KHIÊM TỐN NHẬN RA MÌNH
Chúa Nhật XXII thường niên năm C

Có phải trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh, lời dạy sau đây của Chúa:“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”, luôn luôn không gây khó khăn?

Mọi người nghĩ gì khi vị nguyên thủ, cứ vào tiệc, lại tìm chỗ không hề xứng tầm địa vị mà ngồi? Trăm lần như một, ông đợi người ta mời. Sau đó, mọi người lại phải đợi lãnh đạo của mình từ chỗ cuối hết, bước lên. Tự dưng ông trở thành điểm chú ý không đúng lúc, không đúng cách... Chắc chắn, không bao giờ có ai chấp nhận cung cách lãnh đạo như thế…

Vậy bạn và tôi phải hiểu thế nào về lời dạy của Chúa? Điểm chính yếu: Chúa muốn nhắn gởi thông điệp gì?

Hãy nhớ, ngay đầu bài Tin Mừng, thánh Luca cho biết: “Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa”.

Pharisêu là những kẻ hách dịch, kiêu ngạo. Họ vốn luôn tự đắc mình đạo đức, mình công chính hơn người. Họ cho rằng chỉ có họ nắm giữ lề luật, nắm giữ Kinh Thánh, và luôn chăm chỉ cầu nguyện, luôn tế tự nghiêm túc. Họ nghĩ, chắc chắn họ sẽ vào Nước Trời. Chỉ có họ là thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương.

Rõ ràng, theo mạch văn của Tin Mừng, đối tượng Chúa nhắm đến là các Pharisêu. Và nếu lời Chúa được công bố trong thời nay, thì chắc chắn lời ấy nhắm đến những kẻ đang nhen nhúm trong lòng dạ mình “men Pharisêu” (Mc 8, 15a).

Do đó, Chúa muốn dạy họ và dạy chúng ta bài học của sự khiêm tốn, bài học về một tâm hồn ảnh hưởng “men thánh thiện”. Đó là luôn biết nhìn nhận thực chất con người của mình, đừng ảo tưởng, đừng khoe khoang sự “thánh thiện”, trong khi chẳng có chút thánh thiện.

Cuộc đời khoác lên chúng ta nhiều “thứ áo”, nhiều “màu áo”: nhan sắc, tiền bạc, tài năng, địa vị xã hội… Người ta thường đánh giá nhau dựa vào dáng vẻ bên ngoài. Nếu cứ sống trong những “chiếc áo” ấy, sẽ dễ hình thành trong ta ảo tưởng, kiêu ngạo, khoác lác, khoe khoang, tự mãn…

Thiên Chúa thì khác. Người nhìn thấu, nhìn toàn diện con người ta. Người nhận thấy ta tận chiều sâu tâm hồn. Bởi chỉ có bên trong nội tâm, chỉ có sự sâu thẳm của tân mồn mới là giá trị thật của mỗi một người.

Vậy cho nên, qua dụ ngôn bữa tiệc trong nhà Pharisêu, một lần nữa, Chúa đòi bạn và tôi phải quay nhìn vào lòng mình, quay nhìn vào chiều sâu nội tâm của bản thân, để khám phá lại chính mình, khám phá sự thật của tâm hồn mình.

Tôi sẽ luôn tự nhủ: Cuộc đời có thể khoác cho tôi nhiều vị trí khác nhau, họ chỉ nhìn thấy dáng vẻ bên ngoài. Nếu tôi chỉ dựa vào những đánh giá của người đời, tôi sẽ rơi vào nguy cơ xa cách tinh thần đạo đức. Tôi cần sống đúng sự thật của mình trước mặt Chúa. Vì thế, tôi khiêm tốn chính là tôi phải tự biết mình.

Thật ra, quay về với sự thật của lòng mình không dễ chút nào. Nó là cả một công trình của sự nỗ lực và phấn đấu từng giây phút, suốt đời ta.

Bởi ai cũng thích lời khen hơn tiếng chê, thích được nịnh, được ca tụng hơn bị phê bình. Đối diện với lời ca tụng, có thể ta tỏ ra khiêm tốn, miệng nói mấy lời chối từ, nhưng trong lòng thì lại thấy như… muốn người ta khen hơn nữa.

Ngược lại, biết bao nhiêu lần, ta coi là bị xúc phạm, khi ai đó “cả gan” phê bình, chỉ trích ta. Có người bực tức, khó chịu, cắt đứt mọi quan hệ với kẻ dám phê bình mình. Thận chí, trong cuộc đời này, đã xảy ra biết bao nhiêu sự trả thù, thủ tiêu những kẻ dám nói sự thật về lỗi lầm của một ai đó. Người ta có thể coi người phê bình là đối thủ, là kẻ thù phải tận diệt…

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để khám phá lại giá trị thật mà ta đang có, đang chi phối mọi tư tưởng, hành động, lời nói, mọi tương quan… của mình.

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để tập tành và làm cho hình thành dần sự khiêm tốn, nếu chưa được như mong muốn, thì cũng phải ở mức tối thiểu.

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để ta luôn luôn đón nhận những ý kiến của anh chị em, dù đó là sự thật khó nghe.

Hãy đón nhận ánh sáng lời Chúa để sẵn sàng chỉnh đốn khi dược ai đó cho biết, hay khi khám phá ra bóng tối trong lòng dạ mình.

Hãy tự xô đổ mọi bức tường của ảo tưởng, của kiêu ngạo, của tự mãn…, điều mà nếu không khám phái lại tâm hồn trong ánh sáng của lời Chúa, sẽ khó có thể làm nổi.

Hãy nhận ra mình. Chân nhận bản thân là cách khiêm tốn nhất để chiếm lĩnh tình yêu của Chúa và sở hữu tình thương của nhiều anh chị em dành cho mình.

Hãy quyết tâm: Từ nay tôi sẽ sống khiêm tốn. Đó là tôi sống đúng sự thật con người của tôi trước mặt Chúa, trước mặt anh chị em.

Chỉ khi nào lòng ta biết đón nhận ánh sáng lời Chúa để dối diện với chính mình, khám phá lại bản thân, ta mới thực là người có đức khiêm tốn hoàn hảo.

Hãy nhớ: cùng với lời dạy hãy sống khiêm tốn, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước, đã làm gương trước cho chúng ta về sự khiêm tốn. Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Philipphê đã nói về sự khiêm tốn của Chúa Giêsu:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 6- 9).

Tất cả chúng ta hãy trở về với lòng mình, đặt mình đối diện trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, để khiêm tốn thật sự. Nhờ khiêm tốn, ta sẽ dễ sám hối.

Chỉ khi trở về đối diện với Thiên Chúa, trong tư thế trần trụi, hèn hạ, nghèo khó, đầy những tội lỗi, mà không ai biết, chỉ có Chúa và bản thân biết, ta mới thật sự có cơ hội vươn lên sự thánh thiện, có cơ hội hãm dẹp bớt cái tôi cồng kềnh. Nhờ đó, tâm hồn khiêm tốn mới có thể ùa về trong ta.

Hãy loại trừ “men Phari sêu”. Hãy tập nhìn vào lòng mình. Hãy nhận ra sự thật của lòng mình. Hãy khiêm tốn như Chúa. Hãy khiêm tốn theo lời Chúa dạy.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG