Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các Giám mục Hoa kỳ lên án hành động thảm sát tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida, miền Nam nước Mỹ, giết hại ít nhất 50 người và làm bị thương 53 người khác.
Trong Thánh lễ sáng Chúa nhât ngày 12/6 vừa qua, Đức Cha John Noonan của Orlando đã đưa ra thông cáo, trong đó ngài nói: “Một lưỡi gươm đã đâm vào con tim của thành phố chúng ta”. Ngài cầu nguyện xin lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên mọi người trong thời điểm khó khăn này. Ngài cũng kêu gọi mọi người chạy đến với Chúa Giê-su, thầy thuốc vĩ đại, Đấng an ủi và đưa chúng ta qua những đau khổ bằng sự thương xót và hiền dịu của Ngài. Chúa Giê-su chữa lành không chỉ vết thương trên thân xác nhưng mọi cấp độ của nhân tính: thể lý, tình cảm, xã hội, và tinh thần. Ngài kêu gọi chúng ta kiên trì trong việc bảo vệ sự sống và quyền con người và không ngừng cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Các Linh mục, phó tế và các người cố vấn của giáo phận và các tổ chức bác ái Công Giáo đang phục vụ ở trung tâm trợ giúp. Họ giúp các bịnh nhân và gia đình của họ. Họ đem tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho những ai đang đối diện với nỗi đau không thể tưởng tượng. Các giáo xứ và các tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực kinh hoàng và tất cả những ai bị tổn thương từ hành động chống lại tình yêu của Thien Chúa. Đức Cha Noonan cũng loan báo buổi canh thức lau khô nước mắt vào 7 giờ chiều thứ 2, 13/6 ở nhà thờ chánh tòa thánh Gia-cô-bê.
Đức Tổng giám mục Joseph Kurtz chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói: “Thức giấc với tin tức về bạo lực không thể diễn tả được ở Orlando nhắc nhở chúng ta rằng sự sống của chúng ta thì quý giá biết bao”. Đức Tổng giám mục cũng dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và kêu gọi sự liên đới với những đau khổ và giải pháp tốt hơn để bảo vệ sự sống và phẩm giá của mỗi người.
Đức tổng Giám mục Blase J. Cupich của Chicago cũng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình. Ngài cám ơn những người không sợ nguy hiểm đến bản thân đã cứu giúp các nạn nhân một cách anh hùng, nhắc nhở sự dũng cảm và cảm thông ngay cả khi đối mặt những nguy hiểm và tàn ác. Đối lại với sự tàn ác, chúng ta được gọi gieo trồng yêu thương; đáp lại bạo lực chúng ta gieo trồng hòa bình và với bất bao dung chúng ta mang lại bao dung tha thứ. Tổng giáo phận Chicago bên cạnh các nạn nhân và gia đình và khẳng định lại dấn thân, với Đức Thánh Cha Phanxicô, nguyên nhân của những thảm kịch như thế là việc dễ dàng có các vũ khí. Chúng ta không còn có thể đứng im và không làm gì.
2. Tượng Chúa chịu nạn ở Santiago bị một số sinh viên phá hủy
Hôm 9 tháng 6 các học sinh và sinh viên của trường trung học và đại học ở thủ đô Chilê đã biểu tình yêu cầu những thay đổi trong luật hiện hành về giáo dục công ở nước này. Cuộc biểu tình do Liên hiệp sinh viên Chilê tổ chức với sự tham dự của khoảng 150 ngàn sinh viên. Vào cuối cuộc tuần hành ôn hòa, một nhóm thanh niên bịt mặt đã xông vào nhà thờ Gratitud Nacional ở trung tâm thủ đô Santiago; họ đã phá cửa và mang tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh ra – cao khoảng 3 mét – và đập vỡ tượng trên con đường chính của thành phố.
