Suy Niệm Lễ Kính Thánh Mathêu Tông đồ
Ngày 21/9
Vì yêu thương, Thiên Chúa không những dựng nên con người, mà Ngài còn quan phòng chăm sóc con người, mong muốn cho mọi người được hưởng ơn cứu độ. Đọc lại lịch sử dân Do thái chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Khi Adam phạm tội, vì xấu hổ nên muốn lẫn trốn. Ngài đã đích thân tìm kiếm và gọi ông: “Adam, ngươi đang ở đâu?” (St 3,9). Và Ngài không bỏ rơi ông bà và con cháu. Ngài hứa ban Đấng Cứu độ đến để cứu chuộc con người. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Ngài thường đích thân đi tìm kiếm, gặp gỡ để giải thoát con người: Ngài giải thoát họ khỏi bị lưu đày bên Ai cập; qua Môsê, Ngài dẫn dắt họ 40 năm hành trình trong sa mạc để về đất hứa. Biết bao nhiêu lần dân chúng bỏ Ngài để thờ thần dân ngoại, Ngài lại đi tìm và khi họ sám hối ăn năn, Ngài đã tha thứ để họ trở về…Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách đầy đủ việc Thiên Chúa luôn đi tìm con người rằng: “Những kẻ không hỏi Ta thì Ta đã cho gặp; những kẻ không tìm Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy. Với một dân chẳng biết kêu cầu Ta, Ta đã phán: ‘Ta đây, Ta đây này !’” (Is 60,1).
Sang thời Tân Ước, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm con người. Tin Mừng kể lại nhiều dụ ngôn nói về điều này. Đáng lưu ý nhất là ba dụ ngôn: Đồng bạc bị đánh mất, con chiên bị lạc và người cha nhân hậu (x. Lc 15, 1-31). Hình ảnh người đàn bà đốt đèn, quét nhà để tìm cho bằng được đồng tiền đã bị đánh mất hay người chủ chiên bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc và người cha luôn trông chờ đứa con hoang đàng trở về, là hình ảnh Thiên Chúa luôn khắc khoải tìm kiếm con người, nhất là những người tội lỗi. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, chính Đức Giêsu đã đích thân đến với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài tìm kiếm, gặp gỡ để tha thứ và đưa họ về nẻo chính đường ngay. Ngài đến với ông Lêvi khi ông đang ngồi nơi bàn thu thuế và mời gọi ông: “Hãy theo Ta.” Ngài đã tạo cho người tội lỗi những cơ hội đặc biệt để họ đi theo Ngài, để được làm môn đệ của Ngài.
Về phía con người, Thiên Chúa cần một sự đáp trả. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.”
Nhưng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, thái độ đáp trả của con người khác nhau. Có những người thành tâm thiện chí đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu như trường hợp của Thánh Mathêu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi nghe Đức Giêsu mời gọi “Hãy theo Ta.” Ông lập tức đứng dậy và đi theo Người. Nghĩa là, ông sẵn sàng bỏ mọi sự, bỏ nghề nghiệp, bỏ cả một cơ hội hái ra tiền do nghề thu thuế mang lại để đi theo Đức Giêsu. Điều đó cho chúng ta thấy: Để được làm môn đệ của Đức Giêsu, Mathêu sẵn sàng đánh đổi tất cả. Từ đó, Mathêu toàn tâm toàn lực sống cho Đức Giêsu và chết vì Đức Giêsu. Ngài còn để lại cho chúng ta một kho tàng vô giá, đó là cuốn Tin mừng mang tên Ngài: Tin mừng theo Thánh Mathêu. Đây là gương mẫu về sự đáp trả ơn gọi cho mọi người qua mọi thời đại. Đồng thời câu chuyện về ơn gọi của Thánh Mathêu là niềm vui và niềm hi vọng cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Ngài có thể biến đổi con người từ tội nhân trở thành thánh nhân.
