Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên C
Trên con đường đi lên Giêrusalem, có rất nhiều người đi theo Đức Giêsu. Có những người đi theo Ngài vì hiếu kỳ. Có những người đi theo Ngài vì đã được “ăn no nê”. Có những người đi theo Ngài vì muốn chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Có những người đi theo Ngài vì muốn làm môn đệ. Để biết được những ai thực sự muốn đi theo và làm môn đệ, Đức Giêsu đã đưa ra hai điều kiện: Điều kiện thứ nhất là “từ bỏ mọi sự;” điều kiện thứ hai là “vác thập giá.”
1. Từ bỏ mọi sự
Ở đời, khi quyết định đi theo ai, chắc chắn bản tính tự nhiên của con người bao giờ cũng mong muốn được cái gì đó chứ không muốn mất: Theo thầy cô để được học chữ; theo những người có chức có quyền để mong muốn được làm ông nọ bà kia; theo người buôn bán để kiếm được nhiều tiền…Nhưng, đối với những người đi theo và làm môn đệ Đức Giêsu thì phải chấp nhận mất chứ không phải được. Những thứ mất đó là: cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình. Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”(Lc 14,26).
Có người cho rằng, lời dạy của Đức Giêsu xem ra quá mâu thuẫn? Bởi vì, “bỏ cha mẹ” là lỗi điều răn thứ tư. “Bỏ vợ con” là lỗi lời thề hứa về Bí tích Hôn phối. “Bỏ anh chị em” là lỗi đức yêu thương. “Bỏ mạng sống mình” là lỗi điều răn thứ năm.
Thực ra, giáo huấn của Đức Giêsu không mâu thuẫn. Đi theo và làm môn đệ của Đức Giêsu càng phải yêu mến cha mẹ, vợ chồng phải chung thủy với nhau, anh chị em phải yêu thương gắn kết với nhau, phải bảo vệ mạng sống của mình... Nhưng, người môn đệ luôn luôn phải đặt Thiên Chúa lên trên hết: trên cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình. Phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Nói cách khác, nếu cha mẹ, vợ con, anh chị em cản trở chúng ta trên bước đường đi theo Chúa thì chúng ta phải chấp nhận từ bỏ họ. Thánh Phanxicô Assisi đã bỏ cha mẹ để đi theo Chúa vì họ ngăn cản ơn gọi của Ngài. Các Thánh Tử đạo đã hy sinh mạng sống của mình để trung thành với Chúa.
Tóm lại, những người đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu cần phải loại bỏ những gì không thuộc về Chúa, những gì cản trở mình trên bước đường theo Chúa. Thậm chí, có khi người môn đệ còn phải hy sinh cả mạng sống của mình vì Đức Giêsu, vì Nước Trời.
2. Vác Thập giá
Đức Giêsu không những muốn chúng ta từ bỏ, mà Ngài còn muốn kẻ làm môn đệ của Ngài phải “vác thập giá”. Ngài nói: “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,27). Vác thập giá, tức là đón nhận những hy sinh, những khổ đau do việc “từ bỏ” mang lại.
Chính Đức Giêsu đã trải qua con đường hy sinh, đau khổ. Ngài đã từ bỏ vinh quang trên trời, hạ mình xuống làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã sinh ra nơi hang đá nghèo hèn trong đêm đông lạnh lẽo. Ngài đã sống nghèo khó ba mươi năm ẩn dật và ba năm ra đi loan báo Tin mừng. Chính Ngài đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn, bị đánh đón, bị đội mạo gai và bị đóng đinh và chết trên thập giá.
Người môn đệ của Đức Giêsu cũng không đi ra ngoài con đường mà Đức Giêsu đã đi. Đi theo làm môn đệ của Ngài là phải chấp nhận vác thập giá. Thập giá sẽ đến với chúng ta khi chúng ta mang danh là Kitô hữu. Vì Đức Giêsu đã nói rằng: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét…” (Mt 10,22). Thập giá sẽ đến với chúng ta khi chúng ta tuân giữ Mười điều răn của Thiên Chúa và sáu điều răn Hội Thánh. Thập giá sẽ đến với những người làm cha làm mẹ khi họ cố gắng chu toàn bổn phận làm cha làm chồng, làm vợ làm mẹ, bổn phận sinh sản và giáo dục con cái. Thập giá sẽ đến với con cái khi họ chu toàn bổn phận thảo kính ông bà, cha mẹ. Thập giá sẽ đến với những người sống đời tu trì khi họ cố gắng giữ trọn các lời khuyên Phúc âm: nghèo khó, vâng lời và khiết tịnh.
Có khi thập giá đến với chúng ta do người khác mang lại: đó là những khi chúng ta phải chịu đau khổ vì những người thân trong gia đình. Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng” (Mt 10, 34-35). Thập giá có thể đến với chúng ta do thiên nhiên gây nên: nóng, lạnh, bão tố, động đất…Thập giá có thể do Thiên Chúa gửi đến để thử thách chúng ta, như trường hợp Ngài thử thách ông Gióp.