Điều phối viên quốc gia của Liên hiệp sinh viên quốc gia đã lên án hành động phạm thánh này. Theo tin gửi đến hãng tin Fides, điều phối viên nói: sự việc này không phải là đại diện cho lập trường của phong trào sinh viên. Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ mới được chọn đã tuyên bố trong ngày đầu làm việc của mình: “Tôi muốn nhân danh chính quyền lên án những hành động như thế, bất kể đó là nơi thờ phượng của tôn giáo nào, trong trường hợp này là của Giáo Hội Công Giáo. Những gì chúng ta thấy là một triệu chứng rất đáng lo ngại về những gì một số người đến để làm ở đất nước chúng ta”.
Đức Cha Luis Fernando Ramos Pérez., Giám mục Phụ tá của Santiago bày tỏ: “Đây là một tình trạng rất đau lòng đối với chúng tôi. Một ảnh tượng tôn giáo có giá trị rất lớn đối với chúng tôi đã bị phá hủy và chúng tôi không muốn điều này sẽ xảy ra ở đất nước chúng ta”
3. Giáo Hội tại Thánh Địa lo âu trước nạn người trẻ Palestine nghiện ma tuý
Linh mục Raed Abusahliah, giám đốc Caritas Giêrusalem, bầy tỏ lo âu trước hiện tượng số người trẻ Palestine nghiện ma tuý gia tăng.
Cha cho biết càng ngày càng có nhiều người trẻ Palestine nghiện ma tuý. Và các vùng trồng và sản xuất ma tuý, kể cả loại hóa học nằm trong các vùng đất do người Israel kiểm soát, vì thế cảnh sát Palestine không thể vào được. Cha cho biết cách đây ít ngày Giáo Hội đã tổ chức một cuộc hội thảo tại đại học Bếtlêhem, có sự tham dự của nhiều chuyên viên phân tích, giới trí thức, đại diện các lực lượng an ninh và các cơ cấu chính trị Palestine. Bối cảnh được trình bầy rất tiêu cực và gây âu lo, vì thị trường buôn bán ma tuý lan tràn, và đang biến nhiều người trẻ Palestin trở thành những tay nghiện ngập. Trong vài trường hợp đã có người phải bán tài sản của gia đình để có tiền mua ma tuý.
Từ năm 1999 Caritas Giêrusalem đã hoạt động mạnh trong vùng Đông thành phố qua trung tâm lắng nghe để giúp phòng ngừa và chống lại tệ nạn người trẻ Palestine nghiện ma tuý, cũng như giúp phục hồi người nghiện với sự trợ giúp của gia đình họ. Trong các năm qua cùng với Học viện quân sự Istqal Giêricô đại học Bếtlêhem đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên viên xã hội và y tế cũng nhu tâm lý gia và y tá, có khả năng hoạt động giúp phòng ngừa và chống lại nạn nghiện ngập ma tuý. Cha Abusahliah cho biết năm nay học viện đã cấp bằng cho 22 chuyên viên được Bộ giáo dục Palestine thừa nhận
4. Một vị Tổng Giám Mục Canada kêu gọi bảo vệ quyền lương tâm của các bác sĩ
Ngay khi “trợ tử y khoa” trở thành hợp pháp tại Canada sau một phán quyết của Tối cao pháp viện, Đức Tổng Giám Mục Terrence Prendergast đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ pháp lý cho các bác sĩ không muốn tham gia vào việc thực hiện công việc này.
Đức Cha viết trên tờ Ottawa Sun: “Không có nhân quyền cho việc an tử hoặc trợ tử. Chúng ta có quyền sống và được chăm sóc y tế, không phải là quyền chết hoặc quyền buộc một người nào đó giết chúng ta”.
Đức Giám Mục viết thiêm: “Chúng ta có muốn bắt buộc về mặt pháp lý để các bác sĩ và các nhân viên y tế khác phải thực hiện ngay điều vô nhân đạo này, không phải để ủng hộ sự sống mà là kết thúc sự sống hay không? Chúng ta có muốn các bác sĩ bị cưỡng bách vi phạm lương tâm của họ hoặc bị tước giấy phép? Đó là điều mà đất nước chúng ta đang hướng đến, là hậu quả bi thảm đang chờ đợi tất cả chúng ta”.
5. Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Chương trình lương thực thế giới
Trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-6 tại trụ sở tổ chức Chương trình Lương thực thế giới, Đức Thánh Cha kêu gọi bài trừ quan niệm coi nạn đói là chuyện “thường tình, tự nhiên”.
