Chúa Nhật 16 THƯỜNG NIÊN: HÃY LÀ MATTHA VÀ LÀ MARIA

Một vị vua quyết định đi thăm dân. Có một gia đình tiếp vua bằng một bữa tiệc sang trọng. Chủ nhà vất vả lo dọn tiệc. Đến khi thức ăn được dọn, mọi người quá mệt, không còn hứng thú để nghe và kể cho vua nghe những gì vua cần biết.

Đến thăm nhà thứ hai,vua được cả nhà niềm nở đón tiếp. Dù chỉ có bữa ăn đạm bạc, nhưng mọi người đều quay quần bên vua, nói cho vua nghe những ước mơ của gia đình, của dân làng. Khi ra về, vua hài lòng với buổi gặp gỡ đúng như ý muốn.

Tương tự, Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho thấy hai thái độ tiếp khách của hai chị em Mattha và Maria đối với Chúa Giêsu. Cả hai đều tiếp đón Chúa nồng hậu, rất quý khách, yêu mến khách. Hai thái độ tiếp khách ấy đều đáng trân trọng. Nhưng Chúa Giêsu lại đánh giá cao thái độ của cô em, tức cô Maria, khi nói với chị Mattha: “Con lo lắng nhiều việc quá. Chỉ có mỗi một việc cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Hai thái độ tiếp khách của hai chị em là gì? Chị Mattha đon đả chuẩn bị cơm nước, tiệc tùng đãi khách. Còn em gái Maria luôn ở bên khách, lắng nghe khách nói. Thánh Luca cho biết: “Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Chúa dạy”. Ngồi bên chân chứ không phải ngồi ngang hàng. Ngồi bên chân Chúa, đón nhận từng lời của Chúa, đó là “phần tốt nhất”, không còn gì tốt hơn, mà cô Maria đã chọn.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ, vì lời nói này mà Chúa đánh giá thấp việc phục vụ của chị Mattha. Tin Mừng không cho thấy chỗ nào Chúa chê bai chị. Làm sao có thể chê bai được đối với một người quý khách đến nỗi trở nên bận rộn vì khách. Hơn nữa, làm sao có thể chê bai, khi đó là việc phục vụ tận tình, tận lực của một người. Đúng hơn, tôi nghĩ câu nói: “Con lo lắng về nhiều việc quá...”, là lời trách yêu, Chúa dành cho chị Mattha. Tôi lại càng khẳng định mạnh hơn, đó là lời trách yêu khi biết rằng, chính vì yêu Chúa nhiều, Mattha mới có thái độ tiếp đón nồng hậu đến vậy!

Nói gì thì nói, từ hai thái độ tiếp khách của Mattha, Maria, và thái độ đáp trả của Chúa Giêsu, bạn và tôi phải chân nhận rằng: điều Chúa muốn là ta hãy đề cao Lời của Người trên hết mọi sự, trước khi lo việc đời hãy lo việc đạo. Trước khi vất vả vì sự sống thân xác, vì miếng cơm manh áo, hãy vững tin vào Chúa, phó thác đời mình cho Chúa. Trước khi mưu cầu danh vọng, giàu sang, mạnh mẽ..., hãy hướng tới tương lai đích thực là sự sống vĩnh hằng nơi Thiên Chúa. Trước khi suy nghĩ, trước khi có bất cứ hành vi nào, hãy quy chiếu vào Lời Chúa mà tra vấn chính suy nghĩ và hành vi ấy của mình. Tắt một lời: Trên hết mọi sự, Lời Chúa phải là lẽ sống của người Kitô hữu.

Thái độ của hai chị em Mattha, Maria và thái độ đáp trả của Chúa Giêu còn dạy ta hãy quân bình đời sống thường nhật với trách nhiệm Kitô hữu. Vì sự quân bình ấy rất quan trọng, giúp ta sống ơn gọi nên thánh ở giữa đời. Một mặt, ta không thể không làm lụng vất vả tạo ra cơm ăn áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng không vì thế, biến mình thành kẻ suốt ngày chỉ “cơm-áo-gạo-tiền”, quên mất Thiên Chúa, quên mất nghĩa vụ làm người con thảo hiếu với Cha trên trời. Vì sự sống thân xác không bao giờ là lý do cho phép ta vịn vào ngụy biện cho lối sống nguội đạo, lạnh nhạt đức tin. Mặt khác, ta cũng không được nại vào sự cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, dạy hay học giáo lý... mà quyên bổn phận thánh hóa lao nhọc khi phải sống vất vả giữa đời.

