Chúa Nhật XVI Thường Niên C

NGÔI NHÀ BÊTANIA

St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère.

Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?

Chàng sinh viên liền hỏi:

- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:

- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!

Nhà bác học Ampère trở nên vĩ đại với công trình nghiên cứu về điện tử học, về nam châm điện đã đem lại biết bao lợi ích cho nhân loại. Thế nhưng, với ông, đó không là việc vĩ đại. Vĩ đại với ông như ông xác tín: “…Chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”. Cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa nói với ta biết phải làm gì…

Như Maria ngồi bên chân Chúa lắng nghe Lời Thầy…

Cả ba chi em Martha Maria và Ladarô ở làng Bêtania rất thân thiết với Chúa Giêsu Thánh Gioan trong một câu ngắn ngủi đã ghi lại trong Tin mừng thứ tư: “Đức Giêsu quý mến cô Martha, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5). Làng Bêtania nằm bên sườn núi Ôliu cách Giêrusalem gần ba cây số về phía đông... Mỗi khi Chúa Giêsu và các môn đệ lên Giêrusalem đều ghé qua nhà của ba chị em ở Bêtania để nghỉ ngơi (x. Mt 21,17; Mc 11,11; Lc 10,38-42; 21,37; Ga 11,11,17; 12,1). Martha là chị cả và tiếp theo là Maria chị của Lagiarô. Và có lẽ chính Maria này cũng là người phụ nữ xức dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa Giêsu (Mt 26,6-7; Mc 14,3-9; Ga 12,3) trước ngày Người bước vào cuộc thương khó. Ladarô người đã chết được Chúa Giêsu cho sống lại sau khi Martha tuyên xưng niềm tin phục sinh vào Ngài (x. Ga 11, 1-45)

Chúa đến thăm nhà Bêtania, Martha lo làm bếp tiếp thầy. Còn Maria ngồi lắng nghe lời Lời Thầy. Ngồi là tư thế của người môn sinh lắng nghe lời giáo huấn của thầy (x.8,35; Cv 22,3); Chúa Giêsu đã đánh giá tư thế “nghe” của Maria là phần tốt nhất.

Martha hối thúc Maria giúp cô làm bếp, học giả Rachel Conrad Wehberg giải thích cắt nghĩa thái độ của Martha: Người ta phải suy luận rằng đây là công việc trong bếp hai người đã quen làm. Maria vẫn thường phụ giúp Martha. Nếu họ đã phân chia công tác: Martha nấu ăn, Maria tiếp khách, thì chẳng có vấn đề gì, vì mỗi người đều chấp nhận và kính trọng nhau. Nhưng ở đây, theo thói quen, cả hai chị em cùng làm công việc nấu nướng. Nếu cả hai cùng làm, sẽ mau có bữa ăn hơn, và cả hai chị em đều có cơ hội ngồi tâm sự với Chúa lâu giờ hơn. Do đó, Martha than phiền không phải vì bà chỉ bận tâm đến việc ăn uống, cũng không phải vì ghen tương, nhưng vì trái tim bà hối thúc muốn được cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng ở bên Chúa với Maria. Đó là lý do Martha đã than phiền (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa Năm C)

Thật thế, người môn đệ có lúc “tất bật” trong phục vụ, nhưng cũng cần có thời gian chuẩn bị để “lắng nghe” ý Chúa. Không thể có hoạt động, phục vụ tốt nếu không lắng nghe, để biết ý Chúa. Maria đã chọn lựa và làm tốt: ngồi dưới chân Đức Giêsu và lắng nghe. Một thái độ không thể thiếu của một môn đệ: toàn tâm chú ý vào Chúa và lời Ngài. Đó là việc làm cần thiết đầu tiên khi bước vào sứ vụ, phục vụ và lao động. Chính Chúa Giêsu gọi và chọn các môn sinh ra đi phục vụ, nhưng trước tiên Ngài mời họ đến xem và ở với Ngài (x. Ga 1,35-39). Chính khi gặp gỡ, lắng nghe trao đổi, sống mầu nhiệm trong lời mời: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9), một khi có sức mạnh của thầy, theo lời mời gọi của thầy: “anh em ra đi và sinh nhiều hoa trái”.

Cuộc sống ngày hôm nay luôn vội vã, tất bật, làm chúng ta chạy theo muốn hụt hơi, càng cố tiến bước, càng thấy mệt mỏi. Công việc phục vụ trong một môi trường đầy khốc liệt như thế cũng làm chúng ta luôn vội vã… Trong ý nghỉa của nhà Bêtania mà Maria ngồi bên chân Chúa, chúng ta nên học biết dừng lại và nghỉ ngơi bên Chúa trong việc chiêm niệm: Luôn hướng nhìn về Chúa và hằng lắng nghe Lời Ngài trong hành trình phục vụ. Biết lắng nghe và hiệp nhất với Thiên Chúa trong công việc, sứ mạng phục vụ con người…

Nhịp sống hằng ngày luôn có sự liên kết giữa cầu nguyện và làm việc. Cho nên P. Graef nói: “Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”…

Hãy mở cửa đón Chúa và ngồi bên chân Ngài để lắng nghe tiếng Chúa, đó chính là sức mạnh của tiến trình phục vụ…Như Thánh Augustinô thổn thức kêu lên:

“Lạy Chúa, Chúa tạo dựng con cho Ngài, lòng con không hề yên nghỉ bao lâu con chưa nghỉ ngơi trong Chúa”.

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn- Nam Định 16/07/2016