Nhưng đáng tiếc thay, vẫn có những người không chịu đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, như trường hợp của người thanh niên giàu có (x. Mt 19,16-22). Khi chàng anh ta đích thân đến hỏi Đức Giêsu phải làm gì để được sống đời đời (x. Mt 19,16). Đức Giêsu mời gọi: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Tin mừng kể lại: “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).
Cũng như chàng thanh niên, trong thực tế có rất nhiều người vịn lý do này khác để từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu. Dụ ngôn “khách được mời dự tiệc xin kiếu” cũng cho chúng ta thấy điều đó. Người thì bảo: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm”; người khác thì nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây”; người khác nữa bảo: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (x. Lc 14, 18-20).
Đối với chúng ta thì sao? Chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giêsu khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Vì nhu cầu của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi đảm nhận những trách nhiệm khác nhau. Nhưng có những lúc vì lý do nào đó, chúng ta vẫn từ chối lời mời gọi của Chúa, của Giáo Hội để đảm nhận trách nhiệm nào đó. Còn thực tế hôm nay, chúng ta là: Linh mục, tu sĩ, giáo dân. Là giáo dân: có người làm Ban Hành Giáo, có người làm Giáo lý viên, có người là thành viên trong các ban đoàn hay hội đoàn này khác của giáo xứ tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Thánh Phaolô nói rất chí lý rằng: “Kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy…”(Ep 4,11). Dù giữ chức vụ gì, tất cả đều được mời gọi chu toàn bổn phận được giao. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc”(Ep 4, 1-3). Làm được như vậy là chúng ta đang tiếp nối sứ mạng Tông đồ mà Chúa trao cho Thánh Mathêu và Ngài cũng trao cho mỗi người chúng ta.
Ước gì trong đời sống đạo, chúng ta không từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu, trái lại luôn mau mắn đáp lại lời mời gọi để dấn thân trong công tác tông đồ tại Giáo xứ và mọi môi trường sống của mình. Xin Thánh Mathêu cầu thay nguyện giúp để mọi người chúng ta luôn biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và dấn thân không mệt mỏi trong công tác tông đồ. Để qua ta và để trong ta nhiều người đến được với Chúa. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Ngày 21/9
Vì yêu thương, Thiên Chúa không những dựng nên con người, mà Ngài còn quan phòng chăm sóc con người, mong muốn cho mọi người được hưởng ơn cứu độ. Đọc lại lịch sử dân Do thái chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Khi Adam phạm tội, vì xấu hổ nên muốn lẫn trốn. Ngài đã đích thân tìm kiếm và gọi ông: “Adam, ngươi đang ở đâu?” (St 3,9). Và Ngài không bỏ rơi ông bà và con cháu. Ngài hứa ban Đấng Cứu độ đến để cứu chuộc con người. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Ngài thường đích thân đi tìm kiếm, gặp gỡ để giải thoát con người: Ngài giải thoát họ khỏi bị lưu đày bên Ai cập; qua Môsê, Ngài dẫn dắt họ 40 năm hành trình trong sa mạc để về đất hứa. Biết bao nhiêu lần dân chúng bỏ Ngài để thờ thần dân ngoại, Ngài lại đi tìm và khi họ sám hối ăn năn, Ngài đã tha thứ để họ trở về…Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách đầy đủ việc Thiên Chúa luôn đi tìm con người rằng: “Những kẻ không hỏi Ta thì Ta đã cho gặp; những kẻ không tìm Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy. Với một dân chẳng biết kêu cầu Ta, Ta đã phán: ‘Ta đây, Ta đây này !’” (Is 60,1).
Sang thời Tân Ước, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm con người. Tin Mừng kể lại nhiều dụ ngôn nói về điều này. Đáng lưu ý nhất là ba dụ ngôn: Đồng bạc bị đánh mất, con chiên bị lạc và người cha nhân hậu (x. Lc 15, 1-31). Hình ảnh người đàn bà đốt đèn, quét nhà để tìm cho bằng được đồng tiền đã bị đánh mất hay người chủ chiên bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc và người cha luôn trông chờ đứa con hoang đàng trở về, là hình ảnh Thiên Chúa luôn khắc khoải tìm kiếm con người, nhất là những người tội lỗi. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, chính Đức Giêsu đã đích thân đến với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài tìm kiếm, gặp gỡ để tha thứ và đưa họ về nẻo chính đường ngay. Ngài đến với ông Lêvi khi ông đang ngồi nơi bàn thu thuế và mời gọi ông: “Hãy theo Ta.” Ngài đã tạo cho người tội lỗi những cơ hội đặc biệt để họ đi theo Ngài, để được làm môn đệ của Ngài.