Cuộc đời này cần có những Mattha và rất cần những Maria. Đúng hơn, chính bản thân bạn và tôi phải vừa là Mattha, nhưng cũng vừa là Maria. Nghĩa là biết quân bình giữa lao động và cầu nguyện.

Ngay cả khi vì cuộc sống, ta trở nên mỏi mệt nhất, chán chường nhất, nếu biết luôn gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, và có thói quen dâng lên chúa những tâm sự của riêng mình, chính lúc ấy, những giới hạn ấy của thân xác sẽ trở nên hoa trái cứu độ tuyệt vời.

Vì giá trị của lao nhọc trở nên lớn lao như thế trong đời sống cầu nguyện, bạn và tôi hãy cầu nguyện liên lỉ. Hãy ở bên Chúa không ngơi nghỉ bằng chính sự cầu nguyện, ngay cả khi ta đang làm việc lẫn lúc dành cho Người một thời gian thích hợp trong từng ngày sống như: khi đọc kinh, lần chuỗi, viếng Thánh Thể, cầu nguyện riêng hay chung trong gia đình, đọc và suy niệm Lời của Người, khi dâng thánh lễ, khi lãnh bí tích...

Biết làm việc và biết cầu nguyện, ta đã làm quân bình đời sống Kitô hữu của mình. Chính khi sống được như thế, chúng ta đang tiến lên trong ơn gọi nên thánh mà Chúa Kitô hằng mời gọi mình.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta thích làm việc, và rất đam mê cầu nguyện. Khi còn sống, mỗi ngày, Mẹ phải giải quyết một số lượng công việc vô cùng lớn. Nhất là Mẹ quá bận rộn vì tha nhân và các việc bác ái, nhưng không bao giờ bỏ các giờ đọc kinh, cầu nguyện.

Ban sáng, Mẹ dậy sớm cầu nguyện một giờ đồng hồ. Trước khi làm việc gì, Mẹ đều bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Nhất là những công việc càng khó khăn bao nhiêu, càng vượt quá sức mà Mẹ phải giải quyết, Mẹ càng cầu nguyện nhiều hơn, sốt sắng hơn. Trong các công tác của mình, cũng như trong khi đang làm việc, Mẹ đều hiến dâng cho Thiên Chúa.

Nếu Mẹ Têrêsa không liên hệ chặt chẽ với Chúa như vậy, chắc chắn số lượng công việc quá lớn, sẽ làm Mẹ chán nản lắm, mệt mỏi lắm, do đó sự bực tưc, gắt gỏng cũng không phải là ít.

Ngược lại, chính nhờ sự cầu nguyện, Mẹ được nối kết với nguồn sức mạnh tối cao của Thiên Chúa. Vì thế, mọi người nhìn nhận rằng Mẹ trở nên hiền lành, nhân từ, khiêm nhu, rộng lượng, rất đáng yêu...

Bởi vậy, từ thái độ của hai chị em Mattha, Maria và thái độ đáp trả của Chúa Giêsu, đến gương của Mẹ Têrêsa, cho ta hiểu rằng, ơn cứu rỗi không tùy thuộc vào số lượng công việc đã làm, nhưng chỉ tìm thấy nó trong mối liên hệ và hiện diện giữa ta với Chúa cùng đồng loại quanh mình, khi làm việc và cầu nguyện mà thôi. Vì thế, bạn và tôi hãy sống như có Chúa đang hiện diện với mình trong công việc, trong sự cầu nguyện, và hãy sống như mình đang sống trong Chúa qua mỗi bước đi, nụ cười, lời nói, hành vi... thường nhật của mình.

Hãy là Mattha giữa đời thường và hãy là Maria khi mang lấy đời thường ấy đến với Chúa!

Lm. VŨ XUÂN HẠNH