Theo chương trình đã được công bố, Đức Phanxicô sẽ tới thủ đô Yerevan của Armenia thứ Sáu này.

Nhân dịp này, Marco Valerio Solia đề cập tới lịch sử phong phú và nhiều đau khổ của Armenia với những chu kỳ vinh quang và thảm họa lần lượt tiếp nối nhau. Nằm giữa hai Lục Địa, trong một khu vực chiến lược của khối Âu Á, Armenia tự hào là một dân tộc có bản sắc cổ xưa hàng thiên niên kỷ, từng giao thoa và tương tác với các nền văn hóa chính của cả Đông lẫn Tây.

Biểu tượng Écmin

Có một yếu tố xem ra rất nhỏ nhưng lại biểu tượng nói lên rất nhiều về thân phận người Armenia. Ai cũng biết, thời Trung Cổ, da của một con thú nhỏ đã được đánh giá cao tại các triều đình, được dùng làm áo choàng cho vua chúa và các quan tòa, đó là da con écmin (ermine), đến nỗi “ermine” được dùng chỉ chức quan tòa như trong các thành ngữ “to rise to ermine” có nghĩa là bổ nhiệm làm quan tòa; “a dispute between silk and ermine” có nghĩa sự tranh cãi giữa luật sư và quan tòa. Nhưng điều đặc biệt, “ermine” còn có nghĩa là sự trong trắng.

Một phần có lẽ vì lông con thú này có mầu trắng nhưng nhất là vì một truyền thuyết rất phổ biến cho rằng con thú này chẳng thà trở thành thực phẩm cho các động vật khác ăn hơn là trú ẩn trong những chiếc lỗ ẩm thấp và dơ bẩn làm mất nét lộng lẫy của nó. Từ đó, écmin trở thành biểu tượng của phẩm giá và trong trắng và được dùng làm áo choàng cho các vị vọng tại các triều đình Âu Châu.

Nhưng điều trên có liên hệ gì với Armenia? Vì tên của nó phát xuất từ tiếng Latinh “armeninus” có nghĩa “phát xuất từ Armenia”. Phẩm giá và tự hào trong các thời điểm bi đát là những điều nhắc người ta nhớ tới thật nhiều mất mát vốn chấm phá lịch sử Armenia.

Diệt chủng

Trong những thời gần đây, người ta nhớ tới vụ diệt chủng do người Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hồi thế chiến I, chính xác là năm 1915, trong đó, khoảng 1 triệu rưỡi người Armenia đã bị tận diệt, kể cả phụ nữ và trẻ em. Kể từ đó, mọi cố gắng nhằm công nhận cuộc diệt chủng đã không thành công: vì cho tới nay, các nhà cầm quyền ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn bác bỏ cuộc diệt chủng và sẵn sàng trả đũa bất cứ quốc gia nào công khai tố cáo các biến cố thảm họa này.

Nhưng Quốc Hội Đức, ngày 2 tháng Sáu năm ngoái, đã có một lập trường mạnh mẽ về vấn đề này, khi họ thừa nhận cuộc diệt chủng người Armenia của đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thổ Nhĩ Kỳ lập tức trả đũa bằng cách triệu hồi đại sứ tại Đức. Hành động của Quốc Hội Đức phải được coi là can đảm vì giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức vốn có mối liên hệ gần gũi: đặc biệt dưới ánh sáng cuộc khủng hoảng tị nạn năm ngoái với nhiều thỏa ước giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.

Thực ra, hành động can đảm của Quốc Hội Đức đã được khích lệ rất nhiều bởi tuyên bố có tính lịch sử của Đức Phanxicô trước đó mấy tuần. Ngài công khai quả quyết rằng việc tàn sát người Armenia của người Thổ năm 1915 là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”. Để trả đũa, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu hồi đại sứ của họ khỏi Vatican!

Các khó khăn gần đây

Tuy nhiên, các mối liên hệ đầy khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ không phải chỉ là một mối thắt duy nhất đòi chính phủ Armenia phải tháo bỏ. Họ còn phải giải quyết nhiều cạm bẫy vốn phát sinh từ quá khứ và vị trí địa dư khó khăn của họ.

Trong bối cảnh trên, các liên hệ với Azerbaijan là đáng quan ngại hơn cả. Sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh với nước này năm 1994, liên hệ giữa Armenia và Azerbaijan chưa bao giờ bớt căng thẳng cả. Hiện nay, Armenia được Nga ủng hộ, trong khi Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ ủng hộ.

Tình thế trên ảnh hưởng tới đường dẫn hơi đốt từ Azerbaijan tới Âu Châu, giúp Âu Châu bớt lệ thuộc vào hơi đốt của Nga: đường này chạy qua Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania và cuối cùng tới Puglia (Ý), bỏ qua Armenia!

Được toàn dân Armenia kính mến

Đức Phanxicô tới Armenia trong tình huống như thế, không lạ gì người Armenia rất biết ơn ngài. Không phải riêng người Công Giáo, mà là mọi người dân Armenia. Dù sao, người Công Giáo chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm nhường.

Thực vậy, theo Văn Phòng Thống Kê Trung Ướng của Giáo Hội, Armenia chỉ có dưới 10% dân chúng theo Công Giáo mà thôi với 3 giám mục, 20 giáo xứ, 27 linh mục, 2 nam tu sĩ, 20 nữ tu sĩ và 69 chủng sinh. Diện tích nước này chỉ là 29,800 cây số vuông với tổng dân số 2,914,000 người trong đó có 280,000 người Công Giáo. Đại đa số thuộc Giáo Hội Tông Truyền Armenia trong truyền thống Chính Thống Giáo Đông Phương. Các cơ sở khác gồm: 20 bệnh xá, 1 bệnh viện, 5 nhà cho người già và khuyết tật và ba định chế khác.

Nhưng, nói với Cơ Quan Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Armenia, Raphael Minassian, quả quyết rằng: “Người Armenia chúng tôi, bất kể là Công Giáo hay Chính Thống Giáo đều yêu mến ngài. Dù gì, ngài cũng đã nhìn nhận cuộc diệt chủng dân tộc chúng tôi. Chúng tôi luôn nhớ đến ngài vì việc này”.

Ngài cho rằng “Đức Giáo Hoàng đã biểu lộ sư lãnh đạo tinh thần rất mạnh mẽ khi ngài gọi cuộc diệt chủng chống lại dân tộc chúng tôi cách nay 100 năm bằng chính tên của nó và thừa nhận nó là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20. Điều này cực kỳ quan trọng đối với người Armenia chúng tôi.

“Suốt 100 năm qua, chúng tôi đã cố gắng vận động để sự đau khổ của chúng tôi được nhìn nhận, nhưng không thành công. Chúng tôi chỉ nhận được những lời hứa rỗng tuếch của các quốc gia và chính khách. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng, không phải là một chính khách. Ngài là đấng đại diện của Chúa Kitô trên mặt đất, và ngài vốn quan tâm tới sự thật và nhân quyền”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh tới tầm quan trọng lớn lao của Armenia đối với thế giới Kitô Giáo. Ngài nói: “Armenia là nước đầu tiên trên mặt đất thừa nhận Kitô Giáo (là tôn giáo của quốc gia). Việc này đã diễn ra hơn 1700 năm trước. Ngày nay, dân tộc chúng tôi tiếp tục chịu ảnh hưởng của đức tin. Trong nhiều thế kỷ qua, chúng tôi đã cung cấp cho Kitô Giáo hàng triệu vị tử đạo. Tôi luôn nói rằng: Dân Do Thái chuẩn bị cho Chúa Kitô đến lần thứ nhất. Qua các vị tử đạo của mình, người Armenia chúng tôi đang chuẩn bị đường cho Chúa Kitô đến lần thứ hai. Chúng tôi làm chứng cho Chúa Kitô trước toàn thể thế giới”.

Một điều cũng được Đức Tổng Giám Mục Minassian nhấn mạnh là: các dị biệt giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo rất không đáng kể và mối liên hệ giữa các Giáo Hội này rất đáng kể. Ngài nói: “chúng tôi có cùng một đức tin, cử hành cùng các bí tích và có chung cùng một phụng vụ. Điểm khác biệt duy nhất chỉ là việc thừa nhận Đức Giáo Hoàng. Ngoài việc này, không có gì khác nhau cả.Và dù thế nào, người Armenia, bất kể là Chính Thống hay Công Giáo, đều cảm nhận họ là một dân tộc và là một Giáo Hội”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Minassian, tình hình Giáo Hội ở Armenia hoàn toàn khác với tình hình ở các nơi khác của Tây Âu. Ngài giải thích “Không hề có chủ nghĩa duy thế tục ở đây. Người Armenia là một dân tộc tôn giáo. Người dân có đức tin. Đây là phần cố định của đời sống. Và Giáo Hội của chúng tôi rất sinh động, dù giáo dân của chúng tôi không nhiều, Nhưng chúng tôi vẫn có nhiều dự án bác ái dành cho người nghèo, người cao niên và khuyết tật”.

