Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ở những nơi khác các tín hữu Kitô bị bách hại tuy lặng lẽ, kín đáo hơn nhưng không kém phần nham hiểm và tàn bạo.
Trúc Ly và Hà Thu muốn đề cập đến một diễn biến nổi bật trong tuần qua là việc nhóm Wikileaks tung ra các emails lấy cắp từ hộp thư Gmail cá nhân của John Podesta. Những emails này phơi bày ra ánh sáng tâm tình thù địch với các giáo huấn Công Giáo và các hoạt động của đảng Dân Chủ Mỹ nhằm lũng đoạn Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.
Ông Podesta là ai? Thưa John Podesta là một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ, là người đã giữ một loạt các vị trí cao cấp. Ông Podesta từng là trưởng phòng nhân viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một cố vấn cao cấp cho Tổng thống Barack Obama và hiện đang là giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Wikileaks cho biết họ có trong tay khoảng 50,000 emails của Podesta và của chính bà Hillary Clinton. Cho đến nay, nhóm này đã tung ra khoảng 10,000 emails, mỗi ngày một vài ngàn cái. Bà Hilary Clinton và những người điều hành chiến dịch tranh cử của bà cho đến nay vẫn từ chối xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.
WikiLeaks là gì? Thưa, đó là một nhóm phi lợi nhuận của các nhà báo quốc tế theo đuổi mục đích công bố các thông tin bí mật, đặc biệt là các tin tức rò rỉ từ các nguồn vô danh. Trang web của họ, bắt đầu vào năm 2006 tại Iceland bởi các tổ chức Sunshine Press, tuyên bố rằng họ có một cơ sở dữ liệu gồm hơn 1.2 triệu tài liệu trong vòng một năm sau khi thành lập. Julian Assange, một nhà hoạt động Internet ở Úc, thường được mô tả là người sáng lập, trưởng ban ban biên tập, và giám đốc của nhóm này.
Làm thế nào mà Wikileaks có được email? Đó là một bí mật chưa được giải mã. Tuy nhiên, các thành viên trong chiến dịch tranh cử cuả bà Hillary Clinton không ngần ngại cho rằng các cơ quan tình báo Nga đứng đằng sau việc lấy cắp các emails trên Google của Podesta và cung cấp cho WikiLeaks.
Người dân Mỹ được khuyên là nên quên chuyện này đi để khỏi mắc bẫy của người Nga.
Nội dung những emails này nói lên những gì? Thưa, chúng cho thấy các chiến lược tranh cử, những sắp xếp về nhân sự, những kịch bản, chẳng hạn như các ký giả cò mồi sẽ hỏi những câu nào trong các buổi tranh cử và bà Clinton phải học thuộc lòng trước các câu trả lời nào để có thể trình diễn trước các cử tri Mỹ một người đàn bà uyên bác, có nhiều sáng kiến và nhiều chiến lược phi phàm để lãnh đạo quốc gia; mặc dù có hàng lô các emails trao đổi qua lại giữa các thuộc cấp của ông Podesta không ngớt chê bai khả năng của bà Clinton.
Tuy nhiên, giữa một biển các emails liên quan đến các công việc nhàm chán và các bản tin chính trị hàng ngày, người ta đọc thấy các thủ đoạn chính trị nham hiểm, mà nổi bật nhất là kế hoạch gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ cũng như tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, và khinh miệt các Giám Mục Mỹ.
Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,
Các điện thư, được công bố bởi Wikileaks, chứng minh rằng đảng Dân chủ đã tham gia vào việc thành lập ít nhất là hai tổ chức nhằm vận động cho sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ các chính trị gia phò phá thai và hôn nhân đồng tính, đồng thời thách thức và gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.
Trong một điện thư trao đổi giữa các thành viên của đảng Dân Chủ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được mô tả như đang thực thi “một chế độ độc tài thời trung cổ” tại Mỹ. Để trả lời cho một gợi ý gieo mầm “những hạt giống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhằm “kết thúc chế độ độc tài thời trung cổ” này, John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton, trả lời: “Chúng tôi đã tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [nghĩa là Liên Minh những người Công Giáo vì thiện ích chung] cho một thời điểm như thế”. Ông ta cho biết thêm: “Tương tự như Catholics United”, cả hai nhóm đã có những lập trường công khai phù hợp với các mục tiêu trong chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton.
Nói về nhóm Catholics United, Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadephia cho biết:
“Năm 2008, trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Obama-McCain, có hai thanh niên đã đến thăm tôi ở Denver. Họ là các thành viên của nhóm Catholics United, một nhóm tự nhận là dấn thân cho các vấn đề công bằng xã hội. Họ bày tỏ với tôi mối lo ngại là có những người Công Giáo đang làm tay sai cho Đảng Cộng Hòa. Và họ hy vọng rằng chính tôi và các giám mục anh em của mình sẽ chống lại việc những người ấy dùng chiêu bài chống phá thai để vận động người Công Giáo về phe Đảng Cộng Hòa.
Đó là một kinh nghiệm thú vị. Hai người này rõ ràng là đang vận động cho cuộc tranh cử của Obama và Đảng Dân Chủ. Họ là những thụ tạo của một bộ máy chính trị, chứ không phải người của Hội Thánh; họ chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của Công Giáo trong việc bầu cử này hơn là đến giáo huấn Công Giáo. Và có lẽ đối với họ các giám mục ngu đến nỗi để bị người ta sử dụng như những công cụ, hoặc ít nhất là bị họ ngăn trở trong việc giúp phe bên kia.”
Trước việc Wikileaks công bố hàng chục ngàn các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước diễn biến này như thế nào?
Hà Thu xin mời quý vị và anh chị em nghe lại tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, do Thảo Ly trình bày trong bản tin Thế giới nhìn từ Vatican tuần này:
Tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử của dân tộc, tôi khích lệ tất cả chúng ta dành ra một chút thời gian để suy tư về một trong những nguyên tắc sáng lập ra nền cộng hòa của chúng ta – đó là quyền tự do tôn giáo. Nguyên tắc này bảo đảm những quyền của cộng đồng đức tin có thể bảo vệ sự toàn vẹn niềm tin của mình và được tự quản một cách chính đáng. Có những báo cáo gần đây cho thấy một số người có thể đã tìm cách can thiệp vào đời sống nội bộ của Giáo Hội vì những lợi ích chính trị ngắn hạn của họ. Nếu đúng như thế, đây là điều đang gây khó khăn cho cuộc sống của các cộng đồng đức tin và cả lợi ích quốc gia của chúng ta.
Chúa Kitô đã ban cho chúng ta một ân sủng quý giá là đức tin và Giáo Hội của chúng ta. Là người Công Giáo, chúng ta giữ vững niềm tin của mình bởi vì niềm tin ấy đến với chúng ta từ Chúa Giêsu, chứ không phải từ một sự đồng thuận giả tạo dựa trên các chuẩn mực hiện tại. Tin Mừng được ban cho tất cả mọi dân tộc xuyên suốt thời gian. Tin Mừng mời gọi chúng ta yêu thương người lân cận và sống hòa bình với nhau. Vì lý do này, sự thật của Chúa Kitô không bao giờ là lỗi thời hoặc không thể tiếp cận được. Tin Mừng phục vụ lợi ích chung, chứ không phải là các chương trình nghị sự chính trị.
Tôi khích lệ anh chị em Công Giáo chúng ta, và tất cả mọi người thiện chí, hãy trở thành những người gìn giữ các quyền quý giá, mà chúng ta được thừa kế trong tư cách là công dân của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng các viên chức công quyền biết tôn trọng quyền của người dân được sống đức tin của họ mà không cần sự can thiệp nào của nhà nước. Khi cộng đồng đức tin bị mất đi quyền này, chính ý tưởng là một người Mỹ sẽ bị đánh mất.
Các chính trị gia, các nhân viên và tình nguyện viên của họ nên phản ảnh nguyện vọng tốt nhất của chúng tôi trong tư cách là những công dân. Quá nhiều những diễn văn chính trị trong những ngày này đã khinh miệt phụ nữ và gạt ra ngoài lề xã hội những người có đức tin. Điều này phải được thay đổi. Theo đúng những hy vọng đẹp nhất của những người sáng lập ra quốc gia chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta có thể và sẽ làm tốt hơn với tư cách là một quốc gia.
+ Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