Khi chúng ta vui lòng chấp nhận những đau khổ đó, là chúng ta đang vác thập giá đi theo Chúa.
3. Cần phải suy tính
Đi theo và làm môn đệ của Đức Giêsu là một việc làm hết sức hệ trọng. Hệ trọng vì đòi hỏi con người phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá. Vì vậy, cần phải suy tính cẩn thận. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta: dụ ngôn người xây nhà và dụ ngôn vị vua đi giao chiến.
Việc xây nhà: Để công việc xây nhà được xuôi chảy cần phải “ngồi tính toán phí tổn cần thiết”. Người ta thường nói: “Một năm làm nhà, ba năm chuẩn bị.” Phải chuẩn bị những gì? mặt bằng, gạch, cát, sỏi, xi-măng, sắt thép, gỗ, ngói…Khâu chuẩn bị càng đầy đủ thì công việc xây nhà càng được xuôi chảy và nhanh chóng hoàn thành. Nếu không, công việc xây nhà sẽ bị bỏ dỡ dang, chẳng những không có nhà để ở mà còn bị người đời cười chê: “Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi”(Lc 14,30).
Việc đi giao chiến: Dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói tới việc mình chủ động đi giao chiến. Có nên đi hay không nên đi là tùy thuộc vào sự cân bằng giữa quân ta với quân địch. Nếu quân ta chỉ có mười ngàn thì không thể đi giao chiến với quân địch có hai mươi ngàn.
Ý Đức Giêsu muốn những người đi theo và làm môn đệ của Ngài cần phải biết trước về những điều kiện: từ bỏ mọi sự và vác thập giá, để rồi từ đó biết lượng sức mình, biết chuẩn bị những gì cần thiết để đáp ứng những điều kiện mà Chúa đưa ra. Lời dạy này càng thích hợp hơn cho những người dấn thân theo Chúa trong đời sống tu trì và làm linh mục. Vì những người theo ơn gọi tu trì và linh mục cần phải từ bỏ nhiều hơn, nên cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn. Nếu không, sẽ “đứt gánh giữa đàng” thì sẽ bị người đời cười chê.
Tóm lại, để xứng đáng làm môn đệ của Đức Giêsu, cần phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá. Xin cho tất cả chúng ta hiểu được lời dạy này để quyết tâm cố gắng mọi ngày hầu xứng đáng là môn đệ thực sự của Đức Giêsu. Amen.
Lm. Anthony trung Thành
Trên con đường đi lên Giêrusalem, có rất nhiều người đi theo Đức Giêsu. Có những người đi theo Ngài vì hiếu kỳ. Có những người đi theo Ngài vì đã được “ăn no nê”. Có những người đi theo Ngài vì muốn chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Có những người đi theo Ngài vì muốn làm môn đệ. Để biết được những ai thực sự muốn đi theo và làm môn đệ, Đức Giêsu đã đưa ra hai điều kiện: Điều kiện thứ nhất là “từ bỏ mọi sự;” điều kiện thứ hai là “vác thập giá.”
1. Từ bỏ mọi sự
Ở đời, khi quyết định đi theo ai, chắc chắn bản tính tự nhiên của con người bao giờ cũng mong muốn được cái gì đó chứ không muốn mất: Theo thầy cô để được học chữ; theo những người có chức có quyền để mong muốn được làm ông nọ bà kia; theo người buôn bán để kiếm được nhiều tiền…Nhưng, đối với những người đi theo và làm môn đệ Đức Giêsu thì phải chấp nhận mất chứ không phải được. Những thứ mất đó là: cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình. Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”(Lc 14,26).
Có người cho rằng, lời dạy của Đức Giêsu xem ra quá mâu thuẫn? Bởi vì, “bỏ cha mẹ” là lỗi điều răn thứ tư. “Bỏ vợ con” là lỗi lời thề hứa về Bí tích Hôn phối. “Bỏ anh chị em” là lỗi đức yêu thương. “Bỏ mạng sống mình” là lỗi điều răn thứ năm.
Thực ra, giáo huấn của Đức Giêsu không mâu thuẫn. Đi theo và làm môn đệ của Đức Giêsu càng phải yêu mến cha mẹ, vợ chồng phải chung thủy với nhau, anh chị em phải yêu thương gắn kết với nhau, phải bảo vệ mạng sống của mình... Nhưng, người môn đệ luôn luôn phải đặt Thiên Chúa lên trên hết: trên cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình. Phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Nói cách khác, nếu cha mẹ, vợ con, anh chị em cản trở chúng ta trên bước đường đi theo Chúa thì chúng ta phải chấp nhận từ bỏ họ. Thánh Phanxicô Assisi đã bỏ cha mẹ để đi theo Chúa vì họ ngăn cản ơn gọi của Ngài. Các Thánh Tử đạo đã hy sinh mạng sống của mình để trung thành với Chúa.
Tóm lại, những người đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu cần phải loại bỏ những gì không thuộc về Chúa, những gì cản trở mình trên bước đường theo Chúa. Thậm chí, có khi người môn đệ còn phải hy sinh cả mạng sống của mình vì Đức Giêsu, vì Nước Trời.
2. Vác Thập giá
Đức Giêsu không những muốn chúng ta từ bỏ, mà Ngài còn muốn kẻ làm môn đệ của Ngài phải “vác thập giá”. Ngài nói: “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,27). Vác thập giá, tức là đón nhận những hy sinh, những khổ đau do việc “từ bỏ” mang lại.
Chính Đức Giêsu đã trải qua con đường hy sinh, đau khổ. Ngài đã từ bỏ vinh quang trên trời, hạ mình xuống làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã sinh ra nơi hang đá nghèo hèn trong đêm đông lạnh lẽo. Ngài đã sống nghèo khó ba mươi năm ẩn dật và ba năm ra đi loan báo Tin mừng. Chính Ngài đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn, bị đánh đón, bị đội mạo gai và bị đóng đinh và chết trên thập giá.
Người môn đệ của Đức Giêsu cũng không đi ra ngoài con đường mà Đức Giêsu đã đi. Đi theo làm môn đệ của Ngài là phải chấp nhận vác thập giá. Thập giá sẽ đến với chúng ta khi chúng ta mang danh là Kitô hữu. Vì Đức Giêsu đã nói rằng: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét…” (Mt 10,22). Thập giá sẽ đến với chúng ta khi chúng ta tuân giữ Mười điều răn của Thiên Chúa và sáu điều răn Hội Thánh. Thập giá sẽ đến với những người làm cha làm mẹ khi họ cố gắng chu toàn bổn phận làm cha làm chồng, làm vợ làm mẹ, bổn phận sinh sản và giáo dục con cái. Thập giá sẽ đến với con cái khi họ chu toàn bổn phận thảo kính ông bà, cha mẹ. Thập giá sẽ đến với những người sống đời tu trì khi họ cố gắng giữ trọn các lời khuyên Phúc âm: nghèo khó, vâng lời và khiết tịnh.
Có khi thập giá đến với chúng ta do người khác mang lại: đó là những khi chúng ta phải chịu đau khổ vì những người thân trong gia đình. Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng” (Mt 10, 34-35). Thập giá có thể đến với chúng ta do thiên nhiên gây nên: nóng, lạnh, bão tố, động đất…Thập giá có thể do Thiên Chúa gửi đến để thử thách chúng ta, như trường hợp Ngài thử thách ông Gióp.
Khi chúng ta vui lòng chấp nhận những đau khổ đó, là chúng ta đang vác thập giá đi theo Chúa.
3. Cần phải suy tính
Đi theo và làm môn đệ của Đức Giêsu là một việc làm hết sức hệ trọng. Hệ trọng vì đòi hỏi con người phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá. Vì vậy, cần phải suy tính cẩn thận. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta: dụ ngôn người xây nhà và dụ ngôn vị vua đi giao chiến.
Việc xây nhà: Để công việc xây nhà được xuôi chảy cần phải “ngồi tính toán phí tổn cần thiết”. Người ta thường nói: “Một năm làm nhà, ba năm chuẩn bị.” Phải chuẩn bị những gì? mặt bằng, gạch, cát, sỏi, xi-măng, sắt thép, gỗ, ngói…Khâu chuẩn bị càng đầy đủ thì công việc xây nhà càng được xuôi chảy và nhanh chóng hoàn thành. Nếu không, công việc xây nhà sẽ bị bỏ dỡ dang, chẳng những không có nhà để ở mà còn bị người đời cười chê: “Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi”(Lc 14,30).
Việc đi giao chiến: Dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói tới việc mình chủ động đi giao chiến. Có nên đi hay không nên đi là tùy thuộc vào sự cân bằng giữa quân ta với quân địch. Nếu quân ta chỉ có mười ngàn thì không thể đi giao chiến với quân địch có hai mươi ngàn.
Ý Đức Giêsu muốn những người đi theo và làm môn đệ của Ngài cần phải biết trước về những điều kiện: từ bỏ mọi sự và vác thập giá, để rồi từ đó biết lượng sức mình, biết chuẩn bị những gì cần thiết để đáp ứng những điều kiện mà Chúa đưa ra. Lời dạy này càng thích hợp hơn cho những người dấn thân theo Chúa trong đời sống tu trì và làm linh mục. Vì những người theo ơn gọi tu trì và linh mục cần phải từ bỏ nhiều hơn, nên cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn. Nếu không, sẽ “đứt gánh giữa đàng” thì sẽ bị người đời cười chê.
Tóm lại, để xứng đáng làm môn đệ của Đức Giêsu, cần phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá. Xin cho tất cả chúng ta hiểu được lời dạy này để quyết tâm cố gắng mọi ngày hầu xứng đáng là môn đệ thực sự của Đức Giêsu. Amen.
Lm. Anthony trung Thành