Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân chào đón cùng với Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị và một số quan chức và chức sắc, đặc biệt là hai vị Giám Mục Công Giáo, một thuộc nghi lễ la tinh và một thuộc nghi lễ Armeni. 2 em bé trong y phục cổ truyền của Georgia dâng tặng Đức Thánh Cha một rổ nho, một sản phẩm nổi bật của nước này. Sau nghi thức chào cờ, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu các thành phần hai phái đoàn, Đức Thánh Cha đã vào phòng khánh tiết hội kiến với Tổng thống, trước khi về phủ tổng thống vào lúc 3 giờ rưỡi để chào thăm chính thức.
Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền, lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã tới tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia để viếng thăm.
Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí trọng đối với Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến đối với nhau, để cùng trở thành những người loan báo Tin Mừng của Chúa.
Đức Thánh Cha nói:
Thưa Đức Thượng Phụ, quả là một niềm vui lớn lao và một ân sủng đặc biệt được hiện diện với ngài, và với các vị Giáo Đô đáng kính, các Tổng Giám Mục và Giám Mục, thành viên của Thánh Công Đồng. Tôi xin kính chào Thủ tướng Chính phủ và tất cả qúi đại diện của thế giới học thuật và văn hóa.
Với chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một vị Thượng Phụ Georgia tại Vatican, ngài đã mở ra một chương mới trong các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo. Vào dịp đó, ngài đã trao đổi với Giám Mục Rôma nụ hôn hòa bình và cam kết cầu nguyện cho nhau. Nhờ cách này, đã có sự tăng cường các mối quan hệ đầy ý nghĩa vốn tồn tại giữa các cộng đồng của chúng ta từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Các dây nối kết này đã được củng cố và được đặc trưng hóa bằng sự thân ái và lòng tôn trọng, hiển hiện trong sự chào đón nồng nhiệt ở đây đối với các phái viên và đại diện của tôi. Các dây nối kết của chúng ta cũng hiển hiện trong các dự án nghiên cứu và tìm tòi đang được theo đuổi tại các Văn Khố Vatican và tại các Giáo Hoàng Đại Học bởi các thành viên tín hữu của Giáo Hội Chính Thống Georgia. Cũng vậy, người ta thấy tại Rôma sự hiện diện của một cộng đồng Georgia được sự hiếu khách của một nhà thờ trong giáo phận tôi; và trong sự hợp tác với cộng đồng Công Giáo địa phương, đặc biệt trên bình diện văn hóa. Như một người hành hương và một người bạn, tôi đã đến lãnh thổ được chúc lành này khi Năm Thánh Thương Xót dành cho người Công Giáo sắp sửa kết thúc. Thánh Gioan Phaolô II cũng đã đến đây thăm viếng, người đầu tiên trong số những người kế vị Thánh Phêrô đã làm vậy trong thời điểm rất quan trọng trước ngưỡng cửa Năm Thánh 2000: ngài đến để củng cố “sợi dây nối kết sâu nặng và mạnh mẽ” với Toà Rôma ( Diễn Văn tại Lễ Chào mừng, Tbilisi, 8 Tháng 11 năm 1999) và để nhắc nhớ “sự đóng góp của Georgia, ngã tư đường cổ xưa của văn hóa và truyền thống, vào việc xây dựng ... một nền văn minh mới của tình yêu” (Bài diễn văn, Cuộc Gặp Gỡ với Đức Thượng Phụ và Thánh Hội Đồng, Tbilisi, ngày 8 tháng 11 năm 1999) là điều cần thiết xiết bao, ở ngưỡng cửa Đệ Tam Thiên Niên Kỷ Kitô Giáo.
