Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Câu chuyện Mặt Trời Múa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 13 tháng 10 là ngày kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra lần thứ sáu cho ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha.

Ðây là lần hiện ra có đông đảo dân chúng chứng kiến nhất. Mặc dù thời tiết xấu, ngay từ ngày 12, có trên mười ngàn người Bồ Ðào Nha từ khắp nơi trong nước đổ xô về Fatima để chờ đợi phép lạ như Ðức Mẹ đã hứa trong các lần hiện ra trước. Người lo lắng nhất trong suốt mấy ngày hôm đó chính là bà mẹ của Lucia. Bà khuyên cô con gái hãy đi xưng tội để nhỡ nếu không có phép lạ xảy ra, thì khi bị giết chết, họ cũng an tâm vì đã xưng tội. Cô Lucia trả lời: con sẽ đi xưng tội, nhưng không phải vì sợ phép lạ không xảy ra... Ðức Mẹ sẽ giữ lời hứa.

Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Dưới cơn mưa lất phất của những ngày đầu mùa thu, ai cũng cảm thấy lạnh cóng, nhưng đều hiệp ý với nhau trong lời kinh Mân Côi kính Mẹ. Mọi người đều chăm chú hướng nhìn về ba em bé mục đồng, trong y phục rách rưới và bê bết những bùn.

Lucia bắt đầu đọc kinh Mân Côi, bỗng cô hô lớn: “Xin mọi người hãy xếp dù lại”. Với hai em Phanxicô và Giacinta, cô ra lệnh: “Hai em hãy quỳ xuống, vì Ðức Mẹ đang hiện đến”.

Cùng với ba em, nhiều người đã nhìn thấy vệt sáng trên nền trời. Trong một cái nhìn vừa cảm thông và u buồn, Ðức Mẹ nói với ba em bé: “Ta là Ðức Mẹ Mân Côi... Ta muốn người ta xây một nhà nguyện tại đây để kính nhớ Ta. Các con hãy tiếp tục lần hạt mỗi ngày”. Và Ðức Mẹ đã hứa sẽ nhận lời cầu xin của một số người mà Lucia đại diện trình lên Mẹ. Nhưng Mẹ cảnh cáo: “Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi”. Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời... Trong cơn ngây ngất, Lucia đã thốt lên: “Xin mọi người hãy nhìn về mặt trời”.

Lạ lùng thay, ai cũng có thể nhìn về mặt trời mà không bị lóa mắt. Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ... Hiện tượng mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút. Khi mặt trời đã trở lại trạng thái bình thường, mọi người đều nhận thấy rằng, bãi cỏ ướt đẫm trong cơn mưa bỗng trở nên khô ráo.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Việc Ðức Mẹ hiện ra và hiện tượng mặt trời nhảy múa đi kèm như được mô tả trên đây, mang nhiều ý nghĩa.

Chính phủ cách mạng tại Bồ Ðào Nha vào năm 1917 muốn đánh đổ những thứ mà họ gọi là huyền thoại tôn giáo, cũng như dẹp bỏ mọi thứ cuồng tín. Buổi sáng ngày 13/10 hôm đó, cả một lực lượng vũ trang hùng hậu đã được gửi đến đồi Cova da Iria để ngăn cản mọi cuộc tập họp của dân chúng. Báo chí thì tung ra lời tuyên đoán rằng phép lạ sẽ không bao giờ xảy ra và huyền thoại tôn giáo sẽ cáo chung từ hôm đó.

Thế nhưng tất cả những sức ép trên đây đã không đánh đổ được lòng tin của người tín hữu.

Phép lạ mặt trời múa vừa là một thể hiện của quyền năng của Thiên Chúa vừa là một lời mời gọi sám hối. Ðệ nhất chiến tranh đã phát sinh nhiều làn sóng vô thần chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực. Bên cạnh những chế độ độc tài chối bỏ quyền sống của con người, nhiều người cũng buông thả trong đời sống luân lý.

Thế giới chỉ có thể cứu vãn được nếu con người biết hoán cải: đó là sứ điệp mà Ðức Maria đã không ngừng lặp đi lặp lại tai Fatima. Và phương tiện để giúp con người hoán cải trước tiên đó là cầu nguyện. Cầu nguyện không những là quay trở lại với Chúa, nhưng còn là một cải đổi tương quan đối với người anh em.