Về phía con người, Thiên Chúa cần một sự đáp trả. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.”
Nhưng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, thái độ đáp trả của con người khác nhau. Có những người thành tâm thiện chí đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu như trường hợp của Thánh Mathêu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi nghe Đức Giêsu mời gọi “Hãy theo Ta.” Ông lập tức đứng dậy và đi theo Người. Nghĩa là, ông sẵn sàng bỏ mọi sự, bỏ nghề nghiệp, bỏ cả một cơ hội hái ra tiền do nghề thu thuế mang lại để đi theo Đức Giêsu. Điều đó cho chúng ta thấy: Để được làm môn đệ của Đức Giêsu, Mathêu sẵn sàng đánh đổi tất cả. Từ đó, Mathêu toàn tâm toàn lực sống cho Đức Giêsu và chết vì Đức Giêsu. Ngài còn để lại cho chúng ta một kho tàng vô giá, đó là cuốn Tin mừng mang tên Ngài: Tin mừng theo Thánh Mathêu. Đây là gương mẫu về sự đáp trả ơn gọi cho mọi người qua mọi thời đại. Đồng thời câu chuyện về ơn gọi của Thánh Mathêu là niềm vui và niềm hi vọng cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Ngài có thể biến đổi con người từ tội nhân trở thành thánh nhân.
Nhưng đáng tiếc thay, vẫn có những người không chịu đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, như trường hợp của người thanh niên giàu có (x. Mt 19,16-22). Khi chàng anh ta đích thân đến hỏi Đức Giêsu phải làm gì để được sống đời đời (x. Mt 19,16). Đức Giêsu mời gọi: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Tin mừng kể lại: “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).
Cũng như chàng thanh niên, trong thực tế có rất nhiều người vịn lý do này khác để từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu. Dụ ngôn “khách được mời dự tiệc xin kiếu” cũng cho chúng ta thấy điều đó. Người thì bảo: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm”; người khác thì nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây”; người khác nữa bảo: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (x. Lc 14, 18-20).
Đối với chúng ta thì sao? Chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giêsu khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Vì nhu cầu của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi đảm nhận những trách nhiệm khác nhau. Nhưng có những lúc vì lý do nào đó, chúng ta vẫn từ chối lời mời gọi của Chúa, của Giáo Hội để đảm nhận trách nhiệm nào đó. Còn thực tế hôm nay, chúng ta là: Linh mục, tu sĩ, giáo dân. Là giáo dân: có người làm Ban Hành Giáo, có người làm Giáo lý viên, có người là thành viên trong các ban đoàn hay hội đoàn này khác của giáo xứ tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Thánh Phaolô nói rất chí lý rằng: “Kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy…”(Ep 4,11). Dù giữ chức vụ gì, tất cả đều được mời gọi chu toàn bổn phận được giao. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc”(Ep 4, 1-3). Làm được như vậy là chúng ta đang tiếp nối sứ mạng Tông đồ mà Chúa trao cho Thánh Mathêu và Ngài cũng trao cho mỗi người chúng ta.
Ước gì trong đời sống đạo, chúng ta không từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu, trái lại luôn mau mắn đáp lại lời mời gọi để dấn thân trong công tác tông đồ tại Giáo xứ và mọi môi trường sống của mình. Xin Thánh Mathêu cầu thay nguyện giúp để mọi người chúng ta luôn biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và dấn thân không mệt mỏi trong công tác tông đồ. Để qua ta và để trong ta nhiều người đến được với Chúa. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành