HIỆP SỐNG TIN MỪNG Chúa Nhật 2 MÙA VỌNG A

Br 5,1-9 ; Pl 1,4-6.8-11 ; Mt 3,1-12

SÁM HỐI ĐỂ DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 3,1-12

(1) Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: (2) “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (4) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? (8) Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. (9) Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham”. Vì tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân. Thóc mẩy thì cho vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay tường thuật sứ vụ tiền sứ của Gio-an Tẩy Giả. Ông chính là “Tiếng hô trong hoang địa kêu gọi người ta dọn đường đón Đấng Thiên Sai”. Ông đã thi hành sứ vụ bằng một lối sống khổ hạnh, nên được dân chúng tín nhiệm và lũ lượt kéo đến nghe giảng, thú tội và chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Ông cũng nặng lời quở trách những kẻ đạo đức giả và loan báo Tin mừng về Đấng Thiên Sai sắp đến.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Ông Gio-an Tẩy Giả: Là con trai của tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Gio-an là tên mà sứ thần đã đặt cho ông khi hiện ra với cha của ông trong Đền Thờ (x. Lc 1,13). Gio-an là anh họ Đức Giê-su và lớn hơn Người sáu tháng tuổi (x. Lc 1,36). Ông được đặc ân khỏi tội tổ tông truyền khi nhảy mừng khi nghe lời chào của Đức Ma-ri-a đem theo thai nhi Giê-su đến viếng thăm (x. Lc 1,44). Ngay từ nhỏ Gio-an đã ẩn mình trong hoang địa. Trước khi Đức Giê-su ra giảng đạo, ông đã đến rao giảng tại vùng sông Gio-đan và làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối để dọn lòng đón Đấng Mê-si-a hay Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Lc 3,3-6). Cuối cùng ông đã bị vua Hê-rô-đê giết chết vì đã dám đứng ra can ngăn nhà vua lấy bà chị dâu làm vợ (x. Mt 14,3-12). + Đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê: Đây là vùng đồi núi khô cằn phía Nam thành Giê-ri-khô, cách Biển Chết 6 cây số. + Anh em hãy sám hối: Sám hối (Mê-ta-noi-a) nghĩa là: nghĩ lại, thay đổi ý kiến, hoán cải, thay đổi hoàn toàn con người, từ nội tâm đến cách sống quay về với Thiên Chúa. +Vì Nước Trời đã đến gần: Nước Trời hay Nước Thiên Chúa (trong các Tin Mừng khác). Đây là kiểu nói tránh nêu thánh danh Thiên Chúa. Người Do thái thời Đức Giê-su cũng mong Đấng Mê-si-a đến thiết lập một Nước Trời mang tính thế tục. Ở đây Gio-an kêu gọi dân chúng sám hối để chuẩn bị gia nhập Nước Trời thiêng liêng do Đấng Mê-si-a sắp thiết lập. + Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới…: Ngôn sứ I-sai-a sống vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Ngôn sứ này đã tuyên sấm về thân thế, nơi sinh và triều đại của Đấng Thiên Sai. Lời tuyên sấm của I-sai-a (40,3-5), gợi lại cuộc giải phóng và hồi hương của người Do thái từ xứ Ba-by-lon. Lời này được một Ngôn sứ vô danh loan báo sắp xảy ra như một cuộc Xuất Hành thứ hai của dân Do thái. Lời tuyên sấm ấy được ứng nghiệm nơi Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su.

- C 4-6: + Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà: Cách ăn mặc của Gio-an giống như ngôn sứ Ê-li-a (x. 2V 1,8). Ông có sứ mệnh tiên báo về “Ngày của Thiên Chúa” sắp đến (x. Mt 3,1-23). + Ông làm phép rửa cho họ: Thời bấy giờ, người Do thái đã quen với các nghi thức tự mình thanh tẩy theo tục lệ và Lề luật. Ở đây Gio-an cử hành nghi thức thanh tẩy bằng nước cho những ai đến nghe giảng để bày tỏ lòng sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Mê-si-a sắp đến. Phép rửa của Gio-an chỉ là một nghi lễ biểu lộ lòng sám hối, chứ không tha tội như bí tích Rửa tội do Đức Giê-su thiết lập sau này.

- C 7-9: + Phái Pha-ri-sêu: Pha-ri-sêu hay Biệt phái là một nhóm người có khuynh hướng duy linh, ái quốc quá khích, nhiệt tình với Luật Mô-sê và tuân giữ nhiều luật truyền khẩu. Về đời sống luân lý và đạo đức, họ thường chú trọng hình thức bên ngoài. Về mặt chính trị, họ là những kẻ thù của đế quốc Rô-ma, nên được dân chúng dành cho nhiều thiện cảm. + Phái Xa-đốc: Xa-đốc hay Văn nhân là nhóm người xu thời và phóng khoáng, không nhìn nhận truyền thống mà chỉ tuân giữ Lề luật. Họ theo khuynh hướng duy vật, thích văn hóa Hy-lạp. Họ giữ địa vị cao trong hàng hàng giáo phẩm và thường là người giàu có, nên dù chỉ là thiểu số nhưng họ rất có thế lực. Họ ủng hộ chính quyền Rô-ma, nên bị dân chúng không ưa. + Nòi rắn độc kia: Trong Kinh Thánh, con rắn đồng hóa với sự xảo trá lọc lừa (x St 3,1). + Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống: Theo các Ngôn sứ, cuộc chung thẩm và báo oán sẽ xảy ra khi thời đại của Đấng Mê-si-a bắt đầu. Lúc đó, mọi kẻ tội lỗi đều bị loại khỏi Nước của Đấng Mê-si-a (x. Is 30,27-33). Ông Gio-an tiên báo vị thẩm phán thời cánh chung sẽ đến trong uy quyền, đang khi Đức Giê-su lại xuất hiện như một người tôi tớ hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 12,18-21). + Sinh hoa quả xứng với lòng sám hối: Việc ăn năn sám hối trong lòng phải được chứng minh bằng những việc làm bác ái cụ thể. + Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham: Áp-ra-ham sống vào thế kỷ 20 trước Công Nguyên. Ông là tổ tiên của người Do thái và tên ông nghĩa là “Cha của những kẻ tin vào Đức Chúa”. Người Do thái cho rằng chỉ cần là con cháu của Áp-ra-ham là đương nhiên được cứu độ như lời Đức Chúa đã hứa (x. Lc 1,55). Nhưng họ đã lầm, vì để được cứu độ người ta còn phải tuân phục thánh Ý Thiên Chúa nữa (x. Mt 8,11). + Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham: Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ tùy theo người ta có lòng ăn năn sám hối hay không.

- C 10-12: + Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Trong Cựu Ước, cây là hình ảnh ám chỉ các dân tộc (x. Is 6,13). Cái rìu để sẵn gốc cây nhằm diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa dành cho dân Do thái đã sắp xảy đến. + Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước…: Gio-an đã so sánh để cho thấy sự khác biệt giữa mình với Đấng Thiên Sai như sau: Một là ông chỉ làm phép rửa bằng nước sông để khơi dậy nơi người chịu phép tâm tình sám hối, còn Đấng Thiên Sai sẽ thanh tẩy người ta nhờ ơn của Chúa Thánh Thần và lửa tin yêu. Hai là ông chỉ là người có thân phận thấp kém đang khi Đấng Thiên Sai lại có thân phận cao quý. Ba là ông chẳng có quyền hành gì, đang khi Đấng Thiên Sai lại có quyền xét xử thưởng người lành và phạt kẻ dữ. + Tay Người cầm nia…: Các Ngôn sứ Cựu Ước thường diễn tả ngày tận thế bằng hình ảnh của một người đang sàng sảy sân lúa của mình (x. Is 9,2). Ở đây vai trò của Đấng Thiên Sai được diễn tả giống như ông chủ ruộng trong dụ ngôn Nước Trời về cỏ lùng (x. Mt 13,30).

4. CÂU HỎI:

1) Gio-an Tẩy Giả là ai ? 2) Sứ mạng của ông là gì ? 3) Phái Pha-ri-sêu khác với phái Xa-đốc ở những điểm nào ? 4) Áp-ra-ham là ai ? Điều kiện để được ơn cứu độ là gi ? 5) Gio-an so sánh sự khác biệt giữa ông với Đấng Thiên Sai về phép rửa, thân thế và quyền năng thế nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SÁM HỐI:

Ông KHẤU CHUẨN thuở nhỏ tính tình du đãng, không biết giữ lề thói phép tắc, lại lười biếng tối ngày chỉ biết chơi chim chơi chó không chịu học hành. Bà mẹ vốn nghiêm khắc thấy con như thế thì thường la mắng quở phạt, nhưng cậu bé vẫn chứng nào tật đó không chịu chừa cải. Một hôm, cậu trốn học đi chơi và bị thầy giáo mời bà mẹ đến trường làm việc. Khi về nhà bà rất giận dữ, nên khi cậu vừa về đến nhà đã bị mẹ cầm quả cân đang sử dụng ném trúng chân làm cậu bị thương, máu chảy đầm đìa. Từ bấy giờ cậu mới biết sợ không dám tiếp tục chơi bời lêu lổng, mà chuyên lo công việc đèn sách.

Về sau Khấu Chuẩn thi đỗ làm quan và thăng tiến nhanh lên đến chức tể tướng triều đình. Khi ông đạt được vinh hoa thì mẹ ông đã qua đời. Mỗi khi ông nhìn thấy vết thương ở chân do quả cân gây ra, thì ông lại nức nở khóc mà nói với mọi người rằng: “Ta phải cám ơn mẹ ta, vì thương ta mà ra tay đánh phạt ta gây ra vết thương này. Nhưng cũng chính nhờ nó mà ta được nên người thành đạt như ngày hôm nay”.

2) LÒNG SÁM HỐI CÓ SỨC HÓA GIẢI HẬN THÙ:

GIĂNG-KAI (Zenkai) là một thanh niên Nhật bản khỏe mạnh, là con trai của một gia đình Công giáo. Anh đến thành phố Ê-đô lập nghiệp. Anh được nhận làm cận vệ cho một quan chức cao cấp của thành phố này. Giăng-kai đem lòng yêu cô vợ trẻ của ông chủ và “cây kim lâu ngày cũng lộ ra”, một hôm ông chủ đã bắt gặp hai người phạm tội thông dâm với nhau. Đang lúc nóng giận, ông đã thách đấu kiếm với Giăng-kai. Trong cuộc đọ sức, Giăng-kai khỏe và tài giỏi hơn nên đã đâm ông chủ một nhát trúng ngực và ít ngày sau thì ông qua đời, để lại một đứa con trai mới được 7 tuổi. Giăng-kai đem bà vợ ông chủ đi chạy trốn. Hai người đến một vùng đồi núi hẻo lánh và phải sống những ngày nghèo khổ đói khát, nhiều khi phải đi trộm lương thực của dân địa phương ăn cho đỡ đói. Nhưng khi sống gần nhau, Giăng-kai mới phát hiện ra người phụ nữ trẻ đẹp kia chỉ là một mụ đàn bà lăng loàn trắc nết. Nhiều lần chị ta đã nặng lời mắng chửi Giăng-kai và sau cùng đã bỏ rơi anh để theo làm hầu thiếp cho một người giàu có và thế lực trong vùng. Anh cảm thấy buồn bã không thiết đến ăn uống. Càng suy nghĩ anh lại càng thấm thía cho tình đời đen bạc. Rồi anh quyết tâm sám hối bằng việc dành trọn quãng đời còn lại để làm một công việc gì hữu ích để chuộc lại phần nào tội lỗi của mình.