Lịch sử đang lập lại không ngừng. Quyền sống của con người đang bị chối bỏ nhiều nơi trên thế giới. Con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa trong những sa đọa về luân lý. Ðức Maria đang tha thiết kêu mời chúng ta hãy sám hối, siêng năng cầu nguyện với kinh Mân Côi... Ðó là phương thế duy nhất để cứu vãn thế giới của chúng ta.

2. Mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Giáo lý chân thực không phải là việc tuân giữ nghiêm ngặt lề luật bị đóng khung bởi ý thức hệ, nhưng là mặc khải từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta kiếm tìm từng ngày nhờ việc mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là lời Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng 06 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.

Trong các bài đọc sách thánh trong ngày, chúng ta gọi Chúa Thánh Thần là “quà tặng tuyệt vời từ Chúa Cha”. Chúa Thánh Thần là sức mạnh làm cho Giáo Hội dũng cảm đi ra, vì Ngài dẫn dắt Giáo Hội đi về phía trước. Chúa Thánh Thần là “ngôi sao chỉ đường của Giáo Hội.” Không có Ngài, thì chỉ còn “đóng kín và sợ hãi.” Có ba thái độ mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần.

Thái độ thứ nhất: Bỏ quên Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ nhất là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Galat, khi họ tin rằng, mình được trở nên công chính nhờ tự sức tuân giữ lề luật, chứ không nhờ Chúa Giêsu là Đấng ban ý nghĩa cho lề luật. Do đó họ quá cứng nhắc và trở thành những người mà Chúa Giêsu gọi là giả hình.

Họ giữ luật mà bỏ qua Chúa Thánh Thần. Đừng bỏ quên sức mạnh cứu chuộc của Chúa Kitô đến từ Chúa Thánh Thần! Đúng là có những Điều Răn và chúng ta phải tuân giữ các Điều Răn, nhưng chúng ta luôn tuân giữ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng là quà tặng vĩ đại và Chúa Cha và Chúa Con ban cho chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta hiểu được Lề Luật. Nhưng đừng thu gọn Chúa Thánh Thần và Chúa Con lại chỉ trong những luật lệ. Vấn đề là các tín hữu Galat thời ấy đã bỏ Chúa Thánh Thần qua một bên để chỉ còn việc giữ luật. Họ đóng con mắt tâm hồn lại, và chỉ còn biết là phải làm việc này, phải làm việc kia. Đôi khi chúng ta cũng bị rơi vào cám dỗ ấy.

Tại sao họ lại gắn chặt và bị đóng khung bởi những ý thức hệ như thế? Thánh Phaolô nhắc nhở mạnh mẽ: “Hỡi những người Galat vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em như thế?” Những ai rao giảng về các ý thức hệ, thì cái gì cũng đúng. Họ bị đóng khung vào cái gọi là: tất cả đều rõ ràng! Nhưng hãy nhìn xem, mặc khải của Thiên Chúa không rõ ràng sao? Mặc khải của Thiên Chúa là mỗi ngày một hơn, hơn mãi, trong mọi cách thế. Điều này có rõ không? Rất rõ! Đối với những ai nghĩ rằng, mình nắm trọn chân lý trong tay, thì thánh Phaolô gọi họ là “những kẻ ngốc”.

Thái độ thứ hai: Làm phiền lòng Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ hai mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần, là làm phiền lòng Ngài, khi chúng ta không để cho Ngài truyền cảm hứng, không để cho Ngài thúc đẩy chúng ta tiến bộ trong đời sống Kitô hữu. Khi đó chúng ta không để cho Ngài nói với chúng ta. Khi ấy chúng ta trở nên thờ ơ, trở nên những Kitô hữu tầm thường, vì Chúa Thánh Thần không thể thực hiện những tác động tuyệt vời của Ngài nơi chúng ta.

Thái độ thứ ba: Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ ba là mở ra với Chúa Thánh Thần và để Ngài dẫn chúng ta về phía trước. Đó là những gì các Tông Đồ đã làm: họ can đảm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Họ không còn sợ hãi vì họ mở ra để Chúa Thánh Thần hoạt động. Để hiểu và đón nhận những Lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần. Khi một người mở lòng với Chúa Thánh Thần, thì tựa như chiếc thuyền buồm no gió tiến về phía trước, tiến mãi. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện để có thể mở ra với Chúa Thánh Thần.

Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi chính mình, giây phút nào trong ngày, tôi đã bỏ quên Chúa Thánh Thần? Và tôi có biết điều ấy khi tôi đi lễ Chúa Nhật không, hay chỉ đơn giản đi là đi thôi? Thứ hai, cuộc sống của tôi có phải là cuộc sống nửa vời và buồn tẻ, thiếu sức sống, trì trệ và làm phiền lòng Chúa Thánh Thần không? Sau cùng, hãy mở lòng mình, mở cuộc đời mình ra, để nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mình niềm vui của Tin Mừng, để Ngài giúp mình hiểu được lời dạy của Chúa Giêsu, để mình không bị đóng khung, không còn ngốc nghếch, nhưng là chân thực? Điều ấy giúp chúng ta hiểu được đâu là điểm yếu của chúng ta, đâu là điều làm phiền lòng Ngài, và để Ngài dẫn chúng ta tiến về phía trước tới gần Chúa Giêsu, và để Ngài dạy cho chúng ta con đường cứu độ của Chúa Giêsu.

1. Kinh Mân Côi là sự tổng hợp của lịch sử của lòng thương xót của Thiên Chúa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Bẩy, 8 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi canh thức, và đọc kinh Mân Côi, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu.

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, lắng nghe Lời Chúa, và đưa vào hành động cụ thể. Đức Thánh Cha nói:

Anh Chị Em thân mến,

Trong đêm canh thức này, chúng ta đã suy nghĩ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu với sự đồng hành của Mẹ Maria. Lòng trí chúng ta quay trở lại thời điểm hoàn thành sứ vụ của Chúa Kitô trong thế giới này. Biến cố Phục Sinh, như một dấu chỉ của tình yêu tột cùng của Chúa Cha, là Đấng đã phục hồi sự sống của tất cả mọi loài. Biến cố Phục sinh cũng là một điềm báo về vận mệnh tương lai của chúng ta. Việc Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, như một sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha, nơi mà cả phàm nhân chúng ta cũng tìm thấy một vị thế đặc biệt. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, là biểu hiện cho sứ vụ của Giáo Hội trong lịch sử cho đến ngày sau hết, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong hai mầu nhiệm sau cùng này, chúng ta cũng được chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria trong vinh quang thiên quốc. Từ những thế kỷ đầu, Đức Mẹ đã được kêu cầu như là Mẹ của Lòng Thương Xót.

Dưới nhiều khía cạnh, lời kinh Kinh Mân Côi là sự tổng hợp lịch sử của lòng thương xót của Thiên Chúa, đã trở thành lịch sử cứu độ cho tất cả những ai để cho bản thân mình được định hình bởi ân sủng. Những mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm là những sự kiện cụ thể qua đó sự can thiệp của Thiên Chúa nhân danh chúng ta phát triển. Qua cầu nguyện và suy tư về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy một lần nữa diện mạo thương xót của Ngài, là dung nhan mà Ngài thể hiện ra cho tất cả những ai trong nhiều nhu cầu của cuộc đời. Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trong hành trình này, hướng chúng ta đến Con Mẹ là Đấng tỏa sáng rạng ngời chính Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Mẹ thật sự là Đấng Chỉ Bảo Đàng Lành – Hodegetria- là người Mẹ chỉ cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta được mời gọi phải đi qua để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Trong mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Mẹ và chúng ta chiêm ngắm Mẹ như là người môn đệ đầu tiên của Con Mẹ, vì Mẹ thực thi Thánh Ý Chúa Cha (Lc 8: 19-21).

Lời kinh Mân Côi không loại bỏ khỏi chúng ta những vấn đề của cuộc sống. Ngược lại, nó đòi hỏi đó chúng ta đắm mình trong lịch sử của mỗi ngày, để nắm bắt những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta suy tư về một sự kiện, một mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, chúng ta được yêu cầu phản ánh cách thức Thiên Chúa đi vào đời sống riêng của chúng ta, để chúng ta chào đón Ngài và đi theo Ngài. Như thế, chúng ta khám phá ra cách thức chúng ta có thể theo Đức Kitô qua việc phục vụ anh chị em của chúng ta. Khi chúng ta đón nhận và biến một sự kiện nổi bật trong cuộc đời của Chúa Giêsu thành một sự kiện trong đời ta, chúng ta chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài, để nhờ đó Nước Thiên Chúa có thể được kiện cường và lan rộng trên thế giới. Chúng ta là những môn đệ của Ngài, nhưng cũng là các nhà truyền giáo đưa Chúa Kitô đến bất cứ nơi nào Ngài đòi hỏi chúng ta phải có mặt. Chúng ta không thể giữ riêng cho chúng ta ân sủng cao quý là sự hiện diện của Ngài. Ngược lại, chúng ta được kêu gọi để chia sẻ với tất cả mọi người tình yêu của Ngài, sự dịu dàng của Ngài, lòng nhân lành và Lòng Thương Xót của Ngài. Thật là một niềm vui được chia sẻ đến cùng, vì nó mang lại một thông điệp của tự do và ơn cứu rỗi.

