Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
“Chúng ta rất tự hào về đất nước của mình và sự đồng hành của Giáo Hội với quê hương. Vào ngày quốc khánh lần thứ 70, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Giáo Hội tiếp tục đóng một phần không thể thiếu trong việc xây dựng đất nước cũng như xây dựng một cộng đồng tự do và liên đới, bình đẳng và công lý. Giáo Hội Công Giáo đã và đang xây dựng đất nước Ấn Độ và đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ của đất nước thân yêu của chúng ta.”
Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai, hay còn gọi là Bombay, đã nói như trên hôm thứ Hai 15 tháng 8, Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cũng là ngày Độc Lập cuả Ấn Độ.
Ngài nói thêm:
“Sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế và hàng loạt các lĩnh vực khác như chính trị và văn hóa ở Ấn Độ là độc đáo, trong tinh thần không phân biệt đối xử về đẳng cấp cũng như tín ngưỡng. Đáp ứng với nhu cầu của thời đại, Giáo Hội Công Giáo làm hết sức mình để thúc đẩy phẩm giá và đời sống con người.”
Thống kê cho thấy 85 phần trăm các hoạt động chăm sóc sức khỏe do Giáo Hội điều hành liên quan đến các vùng nông thôn nơi Hội Thánh quên mình phục vụ cho những người nghèo nhất trong những người nghèo.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:
“Quan trọng hơn, trong năm thứ 70 của nền độc lập, Chân Phước Mẹ Teresa sẽ được phong thánh, và chính phủ hoan nghênh và dự phần bằng cách gửi một phái đoàn cao cấp tham dự lễ tuyên thánh tại Rôma”
2. Các giám mục Bangladesh lên án vụ sát hại giáo sĩ Hồi giáo và trợ lý tại New York
Ngày 13 tháng 8 vừa qua, một giáo sĩ Hồi giáo và trợ lý của ông, cả hai đều là người Bangladesh, đã bị bắn chết tại New York. Sau buổi cầu nguyện buổi chiều, hai người đã bị bắn vào đầu ở cự ly rất gần khi đi ngang qua Ozone Park, ở quận Queens.
Vị giáo sĩ Hồi Giáo tên là Maulana Alauddin Akonjee, 55 tuổi, và người phụ tá là Thara Uddin, 64 tuổi, ăn mặc theo kiểu Hồi Giáo khi bị bắn. Bên cạnh đó, Akonjee mang theo trong mình 1,000 Mỹ Kim. Số tiền này không bị lấy đi. Hai chi tiết này khiến báo chí tại Bangladesh đồn đoán là hai người đã bị giết vì niềm tin Hồi Giáo của họ.
Hôm 14 tháng 8, cảnh sát New York bắt giữ một nghi can trong vụ giết người này, tên là Oscar Morel, 35 tuổi, cư ngụ tại Brooklyn. Các báo cáo cho biết cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng lục và một số quần áo tương tự như trong video thu được tại hiện trường.
Động cơ của vụ giết người này chưa được xác minh.
Đức Cha Gervas Rozario, Giám Mục Rajshahi và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Bangladesh, đã mạnh mẽ lên án vụ giết người này.
Trong tổng số 168,957,000 dân, người Công Giáo chỉ có 290,000 sinh hoạt trong một tổng giáo phận và 5 giáo phận.
3. Washington bán 1.5 tỷ Mỹ Kim vũ khí cho Saudi Arabia
Bất chấp những thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ của Ả Rập Saudi trong các chiến dịch quân sự ở Yemen, Hoa Kỳ vẫn quyết định bán một số lớn thiết bị quân sự cho quốc gia này, kể cả 130 xe tăng chiến đấu Abrams.
Năm ngoái, Mỹ đã bán được hơn 20 tỷ Mỹ Kim các thiết bị quân sự cho Ả Rập Xê Út.
Hợp đồng mới bao gồm 130 xe tăng, các loại vũ khí và các khí tài chiến tranh đa dạng. Riyadh thề sẽ chiến đấu chống quân khủng bố Hồi Giáo IS nhưng các vũ khí mua của Mỹ trong thực tế được dùng chủ yếu cho việc tiêu diệt các đối thủ Hồi Giáo Shiite trong khu vực. Chỉ có mười máy bay chiến đấu tham gia vào liên minh chống quân khủng bố Hồi Giáo IS. Hàng trăm máy bay còn lại được sử dụng trong cuộc chiến chống người Hồi Giáo Houthi tại Yemen.
Hàng trăm thường dân đã chết vì các hành động quân sự của Saudi Arabia tại Yemen từ tháng Ba năm ngoái. Ả Rập Saudi đã sử dụng máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất để thả bom chùm do Mỹ chế tạo. Đây là một thứ vũ khí khủng khiếp, rất không chính xác, gây thương vong bừa bãi đã bị cấm bởi 119 quốc gia.
Hoa Kỳ không phải là thế lực phương Tây duy nhất kiếm lời trong cuộc chiến gần như bất tận tại Syria và rộng hơn là vùng Trung Đông.
Pháp và Anh tiếp tục bán vũ khí cho Ả Rập Saudi và Qatar, làm tăng sự bất ổn trong khu vực.
Người ta tuyên chiến với quân khủng bố Hồi Giáo IS nhưng không hề ngăn chặn bọn này buôn bán dầu để tài trợ cho chiến tranh và mua vũ khí.
4. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không phá bỏ các nhà thờ bị tịch thu
Bộ Môi trường và Quy hoạch đô thị của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không phá bỏ các nhà thờ Armenia mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu hồi tháng Ba trong cuộc tấn công nhắm vào những người Kurd ly khai ở Diyarbakir.
Tuyên bố này đã được đưa ra để trả lời cho những lời truy vấn của ông Garo Paylan, một thành viên gốc người Armenia trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng chục ngôi nhà thờ thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền đã bị Thổ Nhĩ Kỳ tịch thu vì cho là có dính líu đến tổ chức PKK của người Kurd nhằm đòi tự trị.
5. Đức Hồng Y Mario Polli của Buenos Aires công kích nạn tham nhũng trong chính quyền cũ
Đức Hồng Y Mario Polli của Buenos Aires đã bày tỏ sự bất bình của ngài với tình trạng tham nhũng trong chính quyền của cựu nữ Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner
Đức Hồng Y Polli đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm để thay thế ngài trong việc coi sóc tổng giáo phận Buenos Aires.
Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên, Đức Hồng Y nhận định là nữ tổng thống Kirchner đang mất đi sự hỗ trợ của công chúng sau câu chuyện một viên chức bị bắt giữ vì mang một số ngoại tệ lớn ra nước ngoài.
Hồi đầu tháng này, một nhân viên trong chính quyền của Kirchner đã bị bắt giữ vì mang theo một túi tiền trong đó có tới 9 triệu Mỹ Kim tiền mặt.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành về tình trạng tham nhũng trong chế độ của tổng thống Kirchner.
6. Đức Tổng Giám Mục Chaput: cả hai ứng cử viên tổng thống đều 'có vấn đề'
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã cho biết những suy nghĩ cá nhân của ngài về cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, theo đó ngài vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu như thế nào.
“Cả hai ứng cử viên, nói thế nào cho đúng đây, cả hai đều ‘có vấn đề’, không người nào trổi vượt hơn so với người kia.” Đức Tổng Giám Mục viết, trong một cột báo của tổng giáo phận Philadelphia. Ngài nhấn mạnh rằng ngài chỉ đưa ra một suy nghĩ cá nhân trước cuộc đua, và cử tri Công Giáo có thể quyết định theo ý riêng của họ. Mục tiêu mà ngài muốn nhấn mạnh là cử tri có một nghĩa vụ đạo đức phải bảo vệ quyền được sống.
Đức Tổng Giám Mục Chaput lý luận rằng vì cả hai ứng cử viên của hai chính đảng đều có khiếm khuyết, các cử tri Công Giáo có thể bị cám dỗ để bỏ phiếu cho một ứng cử viên độc lập thứ ba, hay không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này, hoặc bỏ một phiếu có tính quyết định cho một ứng cử viên mà họ làm không nhiệt tình ủng hộ. “Tôi vẫn chưa biết trong cuộc tranh cử này cuối cùng tôi sẽ bỏ phiếu cho ai”, ngài viết.
7. Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội nói về các đoạn trong kinh Qu'ran liên quan đến bạo lực
Một viên chức tại Vatican đã thách thức các học giả Hồi giáo đưa ra những giải thích mang tính hòa bình đối với nhiều đoạn trong kinh Qu'ran của Hồi Giáo.
Theo Đức Cha Giám Đốc Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội “nhiều đoạn trong kinh đưa ra một sự ủng hộ rõ ràng cho việc sử dụng bạo lực.”
Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo nói: “Thật là ‘ngây thơ’ để bỏ qua những đoạn có vấn đề của kinh Qu'ran, và đó là một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo Hồi giáo làm sao có thể đưa ra một diễn giải hòa bình cho những đoạn văn này, đặc biệt dưới ánh sáng của những áp lực từ những kẻ cực đoan”
Đức Cha Sánchez Sorondo nói thêm là ngài “không dám mơ tưởng đến chuyện bảo ban người Hồi giáo giải thích đức tin của họ như thế nào”. Tuy nhiên, bất kỳ học giả Hồi giáo nào sẵn sàng chấp nhận những thách thức trong việc lên án bạo lực sẽ “tìm thấy một đồng minh mạnh mẽ và đầy tình huynh đệ trong Giáo Hội Công Giáo.”
8. Tờ Quan Sát Viên Rôma vinh danh một vị giám mục thầm lặng của Trung Quốc
Tờ Quan Sát Viên Rôma đã vinh danh Đức Cha Vinh Sơn Huang Shoucheng của giáo phận Mingdong tỉnh Phúc Kiến phía đông. Ngài vừa mới qua đời hôm 30 tháng 7 ở tuổi 93. Đức Cha là một Giám Mục thầm lặng, không được cộng sản Trung quốc công nhận.
Đám tang của ngài, hôm 2 tháng 8, tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Mân Côi của Mindong, thu hút ít nhất là 20,000 người, mặc dù nhà cầm quyền Trung quốc chỉ cho phép 3,000 tín hữu tham dự thánh lễ an táng.
Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết:
“Trong hơn 60 năm linh mục, và giám mục của ngài, Đức Cha Huang đã phải chịu 35 năm giam cầm trong tù, trong các trại lao động cưỡng bức và bị quản thúc. Ngài đã đưa ra một chứng tá đức tin anh hùng, với một lòng trung thành vô điều kiện với người Kế Vị Thánh Phêrô và trong sự hiệp thông sâu sắc với Giáo Hội phổ quát”.
“Ngài được người đời nhớ đến như là một con người ‘khiêm tốn và thông minh, và là một mục tử vĩ đại’”.
Tờ báo ghi nhận rằng nhờ những cố gắng phi thường của ngài giữa những nghịch cảnh và bách hại, giáo phận Mindong đã có khoảng 90,000 người Công Giáo với hơn 60 linh mục, 200 nữ tu và 300 phụ nữ sống thánh hiến để tham gia vào việc truyền giáo.
9. Tân tổng giám mục ở biên giới Mỹ - Mễ Tây Cơ nói chúng ta cần phải phá bỏ các bức tường
Đức Tân Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Tijuana, Mễ Tây Cơ, đã đi thăm biên giới Mỹ-Mexico vào ngày 11 tháng 8 vừa qua. Ngài dựa vào hàng rào biên giới, và nói, “Chúng ta cần phải xây dựng những chiếc cầu và phá đổ các bức tường.”
Đức Tổng Giám mục Francisco Moreno Barron nói rằng ngài hy vọng ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump “sẽ luôn luôn có những người thân cận giúp ông có một phản tỉnh sâu sắc để ông có thể tái định hướng những xác tín của mình vì lợi ích của toàn bộ cộng đồng nhân loại vượt qua những lợi ích của một quốc gia duy nhất”. Tờ San Diego Union-Tribune cho biết như trên.
Cha Patrick Murphy, là người đang điều hành một trung tâm tạm trú trên biên giới cho biết Đức Tân Tổng Giám Mục đã từng “làm việc tại Michoacan, nơi giam giữ hàng loạt những người bị trục xuất, và cũng là nơi có rất nhiều người đến xin tị nạn chính trị. Ngài biết rõ thực tại bi đát của những người tầm trú”.