Một hôm thấy trên sườn núi gần nơi đó có một đường đèo lởm chởm và trơn trượt rất nguy hiểm cho người qua lại. Nhiều người đã bị té xuống vực sâu chết thảm khi phải đi qua đoạn đường nguy hiểm này. Anh quyết định sẽ đào một đường hầm xuyên qua núi để giúp người ta tránh khỏi các tai nạn rủi ro tương tự. Ban ngày anh vào làng làm thuê kiếm sống. Đêm đến anh đốt đèn và miệt mài đào hầm xuyên qua vách núi. Mười ba năm sau, khi Giăng-kai được 40 tuổi, thì con đường hầm đã gần hoàn tất. Ước tính chỉ hai năm nữa là anh sẽ hòan thành con đường hầm. Ngày nọ, đứa con trai của ông chủ cũ giờ đã thành một trang thanh niên 20 tuổi khỏe mạnh tìm đến gặp Giăng-kai và đòi thách đấu để trả thù cho cha. Giăng-kai đồng ý nhưng yêu cầu hoãn lại 2 năm để có thời giờ hoàn thành tâm nguyện và được anh kia đồng ý. Rồi khi thấy Giăng-kai hằng ngày phải làm việc quá vất vả, anh ta đã tình nguyện giúp một tay cho công việc chóng xong hầu sớm trả thù cho cha. Nhưng trong thời gian làm việc chung, chàng thanh niên khâm phục trước dũng khí và sự chuyên cần của kẻ thù. Cuối cùng thì công việc đào hầm cũng xong và dân chúng hai bên đã có thể qua lại dễ dàng. Bấy giờ Giăng-kai nói với chàng thanh niên: “Tâm nguyện của ta đã hoàn tất. Vậy anh hãy lấy đầu của ta để báo thù cho cha anh”. Nhưng chàng thanh niên kia đã nghẹn ngào xúc động nói: “Bây giờ làm sao con có thể giết chết thầy được, khi mà thầy đã thật lòng sám hối và đã làm được một việc lớn lao như thế kia để đền tội?”.

Chính tinh thần sám hối và sự quyết tâm làm việc thiện của Giăng-kai đã có sức mạnh cảm hóa và biến một kẻ vốn là kẻ thù trở thành bạn hữu của mình. Một con người mang tâm trạng thù hận mà còn mủi lòng trước sự thành tâm sám hối như vậy, phương chi Thiên Chúa lại chẳng đoái thương tha thứ và ban ơn cứu độ cho những tội nhân thật lòng sám hối hay sao?

3) HAI ẨN TU BẤT ĐẮC DĨ:

Tại một vùng núi nọ, người ta truyền tụng cho nhau câu chuyện nầy: Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách chọn con đường ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để qua hết cuôc đời trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuôc sống ẩn tu đạt kết quả và khỏi bận tâm, về những "sự thế gian", cả hai quyết định sống cô độc: hang ai nấy ở, mỗi người môt không gian riêng…

Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế, như hai chiếc mồ hoang lạnh giữa rừng sâu. Thời gian sau đó, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên, đổi họ, lần mò trốn lên núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân để sám hối làm lại cuộc đời. Thế là cả hai dọn sạch hang cũ và bắt đầu cuộc sống mới của những người "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước một điều là cả hai quyết định làm một con đường nối liền hai hang để thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an …Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã mọc đầy hoa, xung quanh hang động cảnh trí phô đầy sức sống và vẻ đẹp. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nổi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng khiến nhiều người cất công lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hưóng dẫn đạo đức. Từ đó, phát xuất từ hai cái hang đó, đã có nhiều lối đi, nhiều con đường dẫn đến các khu dân cư, và trên các lối đi đó cũng mọc đầy cỏ hoa tươi thắm… Và rồi, hai "thầy tướng cướp ẩn tu" đó qua đời. Vì đời sống thánh thiện và vì có những phép lạ xảy ra cho một số người lên núi cầu xin, nên dân chúng vùng đó "tự động" phong thánh cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy…