Đức Maria giúp chúng ta hiểu là một môn đệ của Chúa Kitô có nghĩa là những gì. Khi được tiền định từ đời đời làm Mẹ Ngài, Mẹ đã học để trở thành môn đệ của Ngài. Hành động đầu tiên của Mẹ là lắng nghe Thiên Chúa. Mẹ xin vâng với lời Thánh Thiên Thần truyền và mở lòng mình đón nhận mầu nhiệm là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ theo Chúa Giêsu, lắng nghe từng lời phát ra từ đôi môi của Ngài (Mc 3: 31-35). Tất cả những điều ấy Mẹ giữ trong trái tim mình (Lc 2:19) và trở thành những ký ức sống động được thực hiện bởi Con Thiên Chúa để đánh thức đức tin của chúng ta. Nhưng lắng nghe mà thôi thì không đủ. Đó chắc chắn là bước đầu tiên, nhưng việc lắg nghe sau đó cần phải được chuyển thành những hành động cụ thể. Người môn đệ thực sự cần phải đặt cuộc sống mình nơi sứ vụ phục vụ Tin Mừng.

Đức Trinh Nữ Maria đã lập tức lên đường đến với bà Elizabeth để giúp bà trong thời kỳ sinh nở (Lc 1: 39-56). Tại Bêlem Mẹ đã hạ sinh Con Thiên Chúa (Lc 2: 1-7). Tại Cana Mẹ đã cho thấy mối quan tâm dành cho đôi vợ chồng trẻ (Ga 2: 1-11). Tại Golgotha, Mẹ không chạy trốn nỗi đau nhưng đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu và, theo thánh ý của Ngài, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội (x Jn 19: 25-27). Sau khi Chúa sống lại, Mẹ khích lệ các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly khi họ chờ đợi Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ làm cho họ trở thành những sứ giả không chút sợ hãi của của Tin Mừng (Cv 1:14). Suốt cuộc đời mình, Đức Maria đã làm mọi điều mà Giáo Hội được yêu cầu thực hiện để lưu truyền muôn đời ký ức về Đức Kitô. Nơi đức tin của Mẹ, chúng ta học được cách mở lòng mình ra vâng theo thánh ý Chúa; nơi sự từ bỏ mình của Mẹ, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc chăm sóc các nhu cầu của tha nhân; nơi những giọt lệ của Mẹ, chúng ta tìm thấy sức mạnh để ủi an những ai đang đau khổ. Trong mỗi khoảnh khắc này, Đức Maria bày tỏ sự dư dật của Lòng Thương Xót Chúa đang vươn đến với tất cả những ai túng quẫn trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tối nay chúng ta hãy cầu khẩn cùng Mẹ chí ái trên trời của chúng ta với một lời nguyện cổ kính nhất mà các Kitô hữu đã dâng lên cùng Mẹ, đặc biệt là vào những lúc khó khăn và tử đạo. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ, trong niềm xác tín sẽ được trợ giúp bởi lòng thương xót từ mẫu của Mẹ, để Mẹ, “đầy vinh quang và đầy ơn phúc”, có thể là một sự bảo vệ, giúp đỡ và chúc lành cho tất cả chúng ta trong cuộc sống của chúng ta.

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen”

4. Vượt thắng nỗi sầu bằng cầu nguyện

Điều gì xảy ra trong tâm hồn khi chúng ta đang sầu khổ? Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha gợi ý trong thánh lễ sáng thứ Ba 27 tháng 9 tại nhà nguyện thánh Marta, khi ngài suy tư xoay quanh nhân vật ông Gióp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của thinh lặng và cầu nguyện trong việc vượt thắng những giây phút đen tối nhất.

