trong những cách thế loan bào tin vui ấy hữu hiệu nhất là cần nỗ lực làm cho nền hòa bình viên mãn hiện diện cách cụ thể một cách nào đó ngay môi truờng ta đang sống.

Một tín hữu đã thành thật thú nhận rằng để sống lời Chúa dạy như trên chắc là phải tử đạo thôi. Quả không sai vì Đức Kitô đã phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,9-10). Lịch sử minh chứng rằng hai mối phúc này thường đi sánh đôi qua mọi thời và mọi nơi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột