LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MARIA NƠI THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN

Khi nhìn vào gương thánh thiện của thầy Anrê Phú Yên, chúng ta biết được những điều chính yếu của sự thánh thiện mà Giáo Hội muốn đưa ra cho tín hữu theo gương bắt chước, như việc sống Tin Mừng Chúa Kitô, sống các nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức nhân bản khác một cách sâu xa, anh hùng và bền bỉ; ngoài ra còn có việc tham dự đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội, đời sống cầu nguyện, hy sinh hãm mình, thực hành bác ái phúc âm. Việc sống các nét căn ban này đạt tới mức độ cao cả nhất, qua cuộc tử đạo của Thầy giảng Anrê. Trong khi tìm hiểu đời sống thánh thiện của người tính hữu công giáo quê hương Phú Yên này, chúng ta không thể bỏ qua việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria nơi thầy. Vì thế, tôi muốn đưa ra vài nét về lòng sùng kính này.

1. một vài nét về lòng sùng kính Đức Mẹ trong tiểu sử của Thầy Anrê Phú Yên

Chúng ta ghi lại đây một số chi tiết trong cuộc đời và cuộc tử đạo của Thầy Anrê có liên hệ tới lòng sùng kính Đức Mẹ Maria nơi thầy.

Trong buổi chiều ngày 25/07/1644, khi lính của ông Nghè Bộ đến nhà Cha Đắc Lộ để bắt Thầy Anrê, họ đã xúc phạm đến cảnh Chúa và Mẹ Maria, các đồ thờ phượng. Khi thấy vậy, thầy Anrê đã xin lính cỡi trói để Thầy xếp đặt lại đàng hoàng để họ đưa về dinh quan (xc. Congregatio de Causis Sanctorum, Beatificationis seu Declarationis martyrii Servi Dei Andreae viri laici et catechistae Proto-martyris de Viet Nam (ca. 1625 1644), Postio super martyrio, vol. I, Praesentatio, Vita Documnatata informatio, Romae 1988, p. 85.88 = positio).

Một chi tiết khác nữa, đó là tên Mẹ Maria được Thầy kêu lên trong lúc chính thầy bị đâm chết (xc. Postio, vol. I, Tr 144, 145, 147, 149, 150).

Các nhà viết tiểu sử của Thầy Anrê đã nêu ra chi tiết, khi Thầy Anrê chết đi, thì những người thương gia Bồ Đào Nha tranh nhau lấy cỗ tràng hạt của Thày và chia nhau các hột của xâu chuõi quý báu này. Người chứng Thầy Anrê thứ 10 trong vụ án tiên thẩm tại Tòa án Macao đã khai là sau khi Thầy chịu chết, ông đã có được mấy sợi tóc trên đầu thầy và mấy hạt từ cỗ trang hạt của Thầy ( xc. Postio, vol. I, tr. 201).

Xác của Thầy Anrê được đón tiếp trọng thể ngày 15.08.1644 tại nhà thờ Học viện Dòng Tên ở Macao, ngày lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Maria (xc. Postio Vol. I, tr. 71.112).

Cha Đắc Lộ đã nói về lòng trong trắng của Thầy Anrê tuyệt đỉnh, nên thầy xứng đáng được triều thiên của Chúa Kitô và của Đức Trinh Nữ Maria (xc. Postio, vol,I. tr. 71.112).

Đó là những chi tiết cho chúng ta nhận ra lòng sùng kính Mẹ Maria nơi Thầy giảng Anrê Phú Yên. Chắc trong cuộc đời của Thầy còn có nhiều hình thức biểu lộ lòng sùng kính này, như Thầy đã được cha Đắc Lộ dạy cho cũng như Thầy phải biết và thực hành trước khi dạy dỗ người khác, với tư cách là một Thầy Giảng, một giáo lý viên. Các chi tiết này rất đơn sơ vắn gọn, nhưng cho thấy một tâm lòng luôn luôn hướng về Mẹ Maria, mà Cha Đắc Lộ trong Sách “Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh Đức Chúa Lời” (=PGTN) (Catechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus, Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh Đức Chúa Lời, ab Alexandro de Rhodes e Societate lesu, eiusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Romae, Typis Sacrae Congregationis de Propaganda Fid, 1651), gọi là “Thánh Mẫu Maria Độc Thân”, hoặc “Đức Chúa Bà” (xc. PGTN, tr 146)

2. Nguồn gốc lòng sùng kính Mẹ Maria nơi Thầy Anrê

Sau đây chúng ta nói qua về nguồn gốc và nền tảng của lòng tôn sùng Đức Maria nơi Thầy Anrê Phú Yên.

a. Gương của bà thân mẫu Gioana

Khi nói về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria nơi Thầy giảng Anrê Phú yên, chúng ta phải kể đến gương sống động của bà Gioanna, như bình ảnh cụ thể sống động tại chỗ cho thầy Anrê hiểu được phần nào hình ảnh của Mẹ Maria mà Thày đã tôn kính.

Như sự liệu cho ta biết bà Gioanna là một người mẹ luôn làm gương cho các con cái trong nhà, và cho mọi người trong họ đạo, nhất là với các kitô hữu đầu tiên thời đó. Bà đạo đức, lo việc gia đình như một người mẹ, nhất là từ khi ông chồng bà chết để lại gánh nặng gia đình cho bà. Bà lo cho con cái được biết Chúa, được chịu phép rửa tội, lo cho người thân trong gia đình được biết Chúa, như bà đã khuyên được người anh trở lại đạo công giáo. Bà muốn cho Anrê biết Chúa thêm nữa và được giáo dục trong Đức tin, nên bà nài xin Cha Đắc Lộ nhận Anrê vào nhóm các Thầy Giảng. Bà rút vào bóng tối để cầu nguyện cho con, để âm thầm trợ giúp con trong việc truyền giáo.

Những nét trên đây của bà Gioanna giúp cho cậu bé Anrê hiểu được Đức Mẹ Maria là ai và có những tâm tình gì đối với con cái là các tín hữu, nhất là các tín hữu mới trở lại nhận biết Chúa Kitô. Từ hình ảnh người mẹ trần thế, cậu Anrê có thể nhận ra cách dễ dàng, cho dù không hoàn toàn, hình ảnh của Mẹ Maria; nói một cách khác, Mẹ Maria được biểu lộ như một người Mẹ thiên quốc, đã trao ban Chúa Giêsu cho con cái trong thiên chức làm mẹ Chúa Giêsu và qua ơn bí tích rửa tội. Mẹ là người luôn lo lắng cho tín hữu mọi ngày hiểu biết về Chúa Kitô, thúc đẩy con cái lòng ước mong đem Tin Mừng của Con Mẹ, Chúa Giêsu, đến cho mọi người. Mẹ Maria hiểu biết các nhu cầu của con cái và lo lắng để họ được toại nguyện, như tại tiệc cưới Cana.

Như vậy hình ảnh của bà Gioanna thân mẫu của cậu Anrê đã giúp cho cậu hiểu biết được Mẹ Maria và mối liên hệ với cậu trong kế đò cứu rỗi của Thiên Chúa. Đó là nguồn thứ nhất gợi hứng cho cậu Anrê lòng sùng kính Mẹ Maria.

b) nguồn Kinh Thánh và giáo lý

Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria được gợi hứng từ nguồn thứ hai và là nguồn chính yếu : đó là từ Kinh Thánh, Lời Chúa và điều này chúng ta nhận qua sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày cảu vị thừa sai Đắc Lộ.

Theo sách Phép Giảng Tám Ngày của Cha Đắc Lộ, chúng ta biết được các điểm giáo lý căn bản về Đức Mẹ Maria mà người dự tòng phải biết và các giáo lý viên phải biết để dạy những ai muốn vào Đạo Thánh Đức Chúa Lời.

Chúng ta ghi lại đây những chổ nói về Đức Mẹ trong sách PGTN của Cha Đắc Lộ:

Đức Mẹ là con của thánh Gioankim và bà thánh Anna sinh ra, và được đặt tên là Maria (PGTN, ngày thứ 5, tr 144.145). về cha mẹ của Đức Mẹ Maria, là thánh Gioankim và thánh Anna, Kinh Thánh không nói tới, nhưng truyền khẩu phụng vụ đã tin như thế (lễ thánh Gioankim và thánh Anna, ngày 26/7). Còn về tên của Đức Mẹ, chúng ta đọc nhiều chổ trong phúc âm (xc.Lc 1,27.30.34.38.39.46).

Mẹ Maria được chọn làm Mẹ Đức Chúa Trời (ibidem, tr.145)

Sách Phép Giảng Tám Ngày đã thuật lại cuộc đời Đức Mẹ qua các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu như trong phúc âm kể lại :

+ Mẹ đã được thiên thần Gabriel truyền tin và được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, sẽ sinh Chúa Giêsu (xc.PGTN, ngày thứ 5, tr 148. 149; Lc1,26-39).