Chương trình Lương thực thế giới (PAM, Wfp) là cơ quan từ thiện lớn nhất của LHQ dấn thân chống nạn đói trên thế giới. Cơ quan này được thành lập năm 1962 và hiện có 11 ngàn nhân viên hoạt động, phần lớn tại những vùng có nạn đói hoặc nạn suy dinh dưỡng. Trong năm 2014, Chương trình PAM đã trợ giúp lương thưc cho 80 triệu người tại 82 quốc gia trên thế giới.
Khi đến trụ sở lúc 9 giờ 20 phút, Đức Thánh Cha đã được Bà Ertharin Cousin, giám đốc điều hành, Đức Ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại cơ quan này, và bà Stephanie Hochstetter Skinner-Klée tiếp đón tại khuôn viên, và hướng dẫn vào bên trong. Hai em bé đã trao hai giỏ hoa cho Đức Thánh Cha rồi đặt trước bức tường tưởng niệm có ghi tên hàng trăm nhân viên của Chương trình lương thưc thế giới đã tự nạn trong khi thi hành sứ mạng. Đức Thánh Cha đã đến gần bức tường này và mặc niệm trong thinh lặng.
Sau khi chào thăm các quan chức cấp cao khác của tổ chức PAM, Đức Thánh Cha đã hội kiến riêng với 3 vị lãnh đạo củq tổ chức này, rồi chào thăm các vị quốc trưởng cũng như các bộ trưởng đến tham dự phiên họp khai mạc của Hội đồng chấp hành tổ chức PAM.
Khi Đức Thánh Cha tiến vào thính đường, mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay chào mừng. Rồi hai bà chủ tịch và giám đốc điều hành tổ chức PAM đã lần lượt chào Đức Thánh Cha.
Trong diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha nhân dịp này, ngài đặc biệt kêu gọi mọi người đừng coi lầm than là chuyện bình thường, để rồi không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác; ngoài ra cần giải trừ sự “bàn giấy hóa nạn đói”, cụ thể là nạn buôn bán võ khí, chiến tranh và xung đột võ trang cản trở các nỗ lực bài trừ nạn đói. Đức Thánh Cha nói:
“Trong thế giới được liên kết với nhau và siêu thông tin như chúng ta đang sống, những khoảng cách địa lý dường như được thu ngắn lại. Chúng ta có thể có những tiếp xúc hoặc chứng kiến hầu như đồng thời với những gì đang xảy ra ở nơi khác trên trái đất.. Nhưng có một điều nghịch lý là dường như sự gần gũi do thông tin tạo nên như thế ngày càng bị thu hẹp lại. Thông tin thái quá mà chúng ta có được dần dần tạo nên sự bình thường hóa lầm than. Nghĩa là dần dần chúng ta không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác và coi chúng như những điều “tự nhiên”, bình thường. Vì thế bao nhiêu hình ảnh được truyền tới chúng ta và chúng ta nhìn thấy đau khổ, nhưng chúng chẳng đánh động chúng ta nữa, chúng ta nghe thấy tiếng khóc, nhưng chúng ta không an ủi, chúng ta thấy đói khát, nhưng chúng ta không đáp ứng nó...
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Cần chấm dứt tình trạng coi lầm than như điều bình thường, tự nhiên, và ngưng coi nó như một sự kiện của thực tại như bao nhiêu điều khác, bởi vì lầm than có một khuôn mặt. Nó có khuôn mặt của một trẻ thơ, một gia đình, người trẻ và người già. Nó có khuôn mặt của sự thiếu cơ may và công ăn việc làm của bao nhiêu người, khuôn mặt của những vụ cưỡng bách di cư, những căn nhà bị bỏ rơi hoặc bị phá hủy. Chúng ta không thể coi nạn đói của bao nhiêu người là điều tự nhiên, không được nói rằng tình trạng của họ là kết quả của một định mệnh mù quáng, mà chúng ta không thể làm gì được. Khi lầm than không còn có một khuôn mặt nữa, thì chúng ta có thể rơi vào cám dỗ bắt đầu nói và thảo luận về nạn đói, về sự dinh dưỡng, bạo lực, và bỏ quan một bên chủ thể cụ thể, thự tế, đang gõ cửa nhà chúng ta..