Điện văn của Đức Phanxicô

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô tới Armenia không nhằm gì khác mà chỉ để nói với họ: “Đừng để các ký ức đau buồn chiếm hữu tâm hồn chúng ta, cho dù phải đương đầu với những cuộc tấn công liên tiếp của sự ác; chúng ta đừng thoái lui”.

Trên đây là nội dung bức điện văn ngài gửi cho nhân dân Armenia trước khi ngài đặt chân lên thủ đô Yerevan hôm thứ Sáu. Trong điện văn này, ngài cho hay: “Nhờ ơn Thiên Chúa, tôi đến với các bạn để thực hiện, như huy hiệu của cuộc tông du cho biết, ‘cuộc viếng thăm quốc gia Kitô Giáo đầu tiên’. Tôi đến như môt khách hành hương, trong Năm Thánh Thương Xót này, để rút tỉa từ túi khôn cổ xưa của dân tộc các bạn và để uống thỏa thuê từ các nguồn suối đức tin của các bạn, những suối nguồn vững vàng như các cây thánh giá nổi tiếng được khắc vào đá của các bạn.

"Tôi đến các đỉnh cảo thần nghiệm của Armenia như một người anh em của các bạn, được linh ứng bởi ước nguyện nhìn thấy gương mặt các bạn, cùng nhau cầu nguyện với các bạn và chia sẻ hồng ơn bằng hữu. Lịch sử của các bạn và các biến cố của dân tộc các bạn khiến tôi vừa thán phục vừa buồn sầu: thán phục vì các bạn đã tìm thấy nơi thập giá Chúa Kitô và nơi thiên tài của các bạn sức mạnh để luôn luôn đứng dậy, ngay từ những đau khổ được coi là khủng khiếp nhất mà nhân loại có thể nhớ được; buồn sầu vì các thảm kịch mà cha ông các bạn từng phải sống trong thân xác họ. Đừng để các ký ức đau buồn chiếm hữu tâm hồn chúng ta, cho dù phải đương đầu với những cuộc tấn công liên tiếp của sự ác; chúng ta đừng thoái lui. Đúng hơn, chúng ta hãy như Nôê, người, sau hồng thủy, không mệt mỏi nhìn lên bầu trời và thả bồ câu nhiều lần cho tới khi nó trở lại với ông mang theo nhành ôliu mịn màng (St 8:11): đấy là dấu hiệu cho thấy sự sống có thể tiếp diễn trở lại và hy vọng lại sẽ vươn lên.

“Tôi muốn đến với các bạn như một người phục dịch Tin Mừng và như sứ giả hoà bình để hỗ trợ mọi cố gắng của các bạn trên đường hòa bình và chia sẻ các bước tiến của chúng ta trên đường hòa giải, vốn phát sinh hy vọng.

“Ước mong các vị thánh của dân tộc các bạn, nhất là Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh Grêgôriô thành Narek, chúc lành cho các cuộc gặp gỡ của chúng ta, những cuộc gặp gỡ tôi hết sức nóng lòng mong mỏi. Đặc biệt, tôi mong được ôm hôn một lần nữa người anh em Karekin của tôi và, cùng với ngài, đem lại một thúc đẩy mới cho con đường hợp nhất trọn vẹn của chúng ta. Năm ngoái, các bạn tới Rôma từ nhiều quốc gia khác nhau, và chúng ta đã cầu nguyện với nhau tại Mộ Thánh Phêrô. Nay tôi đến lãnh thổ được chúc phúc của các bạn để tăng cường sự hiệp thông của chúng ta, để tiến bước trên con đường hòa giải và để chúng ta được niềm hy vọng sinh động hóa.

“Cám ơn các bạn và hẹn gặp các bạn nay mai! Tsdesutiun! [gặp nhau nay mai]