4) SÁM HỐI LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ:

Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly”, Leonard de Vinci đã cãi lộn với một người bạn. Trong lúc nóng giận ông đã nhiếc mắng bạn bằng những lời gay gắt kèm theo những cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã qua đi, Leonard quay trở lại với công việc đang làm là tiếp tục vẽ khuôn mặt từ bi của Chúa Giêsu. Nhưng dù cố gắng hết sức ông vẫn không thể vẽ thêm được nét cọ nào. Cuối cùng khi khám phá ra nguyên nhân khiến công việc bị ngưng trệ là do trong lòng cảm thấy bất an, họa sĩ liền bỏ giá vẽ, đi tìm người bạn mới bị ông xúc phạm xin tha thứ. Sau đó ông đã bình tĩnh trở lại và đã hoàn tất được bức họa “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng.

3. SUY NIỆM:

1) HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI:

Chúa Nhật thứ II mùa vọng hôm nay, Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy ăn năn trở về với Thiên Chúa để chuẩn bị đón Chúa sắp đến.

Trong tiếng Hy Lạp chữ mê-ta-noi-a (sám hối) vừa diễn tả sự hối tiếc về những lỗi lầm đã phạm đến Thiên Chúa để xin ơn tha thứ, vừa đòi hỏi sự thay đổi sâu xa trong tâm trí và trong cuộc sống: thay đổi từ cách suy nghĩ, nói năng, đến thái độ ứng xử và hành động công minh chính trực. Hôm nay, Hội Thánh giới thiệu cho các tín hữu chúng ta về sự sám hối qua khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Gio-an được sinh ra cách lạ lùng, lớn lên trong sa mạc với lối sống khổ hạnh như ngôn sứ Ê-li-a xưa: mặc áo bằng da thú vật, ăn châu chấu với mật ong rừng, uống nước lã… Ông ăn ở khổ hạnh để chờ đến ngày sẽ ra giảng đạo, thi hành sứ vụ tiền hô, đi trước mở đường cho mọi người đón Đấng Thiên Sai...

Thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô cai trị Rô-ma, hai Thượng tế Khan-na và Cai-pha, Tổng trấn Phi-la-tô cai trị Giu-đê, tiểu vương Hêrôđê tại Ga-li-lê-a… Gio-an đã được Chúa sai đi đến vùng ven sông Giođan để mời gọi mọi người ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng như sau: “Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến”. Ông đã mạnh dạn kêu gọi mọi người: hãy sống công chính để đón chờ Đấng Cứu Thế sắp đến. Dân chúng lũ lượt đến với ông, ăn năn thú tội và ông đã làm phép rửa cho họ trong dòng sông Giođan.

2) NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN:

Là nội dung Tin Mừng mà Gio-an Tẩy Giả loan báo tại miền sông Gio-đan.

- Đấng Thiên Sai là Thẩm phán công minh sẽ đến tách biệt người lành khỏi kẻ dữ, giống như người nông dân phân biệt thóc mẩy với thóc lép: “Thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa mà đốt đi” (Mt 3,12).

- Ngày Đấng Thiên Sai đến sẽ là ngày thịnh nộ: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Người sẽ thanh tẩy người ta nhờ quyền năng Thánh Thần và trong lửa tin yêu như trong lễ Ngũ Tuần sau này. Nếu muốn được cứu độ thì ngay từ bây giờ ta phải có lòng sám hối ăn năn.

3) SÁM HỐI CỤ THỂ NGHĨA LÀ GÌ ?:

- Sám hối là tự vấn lương tâm về lời nói việc làm đã gây ra thù hằn ganh ghét lẫn nhau, về những hành động thiếu khoan dung. Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước bao cái xấu cái ác đã và đang xảy ra trên thế giới hôm nay. Một Hội Thánh có can đảm sám hối là một Hội Thánh đang vươn tới sự thánh thiện.