+ Mẹ là Đấng đồng trinh. Chú ý Cha Đắc Lộ dùng từ “độc thân” trong sách giáo lý của ngài(xc.PGTN, ngày thứ 5, tr. 152.160-162; Lc 1,34).

+ Mẹ đi viếng bà thánh Isave (xc.PGTN, ngày thứ 5, tr.156; Lc 1,39-56)

+ Mẹ sinh Chúa Giêsu tại Bêlem (xc.PGTN, ngày thứ 5, tr.160-161; Lc 2,1-19).

+ Mẹ Maria chứng kiến việc Ba Vua đến bái thờ Hài Nhi Giêsu khi mới vừa sinh ra (xc.PGTN, ngày thứ 5, tr.164.165; Mt 2,11-18).

+ Mẹ Maria tìm lại Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem, lúc Chúa 12 tuổi (xc.PGTN, ngày thứ 6, tr.172; Lc 2,41-51)

+ Mẹ Maria có mặt và can thiệp khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu (xc.PGTN, ngày thứ 6, tr.180; Ga 2, 1-12).

+ Trên núi Calvario khi Chúa Giêsu chết, lính chia áo Chúa Giêsu, chiếc áo được coi là do Đức Mẹ may cho Chúa (xc.PGTN, ngày thứ 7, tr.217; Mt 27,37).

+ Đức Mẹ chứng kiến cuộc tháo xác Chúa Giêsu khỏi thập giá (xc.PGTN, ngày thứ 8, tr.274; xc Ga 19,25-27.38-42).

Sách Phép Giảng Tám Ngày cũng nói về lòng sùng kính Đức Mẹ theo đức tin công giáo:

+ Tín hữu phải thờ kính Chúa và tôn kính Đức Mẹ Maria (xc.PGTN, ngày thứ 5, tr.131).

+ Tín hữu phải cầu cùng Đức Mẹ Maria để Mẹ bầu cử cho chúng ta được khỏi tội (xc.PGTN, ngày thứ 5, tr.168).

+ Người dự tòng phải cầu cùng Đức Mẹ giúp sức cho trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội (xc.PGTN, ngày thứ 8, tr.306.329).

Nhận xét về các điểm giáo lý này

sau đây chúng ta đưa ra một số nhận xét về các điểm giáo lý liên hệ tới Đức Mẹ Maria trong sách Phép Giảng Tám Ngày của Cha Đắc Lộ :

Theo các điểm vừa ghi lại trên đây, chúng ta có 17 chỗ nói về Đức Mẹ trong các bài giáo lý cho người dự tòng, bắt đầu từ ngày thứ 5. Tại sao lại bắt đầu từ ngày thứ 5. Lý do là vì từ ngày đó Cha Đắc Lộ dạy người chầu nhưng về đời sống của Chúa Giêsu Kitô, sau khi trình bày về con đường phải theo để được cứu rỗi, như tin vào Thiên Chúa thật, từ bỏ niềm tin không đem lại ơn cứu rỗi.

Các điểm giáo lý này được rút ra từ Phúc âm Chúa Giêsu nói về đời sống của Chúa, trong những biến cố liên hệ tới Mẹ Maria, nhất là thời thơ ấu. Hầu hết các biến cố này dược nhắc lại, trừ một vài biến cố như biến cố Đức Mẹ và họ hàng đi tìm gặp Chúa Giêsu trong thời Chúa ra rao giảng (xc. Mt 12,46-50; Mc 3,20-21); biến cố trên núi Calvariô, khi Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan và trao phó thánh Gioan cho Đức Mẹ (xc Ga 19,25-27).

Cha Đắc Lộ cũng dạy các tín hữu phải chạy đến với Đức Mẹ những khi nào, dạy cho giáo hữu biết phải biết biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ như thế nào cho phù hợp với giáo lý công giáo. Cha Đắc Lộ không ghi những kinh phải đọc, trong đó có Kinh Kính Mừng, nhưng ngài có nói trong các bài giảng này. Điều này cho thấy ngài đã dạy người dự tòng học thuộc lòng các kinh cần trong khi dạy giáo lý, và trong sách Phép Giảng Tám Ngày, ngài chỉ nói qua. Đằng khác sách này đúng hơn được coi là sách tóm các điểm giáo lý được biết cho các thầy giảng khi dạy giáo lý, thay vì là một sách giáo lý theo nghĩa thông thường.

Như vậy lòng sùng kính Đức Mẹ được Cha Đắc Lộ dạy dỗ có tính cách Kinh Thánh, hợp với giáo lý Công Giáo và đi sâu vào đời sống hằng ngày.

3. Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria nơi Thầy Giảng Anrê Phú Yên

Trước khi chịu phép rửa tội, chắc chắn thày Anrê đã phải học những điểm giáo lý trên đây liên hệ tới lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Thày đã được dạy cho thuộc Kinh Kính Mừng để đọc và để tuyên xưng sự cao cả của Đức Mẹ. Thày cũng được dạy cho biết cách lần Chuõi Mân Côi, một số người Bồ Đào Nha và giáo hữu Việt Nam đã chia nhau cỗ tràng hạt của Thày, khi Thày chết (xc. Positio, Vol. I, tr. 201).

Việc lần hạt Mân Côi đã được dạy cho giáo dân và họ đã học thuộc lòng, như một bài tường trình năm 1618 của Cha Francesco Pina Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong như sau : <>(trích trong Roland jacques OMI., Bồ Đào Nha và công cuộc sáng chế chử Quốc Ngữ, phải chăng cần viết lại lịch sử ? Trong Định Hướng, số 17, Mùa Thu 1998, tr. 27, ghi chú số 51).

Đàng khác khi được nhận vào Nhóm các Thày Giảng đầu tiên, Thày Anrê đã được Cha Đắc Lộ và Thày trưởng nhóm Inhaxiô huấn luyện kỹ lưỡng để sau này có thể trở nên giáo lý viên đi dạy những người khác muốn vào Đạo Đức Chúa Trời. Thày cũng đã tháp tùng Cha Đắc Lộ và Thày inhaxiô đi truyền giáo, hoặc dạy giáo lý cho người chầu nhưng, và được nghe các vị này giải thích nhiều lần về những điểm giáo lý trên đây liên hệ tới Đức Mẹ Maria. Trong cộng đoàn các Thày Giảng, chúng ta cũng có thể xác quyết mà không sai lầm, các Thày Giảng cũng đã hằng ngày họp nhau để đọc kinh chung, lần hạt kính Đức Mẹ. Tại gia đình, bà Gioanna cũng đã dạy con biết yêu mến Mẹ Maria, dạy con đọc Kinh Kính Mừng và lần hạt chung với nhau. Như vậy Thày Anrê đã được thấm nhuần giáo lý về Đức Mẹ và thực hành lòng sùng kính ấy mỗi ngày thêm sâu xa hơn và xác tín hơn và khi chết trên miệng Thày, Tên cực Thánh Maria vẫn còn được vang lên với Tên Cực Thánh Chúa Giêsu.

Lòng sùng kính múc từ Lời Chúa, từ giáo huấn của Giáo Hội;

Là một lòng sùng kính luôn hướng về Chúa Kitôvà liên kết với Chúa Kitô, trong giờ sau hết Thày Anrê đã hướng về Mẹ Maria trong cái nhìn duy nhất là Mẹ ở bên Chúa Kitô và Mẹ giúp Thày trung thành với Chúa Kitô Con Mẹ.

Là một lòng sùng kính có hiểu biết sâu xa và thực hành trong đời sống, trong cầu nguyện, theo tính cách cộng đoàn hay cá nhân.

Là một lòng sùng kính bền bỉ cho tới hơi thở cuối cùng, trên miệng vẫn còn kêu Tên Maria.

Là một lòng kính thúc đẩy Thày nhiệt thành truyền bá cho mọi người biết yêu mến Đức Mẹ, tin cậy nơi Đức Mẹ, nhất là khi gặp khó khăn, như chính gương của Thày trong những ngày tù tội và tử đạo.


Kết luận

Mấy dòng này được viết ra để nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với Mẹ Maria, để ca tụng Mẹ và cám ơn Mẹ đã nâng đỡ Thày Anrê trong giờ phút khó khăn, gian lao thử thách. Đằng khác, chúng ta cũng học hỏi nơi gương của Thày Anrê để thêm hiểu biết và tăng cường lòng sùng kính của chúng ta đối với Mẹ Maria.

Các gia đình công giáo Việt Nam Hải Ngoại hãy trung thành giữ truyền thống đọc kinh chung tối sáng trong gia đình, trong đó có việc Lần Hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, các tháng kính Đức Mẹ càng thúc đẩy chúng ta yêu mến Đức Mẹ hơn. Các lễ phụng vụ kính Đức Mẹ là những dịp chúng ta cùng Giáo Hội ca tụng Đức Mẹ và cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa.

Sau cùng chính nhờ lùng sùng kính tinh tuyền này, mà chúng ta yên tâm chạy đến với Mẹ Maria. Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô và giúp chúng ta yêu mến Chúa Giêsu hơn : Per Mariam ad Jesum =nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Kitô.