Cũng trong chiều hướng ấy, Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở Lương nông quốc tế, FAO, ngày 20-11-2014, trong dịp đó ngài khẳng định rằng thế giới có đủ lương thực cho mọi người, tất cả mọi người, “nhưng không phải tất cả đều có thể được ăn, trong khi nạn phí phạm, loại bỏ, tiêu thụ lương thực thái quá hay dùng lương thực vào những mục tiêu khác đang xảy ra trước mặt chúng ta”. Ngài áp dụng vào cuộc viếng thăm này và khẳng định rằng:
“Chúng ta hãy ý thức rõ: sự thiếu lương thực không phải là một cái gì tự nhiên, không phải là một sự kiện hiển nhiên. Ngày nay, giữa thế kỷ 21, nhiều người vẫn còn đau khổ vì thiếu lương thực, và tai ương ấy là do sự phân phối các tài nguyên một cách ích kỷ và sai trái, biến thực phẩm thành hàng hóa. Đất đai bị ngược đãi và bóc lột tại nhiều nơi trên thế giới, tiếp tục mang mang lại chúng ta hoa mầu, tiếp tục cung cấp cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất; những khuôn mặt của những người đói nhắc nhớ cho chúng ta rằng chúng ta đã đảo lộn những mục tiêu của trái đất. Một món quà, có mục đích mưu ích cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta lại biến nó thành một đặc ân của một ít người.
“Trào lưu duy tiêu thụ tràn lan trong các xã hội chúng ta, làm cho chúng ta quen với sự thừa thãi và hằng ngày phung phí lương thực, lương thực mà nhiều khi chúng ta không có khả năng mang lại cho nó giá trị đúng đắn, vượt lên trên những tiêu chuẩn kinh tế.. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng phí phạm lương thực là điều giống như ăn trộm từ bàn ăn của người nghèo, của người đói. Điều này đòi chúng ta phải suy tư về vấn đề thất thoát và phí phạm lương thực, để tìm ra những phương thế nghiêm túc đối phó với vấn đề, để thực thi tình liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu nhất”.
Tiếp tục diễn văn, Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề bàn giấy hóa. Ngài nói: “Có những hành động như thể bị kẹt, bị chặn đứng. Tình trạng bấp bênh của thế giới như chúng ta đang sống là điều mọi người đều biết. Trong thời gian gần đây chiến tranh và những hiểm họa xung đột trở thành những quan tâm chính của chúng ta và được thảo luận nhiều. Vì thế, đứng trước bao cuộc xung đột hiện nay, dường như võ khí đã đạt tới mức độ ưu tiên khác thường, đến độ chúng loại bỏ những cách thức khác để giải quyết các tranh chấp. Tình trạng ấy ăn rễ sâu và được người ta chấp nhận đến độ nó cản trở việc phân phối lương thực tại những vùng chiến tranh, thậm chí đi tới sự vi phạm những nguyên tắc và qui luật cơ bản nhất của công pháp quốc tế hiện hành từ nhiều thế kỷ.
“Do đó chúng ta đứng trước một hiện tượng lạ thường và mâu thuẫn: trong khi những viện trợ và kế hoạch phát triển bị cản trở vì những quyết định chính trị phức tạp và khó hiểu, hoặc vì những quan điểm ý thức hệ thiên lệch hoặc vì những hàng rào quan thuế không thể vượt qua được, thì võ khí lại không hề bị cản trở; nó xuất phát từ đâu, đó chẳng phải là điều quan trọng, võ khí tự do lưu hành, hầu như một cách tuyệt đối trong nhiều vùng trên thế giới. Do đó chính chiến tranh được nuôi dưỡng, chứ không phải con người. Trong một số trường hợp, chính nạn đói được sử dụng như một võ khí chiến tranh. Và các nạn nhân gia tăng, vì số người chết đói và kiệt lực thêm vào số những chiến binh bị chết trên chiến trường và nhiều thường dân bị giết trong các cuộc xung đột và khủng bố. Chúng ta ý thức rõ điều đó, nhưng chúng ta để cho lương tâm mình bị tê liệt, và chúng ta không còn để lương tâm mình được nhạy cảm nữa. Qua đó, võ lực trở thanh phương thế hành động duy nhất của chúng ta, và mục tiêu cần ưu tiên đạt tới là quyền lực. Dân chúng yếu đuối nhất không những đau khổ vì chiến tranh, nhưng đồng thời họ thấy mọi sự viện trợ bị cản trở. Vì thế, điều cấp thiết là phải giải trừ thứ bệnh bàn giấy cản trở các kế hoạch viện trợ nhân đạo, không cho các kế hoạch này đạt tới mục đích. Trong lãnh vực này, chúng ta có một vai trò cơ bản, vì chúng ta cần những vị anh hùng thực sự, có khả năng mở ra những con đường, kiến tạo những nhịp cầu, tạo điều kiện dễ dàng cho những hoạt động đặt nặng tầm quan trọng khuôn mặt của người đau khổ. Những sáng kiến của cộng đồng quốc tế cũng phải hướng về mục tiêu ấy.
Trong phần kết của bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói đến sự sẵn sàng đóng góp của Giáo Hội Công Giáo vào những sáng kiến nhắm cứu vãn phẩm giá con người, nhất là những người bị chà đạp các quyền của mình. “Tôi cam đoan với quí vị sự hỗ trợ hoàn toàn và sự nâng đỡ trọn vẹn của chúng tôi để tạo điều kiện dễ dàng cho mọi cố gắng đã bắt đầu”.
Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha bước ra khỏi hội trường để chào thăm một nhân viên của Chương trình lương thực thế giới bị thương trong khi thi hành sứ mạng, rồi ngài tiến ra ngoài khuôn viên của tổ chức PAM để chào thăm tất cả các nhân viên và gia đình những người đang phục vụ tại trụ sở này.
6. 50% trẻ em nhiễm HIV/AIDS chết trước sinh nhật lần thứ 2
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Đại sứ Tòa Thánh và là Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu trước Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS hôm thứ Sáu 10/06.
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza lưu ý rằng có đến năm mươi phần trăm trẻ em nhiễm HIV chết trước sinh nhật lần thứ hai của chúng, vì chúng không tiếp cận được chẩn đoán, điều trị và thuốc men cần thiết. Thực vậy, đa số trẻ nhiễm HIV không được chẩn đoán cho đến khi bốn tuổi. Mới đây, Tòa Thánh đã nêu lên những quan ngại này bằng cách triệu tập cuộc họp tại Vatican với giám đốc điều hành của các công ty dược phẩm nhằm đáp ứng kịp thời và giá cả phải chăng hơn để giải quyết bi kịch này.
7. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chấm dứt vấn nạn nô lệ trẻ em
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi chân thành đến tất cả những người thiện chí nhằm tham gia vào các nỗ lực loại bỏ các nguyên nhân gây ra vấn nạn nô lệ hiện đại.
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, một lần nữa Đức Thánh Cha nêu bật một số ưu tiên của thế giới ngày nay và đề cập cụ thể đến Ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em được kỷ niệm hôm Chúa Nhật 12/6/2016.
“Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tham gia vào việc đổi mới các nỗ lực để loại bỏ các nguyên nhân của vấn nạn nô lệ hiện đại này, vốn lấy đi một số quyền cơ bản của hàng triệu trẻ em và đặt chúng vào những nguy hiểm nghiêm trọng. Có rất nhiều nô lệ trẻ em trong thế giới hôm nay!”
Được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trọng tâm của Ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em năm nay là lao động trẻ em và các chuỗi cung ứng.