Giờ đây, Chúa Quan Phòng cho phép chúng ta gặp nhau một lần nữa, và trước một thế giới khao khát thương xót, hợp nhất và hòa bình, Người yêu cầu chúng ta hăng hái cam kết đổi mới lại cam kết của chúng ta đối với các dây liên kết đang tồn tại giữa chúng ta, mà nụ hôn hòa bình và vòng ôm huynh đệ của chúng ta là một dấu chỉ hùng hồn. Giáo Hội Chính thống Georgia, bắt nguồn từ việc rao giảng của các Tông Đồ, đặc biệt là của Thánh Tông Đồ Anrê, và Giáo Hội Rôma, được thành lập trên sự tử đạo của Thánh Tông Đồ Phêrô, được ban ân sủng để hôm nay đổi mới lại vẻ đẹp của tình huynh đệ tông đồ, nhân danh Chúa Kitô và vì vinh quang của Người. Phêrô và Anrê thực sự là anh em: Chúa Giêsu kêu gọi họ bỏ lưới cá của họ và cùng nhau trở thành những người chài lưới người (xem Mc 1: 16-17). Thưa hiền huynh, chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng ta một lần nữa, chúng ta hãy, một lần nữa, trải nghiệm sự hấp dẫn trong lời ngài kêu gọi ta từ bỏ mọi sự, vốn ngăn cản ta cùng nhau tuyên xưng sự hiện diện của Người.
Trong việc này, chúng ta được nâng đỡ bởi tình yêu vốn đã biến đổi cuộc sống của các Tông Đồ. Đây là một tình yêu vô sánh, một tình yêu mà Thiên Chúa vốn nhập thể: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15:13). Chúa đã ban tình yêu này cho chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x Ga 15:12). Về phương diện này, như thể nhà thơ vĩ đại của lãnh thổ này, Shota Rustaveli, muốn ngỏ với chúng ta một số lời nổi tiếng của ông: “Các bạn có đọc thấy các Tông Đồ đã viết thế nào về tình yêu, đã nói thế nào, đã khen ngợi nó ra sao không? Hãy biết tình yêu này, và hướng tâm trí vào những lời này: tình yêu nâng chúng ta lên “(Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 791). Thực thế, tình yêu của Chúa nâng chúng ta lên, vì nó cho phép chúng ta vượt lên trên những hiểu lầm trong quá khứ, lên trên các tính toán của hiện tại và các lo sợ đối với tương lai.
Người dân Georgia, qua nhiều thế kỷ, đã làm chứng cho sự vĩ đại của tình yêu này. Trong tình yêu này, họ đã tìm thấy sức mạnh để đứng lên một lần nữa sau vô số thử thách; chính trong tình yêu này, họ đã đạt tới tuyệt đỉnh của vẻ đẹp nghệ thuật phi thường như một trong các nhà thơ vĩ đại của ngài đã viết: Không có tình yêu, “không có mặt trời cai trị trên vòm trời” và “không có vẻ đẹp cũng như sự bất tử nào” cho con người (Galaktion Tabidze, Nếu Không Có Tình Yêu). Trong tình yêu có chính lẽ hiện hữu của vẻ đẹp bất tử trong di sản văn hóa của ngài được thể hiện rất nhiều cách khác nhau, như trong âm nhạc, hội họa, kiến trúc và khiêu vũ. Ngài, thưa hiền huynh thân mến, ngài đã đem lại một biểu thức xứng đáng cho nền văn hóa của ngài một cách đặc biệt qua các soạn phẩm nổi bật của ngài về thánh ca, một số thậm chí bằng tiếng Latinh và rất được trân quý trong truyền thống Công Giáo. Các soạn phẩm này làm giàu kho tàng đức tin và văn hóa của ngài, vốn là một món quà độc đáo tặng cho Kitô giáo và nhân loại; món quà này xứng đáng được biết đến và đánh giá cao bởi mọi người.
