Cha Federico Lombardi
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một giáo dân người Mỹ, là ông Greg Burke, làm giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh thay cho Cha Federico Lombardi. Quyết định này có hiệu lực từ 01 Tháng Tám.

Tân giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh sẽ bắt đầu công việc bắt đầu từ tháng 8 tới đây. Cha Lombardi năm nay 74 tuổi sẽ còn tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Ba Lan nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vào cuối tháng 7 này. Từ tháng 9 ngài sẽ làm việc trong Tổng tu nghị của Dòng Tên.

Cha Federico Lombardi nổi bật với tính khiêm tốn và khả năng ứng phó thông minh, linh hoạt và bặt thiệp trong nhiều tình huống rất khó khăn.

Chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn cha Federico Lombardi của ký giả Andrea Tornielli trên tờ La Stampa số ra ngày 12 tháng Bẩy, 2016 với tựa đề: Lombardi: “The most difficult moment? The pedophilia scandal


“Lúc khó khăn và đau đớn nhất là tai tiếng ấu dâm.” Cha Federico Lombardi nói. Ngài sinh năm 1942 tại Saluzzo (Cuneo), là cháu trai của linh mục dòng Tên nổi tiếng Riccardo Lombardi, người thường được giới truyền thông gọi là “microphone của Chúa” trong thời điểm Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12.

Cha Federico Lombardi tốt nghiệp Toán học tại Đại học Turin, tốt nghiệp Thần học tại Frankfurt, cựu giám tỉnh dòng Tên Italia, cựu giám đốc truyền thanh và truyền hình Vatican - là giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh. Ngài vừa nộp đơn từ chức, trong một phong cách nhẹ nhàng sau hơn một thập niên trong vai trò là “tiếng nói” của Đức Giáo Hoàng, và tiêu biểu cho Tòa Thánh.

Ngài luôn luôn ăn nói nhỏ nhẹ, pha chút hài hước, nhưng cứng rắn, thông minh và linh hoạt. Tiêu biểu là câu chuyện diễn ra tại Li Băng khi ngài đi cùng với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vào tháng Năm, 2012, Khi một nhà báo địa phương nhầm lẫn gọi ngài là “Đức Hồng Y” – ngài trả lời: “Pas encore, J'espère jamais!” - nghĩa là “Chưa đâu, và tôi hy vọng không bao giờ!” Hay là trong thời gian công nghị Hồng Y vừa qua, một nhà báo hỏi ngài là Đức Giáo Hoàng Danh dự đã ăn gì ngày hôm đó, ngài trả lời “Câu hỏi hay lắm. Chúng ta nên hỏi ngài.”

Làm thế nào để hành động như một phát ngôn viên của Đức Giáo Hoàng?

“Điều cơ bản là mình phải nghĩ mình đang phục vụ, chứ đừng nghĩ đến chuyện coi mình là số một. Cần nhận ra nhu cầu trang bị thêm kiến thức, phân định và đọc chính xác những gì Đức Giáo Hoàng nói và làm. Và để là một trung gian truyền thông tốt, cần cung cấp cho các ký giả các nguyên liệu cần thiết để giúp họ hiểu, chẳng hạn, các lý do dẫn đến một quyết định.”

Đức Thánh Cha Phanxicô không cần một người đính chính các phát biểu của ngài nữa sao?

“Tôi nghĩ là không, ít nhất tôi đã không bao giờ có thái độ đó. Đức Giáo Hoàng thậm chí không cần người diễn giải ý tưởng của ngài. Chắc chắn là người phát ngôn phải sẵn sàng và sẵn lòng đưa ra các lời khuyên, đánh giá các phát biểu hoặc đề nghị các đề xuất. Nhưng luôn luôn phải là một công việc kín đáo, trong niềm tôn trọng Đức Giáo Hoàng, tính cách và sự lựa chọn của ngài.”

Đâu là những thời điểm khó khăn nhất của cha trong mười năm qua?

“Đó là vụ lạm dụng trẻ em, rất đau đớn, trong câu chuyện này tôi cảm thấy mình tham gia như một thành viên trong việc tìm kiếm sự hiện diện của tội lỗi và sự ác trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo Hội. Tôi đã cố gắng trải qua câu chuyện này như là một cách thế tiến về phía sự thật và sự minh bạch như ý muốn của Đức Giáo Hoàng Ratzinger. “

Cha đã là phát ngôn viên cho hai vị giáo hoàng khác nhau, Đức Thánh Cha Bênêđictô và Phanxicô. Cha có thể nói gì về Đức nguyên Giáo Hoàng?

“Tôi luôn luôn ngưỡng mộ chiều sâu trong tư tưởng và tầm nhìn siêu nhiên của ngài trước thực tại. Ngoài ra, tôi đã bị cuốn hút bởi tuyển tập gồm ba cuốn của ngài về Chúa Giêsu. Tôi đã cố gắng để đồng hành với ngài hết khả năng của tôi trong suốt những giây phút khó khăn của các cuộc khủng hoảng lạm dụng và các vụ Vatileaks “.

Có thật là cha rất kinh ngạc trước cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô?

“Vâng, tôi đã mất một giờ để hồi phục sau khi công bố! Tôi hoàn toàn không thể tin là một giáo sĩ dòng Tên, một người anh em của tôi, có thể được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Với ngài có sự hài hòa về tâm linh, tôi cảm nhận được thái độ của ngài như của một người trong gia đình. Có một sự hòa hợp tuyệt vời với đường lối của một Giáo Hội sống động bước ra, cố gắng hiểu được thánh ý của Thiên Chúa và đưa Tin Mừng vào thế giới trong tình liên đới đặc biệt với những ai bị đau khổ và những ai sống trong cảnh cơ bần.”

Xin cha nói thật là cha có bị toát mồ hôi hột trong những cuộc họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên máy bay?

“Không, không có đâu. Tôi có niềm tin vào trí thông minh của các nhà báo đang có mặt, những người biết làm thế nào để nắm bắt ý tưởng của Đức Giáo Hoàng. “

Mối quan hệ của cha với các nhà báo như thế nào?

“Đó là một mối quan hệ với những người thực sự, những người có một sự đa dạng trong thái độ, từ những người nhạy cảm nhất với Giáo Hội, đến những người xa lạ nhất hoặc thờ ơ nhất. Tôi đã cố gắng để thiết lập một mối quan hệ cởi mở, tôn trọng và phục vụ, luôn luôn tôn trọng các quyền tự do của mỗi người, mà không tìm kiếm cách để léo lái hay gây ảnh hưởng”

Có tự do báo chí ở Vatican không, thưa cha?

“Tôi chắc chắn là như vậy. Tôi tìm cách tạo ra những điều kiện để các phóng viên có thể làm tốt công việc của họ, và tự do, bằng cách cung cấp cho họ các dữ liệu và các văn bản, cùng với những lời giải thích các lý do đằng sau những quyết định cụ thể. Tôi đề xuất - nhưng không bao giờ ép buộc.”

Làm thế nào để cha đương đầu với những câu hỏi khó khăn nhất?

“Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ khó khăn nào để nhìn nhận rằng, vào những thời điểm nhất định nào đó, tôi không thể trả lời hoặc không biết lý do tại sao hay vì câu trả lời chưa được phép công bố hay chưa có câu trả lời. Nhiều lần tôi đã nói rất thẳng thắn: ‘Tôi không biết.’ hoặc “đây là thông tin mà tôi chưa được phép công bố’”