ILO đã chỉ ra rằng với 168 triệu trẻ em vẫn đang lao động và tất cả các chuỗi cung ứng, từ nông nghiệp đến sản xuất, dịch vụ đến xây dựng, tạo nên nguy cơ lao động trẻ em có thể hiện diện. ILO kêu gọi các doanh nghiệp và người sử dụng lao động phải hành động ngay để ngăn chặn lao động trẻ em như đã được khẳng định bởi Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
8. 40 hoạt động thiết thực của tu sĩ Ấn Độ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Cha Joe Mannath, Dòng Salesian Don Bosco, Thư ký Quốc gia “Hội đồng các Tu sĩ Ấn Độ”, vốn hiệp nhất với các tu hội và dòng tu ở Ấn Độ cho hay: “Năm Thánh Lòng Thương Xót là điều gì đó thực tế, nó không chỉ đơn giản chỉ là chúng ta nói một lời cầu nguyện hoặc tham dự một hội nghị. Chúng ta có thể đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô bẳng cách quảng đại đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, có lợi cho người nghèo và người đau khổ”.
Cha Mannath nhận xét rằng: “Nhu cầu thật là cấp bách, khả năng thì to lớn, và các tu sĩ chúng tôi có vị thế tốt hơn hầu hết mọi người: những đóng góp của chúng tôi có thể tạo nên sự khác biệt”. Đây là lý do tại sao Hội đồng các Tu sĩ Ấn Độ đề xuất một kế hoạch hành động cho tất cả các hội dòng, trong đó đưa ra hơn 40 cam kết thực tiễn để thực hiện trong Năm Thánh này và tiếp tục thực hiện khi Năm Thánh đặc biệc về Lòng thương xót này kết thúc. Cha Mannath cho biết: “Có 40 kế hoạch hành động để lựa chọn: chúng ta đang ở tháng Sáu và nửa năm đã trôi qua. Đề nghị này cũng có thể là một thời điểm tốt để kiểm tra những gì đích thân chúng ta đang thực hiện, như là các cộng đoàn tu sĩ, như là các tỉnh dòng và các dòng tu”.
Các hoạt động được đề xuất khuyến khích các công việc có thể được thực hiện cho chỉ trên bình cá nhân, mà còn trên bình diện cộng đồng: thúc đẩy các cử chỉ tha thứ và hòa giải; hiến máu hoặc hiến xác; thăm viếng và chăm sóc bệnh nhân, người già và các tù nhân một cách thường xuyên; đối xử với công nhân và người lao động tham gia vào các nhà tu bằng sự tôn trọng và công bằng; chăm sóc trẻ em đường phố và người nghiện ma túy; tham gia vào công tác giáo dục, giáo lý và giúp đỡ học sinh các gia đình nghèo.
9. Tòa Thượng phụ Công Giáo Canđê mời gọi các Kitô hữu Iraq ăn chay cùng người Hồi giáo để cầu nguyện cho hòa bình
Khi Iraq tiếp tục bị bom đạn và các cuộc xung đột vũ trang phá hủy, Giáo Hội Công Giáo Canđê mời gọi các Kitô hữu hãy ăn chay vào thứ Sáu ngày 17 tháng 6 năm 2016.
Trong một thông cáo báo chí, Tòa Thượng phụ Công Giáo Canđê kêu gọi: “Trong tình liên đới với những người Hồi giáo trong tháng chay Ramadan này, chúng ta sẽ cùng nhau ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình và ổn định trong nước và trong khu vực”.
Tuyên bố của Tòa Thượng phụ cũng nhận xét rằng trước những thảm kịch và thảm họa nhân đạo gây ra bởi chiến thắng quân sự của Nhà nước Hồi giáo, Giáo Hội tại Iraq đang đóng vai trò nhân đạo, trên bình diện quốc gia và cả về mặt tinh thần, trong việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng của xung độg, không trừ một ai, qua việc phân phát các giỏ thức ăn cho người tị nạn nhiều lần trong nhiều trại tị nạn; cung cấp các loại thuốc cho các phòng khám; tổ chức bữa ăn tối “Iftar” (xả chay) cho những người Hồi giáo; tiếp nhận các sinh viên đại học; cũng như Caritas Iraq không ngừng cung cấp những thứ kể trên.
Với tinh thần tương tự Đức Thượng phụ Công Giáo Canđê, các Giám mục phụ tá cùng các cộng sự cũng đã quyết định ăn chay trong ngày đặc biệt này, cùng với những người Hồi giáo, và cầu nguyện như thường lệ cho hòa bình ở Iraq, Syria và trên khắp khu vực.