- Chúng ta cần nghe lại những lời giáo huấn của Gio-an trong bài Tin Mừng hôm nay, kéo chúng ta ra khỏi thái độ tự mãn của người Pha-ri-sêu xưa: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 3,8). Cũng vậy, đừng tưởng rằng hễ là tín hữu là đương nhiên ta sẽ được vào Nước Trời. Hôm nay Gio-an mời gọi mọi người thú nhận tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa nhờ lòng sám hối chân thành và bằng hành động khiêm tốn phục vụ tha nhân.

4) SÁM HỐI ĐÒI TA PHẢI LÀM GÌ?

- Cách đây ít lâu có một bài báo viết về việc tẩy xóa những vết xăm trên thân mình của giới trẻ. Một điều lạ là sau khi bài báo xuất hiện, đã có trên 1000 lá thư từ các bạn trẻ khắp nơi gửi về tòa soạn để hỏi thêm chi tiết về cách tẩy xóa đi các vết xăm này. Từ đó, một cuốn phim tên là “Untatoo You” – “Hãy tẩy xóa vết xăm cho bạn” ra đời. Nội dung về những nguy hiểm của việc xăm mình và trình bày sự khó khăn của việc tẩy đi những dấu xăm nhỏ trên những cánh tay, khuôn mặt, và những vết xăm lớn hơn trên ngực và phía sau lưng... Các tài tử đóng phim này chính là những bạn trẻ đã từng xăm mình. Họ đã chia sẻ cách thành thật về lý do tại sao lúc đầu họ đã xăm mình, và bây giờ tại sao họ lại muốn tẩy xóa các vết xăm đó đi.

- Hôm nay, cũng như các bạn trẻ sau khi đã khám phá ra cách tẩy xóa các dấu xăm trên người, đã cố gắng tìm cách để tẩy xóa nó đi, thì các tín hữu hôm nay, một khi đã ý thức các vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn mình, chúng ta cũng cần xin ơn Chúa gia tăng lòng tin yêu Chúa và ăn năn sám hối để lãnh nhận bí tích giao hòa. Chắc chúng ta cũng sẽ được ơn tẩy xoá những vết nhơ và xứng đáng hưởng niềm hoan lạc của Mùa Giáng Sinh sắp đến.

4. THẢO LUẬN:

1) Hiện nay bạn thấy Giáo xứ, Hội đoàn hay Gia đình của bạn có điều gì chưa phù hợp với đòi hỏi bác ái yêu thương của Đức Ki-tô, và nên cớ cho lương dân khinh thường đạo Chúa không ? 2) Hiện giờ bạn thấy mình cần cấp thời hoán cải và canh tân điều gì trong những ngày Mùa Vọng này ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sám hối không phải là điều dễ làm, vì chúng con thường không đủ khiêm tốn để nhận ra khuyết điểm lỗi lầm của mình. Xin cho chúng con biết dũng cảm điều chỉnh những sai lỗi, luôn biết tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng về sự thánh thiện của mình và tránh thói đạo đức giả hình của người Pha-ri-sêu xưa.

- LẠY CHÚA. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã nặng lời quở trách các thói hư của những kẻ đạo đức giả, không chịu hồi tâm sám hối để được hưởng ơn cứu độ. Con cảm thấy những lời đó rất phù hợp với thực trạng tâm hồn của con. Nhiều lần con cũng tự mãn về lòng đạo đức và nghĩ mình xứng đáng hưởng ơn cứu độ vì năng đến nhà thờ dự lễ mỗi ngày. Thực ra ngòai việc chuyên cần cầu nguyện dự lễ, con còn cần phải sám hối và quyết tâm đổi mới đời sống để ngày một nên giống Chúa hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM