Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kể từ năm 1534 là năm Anh Giáo tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo, thì đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng Công Giáo và Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury có buổi cầu nguyện chung với nhau một cách công khai.
Trong buổi kinh chiều này hai vị cũng đã ký một tuyên bố chung khẳng định cam kết quyết tâm thực hiện những tiến bộ đại kết.
Sáng thứ Năm 6 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby và một số Tổng Giám Mục Anh Giáo khác cũng đã có cuộc gặp gỡ riêng với Đức Thánh Cha tại Vatican.
Giữa những tin tức lạc quan như thế, nhiều người tự hỏi con đường hiệp nhất Công Giáo và Anh Giáo còn xa lắm không? Chương trình hôm nay xin dành để bàn thảo xung quanh những khía cạnh chông gai của câu hỏi này.
Kitô giáo được truyền giảng tại Anh rất sớm, có lẽ là vào cuối thế kỉ thứ nhất. Nhưng do hoàn cảnh địa lý xung quanh đều là biển cả, Giáo Hội tại Anh được điều hành tương đối độc lập với Giáo Hội Rôma. Thực vậy, guồng máy của Giáo Hội tại Anh đã được thiết lập tại Hội nghị Herford năm 673, trong đó quy định rằng các Giám Mục tại quốc gia này tuân phục quyền lãnh đạo của Tổng Giám mục thành Canterbury. Đức Giáo Hoàng Gregoriô Cả đã phải sai thánh Augustinô sang thuyết phục các tín hữu Anh tùng phục quyền bính người kế vị các tông đồ.
Cuộc ly giáo đã diễn ra vào thời vua Henry VIII, sinh năm 1509 và qua đời năm 1547. Nhà vua muốn “hủy bỏ hôn nhân” với vợ là Catherine để kết hôn chính thức với Anne Boleyn, viện lý do là hoàng hậu không có hoàng tử để thừa kế ngai vàng. Tuy nhiên, yêu cầu này của nhà vua không được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII phê chuẩn. Nhà vua bực tức về điều này.
Bên cạnh đó, vua Henry VIII cũng nhận thấy những lợi ích chính trị và kinh tế khi ly khai khỏi Công Giáo và thành lập Giáo Hội Anh mà nhà vua là người đứng đầu.
Do đó, năm 1534, với Đạo luật Quyền Tối thượng, vua Henry VIII tự xưng là “Lãnh đạo Tối cao duy nhất trên trần thế” của Giáo Hội tại Anh. Năm 1536, vua Henry VIII đi xa hơn tuyên bố ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo và ban hành một loạt các đạo luật khác như luật giải thể tu viện Công Giáo năm 1542. Luật này mang một số lượng lớn các loại tài sản của các tu viện Công Giáo vào tay nhà vua, rồi sau đó vào tay các nhà quý tộc. Điều này tạo nên các nguồn vật chất lớn lao hỗ trợ cho Giáo Hội mới vừa độc lập trên lãnh thổ nước Anh, dưới quyền cai trị của một quân vương.
Người thiết lập nền thần học đặc thù cho Anh giáo là linh mục Thomas Cranmer. Ông từng sống nhiều năm trên lục địa Âu Châu và chịu ảnh hưởng mạnh của Tin Lành. Vì thế, tuy là linh mục, ông không giữ luật độc thân và kết hôn với một phụ nữ. Thomas Cranmer ủng hộ manh mẽ cuộc ly giáo và được nhà vua phong làm Tổng Giám mục thành Canterbury.
Trong thời trị vì ngắn ngủi của vua Edward VI, con trai của Henry, Cranmer đã thành công đáng kể trong nỗ lực đem Giáo Hội Anh đến gần với Thần học Calvin của Tin Lành.
Trong những thế kỷ kế tiếp, liên tục có những trào lưu đối kháng nhau lúc thì muốn đưa Anh Giáo nghiêng về phía Công Giáo, lúc lại muốn nghiêng về phía Tin Lành. Hệ quả là ngày nay có những giáo xứ Anh Giáo theo xu hướng Tin Lành, và vị coi sóc giáo xứ ấy được gọi là mục sư. Cũng có các giáo xứ theo xu hướng Công Giáo với các nghi lễ gần giống với Công Giáo, thì vị chăm sóc giáo xứ ấy gọi là linh mục.
Anh giáo thường được đồng nhất với Giáo Hội Anh – là Giáo Hội chính thức của xứ Anh Cát Lợi, nhưng trong thực tế, trên bước đường chinh phục các thuộc địa, Anh giáo được truyền bá sang nhiều nước trên thế giới.
Khác với Giáo Hội Công Giáo, Anh giáo không có một thẩm quyền toàn cầu nào được công nhận. Toàn bộ ba mươi chín khu vực của Khối Liên Hiệp Anh giáo đều tự trị, mỗi khu vực tự chọn thể chế và giới lãnh đạo cho mình. Các khu vực này có thể chọn mô hình Giáo Hội quốc gia (như Canada, Uganda, hoặc Nhật Bản), hoặc một nhóm các quốc gia (như Tây Ấn, Trung Phi, hoặc Nam Á).
Triển vọng hợp nhất với Công Giáo càng ngày càng mờ mịt. Có lẽ trong đời chúng ta, chúng ta sẽ không có hy vọng thấy được ngày ấy.
Tuyên bố chung vừa được công bố hôm 5 tháng 10 cũng nhìn nhận các “trở ngại nghiêm trọng” đối với sự hợp nhất giữa người Công Giáo và người Anh Giáo, nổi bật nhất là quyết định của Anh Giáo phong chức cho phụ nữ làm linh mục và giám mục. Bên cạnh đó còn rất nhiều những dị biệt khác.
Về phương diện tín lý,
Anh giáo không tin vào tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Họ cũng không công nhận tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời.
Anh Giáo cũng không tin sự đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ với Chúa Giêsu.
Công Giáo tin có luyện ngục để được thanh tẩy sau khi chết, còn Anh giáo thì không.
Công Giáo tin rằng bánh và rượu sau khi truyền phép trở thành mình máu Chúa thật trong Thánh Thể, còn Anh giáo thì không.
Về phương diện luân lý và cơ cấu Giáo Hội,
Công Giáo không cho phép ly dị và tái hôn; nhưng Anh giáo thì được phép.
Vấn đề ngừa thai và phá thai, Anh giáo cho rằng đây là vấn đề riêng tư cá nhân chứ không còn là vấn đề của tôn giáo nữa.
Chỉ có Giáo Hội Công Giáo tin vào ơn bất khả ngộ của Đức Thánh Cha. Ngài không sai lầm khi giảng dậy nhân danh quyền kế vị Thánh Phêrô về các lãnh vực đức tin và luân lý.
Công Giáo tin tưởng Đức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo Hội, còn Anh giáo thì không.
Từ khi được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 2013, ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nỗ lực thắt chặt mối liên lạc với các nhóm Kitô Giáo, như vào tháng Hai vừa qua Đức Giáo Hoàng đã gặp Đức Thượng Phụ Giáo Chủ của Nga tại Cuba và trong tháng này Đức Giáo Hoàng sẽ là khách mời của Giáo Hội Lutheran kỷ niệm 500 năm Giáo Hội này được thành lập tại Thụy Điển.
Khả năng hiệp nhất tuy còn xa mờ, tuy nhiên, ý hướng của Đức Thánh Cha là trong khi vẫ còn những dị biệt, Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau vẫn có thể nhìn nhận mình là anh em được thúc đẩy bởi cùng một Tin Mừng để đảm nhiệm cùng một sứ vụ trong thế giới.