Đức Thánh Cha phát triển bài giảng từ bài đọc trích sách Gióp. Ông Gióp rơi vào tình trạng bấn loạn vì ông đã mất hết mọi sự. Ông bị mất hết tài sản, thậm chí mất con cái. Giờ đây ông cảm thấy mất mát và cùng quẫn, nhưng ông không than trách Thiên Chúa.

Sớm hay muộn thì chúng ta cũng trải qua sự sầu khổ ghê gớm

Ông Gióp sống trong sự sầu khổ khủng khiếp và ông kêu gào lên Chúa, giống như đứa trẻ khóc lớn trước mặt cha mình. Ngôn sứ Giêrêmia cũng từng làm như thế, nhưng không bao giờ than trách Chúa.

Sự sầu khổ là điều gì đó xảy ra cho tất cả chúng ta. Khi ấy linh hồn đang trong tối tăm, thất vọng, nghi ngờ, không muốn sống, không thấy ánh sáng ở cuối con đường, sự rối bời trong tâm trí… Sự sầu khổ này làm chúng ta cảm thấy linh hồn bị giày vò rằng: thất bại, thất bại hoàn toàn, không muốn sống, chết đi còn hơn! Điều ấy đã xảy ra với Gióp. Ông thấy thà chết còn hơn là sống như thế này. Chúng ta phải hiểu những lúc tăm tối xảy ra cho linh hồn, những lúc ấy dường như chúng ta ngừng thở. Dù chúng ta vững mạnh hay không… tình trạng này sớm muộn cũng xảy ra cho tất cả chúng ta. Cho nên, chúng ta cần hiểu được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta khi ấy.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì trong những giây phút đen tối ấy, những bi kịch xảy đến cho gia đình, hay cho chính chúng ta như bệnh tật, chẳng hạn… Có người nghĩ tới viên thuốc an thần… Những cách ấy chẳng giúp ích. Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy cách thế để đối diện với sự sầu khổ này, với sự tuyệt vọng này.

Khi chúng ta cảm thấy mất mát, hãy tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa

Trong đáp ca Thánh Vịnh 87 có viết: “Ôi lạy Chúa, nguyện cho lời con thấu đến tai Ngài.” Chúng ta cần cầu nguyện, cầu nguyện van nài giống như ông Gióp: ngày đêm cầu nguyện để Chúa thấu tai.

Cầu nguyện giống như gõ cửa, gõ mạnh! “Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, mạng sống con gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế.” Đó chính là lời cầu nguyện. Chúa cũng dạy chúng ta phải làm thế nào để cầu nguyện trong những lúc khó khăn. “Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, trong nơi vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con…” Đây là lời cầu nguyện. Vì thế chúng ta phải cầu nguyện trong những giây phút tệ hại nhất, buồn khổ nhất. Đây chính là lời nguyện chân thực. Gióp đã trút hết nước mắt, trút hết cõi lòng giống như một đứa trẻ, giống như một người con trước mặt người cha.

Sau đó sách Gióp nói về sự thinh lặng của những người bạn. Đứng trước những con người đau khổ, “lời nói có thể gây tổn thương”. Những gì cần là sự gần gũi thân thiết, là cảm nhận tình thân, chứ không phải là những lời nói.

Thinh lặng, cầu nguyện và hiện diện, để thực sự có thể giúp đỡ người đau khổ

Khi một người đau khổ, khi một người đang trong sầu khổ, bạn phải nói ít bao nhiêu có thể và phải giúp đỡ trong thinh lặng, trong tình thân, trong cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha.

Thứ nhất, nhận ra trong bản thân giây phút sầu khổ thiêng liêng, đó là lúc chúng ta đang trong tối tăm, thất vọng và đặt câu hỏi về nguyên do. Thứ hai, cầu nguyện cùng Thiên Chúa với Thánh Vịnh 87, dạy chúng ta về cầu nguyện trong thời khắc đêm đen. Hãy đến trước nhan thánh Chúa mà cầu nguyện. Thứ ba, khi đến gần người sầu khổ, người đau khổ về bệnh tật, về tâm hồn… thì hãy thinh lặng và là thinh lặng với đầy tình yêu mến, tình thân và sự quan tâm. Đừng nói dài dòng, vì vừa không giúp ích gì mà còn gây hại.

Chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa để Ngài ban cho chúng ta ba ơn. Ơn để nhận ra sự sầu khổ, ơn để cầu nguyện khi chúng ta rơi vào tình trạng sầu khổ, và ngay cả ơn để biết đồng hành với những ai đang sầu khổ.