Theo tin của Hãng Associated Press, khi tới thủ đô Yerevan của Armenia vào ngày thứ sáu, 24 tháng Sáu, để khởi đầu chuyến tông du ba ngày nhằm đánh dấu thảm họa tàn sát dân tộc Armenia cách nay 100 năm bởi tay đế quốc Ottoman, Đức Giáo Hoàng đã lớn tiếng gọi cuộc tàn sát này, một lần nữa, là diệt chủng, một cuộc diệt chủng ý thức hệ bị bóp méo, có kế hoạch.

Hãng AP ghi nhận một chi tiết đáng lưu ý: trong bài diễn văn được nhiều người chăm chú theo dõi nhất trong chuyến tông du 3 ngày, Đức Phanxicô đã ứng khẩu nói ra chữ “diệt chủng” rất nặng mùi chính trị mà trong bản văn soạn sẵn vốn không có, xếp tội diệt chủng này cùng hàng với tội diệt chủng người Do Thái (Holocaust) và chủ nghĩa Staline.

Và thay vì chỉ nhắc lại điều ngài đã nói năm ngoái rằng cuộc tàn sát này "được coi như cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”, lần này Đức Phanxicô nói thẳng thừng đây là một cuộc diệt chủng, do đó đã dọn đường để Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa ngoại giao và gọi Đức Phanxicô là người đi gieo rắc dối trá như năm ngoái.

Ngài nhấn mạnh: “Đáng buồn, thảm kịch đó, cuộc diệt chủng đó, là thảm họa đầu tiên trong nhiều loạt thảm họa đáng trách của thế kỷ qua, một thảm kịch xẩy ra được là do các mục tiêu sắc tộc, ý thức hệ hay tôn giáo bị bóp méo; các mục tiêu này làm tối đen tâm trí những kẻ hành hình thậm chí đến độ lên kế hoạch cho cuộc tận diệt toàn thể một dân tộc.

"Càng đáng buồn là trong trường hợp này và trong cả hai trường hợp kia, các cường quốc quốc tế đã nhìn đi chỗ khác”. Ngài có ý nói tới hai nỗi kinh hoàng xẩy ra sau đó là chủ nghĩa Quốc Xã và chủ Nghĩa Staline.

Gần tới ngày có cuộc tông du, các giới chức của Tòa Thánh tránh dùng chữ “diệt chủng” sợ bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối vì các hệ luận chính trị và tài chánh do việc người Armenia có thể kiện đòi bồi thường.

Nhưng Đức Phanxicô, người chưa bao giờ ngại nói lên ý nghĩ riêng của ngài, đã thêm từ ngữ này vào phút chót trong bài diễn văn tại dinh tổng thống với Tổng Thống Serzh Sargsyan, các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo và ngoại giao đoàn.

Tất cả đã đứng lên vỗ tay vang dội. Trong diễn văn với Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống Sargsyan nói: “Người ta không thể không tin vào chiến thắng của công lý khi 100 năm sau… sứ điệp công lý đã được chuyền tới nhân loại từ trung tâm thế giới Công Giáo”.

Nhiều sử gia coi cuộc tàn sát khoảng 1.5 triệu người Armenia là một cuộc diệt chủng. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nhất định bác bỏ hạn từ này; họ nói rằng con số tử vong đã bị thổi phồng và người cả hai bên đều đã chết khi Đế Quốc Ottoman sụp đổ cuối Thế Chiến I.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói ằng Đức Phanxicô luôn luôn nói tới việc hòa giải, nên lời tuyên bố của ngài về diệt chủng phải được đọc trong ngữ cảnh thừa nhận sự kinh hoàng trong quá khứ rồi sau đó tiến tới tình bằng hữu và hòa giải. Cha Lombardi bác bỏ việc cho rằng các người viết diễn văn ngoại giao của Tòa Thánh đã cố tình bôi bỏ chữ diệt chủng, thực ra họ cố tình để chữ đó để tùy Đức Giáo Hoàng quyết định.

Trong một lãnh thổ đại đa số theo Chính Thống Giáo, nơi người Công Giáo chỉ là một thiểu số gần như vô nghĩa, người Armenia hết thẩy đều cảm thấy được vinh dự nghinh đón một vị giáo hoàng đã từ lâu vốn cổ vũ chính nghĩa Armenia, ngay từ thời còn là tổng giám mục của Buenos Aires và nay là nhà lãnh đạo của khối hơn 1 tỷ 2 trăm triệu người Công Giáo thế giới. Lời tuyên bố năm 2015 của ngài rằng cuộc tàn sát người Armenia năm 1915 là một cuộc diệt chủng đã niêm phong được cảm tình của họ đối với ngài.

Nazik Sargsyan, một cư dân Yerevan 42 tuổi, hôm thứ Sáu, khi Đức Phanxicô tới, cho hay: “Tôi bắt tay Đức Giáo Hoàng nhưng không có giờ hôn nó. Tôi tin chắc phúc lành của Thiên Chúa xuống với tôi qua cái bắt tay đó”.

Simon Samsonya, một cư dân khác, thì hô to: “Phúc thay giờ khắc khi bàn chân Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt lên mảnh đất chúng ta! Ngài chiếm được tình yêu của nhân dân Armenia với sứ điệp của ngài tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Phêrô đêm vọng kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng”.

Ngài sẽ còn một dịp nữa để tỏ lòng tôn kính các nạn nhân của cuộc diệt chủng khi ngài viếng Đài Tưởng Niệm họ vào Thứ Bẩy. Ngài sẽ kết thúc chuyến tông du vào Chúa Nhật với cuộc viếng thăm một đan viện tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đó, ngài sẽ thả một con bồ câu hoà bình về hướng Núi Ararat, vốn là nơi đậu lại của Chiếc Tầu Nôê sau Hồng Thủy và là địa điểm hành hương rất thánh thiêng đối với người Armenia.

Trái với nhận định của Cha Lombardi trên đây, John Allen cũng cho rằng bản văn soạn sẵn của Vatican không có chữ “diệt chủng”, chính Đức Phanxicô đã “đi ra ngoài bản văn soạn sẵn” và tự ý sử dụng chữ này, dù mới đây, khi nói tới tình hình của các Kitô hữu Iraq và Syria hiện nay, ngài bảo ngài thích dùng chữ “tử đạo” hơn là “diệt chủng”. Trong bản văn phát cho báo chí, quả các chữ [cuộc diệt chủng đó] được để trong móc đơn.

Dĩ nhiên, các vị nghinh đón ngài dùng chữ này thường xuyên hơn. Giáo Chủ Chính Thống Karekin II dùng nó tới 4 lần trong bài diễn văn nghinh đón ngắn ngủi của mình, trong khi Tổng Thống Sargsyan dùng nó 3 lần.