Lịch sử vẻ vang của Tin Mừng trên lãnh thổ này mang ơn một cách đặc biệt nơi Thánh Nino, người vốn được coi ngang hàng với các tông đồ: ngài truyền bá đức tin với một hình thức thánh giá đặc biệt làm bằng cành nho. Thánh giá này không trơ trụi, vì hình ảnh cây nho, ngoài việc sinh nhiều hoa trái nhất ở lãnh thổ này, còn đại diện cho Chúa Giêsu. Thực vậy, Người là “cây nho thật”; Người yêu cầu các tông đồ của Người phải ghép vững vàng vào Người, hệt như các chòi non, để sinh hoa kết quả (x Ga 15: 1-8). Để Tin Mừng có thể đơm hoa kết trái cả trong thời ta, thưa người anh em thân yêu, chúng ta được yêu cầu ở lại vững vàng trong Chúa và kết hợp với nhau hơn nữa. Vô số các vị thánh, những vị mà đất nước này có nhiều, khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên hết và truyền bá Tin Mừng như trong quá khứ, thậm chí nhiều hơn thế nữa, không bị hạn chế bởi thành kiến nhưng mở lòng ra đón nhận tính mới mẻ trường cửu của Thiên Chúa. Ước chi các khó khăn không phải là trở ngại, nhưng đúng hơn là kích thích để hiểu nhau nhiều hơn, để chia sẻ nhựa sống quan trọng của đức tin, để tăng cường việc cầu nguyện cho nhau và để hợp tác vào việc bác ái tông đồ trong chứng tá chung của chúng ta, để vinh danh Thiên Chúa trên trời và phục vụ hòa bình dưới đất.
Người dân Georgia thích lễ lạc, với hoa trái cây nho, họ chúc nhau những giá trị quý giá nhất của họ. Tham dự vào việc tôn vinh tình yêu của họ, tình bằng hữu được dành cho một vị trí đặc biệt. Nhà thơ đã nhắc nhở chúng ta: “Ai không tìm kiếm một người bạn là kẻ thù của chính mình” (Rustaveli, Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 854). Tôi muốn là một người bạn thật sự của lãnh thổ này và nhân dân thân yêu của nó, những người không quên sự thiện họ đã nhận được và lòng hiếu khách độc đáo của họ đã kết hợp mật thiết với lối sống tràn trề hy vọng chân thật, mặc dù không các thiếu khó khăn. Thái độ tích cực này cũng tìm thấy nguồn gốc của nó trong đức tin, một đức tin luôn dẫn dắt người Georgia, khi tụ tập quanh các chiếc bàn của họ, để khẩn xin hòa bình cho mọi người, và tưởng nhớ cả các kẻ thù của mình.
Bằng các phương tiện hòa bình và tha thứ, chúng ta được kêu gọi vượt thắng các kẻ thù đích thực của chúng ta, những kẻ thù không phải là máu thịt, mà đúng hơn là thần dữ ở bên ngoài và ở bên trong chính chúng ta (Eph 6:12). Lãnh thổ được chúc phúc này rất giàu các anh hùng dũng cảm, luôn sống phù hợp với Tin Mừng, những người như Thánh George biết phải đánh bại cái ác cách nào. Tôi nghĩ đến nhiều đan sĩ, và đặc biệt là nhiều vị tử đạo, mà cuộc sống đã chiến thắng “bằng đức tin và sự kiên nhẫn” (Ioane Sabanisze, Tuẫn Đạo Tại Abo, III): các ngài đã bước qua các máy ép nho đau đớn, trung thành kết hợp với Chúa và do đó, mang hoa trái Vượt Qua lại cho Georgia, tưới gội lãnh thổ này bằng máu của họ, đổ ra vì tình yêu. Uớc mong lời chuyển cầu của các ngài mang lại trợ giúp cho nhiều Kitô hữu mà ngay hôm nay đang chịu bách hại và vu khống, và ước mong các ngài có thể tăng cường trong chúng ta khát vọng cao quý được hợp nhất một cách huynh đệ trong việc công bố Tin Mừng hòa bình.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã đến thăm cộng đoàn tín hữu Assiro-Canđê vào lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Công Giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae.
Chúng tôi sẽ tường thuật biến cố này trong phóng sự tiếp theo.